Biến cố 30/04/1975 – như cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng nói với BBC – là một sự kiện mà khi nhắc đến có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn.
Triệu người buồn vì ngày ‘miền Nam giải phóng’ hay sau khi ‘đất nước thống nhất’ cũng là lúc họ phải bỏ nước ra đi hoặc bị bắt bớ, tù giam, phải đi cải tạo, mất tài sản hay chịu những thua thiệt, ngược đãi khác.
Giáo hội Công giáo cũng phải đối diện với khá nhiều mất mát, giới hạn sau ngày 30/04/1975.
Giám mục bị giam
Một ví dụ điển hình cho những mất mát, đau thương ấy là trường hợp Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Sáu ngày trước sự kiện 30/04/1975, Đức cha Nguyễn Văn Thuận – lúc đó là Giám mục Giáo phận Nha Trang – được Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị.
Ngày 08/05/1975, ngài rời Nha Trang vào Sài Gòn để nhận nhiệm sở mới. Nhưng Sài Gòn vừa mới được ‘giải phóng’ không còn dễ dàng, đơn giản như trước. Vì vậy, thay vì được tự do, trọn vẹn thi hành sứ vụ mới của mình tại đây, ngài buộc phải trải qua 13 năm gian khổ, cùng cực tại nhiều trại tù khác nhau ở Việt Nam.
Bị bắt ngày 15/08/1975, ngài bị giải về lại Nha Trang và bị quản thúc tại Cây Vông, Diên Khánh, Khánh Hòa. Sau đó, ngài bị đưa vào giam ở Phú Khánh, Nha Trang rồi Thủ Đức.
Ngày 01/12/1976, cùng với nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, ngài bị đưa ra miền Bắc và những năm sau đó bị tù giam tại nhiều nhà lao khác nhau, trong đó có chín năm biệt lập – dù không một bản án, không một lần xét xử.
Có thể nói, dù chỉ là một người tu hành, ngài cũng phải chịu cảnh tù giam cơ cực, đau khổ như bao sỹ quan, quan chức của chế độ cũ khác sau biến cố 30/04.
Nếu nỗi đau lớn nhất của những sỹ quan, quan chức của Việt Nam Cộng hòa là phải sống xa gia đình, người thân, điều khiến ngài đau khổ nhất là không được gần con chiên, không được thi hành sứ vụ của mình.
Nhưng là một mục tử luôn sống tâm tình phó thác, tin tưởng, ngài đã đón nhận tất cả, cố gắng sống trọn vẹn ‘giây phút hiện tại’ và luôn lạc quan, hy vọng dù đó là những lúc cô đơn, đau khổ, cùng cực nhất.
‘Đường Hy Vọng’ – một trong những cuốn sách góp nhặt lại những suy nghĩ, cảm nghiệm của ngài về cuộc sống nói chung và đời sống đức tin nói riêng và nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau – được viết trong những năm tháng lao tù cùng cực ấy.
Vì cảm nghiệm và sống tâm tình đó ngài đã vượt qua được những năm tháng tù giam cơ cực, đen tối, cảm hóa được bao người ngài tiếp xúc và đặc biệt không trách móc, oán hận ai dù bị ngược đãi.
Đức cha Nguyễn Văn Thuận được thả ngày 23/11/1988 và ba năm sau đó sang Rôma chữa bệnh. Vì không phép trở lại Việt Nam, ngài buộc phải ở lại Ý.
Nhưng nếu ở Việt Nam ngài bị chính quyền Cộng sản khinh thường, tìm cách cô lập, loại bỏ thì tại Rôma ngài được Tòa Thánh quý mến, trọng dụng, tôn vinh.
Năm 1994, ngài được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình và bốn năm sau đó được chọn làm Chủ tịch Hội đồng này. Năm 2001, ngài được thăng lên bậc Hồng y. Chỉ ít năm sau khi ngài qua đời, Giáo hội đã chính thức mở án phong Chân phước cho ngài.
Tài sản bị mất
Cũng như Giáo hội Công giáo tại miền Bắc sau 1954, người Công giáo ở miền Nam sau 1975, phải đối diện với vô số khó khăn và chịu nhiều mất mát về tinh thần, vật chất.
Nhiều sinh hoạt, hoạt động của Giáo hội – từ những sinh hoạt đức tin, tu trì thuần túy đến các hoạt động về giáo dục, y tế, bác ái – bị giới hạn, cấm đoán.
Rất nhiều cơ sở của Giáo hội – như trường học, bệnh viện, trung tâm bác ái – bị tịch thu.
Vào năm 2009, khi đánh giá tình hình Giáo hội tại Việt Nam, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, khi ấy là Tổng Giám mục Sài Gòn, nhận định rằng việc thay đổi chính trị tại Việt Nam vào năm 1975 đã ‘làm tan rã khung nếp văn hoá xã hội kinh tế chính trị cũ, lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo hội’.
Theo ngài, vì biến cố đó và với hơn 10 năm Đất nước đóng cửa, mối liên hệ giữa người Công giáo Việt Nam với thế giới bên ngoài và mối hiệp thông với Giáo hội toàn cầu hầu như bị cắt đứt.
Riêng Tổng Giáo phận Sài Gòn phải đổi tên thành Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều tổn thất lớn. Cụ thể, về nhân sự: số linh mục đã giảm từ 414 xuống 226, số giáo dân từ 516.000 xuống 387.184. Về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, Tổng Giáo phận đã mất gần 400 cơ sở.
Vì vậy, Giáo hội không còn trường học để dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ; không còn bệnh viện để chữa trị, chăm sóc bệnh nhân; không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo, những tổ chức, hoạt động bác ái xã hội để giúp người nghèo, cô thế, thiếu may mắn.
Nhưng những giới hạn, mất mát ấy không làm giảm niềm tin nơi người Công giáo. Bị loại khỏi đời sống xã hội, họ cố gắng sống niềm tin ngay tại giáo xứ, dòng tu hay trong môi trường mới của mình.
Và như Đức Hồng y Mẫn nhận định chính sự khiêm tốn sống niềm tin ấy đã dần dần đổi thay lối nhìn của nhiều người trong xã hội về Giáo hội.
Vẫn bị giới hạn
Trước sự cởi mở của chính quyền Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1980, cũng như những người dân Việt Nam khác, người Công giáo Việt Nam được tự do, thoải mái, dễ dàng hơn trong sinh hoạt, hoạt động của mình.
Chẳng hạn, các các chủng viện bị đóng cửa sau 1975 – như chủng viện Sao Biển, ở Nha trang hay Xuân Lộc – được mở cửa trở lại để đào tạo linh mục. Các giáo xứ cũng được phép sửa chữa hay xây dựng các cơ sở thờ phượng.
Nhưng đến giờ, dù quan hệ giữa chính quyền Việt Nam và Giáo hội Công giáo đã được cải thiện nhiều và bốn vị lãnh đạo cao nhất – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội – của Việt Nam đã được Đức Giáo hoàng Benedict và sau đó Đức Giáo hoàng Francis tiếp đón, người Công giáo Việt Nam ít nhiều vẫn bị phân biệt đối xử. Quyền lợi cũng như đóng góp của họ vẫn chưa được ghi nhận, tôn trọng đúng mức.
Chẳng hạn, một số cơ sở của Giáo hội – như Giáo hoàng Học viện tại Đà Lạt, nơi đến nay đã có tới 10 Giám mục Việt Nam từng theo học – vẫn chưa được trả lại cho Giáo hội.
Giáo Hội vẫn chưa có chỗ đứng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội – đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo. Đây là những nơi mà Giáo hội luôn được mời gọi dấn thân phục vụ và cũng là những lĩnh vực mà Giáo hội có nhiều tiềm năng, thế mạnh và Việt Nam đang có nhiều bất cập.
Trong bản ‘Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay’ năm 2012, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nêu ra một số vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam – trong đó những bất cập về giáo dục, y tế. Bản Nhận định này cũng nhắc lại rằng nếu đã kêu gọi ‘xã hội hóa’ giáo dục và y tế, chính quyền Việt Nam ‘nên tạo điều kiện để các tôn giáo trong nước được tham gia trực tiếp vào hai lĩnh vực này’.
Nhắc lại một vài mất mát, giới hạn mà người Công giáo – cũng giống như bao nhiều người Việt khác – phải chịu trong 40 năm qua không nhằm gây hiềm khích, nghi kị, chia rẽ. Vì luôn được mời gọi sống yêu thương, hòa giải và tha thứ – và đặc biệt trong bối cảnh vẫn có hàng triệu người Việt buồn dù đất nước đã thống nhất 40 năm – Giáo hội càng cảm thấy cần sống trọn tâm tình hòa giải, bao dung đó.
Nhưng nhắc lại những điểm đó để nói lên rằng xã hội Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn, đất nước sẽ giàu mạnh hơn nếu không ai bị bất công đối xử vì chính kiến và cũng không ai tự độc quyền yêu nước hay – như lời của cố Thủ tướng Việt Nam ông Võ Văn Kiệt – coi Tổ quốc là của riêng mình.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một người công giáo, đang sống tại Anh. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét