Pages

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Hồ sơ mật của chính phủ Mỹ tiết lộ ý đồ dùng vũ khí hạt nhân ở VN

Bìa cuốn sách "Operation Duck Hook" của tác giả T. Clement Robinson.
Các tài liệu mật dưới thời Tổng thống Richard Nixon đã hé lộ thông tin về chiến dịch này, trong đó có chi tiết liên quan đến ý đồ sử dụng hạt nhân của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

LTSTrong cuộc phỏng vấn mới đây với một tờ báo địa phương, Phillip Hays, một cựu binh từng chiến đấu trong Hải quân Mỹ cho biết, quân đội Mỹ đã chuẩn bị sẵn vũ khí hạt nhân tại Vịnh Bắc Bộ và sẵn sàng khai hỏa khi có mệnh lệnh.


Có thể nói đây là một tiết lộ tương đối bất ngờ, vì từ trước đến nay những tranh cãi xung quanh việc Mỹ sử dụng hạt nhân tại Việt Nam chủ yếu chỉ dừng lại trên giấy tờ, thay vì "100 đầu đạn hạt nhân ở thế sẵn sàng" như cựu binh này mô tả.



Vì vậy, để giúp quý độc giả hiểu hơn về những toan tính của Washington trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại miền Bắc, dưới đây chúng tôi xin được tổng hợp lại nội dung một số tài liệu mật của chính phủ Mỹ trong những năm tháng chiến tranh.


Theo các tài liệu lưu trữ trong Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia (National Security Archive) thuộc Đại học George Washington (Mỹ), chiến dịch Duck Hook đã được bộ sậu của Nixon lên kế hoạch từ tháng 7/1969.


Cụ thể, chiến dịch này bao gồm các cuộc không kích và oanh tạc nhắm vào một số mục tiêu trọng yếu tại miền Bắc Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, và các căn cứ gần biên giới Trung Quốc. Trong đó, việc sử dụng đến bom hạt nhân cũng đã được tính đến.


Duck Hook là một thuật ngữ trong môn golf, khi người chơi vô tình đánh bóng liệng và chúi xuống đất, khiến bóng có nguy cơ ra ngoài đường biên (out-of-bounds) dẫn tới bị phạt gậy.
Quân đội Mỹ thường sử dụng các thuật ngữ trong thể thao để đặt tên cho chiến dịch của mình, ví dụ như chiến dịch Linebacker (một vị trí phòng ngự trong môn bóng bầu dục) năm 1972, thường được biết đến với cái tên "chiến tranh phá hoại miền Bắc".

Trong những tài liệu mật dưới thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon được công bố vào năm 2006, có hai văn bản mà từ đó có thể đặt dấu hỏi về việc liệu vũ khí hạt nhân có thực sự được quân đội Mỹ chuẩn bị sẵn trong chiến tranh VN hay không.


Thứ nhất là một biên bản ghi nhớ do hai cố vấn Roger Morris và Anthony Lake của Ngoại trưởng Henry Kissinger gửi ngày 29/9/1969 tới đại úy Rembrandt Robinson, người trên lý thuyết sẽ lãnh trách nhiệm chỉ huy chiến dịch "Duck Hook" đánh vào miền Bắc Việt Nam.
Robinson cũng là người chỉ đạo Hội đồng tham mưu của Lầu Năm Góc và cơ quan quân đội của Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng.


Biên bản này được gửi đi trong bối cảnh Tổng thống Nixon khi đó, tuy đang chịu áp lực phải kết thúc chiến tranh tại Việt Nam càng sớm càng tốt, nhưng ngần ngại không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân.


Nội dung biên bản do Morris và Lake soạn thảo muốn Robinson phải "ba mặt một lời" với Nixon, khiến Tổng thống hiểu sự thật là chiến dịch Duck Hook sẽ rất đẫm máu và tàn bạo, và Nhà Trắng một khi đã chấp nhận theo chiến dịch thì sẽ phải đi đến cùng.




Biên bản ghi nhớ mật do Roger Morris và Anthony Lake gửi tới đại úy Robinson.

Trong biên bản có đoạn, "He cannot, for example, confront the issue of using tactical nuclear weapons in the midst of the exercise. He must be prepared to play out whatever string necessary in this case."


Ý muốn nói, trong trường hợp Nixon chấp thuận chiến dịch Duck Hook, thì nếu việc sử dụng vũ khí hạt nhân được cho là cần thiết, Nhà Trắng không thể can thiệp. Tổng thống Mỹ phải sẵn sàng sử dụng mọi con bài trong tay để đi đến cùng với chiến dịch này.


Văn bản thứ hai là biên bản ghi nhớ do cựu Ngoại trưởng Kissinger gửi Tổng thống Nixon vào ngày 2/10/1969, trong đó miêu tả sự tàn khốc của Duck Hook đồng thời đặt ra một số câu hỏi cho người đứng đầu Nhà Trắng.


Trong đó, Kissinger đã dùng những cụm từ như "để lại những thiệt hại không thể chấp nhận nổi cho xã hội Việt Nam" (unacceptable damage to Vietnam society) hay "phá hủy hoàn toàn chế độ hoặc toàn miền Bắc" (total destruction of the country or the regime).



Nixon và Kissinger thảo luận trong văn phòng Tổng thống. Ảnh: WikiMedia

Mục đích của chiến dịch, theo lời Kissinger, là "gây chấn thương tinh thần cho lãnh đạo Hà Nội" (generate [a] strong psychological impact on Hanoi's leadership).

Kissinger nhấn mạnh, Duck Hook phải thực sự tàn bạo thì mới có thể đạt được mục đích của nó. Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng dùng cụm từ "be prepared to play out whatever string necessary" giống như hai cố vấn của mình trước đó.


Nhưng điểm đáng chú ý nhất của văn bản này nằm ở câu hỏi Kissinger đính kèm: "Should we be prepared to use nuclear weapons?" (Liệu chúng ta có nên sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân?)


Tóm lại, hai tài liệu mật này đều cho thấy bộ sậu Mỹ rõ ràng đã tính đến chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên việc có thật sự chuẩn bị sẵn "hơn 100 đầu đạn" ở Vịnh Bắc Bộ như lời cựu binh Hays kể lại thì chưa có thông tin nào có thể kiểm chứng.


Ngày 6/10/1969, Tổng thống Nixon đã đi đến quyết định cuối cùng của mình, đó là hủy toàn bộ Duck Hook, chủ yếu vì những lo ngại chính trị và sự phản đối của công chúng Mỹ. Thay vào đó, Lầu Năm Góc tiến hành chiến dịch Việt Nam hóa Chiến tranh.


(Còn tiếp)


theo Đại Lộ (Đức Huy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét