Pages

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Josh Gelernter - Nếu hôm nay Nam Việt Nam vẫn tự do ...

Diên Vỹ chuyển ngữ
Hãy nhìn vào phần còn lại của Đông nam Á và mường tượng Nam Việt Nam sẽ ra sao.
Ngày 30 tháng Tư này sẽ là kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ. Bốn mươi năm sau khi Hoa Kỳ bỏ rời Nam Việt Nam, có thể nói rằng lời nói dối được chấp nhận nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ là việc can thiệp của Mỹ vào Đông Dương là một ý tưởng tồi.
Trong đa số các tranh luận, một sự thật hiển nhiên là vấn đề Việt Nam là một sai lầm, và một số người bảo thủ xem đấy là một điểm đáng tranh cãi. Khi phe Cộng Hoà nói về Việt Nam, họ chỉ bảo vệ những người lính bị xỉ vả . Đôi khi ai đấy lại chỉ ra rằng cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân là một chiến thắng của người Mỹ. Đôi khi, sự kiện Mỹ Lai được cân bằng bởi hàng nghìn tội ác tương tự và vài chục tội ác tồi tệ hơn của Việt Cộng và quân Bắc Việt. Rất hiếm khi có ai chỉ ra được rằng một khi Creighton Abrams thay thế William Westmoreland trong vai trò Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chúng ta bắt đầu thắng cuộc chiến - và rằng qua việc bãi bỏ các cam kết sau Hiệp định Paris, Quốc hội đã giật thất bại ở miền Nam Việt Nam khỏi gọng kềm của chiến thắng quân sự.

Tuy nhiên thay vì cứ đưa ra những tranh luận này, tôi muốn chỉ ra một số sự thật về Đông nam Á hiện tại. Sau khi chủ nghĩa thực dân sụp đổ trong gian đoạn Chiến tranh Thế giới Thứ Hai chấm dứt, Đông nam Á đã bắt đầu gây dựng lại chính mình. Hoa Kỳ đã hỗ trợ ba chính phủ chống Cộng sản trong cuộc chiến đấu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Mác: Chúng ta đã ủng hộ Trung Hoa Dân Quốc chống lại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, chúng ta ủng hộ Hàn Quốc chống lại Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, và chúng ta ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Đấy là Đài Loan chống lại Trung Hoa Đỏ, Nam Hàn chống lại Bắc Hàn, và Nam Việt Nam chống lại Bắc Việt Nam. Hai trong số ba nước cộng hoà giờ đây đang nằm trong số những quốc gia phát triển cao nhất, thịnh vượng nhất, và tự do nhất trên thế giới.
Một trong những chỉ trích cơ bản của giới phản chiến đối với việc hậu thuẫn của Mỹ cho Nam Việt Nam là chính quyền miền Nam không có dân chủ. Điều này hoàn toàn đúng; nó được cai trị bởi một chính thể quân sự với những mức độ hợp tác dân sự khác nhau. Tuy nhiên, trích theo phát biểu lúc ấy của hạ nghị sĩ Dân chủ phản chiến Leo Ryan, "Mặc dù Nam Việt Nam không phải là pháo đài của những nền tảng dân chủ, những cáo buộc nặng nề nhất về việc đàn áp tràn lan những quyền con người cơ bản đang bị thổi phồng. Vẫn có lực lượng chính trị và báo chí đối lập đang hoạt động và lên tiếng. Rõ ràng là vẫn có một số tù nhân chính trị, nhưng dân chúng nói chung cũng như những nhà lãnh đạo đối lập chính trị không phải sống trong sự sợ hãi trước sự đàn áp của chính quyền."
May mắn là khi các nền kinh tế tự do thường có xu hướng thúc đẩy những đất nước không tự do đi đúng hướng. Như Việt Nam Cộng Hoà, Trung Hoa Dân Quốc và Nam Hàn cũng đã trải qua những thời kỳ của chế độ độc tài quân sự. Nam Hàn bị cai trị bởi Tướng Park Chung-hee từ cuộc đảo chánh của ông năm 1961 đến khi ông bị ám sát vào năm 1979. Chính quyền của ông tan rã vì việc đàn áp chính trị, nhưng ông đã xây dựng nền kinh tế Nam Hàn để trở thành một nền kinh tế cường thịnh, từ đấy làm nền tảng cho nền dân chủ mạnh mẽ mà Nam Hàn có được hôm nay.
Tương tự, Trung Hoa Dân Quốc bị cai trị dưới chế độ quân luật bởi Thống chế Tưởng Giới Thạch cho đến khi ông qua đời năm 1975. Cũng như Park, giai đoạn cầm quyền của Tưởng đã bị vấy bẩn bởi chính sách đàn áp, nhưng nó cũng đã tạo ra sự thịnh vượng lớn và dưới quyền của con trai ông là Tưởng Kinh Quốc, quốc gia này đã chuyển hoá trở thành một nền dân chủ cộng hoà hoàn toàn tự do.
Đài Loan, thật đáng hổ thẹn, vẫn không được Liên Hiệp Quốc thừa nhận như một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, theo công thức Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc (vốn chủ yếu là tính toán mức sống của người dân), nó đứng thứ 21 trong số các quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Nam Hàn đứng vị trí 15. Cả hai quốc gia đều xếp hạng cao hơn các nước châu Âu như Áo, Bỉ, Luxembourg, Ý, và Phần Lan; Nam Hàn cũng vượt qua cả Nhật, Pháp, và Do Thái.
Mặc dù có ít tài nguyên thiên nhiên, Đài Loan vẫn đứng thứ 19 trong các nước có chỉ số GDP mỗi đầu người cao nhất trên thế giới: 45.854 USD mỗi năm, vượt cả Canada, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Anh, Nhật, và Ý. Tương tự, Nam Hàn cũng ít có tài nguyên nhưng vẫn đứng thứ 30, trên cả New Zealand, Tây Ban Nha, và cả hai nửa của nước Czechoslovakia cũ.
So sánh điều này với những đối thủ Cộng sản: GDP mỗi đầu người của Trung Hoa Đỏ đứng sau Đài Loan 70 bậc, sau Turkmenistan, Algeria, Libya, Maldives, và Iraq. Bắc Hàn hầu như đứng ở tận cùng thang điểm, sau Zimbabwe, Rwanda, và Haiti. Về mặt phát triển con người, Trung Hoa Đỏ cũng thấp hơn Đài Loan 70 bậc, sau Tunisia, Peru, Grenada, và Azerbaijan. Chỉ số phát triển con người của Bắc Hàn, với những lý do hiển nhiên, không thể tính được một cách chính xác.
Và nếu so sánh Việt Nam với các nền cộng hoà châu Á tự do có Mỹ hậu thuẫn thì thiên đường cộng sản của Hồ Chí Minh đứng ở vị trí 122 về phát triển con người, sau Syria, Iraq, Moldova, và Gabon, và thứ 126 về chỉ số GDP mỗi đầu người, sau Cộng Hoà Congo, Swaziland, Dominica, và Albania.
Có lẽ đây là kết quả tất yếu của truyền thống Cộng sản chuyên thanh trừng người sở hữu đất, giáo viên, và trí thức.
Quan trọng hơn cả kinh tế, hãy so sánh quyền tự do của các nước này. Đài Loan và Nam Hàn có bầu cử tự do, hệ thống pháp lý độc lập, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tự do ngôn luận. Cả Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc lẫn Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đều không có các quyền này. Đương nhiên Việt Nam cũng thế, khi đảng Cộng sản tiếp tục kiểm soát "bầu cử" và toà án, và tiếp tục bắt giữ và tra tấn những người bất đồng chính trị và tôn giáo.
Hãy mường tượng Việt Nam Cộng Hoà - Nam Việt Nam - ngày hôm nay sẽ như thế nào. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới với hơn 90 triệu dân. Phân nửa số người này, ít hay nhiều, đã có thể sống trong tự do và thịnh vượng mà người dân Nam Hàn và Đài Loan đang tận hưởng. (Có lẽ thậm chí còn giàu có hơn vì không như Đài Loan và Nam Hàn, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dưới hình thức các mỏ dầu khí ngoài khơi.)
Khi vỡ lẽ ra, như người ta thường bảo, tầm nhìn lại rõ như 20/20 - vì thế, hoàn toàn độc lập với hoàn cảnh của những thập niên Sáu mươi và Bảy mươi, nhìn lại vào năm 2015 thì quá rõ ràng rằng chiến đấu cho Nam Việt Nam là điều nên làm. Và đã đến lúc nhiều người cần nói lên điều này - đặc biệt là các chính trị gia và các giáo viên vì giới cựu chiến binh Việt Nam đã già rồi. Và bởi vì, 40 năm sau Sài Gòn thất thủ, tất cả chúng ta nên rút ra một bài học về cái giá thảm khốc khi Mỹ từ chối tham gia một cuộc chiến tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét