Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

LÃNH ĐẠO HÀ NỘI CHỈ GIỎI ĂN MÀ KHÔNG GIỎI LÀM

Hà Nội được ưu ái, tại sao vẫn kém?

Đất Việt


Hà Nội được để lại tới 41% thu ngân sách nhưng kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại bị cho là thành phố kém năng động nhất.


Ngày 17/4, các đại biểu Quôc hội chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước. Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch đã phải thốt lên: "Tại kỳ họp rồi, cử tri hỏi, tại sao Hà Nội để lại 41%, TP.HCM chỉ để lại 23%, tôi không biết trả lời thế nào. Nếu minh bạch ra không ai so bì”, ông nói và nhận định có thể Hà Nội phải làm nhiệm vụ chi cho trung ương cao hơn.

“Phải giảm tối đa cơ chế xin-cho... Làm sao để Quốc hội kiểm soát ngân sách thực sự, nếu không dù Quốc hội có quyền lực cao thế nào thì cũng chẳng có quyền thực sự gì”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Lịch.

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới. Về bội chi ngân sách địa phương và mức dư nợ vay của chính quyền địa phương, Ủy ban Tài chính Ngân sách và cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đồng tình mức dư nợ tối đa vốn vay cho địa phương như sau:

Đối với TP. Hà Nội và TP.HCM không vượt quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh;

Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương không vượt quá 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh;

Các địa phương nhận bổ sung cân đối nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng chi cân đối ngân sách địa phương, mức dư nợ không vượt quá 50% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của cấp tỉnh;

Các địa phương nhận bổ sung cân đối trên 50% tổng chi cân đối ngân sách địa phương, mức dư nợ không vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của cấp tỉnh.

Hà Nội đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng PCI 
nhưng được coi là thành phố chậm thay đổi nhất trong điều hành.

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy, Hà Nội - thủ đô của cả nước được ưu ái rất nhiều. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tổ chức USAID (Hoa Kỳ) đã công bố, Hà Nội tuy đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng nhưng lại là thành phố được coi là chậm thay đổi nhất trong điều hành.

"Hà Nội dường như lại là địa phương ít năng động nhất trong việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI, có lẽ là do việc gần gũi với chính quyền trung ương nên khó đưa ra được những giải pháp độc lập", báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, Hà Nội là địa phương có tần suất tham nhũng trong quá trình đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước cao hơn đáng kể so với các tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát về thời gian chờ để doanh nghiệp FDI đủ điều kiện đi vào hoạt động trên địa bàn các tỉnh, Hà Nội bị nhận điểm số kém về khía cạnh này với ít hơn 30% doanh nghiệp FDI đồng ý rằng họ hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để hợp pháp hoá hoạt động trong vòng 1 tháng. Thậm chí, cùng với một số tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội bị các doanh nghiệp cho rằng bắt buộc phải trả thêm chi phí để đẩy nhanh quá trình thực hiện thủ tục cao hơn so với các tỉnh khác với cùng thời gian chờ đợi như vậy.

An Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét