Pages

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Lê Xuân Khoa - Trả lời hai câu hỏi của báo Ngày Nay về dự tính đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng


1. Theo nhận định của tôi, chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Trọng là kết quả của một sự đồng thuận trong nội bộ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, khi cuộc đấu đá giữa hai phe thân Tàu của Nguyễn Phú Trọng và phe chống Tàu của Nguyễn Tấn Dũng lên đến mức báo động, có thể một còn một mất. Đúng lúc đó, trang blog Chân Dung Quyền Lực xuất hiện, lần lượt công khai hóa hồ sơ tham nhũng của phe thân Tàu và những tay cơ hội đang mưu toan chiếm đoạt quyền hành từ tay Nguyễn Tấn Dũng. Trước nguy cơ sụp đổ chế độ, toàn ban lãnh đạo Đảng phải tìm giải pháp đồng thuận, tức là Việt Nam phải độc lập hơn với Trung Quốc và xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Kết quả là blog Chân Dung Quyền Lực ngưng tố cáo các đối thủ và Hoa Kỳ cũng hoan nghênh sự chuyển hướng ấy bằng việc mời Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ.

Trung Quốc không thể ngồi yên để Việt Nam thoát ra khỏi quỹ đạo của mình và trở thành một đồng minh của Mỹ. Trung Quốc đã vội vã mời Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh trước, và để gỡ lại danh dự cho ông Trọng đã bị mất mặt trong vụ giàn khoan HD-981, Tập Cận Bình đã đón rước đối tác Việt Nam với tất cả nghi lễ long trọng nhất. Nhưng hình thức ngoại giao tốt đẹp ấy vẫn chỉ nhằm giữ chặt Việt Nam trong sự kiểm soát và chi phối của Trung Quốc. Bởi thế, ngay trong buổi gặp đầu tiên, Việt Nam đã ký bảy văn bản thỏa thuận với Trung Quốc, mà quan trọng nhất là hợp tác cơ sở hạ tầng và hợp tác tiền tệ. Bản Tuyên bố chung giữa hai nước vẫn lặp lại châm ngôn 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt mà từ hội nghị Thành Đô 1990 đến nay chỉ thấy thực hiện một chiều. Trung Quốc từng bước xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đưa lao động vào định cư ở những vị trí chiến lược, sát hại ngư dân Việt Nam, lũng đoạn kinh tế, đào tạo cán bộ trẻ Việt Nam theo mô hình Trung Quốc, trong khi lãnh đạo Hà Nội luôn luôn tỏ ra nhẫn nhịn để có thể duy trì chế độ độc tài với những đặc quyền, đặc lợi. Toàn dân đã thấy rõ những sai lầm và tội ác của lãnh đạo và một cuộc tổng nổi dậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Phe thân Tàu nhận thấy đã đến lúc phải tự cứu bằng cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc mà vẫn tránh được tình trạng đất nước lâm nguy vì bị Trung Quốc trừng phạt. Bởi thế đã có sự thu xếp trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam và giải pháp đồng thuận là chính sách đối ngoại cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đây chính là sự ứng dụng khả năng tồn tại của dân tộc Việt Nam tự bao đời, biểu hiện bằng phong cách nhu đạo về ngoại giao cũng như quân sự. Trước hiểm họa Trung Quốc ngày nay, Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra là người sớm giác ngộ nhất khi ông đọc bài diễn văn tại hội nghị “Đối thoại Shangri-La” cuối tháng Năm 2013. Trong diễn văn này, Thủ tướng Việt Nam đã cho thấy một bước ngoặt quan trọng về chính sách đối ngoại của Hà Nội: tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh và gia tăng hợp tác với Hoa Thịnh Đốn. Khi đó, tôi đã viết: “Điều này không có nghĩa là Việt Nam muốn tìm một đồng minh quân sự để chống lại Trung Quốc mà chỉ là một quyết định khôn ngoan để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình. Trong phần cuối bài diễn văn, ông Dũng đã khẳng định là ‘Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác’. Điều này hé mở khuynh hướng về quy chế trung lập có thể sẽ được các nước ASEAN chấp thuận như một chọn lựa thích hợp với “vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương”. Cần nói rõ thêm chủ trương “không liên minh với nước này để chống lại nước khác” không có nghĩa là “không tìm kiếm đồng minh để tự vệ khi đất nước bị xâm lược”.

Trở lại chuyến đi Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu ông Trọng đã thật tình chuyển hướng thì cho dù đã ký những văn bản hợp tác với Trung Quốc, ông cũng vẫn có thể trong tư thế người cầm đầu Đảng lãnh đạo ở Việt Nam có những biểu hiện hợp tác với Hoa Kỳ trong khi xác nhận đường lối trung lập vì lợi ích quốc gia của Việt Nam. Thực tế thì Hoa Kỳ không có mưu đồ chiếm đoạt lãnh thổ hay đồng hóa dân tộc Việt Nam như Trung Quốc nên chỉ cần Việt Nam không đi theo Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ và đe dọa nền hòa bình và an ninh khu vực. Đây chính là cái thông điệp Hoa Kỳ muốn xác nhận với lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong chuyến viếng thăm Washington DC của TBT Nguyễn Phú Trọng. Nếu con đường trung lập cũng là sự lựa chọn của toàn thể các nước ASEAN thì cường quốc bất mãn không phải là Hoa Kỳ mà chính là Trung Quốc.

2. Vì các văn bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam chưa được công bố nên tôi không biết nội dung việc thành lập Nhóm hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm hợp tác về tiền tệ như thế nào. Bởi thế tôi không thể nói gì nhiều để trả lời câu hỏi này. Dù sao, căn cứ vào bản Tuyên bố chung, một số chuyên gia trên diễn đàn “Vietnam Issues Forum” do một nhóm trí thức hải ngoại thành lập đã có thảo luận về vấn đề Việt Nam tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập và hợp tác với TQ trong việc thực hiện Con Đường Tơ Lụa, liệu có ảnh hưởng gì tới việc Việt Nam tham gia thỏa ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ thành lập hay không? Tôi muốn tóm lược mấy điểm chính trong ý kiến của Luật sư Tạ Văn Tài trên diễn đàn này là:

· Việc Việt Nam tham gia AIIB và Con đường Tơ lụa Biển của TQ không ảnh hưởng gì đến tư cách độc lập và chủ quyền biển của Việt Nam. Do đó, VN vẫn có quyền gia nhập TPP, phản đối việc TQ xây đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự và tiếp tục các nỗ lực giữ gìn biển, đảo theo luật pháp quốc tế.

· Trung Quốc cần duy trì quan hệ ổn định với Việt Nam để có thể duy trì ảnh hưởng với các nước trong khu vực. VN có lợi vì có thể vay tiền của AIIB vào các công trình phát triển hạ tầng như mở rộng cảng Hải Phòng với nhưng lợi tức liên quan như thu thêm tiền thuế bến cảng, tiền thuê công nhân bốc dỡ hàng.

· Con đường Tơ lụa Biển là con đường thương mại và lưu thông hàng hải quốc tế, Việt Nam sẽ bị thiệt nếu không tham gia. Trong Thông cáo chung Việt-Trung, Trung Quốc có xác nhận lại cam kết cùng các nước ĐNÁ kết thúc thỏa thuận về Bộ Luật Ứng xử (COC). Các nước có thể thúc đẩy Trung Quốc sớm thực hiện cam kết đó.

Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy Việt Nam về vấn đề nới lỏng tự do dân chủ và cải thiện nhân quyền, và tình hình chung đang diễn tiến tích cực. Dù sao, lực đẩy chính vẫn là trí thức và nhân dân trong nước với vai trò của các tổ chức xã hội dân sự đang có điều kiện phát triển thuận lợi. Điều quan trọng là các tổ chức này cần tự kết hợp, tự xây dựng khả năng và uy tín, không chỉ độc lập với chính quyền mà cũng không để cho bất cứ một tổ chức quá khích nào từ bên ngoài ảnh hưởng và chi phối, làm trở ngại mọi sự hỗ trợ chính đáng của cộng đồng hải ngoại, của chính phủ Hoa Kỳ và quốc tế.

28 tháng Tư 2015

L.X.K.

Tác giả gửi BVN

(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét