Pages

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Lo xong chuyện Iran, giờ là Mỹ giải quyết mối lo Trung Quốc

Ngoại trưởng của Iran, Trung Quốc và Mỹ
Những ngày này, các viện nghiên cứu chính trị và chiến lược trên toàn cầu đang trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, khi mà họ đang phải tính toán và vạch ra được bức tranh cục diện toàn cầu trong tương lai, sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran chính thức có hiệu lực. 

Sự kiện các cường quốc trên thế giới đạt được thỏa thuận chấm dứt nguy cơ hạt nhân của quốc gia Trung Đông này đang đặt ra một vấn đề lớn có thể đảo lộn cục diện trên thế giới, khi nó trực tiếp dẫn đến sự thay đổi chính sách của các cường quốc hàng đầu, điển hình là Mỹ và Trung Quốc. Đây có thể sẽ không chỉ là sự kiện đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt trong việc Mỹ sẽ toàn tâm toàn ý hướng về châu Á Thái Bình Dương để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà nó còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cán cân về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.



Một nguyên tắc cơ bản nhất trong thế giới hiện đại là: muốn có được ảnh hưởng về chính trị và quân sự thì trước hết cần phải có một nền kinh tế mạnh trước. Cả phương Tây lẫn phương Đông đều có những câu nói nổi tiếng về tầm quan trọng của kinh tế trong vấn đề chính trị và quân sự. Câu nói nổi tiếng của nhà hùng biện La Mã Cicero “yếu tố cốt lõi của chiến tranh là tiền bạc” được xem như khuôn mẫu ở phương Tây, còn ở phương Đông mà cụ thể là Trung Quốc thì có câu ngạn ngữ “cùng binh độc vũ” mang hàm ý tương tự là nếu quá lạm dụng vũ lực mà không quan tâm đến kinh tế sẽ dẫn đến suy yếu. 


Sự trỗi dậy mạnh mẽ về chính trị và quân sự của Trung Quốc những năm gần đây cũng được xem là một ví dụ điển hình, khi nó bắt nguồn từ sự lớn mạnh kinh tế của đất nước đông dân nhất thế giới này trong những năm qua. Nói cách khác, kinh tế sẽ là thước đo lớn nhất để so sánh về tương quan giữa những quốc gia trên thế giới ở thời điểm hiện tại.


Chính trong ý nghĩa đó mà cuộc chạy đua kinh tế đang là cuộc đọ sức trọng yếu nhất giữa các cường quốc trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Kinh tế càng mạnh thì chi phí cho quốc phòng mới có thể tăng. Đó là lý do vì sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong suốt ba mươi năm qua chủ yếu đặt ra mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, thay vì mục tiêu soán ngôi Mỹ về chính trị và quân sự. 


Một khi Trung Quốc đã có thể vượt qua Mỹ về kinh tế, thì tự khắc những vấn đề về chính trị và quân sự cũng sẽ bắt kịp và vượt qua nước này. Nhưng khi mà Trung Quốc phần nào đã có thể đạt được mục tiêu đó khi chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới vào cuối năm 2014, theo một cách tính toán nhất định, thì các nhà lãnh đạo và người dân nước này không tỏ ra vui vẻ gì. 


Đó là vì họ hiểu đây chỉ là kết quả mang tính tạm thời, khi kinh tế Mỹ vẫn đang trong quá trình hồi phục và sẽ tăng mạnh trở lại trong thời gian tới, trong khi kinh tế Trung Quốc đã lên tới đỉnh và sẽ chậm lại trong tương lai. Nói cách khác, tầm vóc giữa hai nền kinh tế vẫn là quá chênh lệch, trong đó bất lợi thuộc về phía Trung Quốc. 


Và sự chênh lệch đó giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa sau khi thỏa thuận hạt nhân ở Iran chính thức có hiệu lực. Không sai khi nói rằng trong gần 15 năm qua, Trung Đông đã thực sự trở thành nơi hút máu kinh tế Mỹ nghiêm trọng. Kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ đã lao vào hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, kéo theo hàng loạt vấn đề khác mà vấn đề hạt nhân Iran là điển hình. 


Điều này đã làm thay đổi nghiêm trọng chính sách kinh tế của Washington từ thời bình sang thời chiến, theo đó một bộ phận lớn tiềm lực của Mỹ sẽ được dồn vào các hoạt động chiến tranh. Các chính sách tài khóa được sửa đổi để cung cấp những nguồn tài chính khổng lồ cho các chiến dịch quân sự ở Trung Đông thay vì được dồn vào phát triển kinh tế như trước. 


Chỉ riêng trong cuộc chiến ở Iraq và những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến này trong hơn 10 năm qua đã làm nước Mỹ tiêu tốn tới gần 3000 tỷ USD – một con số khổng lồ, bằng ¾ tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thành công trong việc hồi phục kinh tế Mỹ của tổng thống Obama trong những năm qua chính là việc giảm bớt các chi phí khổng lồ này, từ việc rút bớt quân đội và giảm các chi phí quân sự.
Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ việc giảm bớt các chi phí quân sự đã được người Mỹ gọi bằng cái tên “cổ tức hòa bình” kể từ những năm 90, do tổng thống George Bush Cha khởi xướng sau sự sụp đổ của Liên Xô. Đó là giai đoạn kinh tế Mỹ có những bước phát triển vượt bậc, khi sự sụp đổ của Liên Xô và chiến tranh lạnh kết thúc cho phép nước Mỹ giảm bớt các chi phí quân sự lớn mà phần lớn là các kho vũ khí hạt nhân. 


Mặc dù các nhà kinh tế học theo trường phát Keynes cho rằng chi tiêu quốc phòng có thể là một cách kích cầu kinh tế hiệu quả, thì thực tế vẫn chứng minh rằng việc đổ quá nhiều tiền cho quốc phòng có thể khiến nền kinh tế đình trệ. Dù một phần không nhỏ các chi phí quân sự ở Trung Đông đã được tổng thống Obama dồn vào phát triển kinh tế bằng các lệnh rút bớt quân lính ở Afghanistan và Iraq, phải đến khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua thì các chi phí quân sự tốn kém này mới có thể được cắt giảm mạnh mẽ.


Điều này cũng đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ kể từ này sẽ không còn phải oằn lưng ra gánh nhữn khoản chi phí quân sự khổng lồ này nữa, cũng như việc cắt giảm bớt các khí tài quân sự và chương trình phòng vệ được thành lập sau ngày 11/9/2001 để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ. Những nguồn lực này sẽ được dồn trở lại vào vấn đề phát triển kinh tế, và nhất là trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có tốc độ hồi phục nhanh nhất trong giai đoạn cuối năm 2014 thì những nguồn lực này sẽ đóng vai trò rất lớn để thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn nữa. 


Đây có thể sẽ là một tin tức không đáng mừng lắm đối với Bắc Kinh vào thời điểm hiện tại. Thỏa thuận hạt nhân Iran vì thế đang mang lại một tác động kép đối với Mỹ và tác động trực tiếp nghiêm trọng đối với Trung Quốc, thứ nhất nó cho phép Mỹ tập trung hoàn toàn vào vấn đề châu Á Thái Bình Dương mà không phải phân tâm về vấn đề ở Trung Đông.
Thứ nữa là thỏa thuận hạt nhân này đang tạo điều kiện để kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc trong thời gian tới, và khi mà kinh tế Trung Quốc đang èo uột thì điều này đồng nghĩa với việc chênh lệch giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng tăng lên. Cán cân giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này sẽ nghiêng một cách đáng kể về phía Mỹ trong tương lai kể từ sau thỏa thuận hạt nhân Iran này./Nhàn Đàm (theo Bloomberg)/(MTG)

Không có nhận xét nào: