Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Người Việt California nghĩ gì về việc chào cờ VNCH

Ngọc Lan, thông tín viên RFA

CampPendleton-600.jpg

Một vài đại diện của Ban Tổ Chức "Hành Trình Đến Tự Do và Vươn Tới", trước khi họp với đại diện của Camp Pendleton. Đây là lần cuối cùng lá cờ của VNCH cỡ lớn xuất hiện trong phạm vi của Camp Pendleton.
 Photo by Ngọc Lan



Nằm trong khuôn khổ các sự kiện sẽ được tổ chức để nhớ lại  40 năm sau biến cố 30 Tháng 4, 1975, một chương trình mang tên “Hành Trình Ðến Tự Do và Vươn Tới” (Journey to Freedom and Beyond) do đài Little Saigon TV ở miền Nam California khởi xướng với sự trợ giúp của nhiều đoàn thể trong cộng đồng dự trù tổ chức tại Camp Pendleton, nơi có khoảng 80 ngàn người Việt Nam đã dừng bước đầu tiên khi đến Mỹ vào năm 1975.

Tuy nhiên theo quy tắc ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ thì ban tổ chức “không được chào cờ quốc kỳ và hát quốc ca VNCH” tại căn cứ quân sự này. Chính vì thế, ban tổ chức quyết định không tổ chức chương trình“Hành Trình Đến Tự Do và Vươn Tới” ở Camp Pendleton như dự tính.
Xoay quanh quyết định này có hai nguồn ý kiến khác nhau về ý nghĩa của hình ảnh lá cờ và bài hát quốc ca trong giai đoạn hiện nay tại Hoa Kỳ.
Trước hết, mời quý vị nghe ông Khanh Nguyễn, phát ngôn nhân của ban tổ chức “Hành Trình Ðến Tự Do và Vươn Tới” tóm tắt lại sự việc đang gây nhiều xúc động trong tâm tư người Việt tị nạn trong thời điểm Tháng Tư này:
Chương trình hành trình vươn tới đã được chuẩn bị trước và khởi xướng bởi đài Little Saigon TV cả năm trước. Họ đã chuẩn bị và làm việc với bên Camp Pendleton cả năm nay. Nhưng mới đây, vào tuần trước, hôm Thứ Năm, chúng tôi được gặp gỡ với đại diện của Camp Pendleton ngay tại Camp Pendleton. Họ cho biết rằng theo lệnh của Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao thì ban tổ chức không thể chào cờ VNCH và lá cờ VNCH không thể để trên sân khấu và không thể hát quốc ca được. Do đó, ban tổ chức đã quyết định ngay tại đó là không tổ chức ở Camp Pendleton.
Họ cho biết rằng theo lệnh của Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao thì ban tổ chức không thể chào cờ VNCH và lá cờ VNCH không thể để trên sân khấu và không thể hát quốc ca được.
- ông Khanh Nguyễn
Họ nói rằng mình có thể đem cờ vào nhưng cờ VNCH không thể nào lớn hơn khổ 3 inch và 5 inch được.
Ông Đại tá chỉ huy trưởng của Camp Pendleton và tất cả mọi nhân viên sĩ quan và quân nhân của Camp Pendleton lúc nào cũng rất nhiệt tình và mong muốn sự kiện được tổ chức tại Camp Pendleton nhưng nếu không cho chào cờ VNCH và hát quốc ca thì chúng tôi không thể nào thực hiện được.
Anh Trần Tường Huy, một thầy giáo đang dạy Toán tại Anaheim Union High School District tại Quận Cam nêu suy nghĩ về vấn đề này:
Mặc dù tôi qua Mỹ từ lúc còn rất là nhỏ nhưng lúc sang Mỹ thì cũng đủ lớn để nhớ những sự kiện đã đưa đẩy gia đình và bản thân tôi qua tị nạn ở Mỹ và vì vậy khi nghe ban tổ chức bên phía cộng đồng của mình có những đòi hỏi mình phải có cờ VNCH tôi rất  đồng ý về điều kiện đó là tại vì cộng đồng Việt Nam ở Nam Cali là cộng đồng tị nạn, đó là lá cờ biểu tượng cho cộng đồng của mình chứ không phải lá cờ kia. Cá nhân tôi thì tôi đồng ý với ban tổ chức là nếu không được dùng lá cờ VNCH đó thì mình  không quyết định làm chương trình tưởng niệm ở Camp Pendleton.
Cũng hoàn toàn đồng ý với quyết định của ban tổ chức là ông Ngô Văn Quy, một người lính VNCH từng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Camp Pendleton trong những ngày tháng đầu tiên đến Mỹ:
Camp-Pendleton-400.jpg
Cuộc họp giữa đại diện Ban tổ chức "Hành Trình Đến Tự Do và Vươn Tới" họp với đại diện của Camp Pendleton. Photo by Ngoc Lan
Nếu thực sự ban tổ chức hiểu được tầm quan trọng của sự kiện này và quyết đinh bỏ việc trở lại thăm viếng Camp Pendleton thì tôi rất là tán đồng và tôi nghĩ những người này là những người có suy nghĩ sâu rộng về niềm đau của dân tộc Việt Nam. 40 năm đánh dấu sự tang thương của dân tộc và chắc chắn 40 năm nay tôi đã mang mối hận này cho đến hôm nay và vĩnh viễn về sau. Nếu ban tổ chức quyết định hoặc do những động lực nào đó mà họ không tổ chức về thăm Camp Pendleton thì cá nhân tôi đồng ý hoàn toàn. Tôi nghĩ cộng đồng tị nạn ở đây, những người yêu thương lá cờ chắc chắn sẽ đồng ý với quan niệm của tôi.
Trong khi đó, họa sĩ Ann Phong, từng là thuyền nhân, và hiện là giáo sư môn hội họa tại trường Cal Poly Pomona phát biểu:
Tôi nghĩ khi mà sự kiện này tổ chức tại Camp Pendleton thì ý nghĩa rất là sâu sắc ở chỗ chính Camp Pendleton là nơi người Việt Nam mình tới 40 năm trước. Khi mà 40 năm sau trở lại, cảm xúc đó rất là nặng với họ, từ đó họ thành đạt hay từ đó họ thành một người Mỹ thì điều đó rất quan trọng đối với tôi. Còn chào cờ là hình thức chứ không phải nội dung. Nội dung là việc trở về Camp Pendleton cho tất cả mọi người không chỉ ở Cali mà ở tất cả mọi nơi tới, cái đó rất là sâu sắc, nhưng chỉ vì một hình thức không chào cờ mà mình bỏ thì tôi thấy uổn. Chào cờ mình có thể chào trong tim. Ngày nào mình cũng có thể chào được hết, nhưng lúc đó hoàn cảnh không cho mình chào cờ thì mình phải hiểu mình dù cho không chào cờ tại chỗ nhưng mình lúc nào cũng có quốc ca trong người mình rồi thì mình có thể để phần không chào cờ qua một bên để nhìn lại quá khứ 40 năm từ đó mình đi ra, thì cái đó rất là quan trọng.
Anh La Quốc Tâm, con của một cựu sĩ quan thuộc quân lực VNCH, vượt biên sang Mỹ từ năm 14 tuổi, hiện là kỹ sư cao cấp của tập đoàn Amway Hoa Kỳ, nhìn vấn đề dưới cặp mắt của người trưởng thành tại Mỹ:
Là một người lớn lên ở Mỹ thì thường việc treo cờ Việt Nam hay cờ vàng 3 sọc đỏ, đối với tôi không thành vấn đề. Mình ở Mỹ thì mình theo phong tục của người Mỹ, nhất là căn cứ này là căn cứ quân sự Mỹ thì mình phải theo luật của họ thôi.
Tôi nghĩ người Việt ai cũng nhớ lá cờ đó nhưng tôi thấy mình phải để nó đúng vị trí, đúng thời gian, đúng địa điểm, còn mình cứ ở đâu cũng giương lá cờ đó nhiều khi nó mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó đi. Tôi nghĩ bất cứ người Việt nào ở Mỹ cũng đều luôn luôn nhớ về lá cờ 3 sọc đỏ nhưng nhiều khi mình phô trương nó ra nhiều quá thì nhiều khi nó mất đi biểu tượng đó.
Mình ở Mỹ thì mình theo phong tục của người Mỹ, nhất là căn cứ này là căn cứ quân sự Mỹ thì mình phải theo luật của họ thôi.
- Anh La Quốc Tâm
Cựu Hải quân Đại tá Đỗ Kiểm từ Lousiania đến Little Saigon trong những ngày tháng Tư này nêu suy nghĩ:
Tôi biết bây giờ đó là vấn đề rất nhạy cảm đối với người Việt Nam vì lá cờ của chúng ta đã được tung bay ở rất nhiều nơi có thể nói đầu tiên từ Lousiania nơi chúng tôi ở. Thì đến bây giờ nói không có cờ tự nhiên thành vấn đề hết sức nhạy cảm và cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta nói rằng nếu không có cờ thì không thể nào tổ chức ở nơi đó  được.
Tôi nói nó nhạy cảm là vì ngay bây giờ các giới bên Mỹ, những trường trước kia mình nghĩ họ hơi khuynh tả, tức là có tính cách phản chiến thì giờ họ đã bắt đầu nghĩ lại và sau những tài liệu được khai quật ra, được giải mật thì người ta thấy vấn đề của Vn hết sức là oan trái và họ có những cảm tình rất tốt và lá cờ của chúng ta được mọi người tôn trọng. Thế thì vấn đề cờ thì hơi nhạy cảm. Tôi biết rằng cách đây mấy năm, hình như ở Pendleton cũng không có chào cờ mà thả cờ lên, dùng bong bóng thả cờ lên thì tôi nghĩ vậy sao năm nay mình không tiếp tục làm vậy?
Không ai có thể phủ nhận hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ hay bài hát quốc ca VNCH có ý nghĩa thiêng liêng như thế nào trong tim mỗi người từ sau biến cố 30 Tháng Tư 1975. Nhưng liệu có nhất định phải có hình ảnh của lá cờ bay trước mắt ở mọi lúc mọi nơi thì mới thể hiện được lòng yêu nước và tinh thần dân tộc hay không? Câu hỏi đó vẫn sẽ còn là một tranh cãi bất tận của người Việt hải ngoại, không chỉ ở thời điểm Tháng Tư nhiều nỗi niềm này
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét