Pages

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Sau 1975 cha tôi 'im lặng và sợ hãi'

Ngày 30/4 của 40 năm trước tôi mới chỉ ngấp nghé 4 tuổi rưỡi tuổi nhưng ký ức bây giờ hiện về như in. Cha tôi, một sỹ quan VNCH với cấp bậc thiếu úy và đang nghỉ phép ở nhà, nằm ở phòng trong.
Tay cầm chiếc radio và khóc rấm rứt, giống hệt tôi ở những tuổi ấy khóc mỗi khi bị đánh đòn, không được khóc tự nhiên vì có cây roi đang dứ dứ trước mặt như dọa nạt một trận đòn tiếp theo nếu không chóng nín.

Hình ảnh ấy ám ảnh từ tuổi thơ của tôi đến tận bây giờ, cứ vào mỗi dịp thấy hình ảnh, băng rôn, cờ phướng chào mừng 30/04 hàng năm. Nghiệt ngã hơn, hình ảnh ấy lại là chân dung của cuộc sống cha tôi sau sự kiện đó.
Ông sống với thân phận được đóng dấu “ngụy quân ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ”, kẻ “có tội với đồng bào”, tù nhân sau khi rời trại cải tạo bị quản thúc ở địa phương với lịch trình diện một lần mỗi tuần và đi quá 10 cây số thì phải xin phép.
Ông quanh quẩn trong nhà, làm những việc của đàn bà thay cho mẹ tôi để bà ra ngoài bươn chải vì ông chỉ quen đánh tích tích te te của công việc truyền tin trước kia. Sự hoán đổi vị trí trong gia đình làm xáo trộn mọi thứ.

Tắt ngấm tiếng cười

Ông đi nhẹ nói khẽ, không dám giao du với người ngoài, luôn lầm lũi với những tiệc giỗ của họ hàng. Tiếng cười, dù cố kiểm soát, vẫn có lúc phát ra một cách vô thức, nhưng luôn tắt ngấm có ý thức về sự ám ảnh của chiếc roi dứ dứ trước mặt.
Một lần chở tôi trên chiếc xe đạp hiệu Chiến Thắng đi thăm ruộng, không hiểu quang cảnh thiên nhiên hữu tình đã làm ông mất cảnh giác hay sao để đột ngột hỏi tôi “con có biết chiến bại ngồi trên chiến thắng là ai không?”
Tưởng chừng là bông đùa cha con với nhau ở đồng không mông quạnh, vậy mà tối hôm ấy ông gọi tôi vào phòng căn dặn “con không được nói cho ai biết câu hỏi của ba hồi sáng nhé, và cũng quên nó đi nghe”.
Đứa bé 8 tuổi như tôi thì chỉ có gật đầu vâng lời mà đâu biết tâm trạng của cha mình.
Mẹ tôi, vốn chỉ là một nhân viên hộ tịch của chế độ trước, nhưng luôn sáng suốt về xã hội và nhân sinh. Dù sinh ra ở xóm cù lao của một vùng quê mùa rang rít với học vấn chỉ lớp 5 nhưng hiểu thời nắm cuộc vượt xa khỏi mấy mươi lũy tre và đi trước cha tôi mấy đoạn.
Bà bảo ông “nó gọi đi trình diện thì xem chừng nó giữ lại luôn đó. Lo mang theo quần áo và thuốc men!” Cha tôi bĩu môi “người cộng sản nhân đạo và uy tín nên ai mà bắt bớ”. Bà không nói thêm nhưng rồi nuôi ông đi “học tập cải tạo mút mùa lệ thủy”.
Một lần đi thăm nuôi bị cấm trại phải quay về, bà bảo tôi “ba con ngày trước có cảm tình với Việt Cộng lắm”.

'Cha tôi giật giật đôi môi như muốn nói điều gì nhưng rồi thở dài và im lặng khi nghe GS Vũ Quang Hiển'

Tôi, ở lứa tuổi ăn chưa no, co chưa ấm nên chỉ biết hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời bác nay đã thành…” hoặc “tiếng đàn Ta Lư” hay “người nữ tự vệ Sài Gòn”.
Cuộc sống cứ thế đến khi anh tôi nộp hồ sơ thi đại học. Việc xếp anh tôi vào nhóm đối tượng 11/12 (chỉ khá hơn thành phần ác ôn) đã làm cha tôi thức trắng mấy đêm. Kết quả anh tôi thi rớt đại học dù dư 1 điểm nếu ở nhóm “gia đình có công cách mạng”.
Ông đã chán chiến tranh nên ông rất sợ anh tôi sẽ phải lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, làm bia ở chiến trường Campuchia còn rền tiếng súng. Ông thủ thỉ với mẹ tôi “con mình học dưới mái trường XHCN từ lớp 1 nhưng vẫn khát nước vì anh ăn mặn”.
Ấy mà đã 40 năm! Cha tôi giờ đã 75 tuổi, bỏ hết chuyện thế sự chỉ lo an thân dưỡng trí. Vậy mà ông vẫn lắp bắp mỗi khi tôi vô tình hỏi chuyện ông ở tù.
Mấy hôm trước tôi cho ông nghe đoạn clip do giáo sư Vũ Quang Hiển nói (trên BBC) rằng không có ngược đãi sau 30/4.
Nghe xong, ông giật giật đôi môi như muốn nói điều gì nhưng rồi thở dài và im lặng. Trong sâu thẳm, ánh mắt của ông vẫn còn sự sợ hãi, như con thú bị chiếc bẫy ám ảnh, dù đã thoát nhưng vẫn giật mình cả với chiếc lá rơi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả An Long, gửi tới BBC từ TP. HCM, 25/04/2015 sau khi BBC kêu gọi bạn đọc gửi bài nhân ngày 30/04.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét