Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Sỹ quan VNCH: “Mong đất nước khá hơn”

  • 5 giờ trước
Thiếu tá Mai Văn Chớ từng ở tù trong miền Nam một năm rồi sau đó bị chuyển ra Sơn La ở ngoài Bắc.
Một cựu thiếu tá không quân và một cựu lính biệt kích của Việt Nam Cộng hòa trước 1975 đều nói rằng các ông mong muốn nước Việt Nam có tương lai khá hơn so với hiện nay trong câu chuyện với BBC Việt ngữ nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30/4.
Theo hai ông, hiện đang sinh sống ở miền Nam California, Hoa Kỳ, thì ngày 30/4 là ‘ngày đau buồn’ trong cuộc đời họ cũng như đối với miền Nam.

Thiếu tá không quân Mai Văn Chớ

Ông Chớ là phi đoàn phó phi đoàn 255 thuộc Sư đoàn 4 không quân đóng ở Cần Thơ. Ông cho biết những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa ông đã ‘sẵn sàng chiến đấu để chết vì Tổ quốc’.
Ông thuật lại vào ngày 30/4 ông đang thực hiện nhiệm vụ đổ quân thì ‘ở dưới đất chiến đấu rất khốc liệt’. Vào lúc 11 giờ trưa, đổ quân xong, ông lái máy bay về sân bay Bình Thủy để tiếp nhiên liệu nhưng chưa kịp thì nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
“Cảm giác rất là buồn,” ông kể, “Tôi nghĩ tôi là người quân nhân phục vụ không quân đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng bây giờ tương lai không biết về đâu.”
“Nếu tôi không nghĩ đến vợ con thì tôi đã tự sát,” ông Chớ nói và cho biết trước đó ông ‘thấy đất nước mình trước sau gì cũng mất’ sau khi Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi di tản chiến thuật và các sỹ quan được kêu gọi tử thủ đến giờ phút cuối cùng.
“Vũ khí đạn dược mình không có thì làm sao chiến đấu được,” ông nói thêm và mô tả tâm trạng của người dân miền Nam khi đó là ‘hoang mang’ vì ‘không biết chế độ cộng sản như thế nào’.
Những ngày sau đó, ông Chớ ra trình diện rồi bị ở tù. Ông ở tù trong miền Nam một năm rồi sau đó bị chuyển ra Sơn La ở ngoài Bắc và đến năm 1979 khi quân Trung Quốc đánh qua thì ông bị chuyển về Thanh Hóa.
“Ở tù không được hưởng quy chế tù binh,” ông kể, “11, 12 giờ đêm bị kêu ra thẩm vấn.”
Theo lời ông mô tả thì khi được đưa ra miền Bắc ông thấy đời sống người dân ở đó ‘rất khổ sở’.
Còn gia đình ông chính quyền mới không cho ở Sài Gòn nữa mà bị bắt đi kinh tế mới ở Long Tân, Phước Tuy, và ‘cất nhà lá mà sống’. Sau khi ra tù vào năm 1982 ông về vùng kinh tế mới ở cùng gia đình.
“Tới giờ phút đó tài sản của tôi không còn gì nữa hết. Tôi về làm ruộng,” ông kể, “Nhưng cuối cùng cũng hết cơm gạo để ăn thì tôi vô rừng đi cưa lấy gỗ.”
Ông cũng thuật lại hai lần ông đi vượt biên bằng đường biển đều bằng ghe nhỏ. Lần thứ nhất ông bị tàu hải quân của chính quyền bắt lại và bị giam trong bốn tháng. Lần thứ hai vào năm 1985 thì ghe của ông đã may mắn gặp tàu ngầm Hoa Kỳ tiếp tế thực phẩm và cuối cùng đã đến được trại tỵ nạn ở Malaysia.
Lúc đó, ông cho biết những người ở trại tỵ nạn yêu cầu nhóm của ông viết thư về nhà khuyên người thân ‘đừng đi vượt biên nữa’ vì các nước trên thế giới đã giúp người tỵ nạn Việt Nam được 10 năm rồi.
“Tôi ra đi tìm sự sống trong cái chết,” ông nói, “Tàu nhỏ, xăng dầu không đủ, hải đồ, hải bàn không có và chỉ hy vọng gặp tàu buôn giúp chúng tôi thôi.”
“Ngày 30/4 là niềm đau chung của miền Nam và đối với gia đình tôi,” ông nói, “Nhưng nếu thời gian có trở lại mà tôi biết rằng đi chiến đấu để mà ở tù thì tôi cũng chấp nhận vì tôi bảo vệ lý tưởng của mình.”
“Tôi là người Việt Nam. Lúc nào tôi cũng muốn đất nước mình được thống nhất. Nhưng trong cái thế tôi là người lính Việt Nam Cộng hoà chiến đấu vì lý tưởng tự do mà lý tưởng không thực hiện được là nỗi đau lớn đối với tôi,” ông nói.
“Lúc nào tôi cũng mong đất nước Việt Nam được phồn thịnh, nhân dân Việt Nam được ấm no,” ông nói thêm, “Tương lai đất nước có cơ may nào đó bắt kịp láng giềng.”
Theo ông thì nếu Việt Nam Cộng hòa không sụp đổ thì bây giờ ‘không thua Đại Hàn đâu’.

Phạm Hòa, lính biệt kích

Ông Phạm Hòa: ''Quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng tôi không có gì thù hận người chiến binh bộ đội Bắc Việt''.
“Tôi gia nhập quân đội vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đó là khoảng thời gian rất ngắn và đầy biến động trong cuộc đời tôi,” ông Hòa kể và cho biết đơn vị của ông không hề biết là đang được di tản khi nhận được lệnh lên tàu ra Phú Quốc vào ngày 29/4.
“Khi tàu ra đến hải phận quốc tế vào buổi trưa ngày 30/4 thì chúng tôi nghe qua radio ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.”
“Khi đó trong phòng mấy ngàn người. Tất cả mọi người cùng òa khóc một lúc,” ông nói.
“Chúng tôi biết cộng sản thắng thì cuộc đổi đời sắp xảy ra nhưng tất cả đều sẽ trong bóng tối và không có phần có lợi cho chúng tôi,” ông nói thêm.
Theo lời ông thì tâm trạng của ông và những người được di tản ‘gần như là bấn loạn’.
“Đi ra nước ngoài không biết mình làm gì. Không biết ngôn ngữ. Không có người giúp đỡ. Ngay cả quốc gia mình cũng không còn. Ngay cả quốc tịch mình cũng không còn. Mất toàn diện.”
Ông cho biết trước đó đa số các sỹ quan trẻ như ông đều ‘không nghĩ miền Nam sẽ mất ngay cả khi tiếp tế của người Mỹ không còn’.
Khi được hỏi vì sao quân đội miền Nam thua miền Bắc, ông Hòa nói: “Ngày nay ai cũng biết đó là sự phủi tay của đồng minh. Bên kia có cộng sản Trung Quốc, Nga Xô, Tiệp Khắc, Đông Âu, Đông Đức – tất cả các nước cộng sản đi vào chiến trường Việt Nam đánh Mỹ thì khi Mỹ rút thì làm sao một mình Việt Nam Cộng hòa có thể đương đầu với khối cộng sản thế giới?”
Khi được hỏi về kỷ niệm mà ông nhớ nhất thời còn chiến đấu, ông nói đó là khi ông đọc được lá thư của một người bộ đội Bắc Việt đã bỏ mạng sau khi chạm trán với đơn vị của ông vào năm 1974.
“Anh bộ đội ấy biết trước anh sẽ chết nên viết thư về cho mẹ nhắn cho mẹ thế này thế kia và nhắn cô người yêu cùng làng,” ông kể, “Cho đến khoảng đời sau này tôi cũng không thể nào quên tâm tư bộ đội Bắc Việt.”
“Người miền Nam, miền Bắc chúng ta đều trả giá và trả giá rất là đắt. Thành thử đó là đau thương cho cả đất nước Việt Nam,” ông nói và cho biết nếu gặp lại bộ đội Bắc Việt thì ông ‘cũng không có lý do thù hận’ vì ‘người chiến sỹ chỉ làm tròn bổn phận của họ mà thôi’.
“Anh em bên quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng tôi không có gì thù hận người chiến binh bộ đội,” ông nói, “Họ cũng hy sinh như người miền Nam để tranh đấu cho Việt Nam sau này thôi.”
Tuy nhiên theo lời ông Hòa thì nước Việt Nam hiện nay ‘không như Việt Nam Cộng hòa mong muốn mà cũng không như bộ đội miền Bắc mong muốn’.
Ông Hòa nói sau năm 1975 ông có dịp về Việt Nam một thời gian để trao đổi kỹ nghệ và theo ông nhận xét thì Việt Nam giờ đây ‘tất cả đời sống xã hội đều thua xa thế giới’.
“Đất nước Việt Nam tuổi trẻ có rất nhiều người giỏi. Nếu chính thể Việt Nam thay đổi thì trong tương lai Việt Nam sẽ khá hơn nhiều.”
Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với cựu thiếu tá không quân Mai Văn Chớ và cựu lính biệt kích Phạm Hòa của quân đội Việt Nam Cộng hòa được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét