Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc tấn công ngư dân Philippines



mediaCác thuyền đánh cá của ngư dân Philippines hoạt động tại Scarborough.REUTERS/Erik De Castro
Một ngày sau khi bị Cục Ngư nghiệp Philippines tố cáo cướp cá và dùng súng đe dọa ngư dân tại khu vực bãi cạn Scarborough, hôm qua thứ Sáu 24/04/2015, Bắc Kinh lên tiếng phản đối, tái khẳng định chủ quyền tại vùng biển này và yêu cầu Manila « chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp ».








Trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi (Hong Lei) tuyên bố : « các cáo buộc của phía Philippines không dựa trên thực tế ». Người phát ngôn Trung Quốc khẳng định thuyền Trung Quốc « thực hiện hợp pháp việc canh gác và duy trì an ninh tại vùng biển ngoài khơi đảo « Huangyan » (Hoàng Nham), tên Trung Quốc dùng để chỉ bãi cạn ScarboroughÔng Hồng Lỗi hối thúc chính quyền Philippines « khép vào kỷ luật và giáo dục ngư dân, chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp ».
Cũng hôm qua, trong cuộc họp báo tại Malacañang (Phủ Tổng thống Philippines), Cục trưởng Cục Ngư nghiệp Asis Perez nhấn mạnh ông sẽ không khuyến cáo ngư dân ngừng đến vùng Panatag (tên Philippines để chỉ bãi cạn Scarborough), tuy nhiên ngư dân nên trở về nếu cảm thấy « nguy hiểm ». Đầu tuần này, Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte tuyên bố ngư dân tới đánh bắt tại Scarborough không cần phải xin phép Trung Quốc.
Hôm thứ Năm, 23/04, Cục Ngư nghiệp Philippines thông báo ba tàu mang biển hiệu tuần duyên Trung Quốc đã tấn công tàu cá và bắt giữ các ngư dân Philippines hồi đầu tháng. 
Theo một thông cáo của Philippines gửi AFP, trong cuộc đụng độ này, phía Trung Quốc đã dùng súng đe dọa ngư dân, cướp cá và phá hủy thiết bị trên tàu. Một tuần sau đó, cũng tại Scarborough, ba tàu tuần duyên khác của Trung Quốc dùng vòi phun nước tấn công tàu cá Philippines, làm bị thương ba người và phá vỡ nhiều cửa kính. Chính quyền Philippines cho biết sẽ phản đối về các vụ việc trên qua đường ngoại giao.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo lớn Luzon của Philippines 220 km về phía tây, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 650 km. Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát khu vực này kể từ năm 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét