Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Vì sao người dân Bình Thuận biểu tình phản đối nhà máy điện?

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận
                                               
Ninh Thuận, Bình Thuận và cả miền Trung nối liền được xem là hiền hòa, chịu đựng nhiều nhất so với cả nước, chính vì điều kiện khó khăn, kiếm cái ăn chật vật, thời tiết thổ nhưỡng cũng khắc nghiệt nên miền đất này cũng là nơi có nhiều người tha phương cầu thực, bôn tẩu xa xứ nhiều nhất. Lực lượng lao động chính trong gia đình đều đi làm ăn xa hoặc người còn lại cũng gắng gượng mà chịu đựng mọi khó khăn để nâng đỡ gia đình.

Cũng chính vì lẽ này mà hầu hết các cuộc đình công, biểu tình phản đối giới chủ hay phản đối nhà cầm quyền đều ít xuất hiện ở các tỉnh nghèo khổ này. Tuy nhiên, một khi các tỉnh này đứng dậy phản đối những bất công thì nghe có vẻ như cuộc cách mạng lớn đang đến gần.

Con tàu biểu tình đang tăng tốc

Một bạn trẻ tên Vinh ở Vĩnh Tân, Ninh Thuận chia sẻ về vấn đề người dân đang ngày càng bức xúc và có xu hướng nổi dậy để chống lại bất công, giải tỏa những vô lý: “Người dân chặn đường lại không cho xe chạy, không đi qua đi lại, kẹt xe nhiều cây số. Bởi vì nhà máy nó thải nhiều khói ra, bụi bẩn không à, sống không được, ô nhiễm lắm!”

Theo Vinh, nếu như nói về sự bức xúc, có vẻ như người dân các tỉnh nghèo khổ thường mang nhiều ẩn ức, bức xúc và thất vọng về chính quyền địa phương nhiều hơn các tỉnh không nghèo. Nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, suốt ngày chỉ quần quật làm lụng, sự vất vả đã chiếm rất nhiều thời gian trong cuộc sống, khiến người ta không còn thời giờ để suy nghĩ về những chuyện khác như quyền con người hoặc những chính sách phúc lợi xã hội cần thiết.

Chính vì không có thời gian, không có lực lượng thanh niên chủ chốt và không có điều kiện mà suốt nhiều năm nay, mặc dù bị ép chế mọi bề nhưng người dân Ninh Thuận, Bình Thuận và những tỉnh miền Trung vẫn không có những phản ứng mạnh mẽ như nhiều tỉnh khác.
Người dân chặn đường lại không cho xe chạy, không đi qua đi lại, kẹt xe nhiều cây số. Bởi vì nhà máy nó thải nhiều khói ra, bụi bẩn không à, sống không được, ô nhiễm lắm!
- Anh Vinh ở Vĩnh Tân
Tuy nhiên, một khi người dân các tỉnh này lên tiếng phản ứng những chính sách bất công của nhà nước thì câu chuyện đã đến hồi khó cứu vãn. Cũng theo nhận định của Vinh, hầu hết các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử đều hình thành ở những tỉnh nghèo khổ của miền Trung, các phong trào cách mạng lớn trong lịch sử cũng vậy, từ Cần Vương, Duy Tân cho đến những phong trào cách tân văn chương đều có những thủ lĩnh miền Trung xuất hiện. Và đất nghèo như một cái nôi tốt nhất của cách mạng.

Hàng ngàn xe ùn tắc trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tuy Phong

Cuộc biểu tình, biểu thị sự bất mãn của người dân xã Vĩnh Tân nhằm phản đối nhà máy điện Vĩnh Tân xả khói bụi, chất độc làm ảnh hưởng môi sinh của người dân Tuy Phong, BìnhThuận vào ngày 14 tháng 4 dù sao đi nữa cũng đóng vai trò là cú châm ngòi nổ của những cuộc biểu tình khó có thể nói là không xãy ra trong thời gian tới ở Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung.

Trước đây, người dân ở Ninh Thuận cũng từng nhiều lần phản đối nhà cầm quyền địa phương xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng qui mô và độ căng chưa đến mức như cuộc phản đối hiện tại. Theo bạn Vinh, cuộc xuống đường của bà con Tuy Phong có thể lên đến con số vài ngàn người và đoạn đường kẹt xe đã lên đến hàng chục cây số. Nhưng đây chỉ là con số xuống đường chặn xe, những người ở nhà chuẩn bị tinh thần xuống đường có thể còn đông hơn nhiều.

Sở dĩ bà con nhân dân ở Tuy Phong phản đối mạnh mẽ như vậy là vì môi trường ở đây đã quá ô nhiễm, ống khói cao 210m với đường kính 7m của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân luôn tỏa ra một lượng khói hôi hám và nặng nề, bao phủ toàn bộ khu vực dân sinh trong huyện.

Hơn nữa, bãi xỉ thải ra từ hai tổ máy phát điện mỗi ngày từ hai ngàn tấn đến bốn ngàn tấn cũng làm cho môi sinh, nguồn nước ở đây trở nên dơ dáy, độc hại. Công nghệ nhiệt điện lỗi thời của Trung Quốc sử dụng nhiên liệu than cám 6A – Hòn Gai Cẩm Phả với mức đầu tư 23477 tỉ đồng. Với mức giá đầu tư quá cao trích từ thuế của dân, giao cho công ty Thượng Hải của Trung Quốc xây dựng để rồi tạo ra hàng loạt tai hại cho nhân dân như vậy, chuyện người dân phản đối là chuyện rất tự nhiên.

Chưa có chính sách nào cho dân

Một người dân khác tên Thụy, ở Vĩnh Tân, Tuy Phong chia sẻ: “Ở đây không phải Hà Nội hay Sài Gòn mà dễ công khai những thông tin mà trước đây họ bưng bít. Mỗi khi nhân dân biểu tình hay phản đối gì thì nhà cầm quyền cho công an đóng vai người dân, chen lẫn vào dân rồi bày trò quậy phá sau đó công an trấn áp dân. Nó vừa làm vừa dàn dựng để đài truyền hình nhà nước quay, để ai cũng nghĩ là dân đánh công an. Bây giờ nó đang chơi trò an dân, ru ngủ dân nhưng cũng chưa biết sẽ tới đâu…”.

Bãi sỉ than không được xử lý, bốc bụi mỗi khi có gió. RFA
Mỗi khi nhân dân biểu tình hay phản đối gì thì nhà cầm quyền cho công an đóng vai người dân, chen lẫn vào dân rồi bày trò quậy phá sau đó công an trấn áp dân. Nó vừa làm vừa dàn dựng để đài truyền hình nhà nước quay, để ai cũng nghĩ là dân đánh công an - Ông Thụy
Theo ông Thụy, sở dĩ người dân xã Vĩnh Tân hiền lành, chịu đựng lâu nay trở nên bức xúc là vì nhà cầm quyền địa phương quá đáng, họ không những đã tiếp tay cho nhà máy điện này xây dựng quá gần khu dân cư, để lọt công nghệ Trung Quốc lạc hậu vào địa phương thải ra khí độc, khói bụi và xỉ than đậm đặc mà lại không có một chính sách bảo vệ người dân cho hợp lý. Một kiểu làm việc hết sức “đem con bỏ chợ” của nhà cầm quyền trong vấn đề nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang tồn tại ở Tuy Phong nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Và không dừng ở hai tổ máy đang hoạt động, sắp tới đây sẽ có thêm một hoặc hai tổ máy nữa sẽ hoạt động để đạt được công suất đề ra lúc trình dự án. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng khói bụi, chất độc hại sẽ tăng gấp đôi hiện tại. Trong khi đó, nhà nước chưa hề có kế hoạch nào để đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân.

Hiện tại, với mức độ ô nhiễm như đang thấy, chỉ còn một trong hai lựa chọn, hoặc là di dời nhà máy điện đi nơi khác cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến đời sống người dân hoặc là di dời khu dân cư với điều kiện tốt nhất cho bà con nhân dân. Bởi trong chuyện này, bà con nhân dân phải chịu hy sinh quá nhiều khi rời bỏ mảnh vườn, căn nhà thân yêu và ổn định của mình để đến một nơi ở mới, lạ lẫm.

Và cũng theo ông Thụy, đây là vấn đề hết sức cấp bách, thể hiện quyết tâm bảo vệ dân hay bảo vệ nhà máy điện của nhà cầm quyền địa phương. Không thể phạt nhà máy điện một tỉ, hai tỉ để rồi họ lại tiếp tục hứa sẽ giảm bớt khói bụi, độc hại. Vì làm như thế, nhân dân chỉ chịu thiệt thòi hơn mà giới tham quan lại có cơ hội vòi vĩnh nhà máy điện để kiếm chác.

Vấn đề người dân cần và đòi hỏi nhất là chính sách an dân hợp lý, tránh tham nhũng và không được hứa lèo. Nhưng nhà cầm quyền Bình Thuận và Tuy Phong đã không làm được điều này. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân vẫn còn tiếp diễn và đi đến cao trào.

Ông Thụy cũng đưa ra nhận xét là mọi tỉnh ở Việt Nam đều có vấn đề, đều có thể nổ ra những cuộc biểu tình nhằm đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân. Và có vẻ như chuyến tàu đấu tranh chống bất công của nhân dân đang tăng tốc từ Sài Gòn ra Ninh Thuận, Bình Thuận và miền Trung trong thời gian tới.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

(RFA)

Không có nhận xét nào: