Trong bài xã luận đăng trên trang tin The Commentator (Anh) ngày 23.5, ông Michael Auslin, chuyên gia về an ninh và chính trị châu Á thuộc viện nghiên cứu chính sách AEI (trụ sở tại Washington, Mỹ), bình luận rằng sau nhiều năm là đề tài bàn luận của các chuyên gia, Biển Đông đang tập trung sự chú ý của giới truyền thông.
Hôm 20.5, Hải quân Trung Quốc ngang ngược thách thức, 8 lần ra cảnh báo xua đuổi khi máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ đang tuần tra những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, theo đài CNN (Mỹ).
Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông như đã từng làm tại biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh để “bảo vệ tự do hàng hải”. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington đang lớn hơn bao giờ hết trong vòng 20 năm qua, theo bài viết trên The Commentator.
Ông Michael Auslin đưa ra 3 tình huống có thể dẫn đến chiến tranh giữa 2 cường quốc này:
1. Xuất phát từ tai nạn
Khu trục hạm USS Chung-Hoon đang tập trận cùng 2 tàu chiến Singapore trên Biển Đông, tháng 7.2010 - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Hải quân Mỹ được cho đang cân nhắc điều tàu áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong phạm vi bán kính 12 hải lý (22 km), tức tiến vào giới hạn mang tính "chủ quyền" mà Trung Quốc ngang nhiên thiết lập cho các đảo này. Washington muốn thể hiện rằng Mỹ không công nhận đây là lãnh thổ của Trung Quốc.
Chuyên gia Auslin nhận định với việc tàu hải quân và tàu tuần duyên Trung Quốc có mặt tại khu vực đó, hành động dọa nạt hoặc quấy rối tàu Mỹ của phía Trung Quốc có thể “dẫn đến một vụ va chạm”.
“Đây là điều mà Trung Quốc từng làm với tàu thuyền của các nước khác, và một tai nạn như thế có thể dẫn đến đối đầu. Phần không phận bên trên quần đảo Trường Sa nằm cách bờ biển phía nam Trung Quốc khoảng 1.288 km, tức ngay trong tầm chiến đấu của tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc”, ông Auslin bình luận, nhưng không nói rõ loại máy bay chiến đấu này là gì.
Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng một khi đường băng trên đảo nhân tạo hoàn thành, quân đội Trung Quốc sẽ sớm có thể cho máy bay tuần tra khu vực.
“Tương tự, khi tàu sân bay Liêu Ninh đã có khả năng hoạt động cùng máy bay, nó có thể dễ dàng tuần tra trong vùng. Hai yếu tố này sẽ làm tăng mạnh nguy cơ xảy ra va chạm trên không, giống như vụ máy bay Trung Quốc và máy bay Mỹ đâm vào nhau ở Biển Đông hồi năm 2001”, ông Auslin nhận định.
2. Xuất phát từ kế hoạch từ trước của 2 nước
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
“Bắc Kinh đã gầy dựng ảnh hưởng địa chính trị của mình tại Đông Nam Á từ các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và giờ nước này đang xây dựng các đảo nhân tạo, với tổng diện tích hơn 8 km2… Họ có thể chịu nhượng bộ và đối mặt với nguy cơ mất ảnh hưởng ở châu Á, còn không thì lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cho rằng ngăn sự can thiệp của Mỹ ngay từ sớm sẽ là cơ hội tốt nhất để khiến Washington nhận thấy mình đang đối mặt với các hiểm nguy quá lớn”, chuyên gia Auslin dự đoán.
Ông cho rằng một khi máy bay Trung Quốc có thể đồn trú tại các đảo nhân tạo, “họ có thể giám sát máy bay Mỹ và ngăn không cho chúng bay vào vùng trời ‘cấm’… Khi đó, họ có thể sẽ buộc Mỹ phải đối đầu nhằm cố ép chính quyền Obama nhượng bộ và không can thiệp vào một vấn đề quân sự khác, trong khi vẫn đang phải giải quyết xung đột ở Trung Đông và Ukraine”.
3. Xuất phát từ xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng
Hải quân Philippines và các phóng viên báo đài có mặt trên một chiếc tàu của Philippines giơ tay về phía một tàu tuần duyên Trung Quốc sau khi tàu này đã 2 lần cố ngăn tàu Philippines tiến vào 1 bãi đá ngầm ở Biển Đông hồi tháng 3.2014 - Ảnh: Reuters |
Chuyên gia Auslin cũng đưa ra tình huống Trung Quốc cho rằng đối đầu trực diện với tàu và máy bay Mỹ là quá mạo hiểm, nhưng nước này vẫn có thể thể hiện vị thế của mình qua việc ngăn chặn, xua đuổi tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác, chẳng hạn đã từng làm với máy bay tuần tra biển của Philippines mới đây.
Theo ông Auslin, Trung Quốc có thể sẽ ngăn tàu thuyền nước ngoài băng ngang các đảo nhân tạo ở Biển Đông, hoặc xua đuổi máy bay nước ngoài kém hiện đại hơn ra khỏi vùng trời bên trên các hòn đảo.
“Và một cuộc xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc với bất kỳ quốc gia láng giềng nào vào thời điểm hiện tại cũng sẽ là cơ hội tốt để Mỹ, với lý do bảo vệ luật pháp quốc tế (hoặc lý do bảo vệ đồng minh, trong trường hợp Trung Quốc có xung đột với Philippines), nhảy vào”, ông Auslin viết.
“Với việc vẫn chưa có cơ chế giảm căng thẳng leo thang (tại Biển Đông), cộng với mối nghi ngờ thâm sâu giữa 2 nước, Trung Quốc càng cố bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình bao nhiêu, thì càng có nguy cơ Mỹ sẽ thách thức các tuyên bố này bấy nhiêu”, theo ông Auslin.
“Đó là lý do vì sao mỗi nước đều đang cố tạo ra các lằn ranh và thiết lập các quy tắc ứng xử trước nước kia. Điều này có thể không chắc chắn sẽ gây ra xung đột quân sự, nhưng chắc chắn làm gia tăng nguy cơ dẫn đến chiến tranh”, chuyên gia Auslin kết luận./Hoàng Uy
làm gì ! hay nói gì đi nữa hãy tìm mọi cách ...tạo mọi chứng cứ nhỗ nanh con cọp con hiếu chiến này ...KẼO NUỘM >..
Trả lờiXóa