Pages

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Bạo lực với các nhà hoạt động xã hội VN

Ông Đinh Quang Tuyến là nạn nhân mới nhất của tình trạng bạo lực với các nhà hoạt động
Làm cho mọi người dân 'biết được quyền của mình' chính là khởi đầu của việc làm giảm thiểu lạm dụng bạo lực nói chung trong xã hội, cũng như bạo lực, bạo hành nói riêng nhắm vào giới hoạt động dân chủ và xã hội ở Việt Nam, theo ý kiến của một khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC.

Trao đổi với Bàn tròn hôm 21/5 với chủ đề "Tình trạng bạo lực với các nhà hoạt động dân sự" ở Việt Nam, nhà quan sát tình hình chính trị - xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Tôi nghĩ có một cách rất hiệu quả, tức là chúng ta làm cho mọi người dân biết được quyền của mình.
"Bởi vì như Luật sư Vũ Đức Khanh nói là người dân có rất nhiều quyền và nếu người ta hiểu ra được quyền của mình, người ta thực thi quyền đấy.
"Và quyền đấy là quyền của dân, không phải hỏi ai ban phát cho cả, cứ thế thực thi, và ngay trong việc thực thi đó, người ta sẽ mạnh dạn dần lên, sẽ bớt sợ dần đi.
"Và lúc đó tôi nghĩ những tiếng nói, kể cả những người làm chứng, kể cả những người đột nhiên thấy những trường hợp hành hung như thế, thì có thể giơ luôn điện thoại ra, có thể chụp một cái ảnh, có thể quay một video clip, hoặc là nhận diện những kẻ đấy.
"Và chỉ có như thế thì tình hình mới được cải thiện mà thôi," ông Nguyễn Quang A nói với Bàn tròn.

Tự bảo vệ mình

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, người bị hành hung hôm 11/5/2015 tại Hà Nội chia sẻ quan điểm về những gì mà ông cho là các biện pháp có thể giúp giảm thiểu bạo lực, lạm dụng bạo hành ở Việt Nam.
Ông Chí Tuyến nói:
"Chúng tôi là công dân và chúng tôi chỉ thực hiện các quyền dân sự, các quyền căn bản của con người là quyền phát biểu chính kiến của mình, quyền được tham gia hội họp để sinh hoạt trong những cái mà pháp luật cho phép, và Hiến pháp Việt Nam cũng quy định, cũng như các công ước quốc tế.
"Tôi nghĩ rằng những việc tôi làm và bày tỏ chính kiến của mình như thế không mang tính bạo lực hay là đe dọa một sự lật đổ đối với chính quyền Việt Nam, hay là... chúng tôi kêu gọi một lời gì đó để mang tính bạo loạn hay lật đổ gì cả.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến (trái) tin rằng tiếp tục 'hoạt động ôn hòa' là phương cách tự bảo vệ và đối phó bạo hành hữu hiệu nhất.
"Mà tất cả hoạt động, lời nói của các anh chị em chúng tôi rất ôn hòa, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, đấy là cách thức để chúng tôi bày tỏ quan điểm.
"Còn về phương pháp, thực ra chúng tôi là những con người thể hiện quan điểm của mình thôi, chúng tôi là những tập hợp tự tạo thành những mối quan hệ trở thành bạn bè, chứ chúng tôi chưa phải là các tổ chức hay là để có những thiết chế, hay... lập ra những đội bảo vệ hay gì đó để bảo vệ chính chúng tôi.
"Cho đến hiện tại, chúng tôi chưa có những điều đó và pháp luật Việt Nam người ta cũng sợ thành lập những hội nhóm, hay người ta cũng chưa cho phép thành lập đảng phái, hay cái gì.
"Nên hiện tại chúng tôi cũng chỉ biết là tự bảo vệ bằng cách là anh em đoàn kết với nhau để hỗ trợ cho nhau, rồi hạn chế những tình huống mà có thể dẫn đến những rủi ro cho chúng tôi," ông Tuyến nói với BBC.

'Lấy mạng làm chứng'

Trong khi đó nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến, người vừa bị bạo hành hôm 19/5/2015 tại Sài Gòn đề cập một góc độ khác trong việc đấu tranh làm giảm thiểu nạn bạo hành chống giới hoạt động dân sự ở trong nước.
Ông nhấn mạnh một khía cạnh trong đó nhiều nhà hoạt động đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ hóa tại Việt Nam đang buộc phải chấp nhận rủi ro để có 'bằng chứng' tố cáo nạn bạo hành này.
Ông Đinh Quang Tuyến nói:
"Cứ đòi chúng tôi 'bằng chứng', thì chúng tôi lấy mạng chúng tôi ra làm bằng chứng, chứ còn có cách nào khác nữa đâu.
"Nhưng mà tôi thấy rằng các quan chức (ngoại giao), các tòa lãnh sự..., Liên hiệp quốc... có mặt ở một số nơi, cái hiệu ứng rất là lớn, vì nó làm cho người dân chung quanh thấy được có một điểm tựa từ bên ngoài.
"Và bắt đầu từ điểm tựa đó, họ bắt đầu lên tiếng, họ bắt đầu làm chứng, thì cái mô hình này sẽ thay đổi.
"Thế còn chúng tôi là những người cảm tử đi đầu, là chúng tôi phải xác định là điều chúng tôi nói ra, chúng tôi phải lấy mạng của chúng tôi để làm giá, chứ không có thể có cách khác được đâu," nhà hoạt động nói với Tọa đàm của BBC.

'Không có đồng bộ'

Từ Ontario, Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư bán thời gian tại Khoa Luật, Đại học Ottawa, chia sẻ với BBC góc nhìn của mình về một số vụ bạo hành xảy ra với giới hoạt động nhân quyền và dân chủ hóa ở Việt Nam gần đây.
Luật sư Vũ Đức Khanh đưa ra các quan sát với Tọa đàm Bàn tròn từ góc nhìn một luật gia từ quốc tế.
Luật sư nói:
"Từ nhiều năm nay chúng ta thấy, chứ không phải mới thấy, chẳng hạn trước đây, trước chuyến đi của ông Nguyễn Minh Triết (nguyên Chủ tịch Nước của Việt Nam) sang Hoa Kỳ thì có chuyện gần như là bạo hành ở ngay giữa công đường qua vụ án Linh mục Nguyễn Văn Lý.
"Hay là mỗi lần có chuyến đi quan trọng của quý vị (lãnh đạo) Việt Nam ra nước ngoài và đặc biệt tới Hoa Kỳ, thì hình như ở trên và ở dưới không có sự đồng bộ.
"Hoặc ở giữa cơ quan an ninh và những cơ quan khác không có sự nhịp nhàng với nhau, mà họ có tính cách như là muốn đánh phá lẫn nhau.
"Tôi nghĩ rằng trong vấn đề này có sự rối loạn trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như trong hệ thống chính quyền của Việt Nam."
Luật sư Vũ Đức Khanh còn cho rằng có thể nhà nước Việt Nam đã đang ở trong tình trạng 'bất lực'.
"Có thể nhà nước Việt Nam đã bất lực, không thực hiện đúng chức năng của mình là bảo vệ cho người dân," ông nói thêm với BBC.

Quyết ra khỏi Đảng

Cuộc tọa đàm bàn tròn trực tuyến được BBC mở hôm thứ Năm và phát trên YouTube từ 19:30-20:00 ngày 21/5 về tình trạng bạo lực xảy ra với các nhà hoạt động xã hội sau khi ít nhất ba người bị tấn công.
Các cây viết tự do Gió Lang Thang, tức Trịnh Anh Tuấn, Anh Chí, tức Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội và Đinh Quang Tuyến ở thành phố Hồ Chí Minh đều bị tấn công gây thương tích nặng.
Trước sức ép của dư luận, công an Việt Nam dường như đã mở cuộc điều tra vụ tấn công với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.
Một số nhà ngoại giao từ các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đức và Australia đã tới thăm ông Tuyến sau khi ông bị hành hung.
Sau vụ các nhà hoạt động này bị tấn công, một số người cáo buộc lực lượng an ninh đứng đằng sau các hành động bạo lực đối với các cây viết tự do và nhà hoạt động xã hội.
Cách đây vài năm đã xảy ra vụ lực lượng an ninh bị cáo buộc " đạp vào mặt" người biểu tình chống Trung Quốc Nguyễn Chí Đức, khi đó là đảng viên cộng sản.
Mặc dù có hình ảnh ghi lại nhưng khi đó lực lượng công an cũng không tiến hành điều tra.
Ông Nguyễn Chí Đức sau này đã quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản.
Quý vị có thể theo dõi toàn bộ nội dung cuộc Tọa đàm Trực tuyến tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét