Pages

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Bùi Tín - Những tiêu chuẩn đối nghịch quyết liệt

Hội nghị Trung ương 11 đã đề ra tiêu chuẩn rất tỉ mỉ, cụ thể để lựa chọn người được đề cử, ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Trong Đảng CSVN, chưa bao giờ vấn đề nhân sự được bàn cãi nhiều và sôi nổi như trong cuộc họp này.

Cuộc họp đã ra nghị quyết chỉ rõ: "Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 phải là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ tư duy đổi mới sáng tạo, ý chí chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm minh, có tính đảng cao, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, có uy tín năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới".

Thật là đầy đủ, chỉ thiếu có chữ "dân chủ", dân chủ trong đảng và dân chủ trong xã hội. Tuyệt nhiên trong bản tiêu chuẩn trên đây không hề có khái niệm dân chủ, đây là một điểm rõ ràng nói lên bản chất độc đoán của Đảng CS tối kỵ với dân chủ.

Về tiêu chuẩn của một Ủy viên Trung ương còn dài dòng hơn nhiều, kể ra thành 3 nhóm tiêu chuẩn cụ thể:

1. Tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh đường lối của Đảng, hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc...

2. Phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm, biết lắng nghe, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, bản thân không quan liêu, cơ hội vụ lợi, không tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan liêu tham nhũng, không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để mưu lợi, có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê binh và phê binh, công minh và công bằng trong đánh giá và sử dụng cán bộ.

3. Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương, có năng lực cụ thể về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước, qua thực tiễn thể hiện, là người sáng tạo, nhiệt huyết, năng lực, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đoàn kết, quy tụ, phát huy đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, có ý thức trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể dễ đàng thấy ngay các tiêu chuẩn trên đây không nhất quán với nhau, nhiều tiêu chuẩn trái ngược nhau, cãi vã nhau quyết liệt, không thể chung sống với nhau. Có khá nhiều điều đối nghịch nhau như lửa với nước. Làm sao có được tinh thần trách nhiệm cao, có tinh thần đổi mới và sáng tạo, biết lắng nghe quần chúng và trí thức dân tộc khi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương kiên định chủ nghĩa Mác- Lê đã quá lỗi thời một cách hiển nhiên, đã bị lịch sử lên án và kết luận là sai lầm của nhân loại, khi kiên định chủ nghĩa CS và chủ nghĩa xã hội cũng đã bị cả loài người lên án là ảo tưởng và tội ác chống nhân loại, với một tượng đài tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân bi thảm của chủ nghĩa CS hiện thực trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu nạn nhân người Việt ta?

Làm sao Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương có thể bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc khi còn duy trì những cam kết bất bình đẳng trong cuộc mật đàm Thành Đô tháng 9/1990, trải qua 5 đời Tổng bí thư, gần đây lại được củng cố thêm một cách cực kỳ nguy hiểm bởi Tuyên bố chung Tập Cận Bình - Nguyễn Phú Trọng tháng 5/ 2015 mới đây?

Một điều rất mỉa mai đáng hổ thẹn là chính nhiều ủy viên Bộ Chính trị và không ít ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện tại xét ra theo công luận cũng không đủ tiêu chuẩn vừa được quyết định tại cuộc họp lần thứ 11 khoá 11.

Chỉ xin kể ra vài ví dụ. Tất cả các Uỷ viên Bộ Chính trị là Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đều bị tố cáo là cá nhân chủ nghĩa, vun vén cho chị em, con cái làm giàu bất chính thành những tỷ phú bất minh, có người còn cử con gái mới 22 tuổi làm Chủ tịch Uỷ ban quản trị một công ty xây dựng lớn, chà đạp ngang nhiên lên luật pháp, cương lĩnh và điều lệ đảng. Nhưng tất cả đều vô can, coi như không có gì xảy ra.

Đã vậy con người cá nhân chủ nghĩa như thế lại đóng vai chủ chốt trong việc đề ra quy hoạch cán bộ cho Đại Hội Đảng kỳ 12 sắp đến, nắm quyền đề xuất việc phân phối các chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước. Như thế thì công tác tổ chức của Đảng không hỗn loạn, nói một đằng làm một nẻo mới là lạ.

Sau khi có nghị quyết về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo nói trên, 2 ông nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh nên nêu gương giải trình về tài sản riêng tư, chỉ riêng về nhà cửa lộng lẫy như cung vua, phủ chúa, đầy vàng bạc, trống đồng, tượng bán thân, đồ cổ trang trí được đưa rộng rãi trên báo chí, chưa nói đến của chìm và những chuyện dâm ô vô đạo của hai ông, để xem quý ngài sẽ trả lời ra sao cho toàn Đảng, toàn dân được thông hiểu.

Còn ông đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xin ông cho biết ông đã có điểm son nào để chứng minh là ông chống tham nhũng quyết liệt, rằng ông là con người sáng tạo, có tầm nhìn, tư duy chiến lược, có trí tuệ.

Điều đặc biệt trong nghị quyết về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo lần này có thêm một mục quy định "kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong những khuyết điểm như sau: bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt...; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng tiêu cực lớn ở địa phương đơn vị, ...kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình được nguồn gốc...".

Đây là mối quan tâm rất đáng hoan nghênh để tài sản công không bị xà xẻo rơi vãi quy mô lớn. Nhưng làm thế nào để tránh khỏi tai họa đó khi Bộ Chính trị nắm độc quyền quyết định về chi thu ngân sách quốc gia, về nhận và phân phối quỹ viện trợ quốc tế ODA và quỹ đầu tư quốc tế FDI, về thanh tra và kiểm toán ngân sách, Quốc hội không có thể kiểm tra một cách nghiêm minh, đến mức trong và ngoài nước có nhiều chuyên gia kinh tài phỏng đoán rằng ở VN số tiền ngân sách bị xà xẻo, rơi vãi vào túi các quan chức CS cùng các phe nhóm lợi ích của họ có thể vào khoảng trên dưới 20 % ngân sách, nghĩa là vài chục tỷ đô la mỗi năm. Cứ xem các vụ tham ô lớn ở Việt Nam và Trung Quốc thì đủ rõ, các tham quan ô lại CS lớn thường có tài sản mà các nhà đại điền chủ và đại tư sản thuở xưa chỉ là những con thỏ bên những con bò béo mập. Đây chính là cái sai lầm gốc, cái sơ hở khổng lồ của cơ chế, do Bộ Chính trị chịu trách nhiệm chủ yếu, do đó đã phạm ngay "khuyết điểm" lớn của những người không được để lọt lưới và cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Có quá nhiều điều tréo cẳng ngỗng, trái ngược nhau, đối kháng nhau trong các tiêu chuẩn đã quy định. Điểm trên cải nhau với điểm dưới, thật rất khó vận dụng được thông suốt, trôi chảy.

Thật là một cuộc đánh đố đầy gian lao đặt ra cho các đại biểu tham dự Đại Hội 12 để bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương vừa kiên định chủ nghĩa Mác Lê, kiên định CNCS và CNXH mơ hồ ảo tưởng, lại có trí tuệ và sáng tạo, trung thành với dân tộc và nhân dân.

Bùi Tín

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét