Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Cách Thủy - Vì sao Putin ra lệnh cấm tiết lộ thông tin binh sĩ thiệt mạng trong thời bình?

Cách Thủy
Hãng tin Nga RIA cho hay ngày 29-5-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua sắc lệnh cấm tiết lộ thông tin về binh sĩ thiệt mạng trong các “chiến dịch đặc biệt” thời bình. Theo đó, các thông tin về binh sĩ thiệt mạng trong những “chiến dịch đặc biệt” thời bình chính thức được xem là “bí mật quốc gia”. Tức là những người tiết lộ thông tin về binh sĩ thiệt mạng sẽ bị truy tố và có thể phải ngồi tù về tội tiết lộ bí mật quốc gia.
Một chỉ huy quân đội Ukraine cho các phóng viên quốc tế thấy những vũ khí mà lực lương Kiev thu giữ của binh sĩ Nga ở miền đông Ukraine - Ảnh: Reuters
Mặc dù người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố sắc lệnh này “không liên quan đến tình hình Ukraine” mà chỉ là việc tăng cường luật Nga quản lý bí mật nhà nước. Và ông này còn nói rằng tổng thống Putin không có ý định tổ chức các chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng dư luận phương Tây đều nói ngay rằng sắc lệnh này chẳng qua che dấu tung tích về sự can thiệp của Nga vào Ukraine.

Điện Kremlin ra sắc lệnh trên sau vụ chính quyền Ukraine bắt giữ hai binh sĩ Nga ở miền đông nước này.
Thời gian qua, Ukraine và phương Tây liên tục cáo buộc Nga đưa hàng ngàn binh sĩ và khí tài đến miền đông Ukraine để hỗ trợ quân ly khai. Matxcơva thì luôn bác bỏ cáo buộc này. Trong khi hai binh sĩ bị Kiev bắt giữ khai họ thuộc lực lượng vũ trang Nga, được cử đến miền đông Ukraine để thực hiện chiến dịch do thám.
Nói chung, việc Nga đưa quân hay thậm chí trực tiếp can thiệp vào miền đông Ucraine, ủng hộ phe ly khai là điều có thể khẳng định và cũng hoàn toàn "hợp lý" - theo quan điểm và sách lược bảo vệ quyền lợi Nga mà ông Putin vẫn hay tuyên bố trong nhiều năm qua.
Đại khái, chiến lược và chiến thuật của ông Putin, là phải có một số nước thân Nga làm "vùng đệm" cho nước Nga ở những khu vực giáp ranh với các nước tư bản phương Tây, khác về ý thức hệ (Nato). Vì lúc nào lãnh đạo Nga cũng có cảm giác không an toàn, luôn sợ bị lật đổ, thay đổi chế độ. Nhất là theo kiểu cách mạng màu, cách mạng da cam - vốn từng xảy ra không xa ở nhiều nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Grudia ....
Với việc "sáp nhập" Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga đầu năm 2014, ông Putin đã làm đông đảo người Nga sướng đến rơi lệ, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. (Nói chung người Nga luôn có cảm tưởng là châu Âu đánh giá thấp họ, coi thường nước Nga). Nhờ hành động này, uy tín trong nước của ông Putin tăng lên vùn vụt. Có thể nói cũng giống như Tập Cận Bình bên Trung Quốc và chú Ủn bên Triều Tiên, uy tín của người đứng đầu nước Nga hiện vượt xa những người tiền nhiệm. Tại Nga, ông Putin được tôn thờ, được xem là siêu nhân, với những "tài năng" đa dạng như săn cá mập, lái máy bay chiến đấu, chơi khúc côn cầu, cơ bắp võ sỹ ... và tất nhiên là thiên tài lãnh đạo đất nước.
Tuy nhiên có một thực tế là nước Nga đang cô đơn và cô độc trên con đường của mình hơn bao giờ hết. Và mặc dù cố duy trì các "vùng đệm", an ninh của nước Nga bị "de dọa" hơn bao giờ hết, khi phương Tây đang ngày càng siết chặt liên minh "chống" Nga, tăng cường vũ khí áp sát Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử Đông Âu, vũ khí Mỹ đã vào tới Ukraine, sát nách nước Nga.
Với việc "mật hóa" thông tin binh sỹ thiệt mạng, thay vì phải tôn vinh họ như những anh hùng, cho thấy góc tối của mưu lược Putin. Nó cũng cho thấy khả năng con số binh sỹ thiệt mạng là nhiều và có thể còn tăng lên trong tương lai.
Ở nước Nga, một mình "ngôi sao" Putin lèo lái và quyết định tất cả trong suốt hơn 12 năm qua và chắc chắn sẽ còn trong nhiều năm nữa. Sẽ không có gì bất ngờ nếu ông Putin tiếp tục mật hóa nhiều vấn đề khác, nếu những thông tin đó bất lợi cho chiếc ghế của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét