Pages

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Cảnh báo nghiêm trọng về biến đổi khí hậu toàn cầu

Gia Minh, biên tập viên RFA

Hãy cứu lấy trái đất

Hãy cứu lấy trái đất
 RFA files




Những cảnh báo và đánh giá mới nhất về biến đổi khí hậu tác động đến Trái Đất là gì? Còn số ý kiếm hiếm hoi ngược lại lập luận ra sao?
Tiếp tục cảnh báo
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào trung tuần tháng tư, trong bài diễn văn trước Ngày Trái Đất năm nay, nhắc lại rằng biến đổi khí hậu riêng nó thôi đang là mối nguy lớn nhất cho thế giới.
Người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ nhấn mạnh là hiện nay không có mối nguy nào cho hành tinh của chúng ta lớn hơn biến đổi khí hậu. Tình trạng này không còn có thể bị bác bỏ hay không quan tâm đến được.
Theo tổng thống Barack Obama thì con người chỉ có một hành tinh Trái Đất và ông mong muốn trong tương lai vẫn có thể trực diện với thế hệ con cháu để nói rằng thời cha ông các cháu đã làm hết mọi cách hầu bảo vệ hành tinh Trái Đất.
Vào cuối tháng tư vừa qua một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change do tiến sĩ Erich M. Fischer và đồng nghiệp Reto Knutti thuộc Viện Công nghệ Liên Bang Thụy Sĩ ở Zurich thực hiện. Nghiên cứu này nêu ra rằng tình trạng ấm nóng toàn cầu từng xảy ra, như hậu quả của phát thải từ hoạt động con người, đã tăng gấp bốn lần tần suất những đợt nóng cực độ kể từ thời Cách mạng Công nghiệp. Giới khoa học cũng cảnh báo là nếu không kiểm soát được khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì cuối cũng sẽ dẫn tới mức tăng đến 62 lần những đợt cực nóng như thế.
Đợt nắng nóng ở Chicago vào năm 1995 khiến hằng trăm người thiệt mạng, trong khi đó đợt nóng vào năm 2003 ở Châu Ấu khiến chừng 70 ngàn người chết.
Rồi tình trạng ấm nóng Trái Đất cũng có tác động vừa phải gây ra những trận mưa nặng và đến cuối thế kỷ này những trận mưa lớn như thế sẽ tăng gấp đôi  nếu như phát thải vẫn ở mức cao.
Theo tổng thống Barack Obama thì con người chỉ có một hành tinh Trái Đất và ông mong muốn trong tương lai vẫn có thể trực diện với thế hệ con cháu để nói rằng thời cha ông các cháu đã làm hết mọi cách hầu bảo vệ hành tinh Trái Đất
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Erich M. Fischer, cho rằng có người lập luận là trước khi con người tác động vào khí hậu, những hiện tượng cực đoan như thế cách đây nhiều thế kỷ, từng xảy ra rồi,. Ông Erich Fischer đồng ý với lập luận đó nhưng nói thêm là có thay đổi tức con người phải gánh chịu nhiều hơn những đợt hiện tượng cực đoan như vậy.
Còn một nghiên cứu được đưa ra vào đầu tháng 5 trên tạp chí Science có cảnh báo cụ thể là cứ một trong sáu loài trên Trái Đất sẽ bị tiêu diệt nếu như hiện nay không có hành động ngay chặn đứng hiện tượng biến đổi khí hậu.
Các loài lưỡng cư và bò sát sẽ phải đối diện nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất và cơ hội rơi vào thảm trạng tuyệt chủng này được ghi nhận cao nhất tại New Zealand, Australia và Nam Mỹ.
Nguyên nhân cụ thể được chính tác giả của nghiên cứu vừa nói là nhà sinh thái Mark Urban thuộc Đại học Connecticut Hoa Kỳ cho biết là vì nhiệt độ gia tăng làm cho dạng thức thời tiết và cây cỏ đổi thay. Từ đó các loài buộc phải di chuyển đến những vùng mát hơn để sống còn.
Cụ thể theo nhà sinh thái Mark Urban thì nếu nhiệt độ Trái Đất tăng trung bình 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp hóa và cứ giữ ở mức đó thì hơn 5% các loài sẽ bị tiêu diệt. Còn trong trường hợp nhiệt độ tăng lên mức 4,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, thì cứ một trong sáu loài trên Quả Địa Cầu sẽ biến mất.
Hiệu ứng nhà kính
Hiệu ứng nhà kính
Trong tình trạng hiện nay thì theo các nhà khoa học khó có thể giữ mức tăng ở 2 độ C như mong muốn.
Diễn tiến liên quan
Để có thể giảm thiểu nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất tiếp tục ấm nóng lên, nhiều biện pháp công nghệ được đưa ra. Tuy nhiên cần phải có nguồn kinh phí để ứng dụng các công nghệ mới, giảm bớt và đi đến loại trừ những loại nhiên liệu thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bà Christiana Figueres, viên chức điều hành Công ước Khung Liên hiệp quốc về Biến Đổi Khí hậu vào đầu tháng 5 vừa qua nói rằng tiến bộ công nghệ giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả của những loại năng lượng tái tạo kể từ năm 2009, đã làm chuyển biến quan điểm về tình hình biến đổi khí hậu dù rằng từ đó đến nay nổ lực đạt được một thỏa thuận toàn cầu về mức giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn bất thành.
Theo bà Chritiana Figueres thì giá cả của những tấm pin mặt trời giảm đến 80% kể từ thượng đỉnh Copenhagen ở Đan Mạch. Bên cạnh đó pin mặt trời hiện nay cũng hiệu quả hơn đến 40%; trong đó có những tấm pin mặt trời Tesla.
Giá điện mặt trời tại ít nhất 60 quốc gia được giảm ngang bằng hay thậm chí rẻ hơn điện từ mạng lưới hiện tại.
Thống kê cho thấy năm ngoái khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo lên đến con số kỷ lục từ trước đến nay là 271 tỷ đô la. Năng lực nguồn điện tái tạo vượt mức tăng trưởng năng lực điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Còn một nghiên cứu được đưa ra vào đầu tháng 5 trên tạp chí Science có cảnh báo cụ thể là cứ một trong sáu loài trên Trái Đất sẽ bị tiêu diệt nếu như hiện nay không có hành động ngay chặn đứng hiện tượng biến đổi khí hậu
Cũng sau thượng đỉnh biến đổi khí hậu Copenhagen, số luật và qui định liên quan năng lượng tái tạo cũng tăng 20 lần. Điều này cho thấy rằng khung pháp lý của thế giới được điều chỉnh theo hướng năng lượng sạch hơn.
Vào tháng hai vừa qua các nhà thương thảo Liên hiệp quốc đưa ra dự thảo thỏa thuận về khí hậu mà các quốc gia sẽ ký kết vào tháng 12 năm nay ở thượng đỉnh Paris. Bản dự thảo hoàn tất sớm trước kế hoạch đến 4 tháng.
Nếu so với kỳ thượng đỉnh Copenhagen thì lần này có tiến bộ hơn dù rằng thỏa thuận Paris cũng không mong chặn đứng tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay; nhưng đây là lần đầu tiên mà tất cả 194 quốc gia thống nhất với nhau cần phải thực thi một điều gì đó.
Trước đây chỉ có những quốc gia giàu có đưa ra cam kết giới hạn lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là carbon dioxide, do đốt than, dầu mỏ và khí đốt. Năm ngoái hai nước phát thải lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ công bố những mức cắt giảm cho thỏa thuận Paris mà sẽ có hiệu lực từ năm 2020.
Giới khoa học cho rằng cần phải có cắt giảm thì mới bảo đảm tình trạng ấm nóng toàn cầu không lên đến mức nguy hiểm cho Trái Đất. Ủy ban Liên chính phủ về Biền đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc- IPCC, cho rằng trong thế kỷ này nhiệt độ trung bình của Trái Đất có thể tăng 4,8 độ C. Đây là nguyên nhân gây ra hạn hán, lụt lội và nước biển dâng.
Đóng góp còn chậm
Ngoài việc cam kết giảm phát thải, một số quốc gia giàu có trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản đều có cam kết đóng góp cho một quĩ của Liên hiệp quốc để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu do ấm nóng gây nên, cũng như cắt giảm những khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nghiên cứu ứng dụng những loại năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Quỹ Khí Hậu Xanh vào cuối tháng tư vừa qua cho biết những quốc gia tài trợ đã ký kết văn bản tài trợ được chừng 4 tỷ đô la. Nhưng mức này chỉ được 42% của tổng khoản được cam kết vào cuối năm ngoái là hơn 10 tỷ đô la.
Anh và Đức dẫn đầu khi ký thỏa thuận đóng góp với khoản của London là 1,2 tỷ và Berlin là 1 tỷ; tiếp đến là các quốc gia Châu Âu Thụy Điển, Pháp, Na Uy, Hòa Lan.
Trong khi đó Hoa Kỳ hứa đóng 3 tỷ và Nhật Bản 1 tỷ rưỡi cho Quỹ Khí Hậu Xanh nhưng đến hạn qui định vào cuối tháng tư vừa qua vẫn chưa ký thỏa thuận góp tiền.
Giám đốc điều hành Quỹ Khí Hậu Xanh của Liên hiệp quốc, bà Hela Cheikhrouhou, cho rằng quỹ này là một phần thiết yếu của thỏa thuận Paris. Theo bà thì những nền kinh tế đang trổi dậy cần phải đầu tư chừng 2.500 tỷ đô la mỗi năm vào các ngành như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp; song song đó họ cần phải đầu tư thêm 450 tỷ đô la để bảo đảm những khoản đầu tư mới được xanh, tức không tiếp tục gây hại cho môi trường Trái Đất.
Ủy ban Liên chính phủ về Biền đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc- IPCC, cho rằng trong thế kỷ này nhiệt độ trung bình của Trái Đất có thể tăng 4,8 độ C. Đây là nguyên nhân gây ra hạn hán, lụt lội và nước biển dâng
Phát kiến trái chiều
Dù có những khẳng định rất mạnh mẽ về hệ quả của việc phát thải khí nhà kính lâu nay từ hoạt động sản xuất công nghiệp làm Trái Đất ấm nóng lên và hệ quả là khí hậu biến đổi; đến nay vẫn có một vài ý kiến trái chiều.
Vào ngày thứ sáu 8 tháng 5 vừa qua, cố vấn kinh doanh hàng đầu của thủ tướng Australia Tony Abbott lên tiếng nói rằng biến đổi khí hậu là một mưu chước được Liên hiệp quốc bày ra để tạo nên một trật tự thế giới toàn trị dưới sự kiểm soát của chính định chế này.
Cố vấn Maurice Newman, chủ tịch Hội đồng Tư vấn Thương Mại của thủ tướng Australia, đưa ra phát biểu trên một tờ báo nước này trùng vào dịp bà Chritiana Figueres đến thăm Australia. Ông này nói rằng thế giới bị các nhà thiên tai học về khí hậu phóng đại vấn đề gần 50 năm qua. Dù không đưa ra được bằng chứng để minh chứng cho phát biểu của mình, nhưng cố vấn Maurice Newman khẳng định 95% mô hình khí hậu được trình bày với mọi người mà được cho là có mối liên hệ giữa phát khải khí CO2 của con người tạo ra với tình trạng ấm nóng toàn cầu, cho đến nay là sai. Ông này cho rằng sau hai thập niên nhiệt độ Trái Đất giữ nguyên.
Trong khi ấy ngay tại Australia, Bộ trưởng Môi trường Greg Hunt không muốn dính líu đến phát biểu của cố vấn thương mại Maurice Newnam của thủ tướng Tony Abbott. Ông Hunt cho rằng mọi cá nhân đều có quyền bày tỏ quan điểm của họ; nhưng cách của Australia là làm việc một cách xây dựng với các bên trong cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch điều hành Hội đồng độc lập về khí hậu tại Australia sau khi đọc được ý kiến của ông Maurice Newman lên tiếng yêu cầu ông cố vấn thương mại này của thủ tướng Tony Abbott hãy từ chức.
Ông Stephen Moore, một người Mỹ chuyên phân tích chính sách và chuyên viết về kinh tế, vào tháng tư vừa qua đưa ra một số điểm mà ông này cho là thực tế nên mừng vào Ngày Trái Đất năm 2015.
Thứ nhất là nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay dồi dào hơn và vừa túi tiền cho người sử dụng hơn bao giờ hết trong lịch sử. Ông này cũng nói rằng nguồn năng lượng như dầu và than ở Mỹ vẫn còn nhiều có thể dùng cho cả mấy trăm năm. Rồi ô nhiễm không khí và nước giảm đi. Cơn ác mộng nạn nhân mãn không còn nữa vì sinh suất giảm chừng một nửa khắp thế giới trong nửa thế kỷ qua. Trong khi đó tỷ lệ tử vong con người do thiên tai và những thay đổi nghiêm trọng thời tiết giảm trong vòng từ 50 đến 100 năm qua. Sản xuất lương thực theo đầu người tăng 40% hiện nay so với mức gần nhất vào năm 1950.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây.Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét