Pages

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Chuyện gì đang diễn ra ở biển Đông?

Kính Hòa, phóng viên RFA

017_197743-620.jpg

Cảnh sát biển Trung Quốc (P) sử dụng cờ để báo hiệu cho tàu Việt Nam KN-762 đã va chạm với tàu bảo vể biển của Trung Quốc hôm 13 tháng 6 năm 2014.
AFP photo




Ngày 16 tháng 5 năm 2015, Việt nam lại lên tiếng phản đối lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông. Đây là sự việc mới nhất trong những diễn biến sôi động ở biển Đông trong thời gian hơn một tháng qua.
Biển Đông một tháng sôi động
Xem xét các diễn biến tại biển Đông trong thời gian vừa qua, Thạc sĩ Hoàng Việt, một trong những người nghiên cứu về biển Đông ở Việt Nam cho biết:
Các phản ứng của các quốc gia, đặc biệt là phản ứng từ phía Hoa kỳ, liên quan đến việc Trung Quốc cho bồi đắp các thực thể địa lý trên biển Đông bao gồm cả Hoàng sa và Trường sa, trong đó đặc biệt là quyết định từ phía Hoa kỳ tuyên bố cho tàu hoặc các máy bay tham gia tuần tra trên biển Đông cũng như là chạy qua các vùng mà Trung Quốc đang bồi lấp, để thách thức việc Trung Quốc muốn thay đổi nguyên trạng, thay đổi tính pháp lý của nó. Tôi cho rằng đó là diễn biến nổi bật nhất liên quan đến biển Đông trong 1 tháng qua.”
Đầu tháng Tư, năm 2015, Trung Quốc công khai kế hoạch của họ về việc xây dựng các đảo nhân tạo cũng như cải tạo các bãi đá nhỏ mà họ đang chiếm đóng tại quần đảo Trường sa.
Ngày 11 tháng Năm tàu tác chiến gần bờ của hải quân Mỹ đóng tại Singapore là USS Fort Worth chạy ngang các đảo ở Trường Sa và bị một tàu chiến của Trung Quốc theo dõi từ xa.
Ngày 13 tháng Năm, Bộ Quốc phòng Mỹ nói là sẽ cân nhắc việc gửi tàu chiến và máy bay đến tuần tra ở biển Đông, kể cả sẽ đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam ở một tình thế rất là khó. Ngoài việc lên tiếng mạnh mẽ, Việt Nam khó có thể làm cái gì hơn, nhìn vào cái tương quan lực lượng trên biển bây giờ.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Ngày 14/5 Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng ủng hộ các hoạt động tuần tra trên biển của các Quốc gia trong vùng biển Đông trong đó có hải quân Hoa kỳ.
Trả lời câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại có những hành động và tuyên bố mạnh mẽ hơn về biển Đông so với thời gian trước kia, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng:
“Các diễn biến trên biển Đông trong thời gian gần đây đặc biệt là từ phía Trung Quốc trong việc xây các đảo nhân tạo, đó là một hành động, một diễn biến thay đổi rất là lớn hiện trạng trên biển Đông. Đặt ra một thách thức mới mà trước đó chưa tồn tại.”
Tiến sĩ Hiệp nói thêm và diễn biến mới này sẽ tạo cho Việt Nam một cơ hội thuận lợi hơn là có Hoa kỳ như một đồng minh tự nhiên trong việc đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông, nhưng cũng đặt Việt Nam vào một thách thức là làm thế nào để duy trì quan hệ tốt với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Một nhà quan sát trong nước là Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rằng:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam ở một tình thế rất là khó. Ngoài việc lên tiếng mạnh mẽ, Việt Nam khó có thể làm cái gì hơn, nhìn vào cái tương quan lực lượng trên biển bây giờ. Đó là một cái thế rất là kẹt.”
Nói thêm về tình thế khó khăn của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng nếu đặt mình vào vị trí các nhà lãnh đạo hiện nay thì xét về thực chất họ cũng đã làm cái việc tìm kiếm đồng minh để bảo vệ đất nước, mặc dù chuyện đó không được lên tiếng một cách ồn ào.
Một khó khăn nữa trong cách ứng xử hiện nay cũng như dài hạn của Việt nam đối với Trung Quốc, theo Thạc sĩ Hoàng Việt là chuyện nước này thường lợi dụng sự đồng nhất về ý thức hệ giữa hai Quốc gia láng giềng.
Những diễn biến sắp tới?
Nói về những diễn biến sắp tới trên bàn cờ biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng:
Để đánh giá động thái của Trung Quốc trong thời gian sắp tới thì rất khó, vì Trung Quốc họ luôn có các kế hoạch gây bất ngờ cho các quốc gia khác, rất khó đoán. Tuy nhiên đó là chuyện các bước đi cụ thể, còn về dài hạn thì Trung Quốc họ không thay đổi, tức là họ luôn luôn làm sao để thực hiện được việc họ kiểm soát được biển Đông.”
Và ông cho rằng sắp tới Việt nam cũng sẽ tiếp tục đối phó với những việc từng xảy ra trong quá khứ chẳng hạn như ngư dân đánh cá sẽ tiếp tục bị đe dọa.
Về xu hướng hành động của Mỹ đối với Trung Quốc trên biển Đông, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng:
Tôi nghĩ là họ đang tranh luận là có nên đi vào cái vùng 12 hải lý đấy để thách thức Trung Quốc hay không nhưng lâu dài họ sẽ làm cái việc đấy. Ví dụ như là cử tàu gì, thời điểm nào là có cân nhắc, nhưng xu hướng họ sẽ thách thức Trung Quốc việc xây đảo nhân tạo.”
Còn về phía Trung Quốc thì ông Hiệp nói là trước mắt họ sẽ dừng lại rồi sẽ tiếp tục những kế hoạch mới theo kiểu mà nhiều người gọi là chiến thuật lát cắt (Salami,) và sẽ củng cố những gì đã làm được để tạo thành một sự đã rồi trước mọi quốc gia khác trong vùng. Nói về một sức mạnh khác có thể kềm chế Trung Quốc, Tiến sĩ Hiệp cho đó là Nhật Bản, lý do được ông đưa ra là:
Để đánh giá động thái của Trung Quốc trong thời gian sắp tới thì rất khó, vì Trung Quốc họ luôn có các kế hoạch gây bất ngờ cho các quốc gia khác, rất khó đoán.
- Thạc sĩ Hoàng Việt
Nhật cảm thấy e ngại sự gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc. Toàn bộ những động thái từ diễn dịch lại Hiến pháp, tăng cường Quốc phòng, tăng cường quan hệ với Mỹ, với các Quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước có quan hệ xung đột với Trung Quốc. Tất cả những điều này, bên cạnh lý do an ninh hàng hải thì đằng sau đấy là kiềm chế và ngăn chận Trung Quốc. Một mình Nhật thì không có tác động lắm, nhưng một khi kết hợp với Mỹ thì sẽ thành một sức mạnh đáng gờm. Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại.”
Đánh giá về sự hiện diện quân sự của các cường quốc này trong vùng biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:
Chắc chắn nó sẽ giúp đỡ cho Việt Nam, Philippines cũng như các nước khác, vì nếu mà sự hiện diện ấy càng liên tục bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, vì nó làm cho cái quân bình lực lượng quốc tế ở cái vùng này nó sẽ cân bằng hơn so với nếu chỉ có một sự chênh lệch hoàn toàn về phía Trung Quốc mà không có Mỹ hay Nhật hiện diện ở đó.
Tuy nhiên ông cũng lo lắng rằng không khéo thì lại lợi bất cập hại, vì với sự hiện diện của tàu chiến Mỹ mà không đi vào gần những khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng thì coi chừng đó lại được hiểu như một sự công nhận.
Còn Tiến sĩ Hiệp thì cho rằng đối với các Quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam thì với sự hiện diện tăng lên về quân sự của Hoa Kỳ thì các Quốc gia này sẽ nhích về phía Washington một chút nhưng vẫn bị sự chi phối mạnh mẽ về kinh tế và đầu tư của Trung Quốc lên các quyết định của các quốc gia này
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét