Trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số ở vùng núi thường chịu thiệt thòi hơn chúng bạn ở miền đồng bằng. Giáo dục cũng vậy. Đặc biệt là các em gái, chuyện học hành của các em chỉ là thứ yếu.
Chị Hịp, 26 tuổi, phải bỏ học sau khi kết thúc năm lớp 9 vì cha mẹ không đủ tiền đóng học phí cho con. Chị Hịp là người dân tộc Dao ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Gia đình chị Hịp có tất cả sáu anh chị em, hai người con trai và bốn người con gái. Tất cả bốn người con không có ai học quá lớp 9. Thậm chí một người chị của Hịp chỉ được học đến lớp 5.
Chị Hịp kể lại:
Lúc đấy em cũng muốn đi học nhưng mà gia đình cũng khó khăn và anh trai cũng đang đi học. Gia đình nói không cho con đi học được nữa, thì em học đến lớp chín thì em nghỉ. Lúc em học lớp 9 thì anh trai đang học đại học, thì bố mẹ nói không nuôi được nhiều con đi học, chỉ nuôi được một đứa thôi thì cố gắng. Anh trai em bây giờ làm chủ tịch ở xã.
Chị Hịp cho biết chị rất thích học hành. Chị Hịp nhớ lại:
Em đi học thì em không nghỉ học đâu, lúc đi học thì em cố gắng, em không nghỉ học tí nào.
Hịp cho biết sau khi nghỉ học, Hịp ở nhà giúp bố mẹ làm nương kiếm tiền nuôi người anh lớn đi học đại học ở “miền xuôi”. Đến năm 21 tuổi, chị lấy chồng và năm nay 26 tuổi thì chị đã bồng bế hai con.
Số phận của chị Hịp cũng giống như hai người chị em gái của mình và vô số phụ nữ trẻ thuộc các dân tộc miền núi ở Việt Nam. Họ thường không được học hành đến nơi đến chốn hoặc thường phải nhường cho trưởng nam và những người con trai trong gia đình cơ hội được tiến thân trên con đường học vấn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hồi tháng 9 năm 2014 đưa ra báo cáo, trong đó cho thấy ở Việt Nam có tất cả hơn 1,1 triệu trẻ em từ 4 tới 14 tuổi chưa từng đi học, đã bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học. Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết phần lớn trong số hơn 1,1 triệu trẻ em này là những em thuộc các thành phần nghèo khó, sống ở các khu vực vùng xa xôi, hẻo lánh, là trẻ em dân tộc thiểu số, khuyết tật, trẻ phải lao động hay trẻ em di cư. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa bao giờ đi học khá cao. Trong số đó, dân tộc H’Mông chiếm tỷ lệ cao nhất là hơn 23%.
Hiện chưa có con số cụ thể về tỷ lệ các em gái dân tộc thiểu số nghỉ học hoặc chưa bao giờ đến trường là bao nhiêu tuy nhiên cô giáo Oanh, từng dạy học 20 năm nay ở Hà Giang, cho biết so với các em nam, các em nữ nghỉ học nhiều hơn. Theo cô Oanh, phần lớn các em gái bỏ học khi ở độ tuổi cập kê, tức là tầm 13-14 tuổi. Cô Oanh nói:
Đến cấp hai thì đa phần các em nữ nghỉ nhiều nhưng ở tiểu học thì nó cũng ngang ngang nhau thôi. Cũng có em thì không thích đi học nhưng cũng có em thì “đúp” nhiều, các em học không nhận thức được thì em ấy chán. Hoặc là gia đình nữa, phụ thuộc vào gia đình. Gia đình nào có điều kiện thì tạo điều kiện cho các em học tốt hơn. Còn có những em gia đình neo đơn, neo người, gia đình hoàn cảnh khó khăn thì các em phải nghỉ nhiều. Cơ bản là lên cấp hai thì nữ nghỉ nhiều hơn nam. Đến năm 15 tuổi là các em đã ở nhà, không muốn đi học rồi.
Theo thống kê của UNICEF, chỉ có hơn 60% trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành bậc tiểu học so với 86% của trẻ em người Kinh. Tỷ lệ trẻ em đi học trung học ở dân tộc thiểu số là 65% còn tỷ lệ này ở trẻ em người Kinh là gần 82%.
Nghèo đói và hủ tục
Tiến sĩ Nguyễn Tư Phong, một chuyên gia về giáo dục Việt Nam, nhận định, nghèo đói và hủ tục là các nguyên nhân chính cản trở việc các em thuộc dân tộc thiểu số được đến trường. Điều này lại ảnh hưởng tới các em nữ nhiều hơn các em nam. Phần lớn các em nữ ngay cả trong lúc đi học đã phải giúp gia đình trong công việc nội trợ, thậm chí là cả làm nương.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, những người thuộc dân tộc thiểu số thường sinh sống ở miền núi, và họ là những người được hưởng lợi ít nhất từ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ nghèo ở các cộng đồng dân tộc thiểu số theo con số vẫn ở mức gần 50% so với mức 8,5% của người Kinh. Vì chi phí giáo dục cao, nên gần một phần ba số hộ gia đình dân tộc thiểu số có một con bỏ học trước khi học hết một lớp, trong khi tỷ lệ này ở các gia đình người Kinh là 16%.
Một phụ huynh tại dân tộc thiểu số Hà Lăng ở Kon Tum, cho biết:
Bây giờ gia đình nào cũng muốn cho con được đến trường đi học nhưng có vấn đề là không còn như trước. Bây giờ tự túc hết cho nên nhiều địa phương, không giống anh em người Kinh, rất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề. Chính vì lý do đó, nên các em nhỏ không được đến trường vì từ sách vở rồi đóng tiền cho nhà trường và này khác nên anh em địa phương không có đủ điều kiện cho con đến trường được.
Và vì thế, những cô gái như chị Hịp ở đầu bài viết là những người chịu thiệt thòi nhất. Cô giáo Oanh nói:
Các em gái ở nhà, các em phải lao động nhiều, nên là nhiều khi phải nghỉ học đi cắt cỏ, rồi ở nhà trông em, rồi đến mùa nương rẫy thì các em phải nghỉ học thất thường đi giúp đỡ bố mẹ. Con trai thì vẫn phải làm nhưng mà được ưu tiên phần nào. Các em nữ thì phải ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm nương. Bởi vì người ta thường đi làm từ 8-9 giờ đến khoảng 3-4 giờ mới về. Họ ăn cơm trưa ngay ở trên nương lên các em nữ phải trông em cho bố mẹ. Rồi đến mùa nương rẫy, các em lớp 4, lớp 5 lại phải đi cắt cỏ bò, cỏ trâu, đi phụ bố mẹ làm nương rẫy.
Ngoài việc nghỉ học để phụ giúp gia đình, một nguyên nhân khác khiến các em nữ không được đi học hành nữa là nạn tảo hôn. VTV dẫn một khảo sát hồi đầu năm nay trong 10 xã ở tỉnh Lào Cao cho thấy, có tới 100 cặp tảo hôn, chiếm đến hơn 63% dân số ở đây. Riêng ở Bắc Hà, Lào Can, nạn tảo hôn xảy ra ở 15 trên tổng số 21 xã, thị trấn. Độ tuổi kết hôn của người dân tộc ở đây là từ 14 tới 17 tuổi. Thậm chí, có trường hợp các em nữ đang học lớp 5, khoảng 13 tuổi, cũng đã bỏ học đi lấy chồng.
Cô giáo Oanh cho hay:
Vùng nông thôn cũng có tảo hôn nhưng còn ít hơn vùng cao. Vùng cao Hà Giang này nhiều lắm, nói chung các em tảo hôn chưa đến tuổi đăng ký cũng nhiều. Đến vận động [đi học] là trốn không đi học nữa, đến cấp hai là người ta phải vận động như thế đấy, vận động nhiều. Vì những người đó là lao động chính trong gia đình rồi, một là ở nhà làm, hai là con gái lấy chồng. Có khi ngoài 30 họ đã có mấy đứa con rồi ấy.
Hiện có nhiều tổ chức phi chính phủ giúp đỡ những phụ nữ như chị Hịp học nghề. Chị Hịp cũng từng được một tổ chức như vậy cử đi học nghề khách sạn ở Hà Nội. Hiện chị đã học xong tuy nhiên dự án của tổ chức trên đã hết ngân sách, nên chị Hịp nói trong lúc chờ đợi, chị lại đi làm nương tiếp.
Mọi ý kiến đóng góp về bài vở và đề tài cho trang tạp chí, xin mời quý vị gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.orghoặc trang Facebook tại www.facebook.com/haininhrfa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét