Pages

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Kế hoạch đưa tiếng Hoa vào trường phổ thông

Cát Linh, phóng viên RFA

000_Hkg481092.jpg

Thư pháp tiếng Trung Quốc được viết vào đầu năm mới âm lịch tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 20 tháng 2 năm 2007.
 AFP photo




Thông tin về kế hoạch của Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ chính thức đưa môn tiếng Hoa vào giảng dạy từ cấp tiểu học, trung học cơ sở tại Việt Nam gây xôn xao dư luận; vì theo nhiều nhà giáo dục và các bậc phụ huynh trong nước thì cách làm đó là chưa phủ hợp.
‘Đã được đề cập cách đây vài năm’
Từ đầu những năm 1990, tiếng Anh đã được đưa vào chương trình phổ thông như một môn học bắt buộc. Sau đó, học sinh có thêm lựa chọn là tiếng Pháp, Nhật. Thế nhưng, với kế hoạch đưa tiếng Hoa, một ngoại ngữ mà quốc gia sử dụng là quốc gia có số dân lớn nhất thế giới lại là vấn đề mà Bộ GDĐT cân nhắc trong thời gian khá lâu.  Và đồng thời việc này cũng gây ra khá nhiều tranh cãi dù chưa có thông tin chính thức.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Vũ Thị Phương Anh cho biết rằng, vì không phải là người dạy về tiếng Hoa nên bà không có sự theo dõi chi tiết về điều này, nhưng bà biết chắc chắn rằng Bộ Giáo dục vào đào tạo (Bộ GDĐT) đã từng đề cập đến. Bà cho biết:
Việc bộ Giáo dục có kế hoạch là đưa tiếng Hoa vào trường phổ thông thì đúng là có được đề cập cách đây một vài năm.”
Cũng cùng nhận định trên, Phương Thảo, một giáo viên dạy môn Anh ngữ, lớp chuyên Anh ở trường Lê Quí Đôn, quận 3 cho biết cách đây một năm có nghe về việc đưa tiếng Hoa vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, sau đó thì không thấy Bộ GDĐT công bố gì thêm về kế hoạch này. Gần đây thì lại thấy một số thông tin trên các mạng xã hội chứ trong các cuộc họp của giáo viên và Sở Giáo dục thì hoàn toàn không đề cập đến.
... với tư cách là một người dạy ngoại ngữ, tôi cho rằng dạy tiếng Hoa không phải là một lựa chọn kém. Vì trên thế giới, chỉ có một số ngôn ngữ được sử dụng phổ biến, tiếng Hoa, nếu tôi không lầm thì nó đứng hàng đầu.
- Tiến sĩ Phương Anh 
Về tiếng Hoa thì chưa nghe nói, chỉ mới nghe một số thứ tiếng khác, Trong đó những cái đã chính thức thực hiện như năm nay bắt đầu đưa tiếng Đức vào. Năm trước thì tiếng Nhật. Tiếng Hàn thì trước đây có nói đến nhưng thực hiện chưa kịp vì một số lý do.
Giải thích thêm về hình thức đưa một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh vào chương trình giảng dạy, giáo viên này cho biết hoàn toàn không có chủ trương thay sách giáo khoa như những quan ngại được bày tỏ trên mạng xã hội:
“Đó là tài trợ. Nước nào muốn ngôn ngữ của họ được giảng dạy thì chỉ giảng dạy 1 vài lớp thôi chứ không thay thế gì để gọi là thay sách cả. Ví dụ lớp tiếng Nhật thì sách vở là do Nhật tài trợ toàn bộ”
Đối tượng là học sinh người Việt gốc Hoa
Một người hiện đang công tác tại Sở Giáo Dục và Đào tạo Tp Hồ Chí Minh không muốn nêu tên cho biết kế hoạch này đã được Sở Giáo dục và đào tạo đưa ra từ năm 2013, nhưng chỉ áp dụng cho các khu dân cư có nhiều người Hoa, hoặc người Việt gốc Hoa sinh sống. Và người này còn nhấn mạnh thêm rằng “Chương trình hoàn toàn không bắt buộc.”
Thể hiện sự đồng tình với hình thức “được quyền lựa chọn’ này, Tiến sĩ Phương Anh cho biết:
“Nếu nó là một trong những ngoại ngữ mà mọi người có quyền lựa chọn. Người nào học thì người đó có quyền lựa chọn. Còn nếu nó là ngoại ngữ bắt buộc, chỉ được chọn thứ nhất là tiếng Anh, thứ hai nếu có phải là tiếng Hoa thì tôi sẽ phản đối.”
Hiện nay, quận 5, đặc biệt là khu Chợ lớn vẫn là khu vực có số dân người Hoa và người Việt gốc Hoa sinh sống đông nhất. 70% học sinh của các trường tiểu học ở quận 5 là người Việt gốc Hoa. Do đó, bà Như Hạnh, giáo viên lớp 2, trường Chính Nghĩa thuộc quận 5 cho biết việc đưa tiếng Hoa vào giảng dạy chỉ là cấp tiểu học và trung học cơ sở ở quận 5 thôi.
Và bà cho biết lý do:
“Bản thân họ là người Hoa, phụ huynh người ta muốn duy trì ngôn ngữ của họ nên họ lựa chọn cho con em đi học những lớp tiếng Hoa.”
Lý trí và tình cảm
Không ai có thể tranh cãi hoặc nghi ngại về những ích lợi của việc học ngoại ngữ. Không những biết, mà thông thạoít nhất một ngoại ngữ thứ hai, ngoài tiếng mẹ đẻ của mình đã trở thành điều kiện tối thiểu cho một người đi tìm cơ hội nghề nghiệp sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Chưa kể đến biết thêm ngoại ngữ, là có thể giúp tìm hiểm thêm văn hoá của một dân tộc khác. Thế nhưng, có lẽ như Tiến sĩ Phương Anh đã chia sẻ:
“Vài năm gần đây có lẽ do quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có những lúc căng thẳng, chủ yếu là Biển Đông nên lần trước cũng như lần này có nhiều phản ứng là chống lại vì người ta nhìn đó như là dấu hiệu của một sự lệ thuộc.”
Người nào học thì người đó có quyền lựa chọn. Còn nếu nó là ngoại ngữ bắt buộc, chỉ được chọn thứ nhất là tiếng Anh, thứ hai nếu có phải là tiếng Hoa thì tôi sẽ phản đối.
- Tiến sĩ Phương Anh 
Chính vì cảm giác lệ thuộc, bắt nguồn từ lịch sử đất nước bị Trung Quốc xâm lược, đô hộ, thêm vào là những vấn đề hiện tại của Biển Đông mà nhiều người Việt Nam có phản ứng về tình cảm dân tộc.
Tuy nhiên, nếu xét về lý trí thì bà cho biết quan điểm của mình:
“Xét về lý trí, với tư cách là một người dạy ngoại ngữ, tôi cho rằng dạy tiếng Hoa không phải là một lựa chọn kém. Vì trên thế giới, chỉ có một số ngôn ngữ được sử dụng phổ biến, tiếng Hoa, nếu tôi không lầm thì nó đứng hàng đầu.”
Bà còn chia sẻ thêm rằng cách đây vài chục năm, từ thời VNCH, khi còn là sinh viên, một số thầy cô của bà đã cho rằng nếu chúng ta có tiếng Hoa và tiếng Anh thì chúng ta có thể đi bất cứ đâu trên thế giới mà người ta vẫn hiểu mình.
Quan điểm đó vẫn được thế hệ trẻ mấy mươi năm sau chấp nhận. Một giáo viên dạy Anh ngữ của trường Lê Quí Đôn đồng nhận định:
“Biết được càng nhiều ngoại ngữ càng tốt. Cơ hội sau này đi làm, giao tiếp, nói chung tất cả mọi thứ, có thêm ngoại ngữ là có lợi, không có gì thiệt thòi cho mình. Nhất là bây giờ dân số người Hoa rất lớn, biết thêm tiếng Hoa là thêm một lợi thế cho mình.”
‘Chống Trung Quốc thì phải học tiếng Trung Quốc’
Một lý do khác nghiêng về lý trí được bà Phương Anh nêu ra khá thú vị và rất thực tế. Theo bà:
“Học tiếng Hoa kể cả khi quan hệ gữa Việt Nam và Trung Quốc rất xấu thì hiểu tiếng Trung Quốc, để mà kể cả chống Trung Quốc thì theo tôi đó là điều cần phải làm. Vì thực tế ở Việt Nam mình không đọc được tiếng Trung Quốc nên Trung Quốc nói gì mình cũng không biết. Để chống Trung Quốc thì hữu hiệu nhất là phải học tiếng Trung Quốc để hiểu họ như thế nào.”
Cho đến lúc này, vẫn chưa có quyết định chính thức nào trong việc đưa tiếng Hoa vào chương trình từ cấp tiểu học và trung học phổ thông. Thế nhưng, nếu thực tế đã chứng minh rằng học ngoại ngữ ở bất kỳ thời đại nào, giai đoạn nào và ngoại ngữ nào cũng là hữu ích, thì để áp dụng kế hoạch này trong một thời điểm ‘nhạy cảm’ như hiện nay, thì như tiến sĩ Phương Anh đã bày tỏ, “vấn đề là Bộ GDĐT phải làm thế nào và phải giải thích cho dân chúng hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét