Pages

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

LÊ DIỄN ÐỨC - QUAN HỆ VIỆT- MỸ VÀ NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM

Quan hệ hai nước Mỹ Việt rất tươi sáng. Đó là phát biểu của đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Ossius trong cuộc phỏng vấn của VOV (Radio The Voice of Vietnam) ngày 13 tháng 5 năm 2015.
Đã sắp hết nửa năm 2015, tôi không nhìn thấy một sự kiện nào đặc biệt khả dĩ mang chút hy vọng mong manh về việc cải thiện nhân quyền cho Việt Nam.

Các cuộc họp của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng vào năm 2016, chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi có chuyến công du qua Mỹ, không nói lên bất cứ điều gì sáng sủa về khả năng cải thiện nhân quyền. Củng cố và duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSVN đối với nhà nước và xã hội, tiếp tục chính sách “đoàn kết và hữu nghị” với Trung Quốc là thông điệp rõ ràng được phát ra từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Đại sứ Ted Ossius nói rằng, chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “là một chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử to lớn khi lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Đây là cơ hội để chúng ta nêu bật lên tầm quan trọng và những tiến bộ hai nước đạt được trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ đón tiếp Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất. Chuyến thăm sẽ là cơ hội đế chúng ta nhấn mạnh đến những cơ hội mới trong tương lai làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước”.
Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam qua Mỹ năm 2014 đạt 35 tỷ USD và trong năm 2015 sẽ đạt 40 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam, một nước phát triển kinh tế chủ yếu nhờ hàng xuất khẩu. Mỹ cũng chiếm gần hai phần ba số tiền kiều hối 12 tỷ USD gửi về Việt Nam (năm 2014). Cho nên dù bắt tay hữu hảo với Trung Quốc để dựa dẫm và duy trì sự hệ thống cai trị độc quyền, Việt Nam không thể bỏ qua yếu tố Mỹ quan trọng, ít nhất trong kinh tế.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng sẽ nhắm tới việc phát huy mối quan hệ hiện tại, nhưng chẳng bao giờ có thiện chí làm cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi vì Nguyễn Phú Trọng, như chung ta biết, thuộc phe phái ngả vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Nói rằng đón Nguyễn Phú Trọng với nghi thức cao nhất là cách nói ngoại giao mập mờ, vì thực chất ông Trọng sẽ chẳng được đón tiếp với nghi thức “state visit”, cao lắm cũng chỉ “official visit”, dù có gặp gỡ Tổng thống Obama nhưng có lẽ không diễn ra tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, chuyến công du của Nguyễn Phú Trọng có thể nói là một bước lùi của Mỹ trong vấn đề buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền. Khả năng trả tự do cho các tù nhân lương tâm để làm quà trong chuyến đi này rất khó xảy ra.
Trong chiến lược xoay trục an ninh qua châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ nhìn thấy Việt Nam như là một đối tác có thể ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích tự do hàng hải của mình trong khu vực. Người Mỹ cho rằng họ có quyền tự do hàng không, hàng hải trên mọi vùng biển, ngoại trừ vùng lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia. Những hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước Mỹ. Vì thế, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nói rằng: “Chúng ta phải ngăn chặn thái độ thách thức như thế”.
Hoa Kỳ biết rất rõ mối quan hệ mặn mà của nhà cầm quyền Việt Nam với Trung Quốc, nhưng cũng nhìn thấy một tinh thần chống xâm lược phương Bắc mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam và ngay cả trong tập đoàn lãnh đạo hiện nay, một bộ phận khác cũng có khuynh hướng hợp tác với Mỹ để ngặn chặn hiểm hoạ Trung Quốc. Do đó trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Việt Nam được đặt vào vị trí hợp tác toàn diện.
Nên nhớ rằng Mỹ cũng đã từng có quan hệ rất tốt với các nước Cộng sản ở châu Âu trước năm 1989 và cả với Libya dưới chế độ của Gaddafi.
Là một quốc gia dân chủ lâu đời và là một cường quốc tự do đứng đầu thế giới, chính phủ Mỹ buộc phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đưa vấn đề dân chủ, nhân quyền lên bàn trong mọi thương thuyết. Đôi khi nó là một vấn đề mang tính mặc cả với đối phương trong đàm phán. Điều này cũng giúp cho vấn đề nhân quyền ở một số quốc gia được cải thiện. Nhưng xét toàn diện, trong quan hệ Việt-Mỹ hiện tại, nhân quyền không phải là điều kiện cốt yếu.
Nhân có cuộc  Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt lần thứ 19 diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 7-8/5, Tom Malinowski, trưởng phái đoàn Mỹ, đã trả lời cuộc phỏng vấn của Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập tại Việt Nam, xoay quanh chủ đề “TPP, khả năng tham gia của Việt Nam và những lợi ích, rủi ro đối với Việt Nam”.
“Tôi có thể khẳng định là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tham vấn rất, rất chặt chẽ khối xã hội dân sự Việt Nam trong quá trình chúng tôi giám sát việc Việt Nam thực thi các cam kết sau khi vào TPP, nếu hiệp định kia được ký kết. Do đó, tiếng nói của những người đang đấu tranh vì nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một tiếng nói vô cùng mạnh mẽ. Nó đã vươn xa ra ngoài Việt Nam, được cả thế giới lắng nghe, và sẽ tiếp tục được lắng nghe…” – Tom Malinowski nói.
Ông Malinowski nói Việt Nam hiện đang giam tù hơn 100 tù nhân lương tâm, con số này có giảm so với 160 người trong năm 2013.
Mỹ muốn Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân lương tâm trong thời gian tới khi Quốc hội Mỹ cân nhắc về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP. Nếu có một động thái nhân nhượng nào đó của phía nhà cầm quyền Việt Nam thì cũng chỉ là chiến thuật đổi chác, không giải quyết được cốt lõi của vấn đề.
Tất cả những hoạt động trên phù hợp với chức năng và bổn phận của một người đặc trách về Dân chủ- Nhân quyền như ông Malinowski. Về thực chất, nhân quyền không phải là điều kiện quyết định Việt Nam có được Hoa Kỳ chấp nhận tham gia hay không.
Trong bài diễn văn hôm 8 tháng 5 tại trụ sở hãng Nike ở Beaverton, Tổng thống Obama cũng nói là nếu Việt nam hay bất kỳ đối tác nào khác không thõa mãn những điều kiện đặt ra thì họ sẽ không được chấp nhận vào TPP. Thế nhưng ông Obama chỉ nhắc đến những điều khoản về lao động, về môi trường, về đầu tư, về sở hữu trí tuệ, hoàn toàn không nói một chữ nào về nhân quyền. Cho nên hiểu rằng , nếu không tôn trọng nhân quyền Viêt Nam sẽ bị loại khỏi TPP là ngộ nhận!
Bài viết “Some administration officials defend trade pact as national security policy” của David Nakamura và Steven Mufson trên “Washington Post” ngày 18 tháng 5 năm 2015 cho thấy TPP nằm trong vòng đai chiến lược ngặn chặn Trung quốc, và Mỹ cần đến Việt Nam.
Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ được gia nhập TTP với những ân huệ của Hoa Kỳ về thời gian thực hiện các cam kết, bất luận nhân quyền có đạt được tiến bộ nhiều hay ít. Đành rằng, Việt Nam không thể nuốt lời, như đã từng làm khi gia nhập WTO năm 2007, mà chắc chắn sẽ phải thực hiện các điều khoản ký kết sau một thời gian nào đấy. Mà khi đã thực hiện, thì một hành lang pháp lý sẽ mở ra, nới lỏng những nút thắt về dân chủ, nhân quyền.
Như vậy Hoa Kỳ chỉ là tác nhân thúc đẩy và tạo điều kiện, còn để xã hội có đầy đủ các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền hay không hoàn toàn nằm ở phía người dân Việt Nam. Nhà nước độc tài toàn trị nếu có thay đổi cũng chỉ là sự bắt buộc, phải trang điểm để đối phó, lừa bịp dư luận. Bản chất của nó là một chế độ bóp nghẹt quyền của con người để cai trị. Muốn có dân chủ và tự do thì phải tranh đấu giành lấy nó.
© Lê Diễn Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét