Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Nhà văn Ðào Hiếu: Ngày nay, mọi vấn đề đều nằm ở Bắc Kinh

Lời Tòa Soạn: Hôm 11 tháng 5 vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của Ðảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam. Ðể tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về sự kiện này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện. Bài này, Người Việt phỏng vấn nhà văn Ðào Hiếu, một người vẫn đang là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN).

                                            Nhà văn Ðào Hiếu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Người Việt (NV): Thưa ông, được biết ông là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, sau đó ông im lặng trước mọi hoạt động của hội này một thời gian dài cho đến bây giờ, ông không hề có tương tác nào với Hội Nhà Văn. Ðó cũng là một cách từ bỏ hội. Ông vui lòng cho một vài nhận xét về HNVVN cũng như cuộc từ bỏ của hai mươi nhà văn vừa rồi?

Nhà văn Ðào Hiếu (ÐH): Hội Nhà Văn Việt Nam là một cơ quan của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng giống như Sở Nhà Ðất, Sở Giao Thông Vận Tải hoặc Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản... cũng có chi bộ (hay đảng bộ), cũng ăn lương nhà nước... vì vậy chẳng những ban lãnh đạo của hội là đảng viên mà hội viên cũng phần lớn là đảng viên cộng sản. Các hội viên ngoài đảng chỉ là thiểu số. Vì là cơ quan của đảng nên họ suy nghĩ viết lách theo đường lối của đảng là chuyện bình thường.

NV: Ông có thể kể vài kỷ niệm về cuộc đời viết văn của ông?

ÐH: Kỷ niệm nhiều lắm kể không xiết đâu. Nhưng có những kỷ niệm khi đi thực tế chiến trường Campuchia (đi theo mặt trận 479) và đi hầu công an văn hóa nhiều lần là nhớ lâu nhất.

NV: Ông là tác giả của hơn hai mươi tiểu thuyết kể về cuộc đời của người lính sau chiến tranh cũng như những trăn trở, suy tư và phản tư của họ khi họ nhìn lại thực tại đời sống sau 30 tháng 4 năm 1975. Những đầu sách của ông có làm khó ông? Và đâu là cái khó nhất khi ông cho ra đời những cuốn sách này?

ÐH: Trong tác phẩm của tôi luôn có 2 loại lính: lính Cộng Sản và lính Cộng Hòa. Ví dụ như: Qua Sông; Người Tình Cũ; Mạt Lộ; Lạc Ðường; Bù Khú Tiên Sinh; Người Tình Cũ; Kẻ Tử Ðạo Cuối Cùng; Hoa Dại Lang Thang... phần lớn các nhân vật ấy đều buồn vì họ là những nạn nhân của chiến tranh. 

Những tác phẩm vừa kể cũng được nhiều người biết đến nhưng đọc kỹ thì chắc là ít, vì thế sự khen chê của họ phần lớn là hời hợt. Có lần trò chuyện với Nguyễn Viện, anh cũng đồng ý với tôi là người đọc bây giờ rất hiếm, và nhà văn ít đọc tác phẩm của nhau. Không đọc thì sao có thể khen hay chê? Theo tôi đó mới là cái khó nhất của một nhà văn.

NV: Nhà xuất bản Lề Trái do ông làm chủ biên/chủ bút/chủ nhiệm có phải là một biểu hiện của tâm thế giải trừ trung tâm?

ÐH: Ðó chỉ là giải pháp tình thế. Tôi nghĩ, thay vì lập một thứ “văn đoàn” gì đó thì nên lập một tổ chức hỗ trợ dịch thuật, in và phát hành các tác phẩm có giá trị của các nhà văn tự do ở trong nước. Họ không có chỗ để in, họ viết tiếng Việt nên thế giới không biết đến họ và số lượng độc giả quá ít ỏi.

NV: Theo ông, thái độ chọn công khai từ bỏ HVNVN của hai mươi nhà văn trong thời gian vừa qua có mang lại hiệu ứng nào trong văn giới về vấn đề lòng tự trọng cũng như tính tự do của một người cầm bút có lương tri?

ÐH: Chuyện 20 nhà văn từ bỏ hội biểu lộ sự bất tín nhiệm của các vị ấy đối với hội. Tất nhiên còn có hàng trăm hội viên khác cũng không tín nhiệm HNVVN nhưng họ chưa bày tỏ thái độ mà thôi.

Sự từ bỏ của 20 nhà văn ấy theo tôi chỉ mang ý nghĩa phản kháng, rằng: “Tôi không công nhận anh, tôi chê anh không xứng đáng, tôi biết anh chỉ là một cơ quan của đảng, tôi biết các anh chỉ tìm cách moi tiền thuế của dân mà thôi...” nhưng nó không làm cho HNVVN dẹp tiệm được vì đó là cơ quan của ÐCSVN. Ngày nào đảng còn cầm quyền thì cái hội đó vẫn còn. Cho dù chỉ còn vài mươi hội viên thì nó vẫn tồn tại như thường. Ðó là chưa kể hiện nay có rất nhiều người viết trẻ vẫn rất ao ước được vào hội. Tôi biết có nhiều người trẻ thèm nhỏ dãi, thèm đến tội nghiệp, thèm đến khốn khổ khốn nạn, giống như đứa con nít thèm được mút “cà-lem” vậy. Hỏi sao nó không tồn tại?

NV: Kiểu cơ chế giới thiệu/kết nạp cứ hai hội viên cũ giới thiệu một ứng viên mới có hai tác phẩm trở lên được xem là “có chất lượng” để được kết nạp vào HNVVN theo ông có ổn không? Và liệu có phát sinh tiêu cực ngay trong việc giới thiệu và được giới thiệu?

ÐH: Tôi thấy HNVVN chẳng giúp ích gì cho nhà văn vì thế có hay không có nó cũng vậy thôi, tôi coi nó là con số không, vì thế câu hỏi này xin miễn trả lời.

NV: Theo ông, các nhà xuất bản tự do, không phụ thuộc vào xuất bản nhà nước và không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố nào có tính chỉ đạo/chỉ định hay “quán triệt tư tưởng”... có thể được xếp vào diện “tiền thân” của những hoạt động độc lập trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam hiện tại?

ÐH: Tôi nghĩ, gọi “nhà xuất bản tự do” không chính xác. Vì đó là những nhà xuất bản chui, nhà xuất bản vỉa hè. Ví dụ như nhà xuất bản Giấy Vụn hoặc nhà xuất bản Lề Trái, v.v... nó chỉ in theo kiểu photocopy từ vài chục đến vài trăm cuốn chủ yếu để tặng bạn bè. 

Tôi nghĩ nó không bao giờ được hợp thức hóa trừ trường hợp bên Trung Quốc họ làm như vậy. Mà chuyện này gần như không tưởng. Ngày nay mọi vấn đề đều nằm ở Bắc Kinh. Có lẽ không mấy ai nhận thức được điều đó.

NV: Ðứng từ góc nhìn chính trị, ông có thể cho vài ý có tính dự đoán về những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động của Văn Ðoàn Ðộc Lập thời gian tới?

ÐH: Sự tồn tại của Văn Ðoàn Ðộc Lập (hoặc Công Ðoàn Ðộc Lập, nếu có) sẽ không do người Việt Nam quyết định. Nó sẽ được quyết định ở ngoài Việt Nam. Có thể là Bắc Kinh mà cũng có thể là Hoa Thịnh Ðốn.

NV: Trong tình hình hiện tại, có thể nói là đất nước đang còn gặp quá nhiều khó khăn và khủng hoảng, từ tài chính cho đến nhân tài, chủ quyền quốc gia, biển đảo. Với tư cách một nhà văn yêu nước, ông thấy một nhà văn nên làm gì và không nên làm gì để tìm ra tương lai tốt hơn cho quốc gia, dân tộc? 

ÐH: Nhà nước Việt Nam đã để cho Trung Cộng tiến quá sâu vào Việt Nam trong nhiều lãnh vực sinh tử như chính trị, quân sự, lãnh thổ, kinh tế... Tôi cho là đã quá muộn. Nhà văn sẽ không làm gì được nếu không có quần chúng. Nhưng nếu muốn “có” quần chúng, thì nhà văn phải - bằng tác phẩm báo chí và văn học của mình - giúp họ hiểu được thế nào là tự do, dân chủ và nhất là hiểu được quyền của mình trong xã hội, giúp họ thoát khỏi tình trạng thụ động, cam chịu như hiện nay. Ðó là một công việc lâu dài, khó khăn và nguy hiểm.

Tuy nhiên giả thiết là trình độ nhận thức của quần chúng đã được nâng cao thì trong hoàn cảnh Việt Nam đang bị mắc kẹt trong cái thòng lọng Trung Cộng như hiện nay, dân tộc Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ quyết liệt và thực tâm của các lực lượng đối trọng với Trung Cộng. Tình cảnh của Việt Nam chưa bao giờ nan giải như lúc này.

NV: Xin cám ơn ông!

20 nhà văn từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam:

1. Nguyên Ngọc
2. Ðỗ Trung Quân
3. Nguyễn Quang Lập
4. Nguyễn Huệ Chi
5. Phạm Ðình Trọng
6. Võ Thị Hảo
7. Bùi Minh Quốc
8. Ðặng Văn Sinh
9. Hoàng Minh Tường
10. Lê Hiền Phương
11. Ngô Thị Kim Cúc
12. Nguyễn Quang Thân
13. Thùy Linh
14. Vũ Thế Khôi
15. Ý Nhi
16. Dư Thị Hoàn
17. Trịnh Hoài Giang
18. Dạ Ngân
19. Nguyễn Duy
20. Trần Kỳ Trung


Liêu Thái/Thực hiện

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét