HÀ NỘI (NV) .- Hơn chục tập đoàn công nghệ quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ đến Hà Nội chào hàng với hy vọng có thể bán được mọi thứ từ radar, kính nhìn ban đêm đến máy bay.
Lính CSVN diễn hành trong lễ diễu binh hôm 30-4 tại Sài Gòn. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Bản tin của Bloomberg cho hay, từ hôm 22 tháng 4, 2015, đã có một cuộc họp của các nhà thầu trang bị quốc phòng ngoại quốc với nhà cầm quyền Việt Nam tại Hà Nội mà qua đó họ giới thiệu những sản phẩm có thể bán cho nước này.
Theo nguồn tin trên, các chức sắc quân đội hàng đầu của chế độ đã tránh xuất hiện trong buổi họp vì sự tế nhị của vấn đề gắn bó với các hãng sản xuất võ khí Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc họp đã cho thấy CSVN đang vượt qua ý thức hệ Cộng Sản, bước sang nhu cầu thực tế đang đòi hỏi và cần làm.
“Không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Tiến sĩ Alexander Vuving, một chuyên viên phân tích các vấn đề an ninh Trung Tâm Nghiên Cứu Anh Ninh Đông Tây (Asia-Pacific Center for Security Studies) tại Hawaii phát biểu với hãng tin Bloomberg qua điện thoại.
Việt Nam có vẻ sốt ruột vì các hành động bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ngày càng thêm lộ liễu, đặc biệt việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa cũng như mở rộng một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ có các bằng chức lịch sử và thực tế tại cả hai khu vực này.
Giới chuyên viên phân tích thời sự quốc tế, và đặc biệt các chính phủ Hoa Kỳ, Nhật, Philippines, và Việt Nam đều bày tỏ âu lo trước khả năng có nhiều căn cứ quân sự quy mô của Trung Quốc gồm cả phi trường và cảng biển mà trước đây vốn chỉ là những bãi san hô nằm ngầm dưới mặt nước.
Với ngành công nghệ quốc phòng Hoa Kỳ, họ lâu nay đối diện với ngân sách quốc phòng cắt giảm nên cần phải tìm kiếm thêm các thị trường ở nước ngoài. Các nước Đông Nam Á và cả khu vực Á Châu nói chung đang có nhiều nhu cầu về an ninh quốc phòng trong khi võ khí trang bị lại quá yếu kém, quá thiếu so với ông khổng lồ Trung Quốc. Trên biển, họ cần từ tàu chiến, tàu ngầm và cả máy bay tầm xa để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Theo Bloomberg, cuộc họp được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đứng ra tổ chức ngày 22/4/2015 tiếp theo sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, loan báo hồi Tháng 10 năm ngoái.
“Trong những tháng sắp tới, người ta sẽ thấy có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và những chuyến đi tới đi lui của viên chức các công ty Mỹ với các đối tác tiềm năng của Việt Nam.” Vũ Tự Thành, Trưởng đại diện của Hội Đồng Doanh Nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN, cũng tham dự cuộc hội luận nói trên phát biểu. “Các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ nhìn thấy tiềm năng bán hàng gia tăng”.
Theo Bloomberg, hơn một chục đại công ty gồm Boeing, BAE Systems Plc., Lockheed Martin Corp và Honeywell International Inc., nằm trong số được mời đến Hà Nội tham dự cuộc họp. Phát ngôn viên tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Lisa Wishman, chỉ cho biết một cách vắn tắt qua một điện thư là “Cuộc hội luận nhằm cổ động cho các công ty Hoa Kỳ kinh doanh ở Việt Nam”.
Theo lời ông Vũ Tự Thành, các công ty đã trình bày qua màn hình các loại trực thăng, chiến hạm cũng như các hệ thống truyền tin. Hãng tin Bloomberg cho hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam không phản ứng gì khi được gửi câu hỏi về các nhu cầu của Việt Nam đối với các hệ thống trang bị quốc phòng của Mỹ.
“Bất cứ vụ bán sản phẩm quốc phòng nào của Hoa Kỳ cho Việt Nam cũng đều phải tuân thủ theo chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam”. Jay Krishnan, phát ngôn viên hãng Boeing cho hay qua một điện thư. “Chúng tôi tin rằng Boeing có khả năng về các hệ thống quan sát, tuần tra, tình báo di động có thể thích hợp với nhu cầu hiện đại hóa của Việt Nam.”
Cuộc họp có sự tham dự của “nhiều công ty trong số 10 công ty hàng đầu về quốc phòng của Hoa Kỳ”. Bà Karen Adams, Giám đốc phát triển thương vụ quốc tế của công ty Exelis Inc., một công ty sản xuất kính nhìn ban đêm, cho hay qua điện thư. “Các thị trường mới thỉnh thoảng mới mở ra. Hiển nhiên là đang có sự quan tâm của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.”
Việt Nam đang rất muốn mua các phụ tùng thay thế cho các loại võ khí của Hoa Kỳ để lại sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, theo ông Tường Vũ, một giáo sư về khoa học chính trị tại đại học Oregon. Ông cho rằng trong vòng một hai năm, Hà Nội sẽ kiểm điểm lại xem họ cần những gì và Mỹ có thể cung cấp cái gì thích hợp với nhu cầu hiện nay.
“Họ thấy lệnh cấm võ khí sát thương đã được gỡ bỏ nên bắt đầu tìm mua võ khí.” Ông nói. “Phía quân đội đặc biệt rất vui về chuyện này.”
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam gia tăng 128% kể từ năm 2005 đến nay, phản ảnh những lo ngại về lợi ích quốc gia trên Biển Đông bị đe dọa, theo Tổ chức Khảo Cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm, Thụy Điển. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm 2014 khoảng $4.3 tỉ, tăng 9.6% so với năm trước.
Việt Nam dự trù gia tăng chi tiêu quốc phòng theo nhận xét của ông Siemon Wezeman tại tổ chức nghiên cứu Sipri. “Kinh tế của họ không phải đang trong thời kỳ khủng hoảng mà họ thì đang có các vấn đề về an ninh quốc gia. Chi tiêu quốc phòng đang gia tăng”. Ông nói.
Xưa nay, Việt Nam vốn là một khách hàng trung thành của các loại trang bị võ khí an ninh quốc phòng của Nga, theo ý kiến của ông Collin Koh, một chuyên viên khảo cứu tại Học Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Rajaratnam School of Internatonal Studies ở Singapore. Mấy năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga 24 phi cơ chiến đấu đa năng Sukhoi SU-MK2, hiện đã tiếp nhận 3 trong số 6 tàu ngầm lớp Kilo cũng như đang được giúp đỡ để xây dựng trung tâm bảo trì và điều hành tàu ngầm. Nga còn đã ký với Việt Nam hợp đồng xây dựng hai lò điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ông Koh cho rằng Việt nam sẽ không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ lâu đời với Nga.
Trước cuộc họp ngày 22/4/2015, đại diện cấp cao của Boeing và của Lockheed Martin cũng đã đến Việt Nam từ đầu năm đến nay. Quyết định bán võ khí sát thương cho Việt Nam chỉ được Hoa Kỳ gỡ bỏ một phần. Tất cả các đề nghị mua bán sẽ được cứu xét riêng từng trường hợp một.
Theo lời kể của ông Vũ Tự Thành “Một trong những đại diện các công ty Mỹ đứng lên hỏi: Ông có thể cho biết ngân sách quốc phòng hàng năm là bao nhiêu không. Viên tướng Việt Nam dự cuộc họp nói : Tôi biết nhưng không thể nói cho ông biết”. (TN)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét