Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Obama 'rất quan tâm' nhân quyền VN

Có 30 nhà báo được đề nghị trong danh sách mời gặp Tổng thống Obama, nhưng chỉ có ba nhà báo trong đó có blogger Điếu Cày được dự cuộc gặp hôm 1/5/2015.
Tổng thống Barack Obama 'rất quan tâm' tới tình hình tự do ngôn luận, báo chí và nhân quyền ở Việt Nam, theo blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm, người vừa được nhà lãnh đạo Hoa Kỳ mời tới Nhà Trắng để gặp gỡ và trao đổi nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế hôm 01/5/2015.

Trao đổi với BBC từ Washington D.C. hôm thứ Bảy, nhà báo tự do Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải nói:
"Chuyến gặp lần này đã cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Tổng thống Obama là một người rất bình dị. Khi chúng tôi ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước có các nền báo chí tồi tệ, tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam.
"Cách Tổng thống diễn đạt những câu chuyện rất bình dị và ấm áp."
Khi được hỏi vì sao Tổng thống Mỹ chọn gặp ba nhà báo từ Việt Nam, Nga và Ethiopia trong cuộc gặp này, blogger Điếu Cày đáp:
"Đấy cũng là một chỉ dấu cho thấy là ba quốc gia này có nền báo chí tồi tệ nhất.
"Theo tôi được biết có một danh sách trên 30 nhà báo được lựa chọn, nhưng chỉ có 3 người được vào gặp Tổng thống, và như vậy cũng cho thấy rằng những người mà đã bị đàn áp ở những quốc gia có nền báo chí tồi tệ, thì Tổng thống lựa chọn để gặp mặt."

'Giữ kín cuộc gặp'

Blogger Điếu Cày cho hay ông đã được biết trước về cuộc gặp cách đó không lâu:
"Tôi đã biết trước được khoảng một tuần trước, nhưng vì lý do an ninh nên cái này phải giữ kín...
"Bên Bộ Ngoại giao và sau đó là bên phía Nhà Trắng (đặt vấn đề mời)."
Điếu Cày cũng chia sẻ thêm về một danh sách các tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều nhà báo, blogger đang bị giam giữ ở Việt Nam, mà ông đã gửi Tổng thống Obama nhân dịp này.
Blogger, chủ nhiệm Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do mới tái lập ở Hoa Kỳ nói:
"Có Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, anh Vinh Ba Sàm (blogger Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh), chị Bùi Hằng, Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang và một số tù nhân nữa, chúng tôi có đưa một danh sách."
Khi được hỏi về phản ứng của Tổng thống Hoa Kỳ, blogger Điếu Cày cho hay:
"Tổng thống đã rất quan tâm tới câu chuyện này," nhà tranh đấu cho tự do báo chí, ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam nói với BBC hôm 02/5/2015.

'Hoàn toàn ngẫu nhiên'

Bình luận về việc Tổng thống Hoa Kỳ tiếp đón nhà báo tự do, blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải tại Nhà Trắng, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam, nói với BBC:
"Nhân ngày tự do báo chí quốc tế, Tổng thống Obama đã gặp ba nhà báo như vậy, trong đó có anh Điếu Cày.
"Tôi nghĩ đây thể hiện một sự quan tâm của nước Mỹ cũng như là của Tổng thống Obama rất nhiều đến vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam
"Mà anh Điếu Cày là một người tiêu biểu bị đàn áp trong vấn đề không có tự do ngôn luận ở nước ta (Việt Nam)."
Blogger Điếu Cày nói ông đã chuyển tới Tổng thống Mỹ một danh sách các bloggers, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ, bỏ tù.
Nhà quan sát cho rằng phía Mỹ đã có sự chuẩn bị từ trước cho sự kiện này.
Theo ông, cuộc gặp đã diễn ra 'ngẫu nhiên' sau khi chính quyền Việt Nam long trọng kỷ niệm 40 năm ngày 30/4 với một bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là có một số lời lẽ 'không mới' và khá 'rắn' khi nói về nước Mỹ.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Tôi nghĩ rằng đây là một sự ngẫu nhiên hoàn toàn, bởi vì một cuộc tiếp các nhà báo của các nước khác bị đàn áp, thì Nhà Trắng đã phải chuẩn bị từ lâu rồi.
"Chứ không phải là vì cái chuyện lời phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng hôm trước đó mà họ có phản ứng như thế này," ông nói với BBC hôm thứ Bảy từ Hà Nội.

'Hy vọng tiến bộ'

Còn từ Sài Gòn, thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân lương tâm, nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ hóa của Việt Nam chia sẻ cảm tưởng của mình về cuộc gặp giữa ông Obama với blogger Điếu Cày cùng các nhà báo quốc tế.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, người từng được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush mời gặp mặt vào tháng 8/2006 trước khi về lại Việt Nam sau thời gian du học ở nước ngoài, nói:
"Đầu tiên, tôi thấy rất vui bởi vì tôi còn có một người bạn nữa thân thiết là chị Tạ Phong Tần vẫn đang ở trong tù, thì qua sự kiện này, cộng với sự kiện trước đó nữa là Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên tiếng yêu cầu Việt Nam cần phải trả tự do ngay lập tức cho chị Tạ Phong Tần, tôi thấy chứng tỏ chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến tình trạng các bloggers Việt Nam bị giam giữ nói riêng và tình trạng nhân quyền của Việt Nam nói chung, cho nên tôi hy vọng là thời gian tới sẽ có những tiến bộ hơn nữa về nhân quyền Việt Nam...
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (phải), người từng được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tiếp đón nói anh 'vui mừng' khi Tổng thống Obama mời gặp gỡ, hội kiến.
"Vừa qua ngày 1/5 là ngày Tự do Báo chí Quốc tế cho nên Tổng thống Mỹ gặp gỡ những nhà báo, bloggers đã bị đàn áp, và tôi nghĩ anh Điếu Cày cũng hạn chế trong việc đưa ra danh sách những người, chủ yếu là những bloggers, nhà báo ở Việt Nam bị giam giữ.
"Còn những người bị bắt giữ vì lý do khác, như là 'gây rối trật tự công cộng', hay là kết các tội khác ngoài vấn đề 'tuyên truyền, chống phá' này nọ, thực ra những anh em, đồng đội của tôi ở Mỹ, ở châu Âu, kể cả ở Việt Nam nữa thì đều có sự vận động đối với quốc tế.
"Để mà thả tất cả những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo Việt Nam ra, thì điển hình như sắp tới Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ, phía Mỹ cũng có nói chuyện với tôi để biết quan điểm của phía tôi như thế nào để mà có thể đối thoại với phía Việt Nam.
"Và tôi nghĩ phía Mỹ cũng san sẻ với rất nhiều người đấu tranh dân chủ khác để họ nắm được bức tranh toàn diện về vấn đề nhân quyền Việt Nam để mà có thể đối thoại với Việt Nam, cũng như nắm được thông tin về các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo, để có biện pháp thuyết phục chính quyền Việt Nam cần phải thả họ ra," thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung nói với BBC hôm 02/5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét