Pages

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Động thái mới của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sức mạnh của mình trong một cuộc tranh chấp nguy hiểm.

 Vào tháng 11, sau những tháng “điên cuồng” cải tạo đất ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn của mình ở đó, Trung Quốc đã thử một cách tiếp cận tinh vi hơn. Nước này mở một tổ chức tư vấn chiến lược ở Arlington, Virginia – một “chân rết” của Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, một hòn đảo nhiệt đới (và hiển nhiên là của Trung Quốc) ở bờ Bắc của vùng biển này. Vai trò của tổ chức tư vấn chiến lược này là đưa ra lý lẽ học thuật giải thích cho sự quyết đoán được ủng hộ một cách mơ hồ của Trung Quốc rằng phần lớn vùng biển có ý nghĩa sống còn về mặt chiến lược này đều nằm bên trong lãnh thổ của họ – bất chấp những tuyên bố chủ quyền đối lập của các nước Đông Nam Á.

Vào ngày 16/4, Viện nghiên cứu Mỹ-Trung, như cách gọi trung tâm có trụ sở tại Virginia, tổ chức buổi hội thảo tại một khách sạn ở Washington. Các mối quan hệ của nó với Chính phủ Trung Quốc rõ ràng là có sức hút. Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, người mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc vô cùng kính trọng, đã phát biểu trong một đoạn băng được quay trước về tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã đích thân tới dự. Ông Thôi nói với những người tham gia rằng đất nước của ông sẽ hành động với sự “kiềm chế” ở Biển Đông, mặc dù ông cũng nói rằng nước ông sẽ bảo vệ mạnh mẽ các lợi ích của mình ở đó.

Các nỗ lực của Trung Quốc “nhằm phủ một lớp sơn học thuật” lên các tuyên bố chủ quyền của mình (mà trên các tấm bản đồ chính thức của nước này, được thể hiện bằng những đường đứt đoạn “được vẽ tùy tiện”) không có khả năng thuyết phục được nhiều người ở Mỹ hay ở Đông Nam Á. Việc Trung Quốc gần đây ráo riết xây dựng trên hơn một chục bãi đá đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rộng khắp đối với các bên tuyên bố chủ quyền khác, bao gồm Brunei, Malaysia và Việt Nam, cũng như Philippines, đồng minh của Mỹ. Ngày 28/4, các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ khác thường. Họ gọi nỗ lực xây dựng đảo, phần lớn gần Philippines, là một mối đe dọa tiềm tàng tới “hòa bình, an ninh và sự ổn định”. Tại Washington, Tổng thống Barack Obama, phát biểu trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã bày tỏ “quan ngại” trước việc cải tạo và cáo buộc Trung Quốc đang “phô trương sức mạnh”. Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đáp trả rằng những hành động của Trung Quốc “không thể chỉ trích được” và không nhắm mục tiêu vào bất cứ ai.

Không có bên yêu sách chủ quyền nào là vô can: việc xây dựng đảo từ lâu đã là một chiến lược chung trong những nỗ lực hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền. Nhưng nhịp độ và quy mô các hoạt động xây dựng của Trung Quốc là khác thường. Tháng 5/2015, IHS Jane’s, một hãng tư vấn, đã công bố các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trong năm nay Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các công trình trên biển mà có lẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Chúng bao gồm một đường băng mà khi được hoàn thành sẽ có thể đạt độ dài 3 km trên Đá Chữ Thập. Giờ đây, Đá Chữ Thập lớn hơn gấp 3 lần so với đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Một vài tuần trước đó, các hình ảnh vệ tinh được IHS Jane’s và Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một nhóm tư vấn chiến lược của Mỹ, công bố cho thấy hoạt động tương tự trên Đá Vành Khăn, cũng trong quần đảo Trường Sa.

Hành vi của Trung Quốc cũng đáng chú ý vì sự thiếu nhất quán của nước này với những xu hướng gần đây trong chính sách đối ngoại của nó. Điều này bao gồm một nỗ lực kể từ cuối năm 2014 nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nước mà Trung Quốc có tranh chấp trên biển riêng biệt. Và là một phần trong nỗ lực xích lại gần với Ấn Độ, nước mà Trung Quốc có bất đồng về đường biên giới kéo dài trên đất liền. Trên Biển Đông, các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng họ chỉ đang “bắt kịp” với những gì mà các nước khác đã và đang làm. Nhưng các quan chức ở Đông Nam Á lại phàn nàn rằng hành động xây dựng của Trung Quốc phá vỡ tinh thần của một thỏa thuận mà nước này đạt được vào năm 2002 với ASEAN là hành xử “tự kiềm chế” trong khu vực. Nhiều nhà phân tích coi đây là một phần trong những nỗ lực đem lại cho Trung Quốc nhiều không gian hơn nhằm triển khai sức mạnh của nước này trong một khu vực trước đây từng bị người Mỹ chi phối.

Các nỗ lực cải tạo của Trung Quốc phù hợp với kiểu hành vi quyết đoán trên Biển Đông. Năm 2011, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy nhiễu các tàu khai thác dầu của Việt Nam và Philippines gần quần đảo Trường Sa. Năm 2011, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough sau một cuộc đối đầu với Philippines, nước cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền. Năm 2014, một công ty Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã đưa giàn khoan dầu vào trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, dẫn tới các cuộc phản kháng bạo lực bài Trung Quốc ở các thành phố của Việt Nam. Giàn khoan dầu này đã rút đi sau đó vài tháng. Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ trước vụ kiện thách thức cơ sở các tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông do Philippines phát đơn kiện lên Tòa trọng tài vào năm 2013. Trung Quốc đã từ chối hợp tác với các phiên tòa; một thất bại, mà một số chuyên gia Trung Quốc thừa nhận là có khả năng xảy ra, sẽ khiến Trung Quốc thậm chí còn bực mình hơn nữa.

Tuy nhiên, nước này tỏ ra sẵn sàng chấp nhận hậu quả, kể cả rủi ro rằng cái gọi là chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ (giờ được đề cập tới là một sự “tái cân bằng”) – điều thường được những người bạn của Mỹ trong khu vực nhìn nhận là điều gì đó hư cấu – sẽ trở nên thực tế hơn. Năm 2014, Mỹ và Philippines nhất trí về một hiệp ước hợp tác phòng thủ “tăng cường” (hai nước đã tổ chức tập trận quân sự phối hợp lớn nhất giữa hai nước trong 15 năm). Trong chuyến thăm của ông Abe tới Washington, Mỹ đã ký một thỏa thuận phòng thủ mới với Nhật Bản, một thỏa thuận cho phép hợp tác quân sự lớn hơn giữa hai nước. Mỹ cũng đã và đang thiết lập các mối quan hệ quân sự mật thiết hơn với kẻ thù trước kia của nước này (và của cả Trung Quốc), đó là Việt Nam.

Phương tiện truyền thông của Trung Quốc do nhà nước kiểm soát phản ứng một cách nghiêm túc bằng những tín điều được phát biểu mạnh mẽ, mà chúng có vẻ có được sự tán thành của những người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dễ dàng được khuấy động trên mạng của Trung Quốc. Nhưng tổ chức tư vấn chiến lược mới ở Virginia là một phần của nỗ lực biến lý lẽ của Trung Quốc trở nên thuyết phục hơn ở nước ngoài. Tháng 9, Trung tâm Sáng kiến Hợp tác về Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh ở miền Đông Trung Quốc đã tuyển sinh nhóm nghiên cứu sinh đầu tiên. Có lẽ một trong những vai trò của họ sẽ là lục tìm các nơi lưu trữ văn thư nhằm tìm ra các tài liệu có thể hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (có từ những năm 1940, ngay trước khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền). Trầm Đinh Lập thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, người đã tham dự buổi hội thảo gần đây ở Washington, nói rằng chính phủ đặc biệt sốt sắng đầu tư vào nghiên cứu có liên quan đến Biển Đông. Ông nói rằng mục đích là tạo điều kiện cho Trung Quốc “kể câu chuyện của chúng ta một cách hiệu quả để người dân không thể chỉ nghe chúng ta, mà nghe chúng ta một cách đúng đắn”.

Điều đó sẽ không dễ dàng. Một thách thức mà các học giả Trung Quốc phải đối mặt là hành vi “bí mật” của các lực lượng vũ trang nước này (thậm chí cả các nhà lãnh đạo dân sự không phải lúc nào cũng có vẻ hoàn toàn nhận thức được họ sắp phải làm gì). Chỉ có nhờ vào các vệ tinh của nước ngoài thì công việc cải tạo gần đây trên Biển Đông mới hé lộ. Hong Nong, Viện trưởng viện nghiên cứu tại Virginia, thừa nhận rằng bà “ngạc nhiên” trước những bức ảnh mới đây cho thấy việc xây dựng đang diễn ra nhanh chóng trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (lần đầu tiên bà nhìn thấy những bức hình này trên trang mạng của CSIS). Bà Hong đi xa đến mức nói rằng bà hiểu mối quan ngại của các nước láng giềng với Trung Quốc, và rằng Trung Quốc nên trấn an họ bằng cách nói nhiều hơn và tự làm cho mình trở nên “minh bạch” hơn.

Có một thông điệp lớn hơn mà Trung Quốc đang tìm cách truyền đi, đơn giản là vượt quá (như nước này nhìn nhận) tính chính xác trong tuyên bố chủ quyền của nước này. Ông Carlyle Thayer thuộc trường Đại học New South Wales nói rằng chiến lược của Trung Quốc là, thông qua quyền lực mềm và các phương tiện khác, thuyết phục các nước láng giềng của họ “dần dần” chấp nhận ý tưởng về vai trò thống trị của Trung Quốc trong trật tự Đông Á. Ông Trầm về cơ bản thừa nhận điều này. Ông nói rằng mục đích là “tất cả mọi người có thể chiến thắng, nhưng Trung Quốc thắng lợi lớn hơn”./.

Theo The Economist

Vũ Hiền (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét