Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Quốc tế thất vọng về Aung San Suu Kyi trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya

mediaBiểu tình kêu gọi nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi can thiệp giúp người Rohingya. Ảnh chụp trước cửa sứ quán Miến Điện, Jakarta, Indonesia, 29/05/2015.REUTERS/Beawiharta
Trong suốt cả tháng qua, thảm cảnh hàng ngàn thuyền nhân trôi dạt trên vùng biển Đông Nam Á đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Các nước trong khu vực đã phải triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp hôm nay (29/5) tại Bangkok với hy vọng tìm giải pháp cho khủng hoảng. Chính quyền Miến Điện là nước bị chỉ trích nhiều nhất trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya vẫn phủi trách nhiệm, ngay cả biểu tượng dân chủ của nước này, bà Aung San Suu Kyi cũng né tránh vấn đề thuyền nhân Rohingya, khiến quốc tế không khỏi thất vọng.






Giải Nobel Hòa bình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập chủ chốt ở Miến Điện, Nghị sĩ Quốc hội, một chính trị gia vốn rất năng nổ trong các vấn đề trong nước và quốc tế, từ đầu cuộc khủng hoảng đã giữ im lặng một cách khó hiểu. Theo giới quan sát, dù là bàng quang, hay thực dụng thì thái độ lảng tránh như vậy sẽ làm sứt mẻ nhiều uy tín chính trị của nhà đối lập hàng đấu Miến Điện này trước quốc tế.
Trong số các nhân vật lên tiếng về sự dè dặt của bà Aung San Suu Kyi là của lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Úc đầu tuần, Đức Đạt Lai lạt Ma đã nói : « Tôi hy vọng Aung San Suu Kyi, với tư cách là giải Nobel Hòa bình, sẽ có thể làm được cái gì đó », trong vụ khủng hoảng thuyền nhân Rohingya.
Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nhắc lại đã từng « nêu vấn đề này » với bà Aung San Suu Kyi, với hy vọng tiếng nói và uy tín chính trị của bà thay đổi được điều gì đó trong cách hành xử của chính quyền.
Không phải chỉ đến khi xảy ra thảm cảnh thuyền nhân trôi dạt trên biển người ta mới biết đến số phận của những người Rohingya. Sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo này có khoảng 1,3 triệu người đang sống tại tiểu bang Arakan, Miến Điện, trong sự bài xích, truy bức của chính quyền cũng như thái độ thù hằn cuả một bộ phận người dân có tư tưởng dân tộc cực đoan.
Từ khi nổ ra các vụ bạo lực sắc tộc năm 2012, 140 nghìn người Rohingya đã phải sống trong các trại tỵ nạn tại Miến Điện. Tình cảnh của sắc dân thiểu số này càng trở nên khốn khổ hơn khi chính quyền không thừa nhận quyền công dân của họ, coi tất cả những người Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp có xuất xứ từ Bangladesh. Bị truy bức, vô thừa nhận, những người Rohingya chỉ còn cách là tìm đường chạy khỏi Miến Điện bằng mọi giá, hy vọng có thể đến lưu thân ở một vùng đất khác. Đó chính là căn nguyên của làn sóng hàng chục nghìn người tỵ nạn Rohingya bị trôi dạt trên biển trong những tháng qua. Chính quyền Miến Điện, trong vụ khủng hoảng nay, vẫn bị quốc tế chỉ mặt phải chịu trách nhiệm chính, nhưng vẫn phủi tay coi mình là nạn nhân, thậm chí họ ngấm ngầm để ngỏ cửa cho các đường dây đưa người vượt biên tổ chức đẩy người Rohingya ra biển.
Giới quan sát chính trị đều nhận thấy, từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, bà Aung San Suu Kyi vẫn đều đặn dự các phiên họp Quốc hội tại Naypyidaw và bà vẫn không mảy may bày tỏ quan điểm hay lên tiếng đề nghị chính quyền về vấn đề thuyền nhân Rohingya. Duy nhất là hôm 19/5, khi trả lời báo chí, nhà đối lập phát biểu ngắn gọn rằng « chính phủ phải giải quyết vấn đề này ».
Thái độ dè dặt, hay có thể gọi là né tránh như vậy của nhà đối lập hàng đầu Miến Điện đã khiến cho các tổ chức quốc tế, vốn từ trước đến nay vẫn đánh giá cao vai trò của giải Nobel Hòa bình 1991 trong các vấn đề liên quan đến nhâ quyền, không khỏi thắc mắc. Ông Phil Robertson, Giám đốc Human Rights Watch ở châu Á thì nói thẳng ra là thất vọng với Aung San Suu Ky. Nhiều người cảm thấy không hiểu điều gì đã thay đổi trong biểu tượng dân chủ ở Miến Điện, người từng hy sinh cuộc sống bản thân, đấu tranh vì những giá trị nhân bản cao quý.
Sự thay đổi ở Aung San Suu Kyi đã cảm nhận thấy sau khi bà trở thành nghị sĩ Quốc hội. Mối quan tâm chính của bà từ đó tập trung nhiều vào việc đấu tranh giành quyền được ra ứng cử tổng thống hoặc chuẩn bị cho những tham vọng chính trị cuả đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đây.
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Rangoon đã khẳng định với báo giới rằng quốc tế « hy vọng Aung San Suu Kyi bày tỏ quan điểm về các quyền của người Rohingya », thế nhưng « Bà không thấy có lợi gì cho cá nhân hay cho đảng của bà để bày tỏ quan điểm về một hồ sơ chính trị đối nội quá nhạy cảm và phức tạp này ».
Ông Mael Ray, chuyên gia chính trị Miến Điện nhận định lúc này bày tỏ lập trường không phải là ưu tiên của nhà đối lập. Công khai bênh vực người Rohingya có thể sẽ khiến cho bà bị thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trước một dư luận trong nước đa phần có tư tưởng bài người Hồi giáo Rohingya như ở Miến Điện, lãnh đạo đối lập chỉ chọn cách ứng xử thực dụng nhất, đó là kín đáo, im lặng.
Tuy nhiên với cộng đồng quốc tế, đang thực sự xúc động trước thảm nạn thuyền nhân Đông Nam Á và rất bức xúc trước hành động vô lối của chính phủ Miến Điện với người thiểu số Rohingya, thì cách tính toán chính trị của bà Aung San Suu Kyi như vậy sẽ làm giảm đi ít nhiều hào quang của giải Nobel Hòa bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét