Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Song Chi - Né tránh, trì hoãn hay khiếp nhược, không làm cho tình thế khá hơn

Những ngày này, trong lòng những người con Việt còn quan tâm đến chủ quyền, đến vận mệnh quốc gia lại sôi lên như lửa đốt trước những thông tin được đăng tải trên báo chí trong ngoài nước về việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất tại các bãi đá cạn thuộc quần đảo Trường Sa mà họ đánh chiếm của VN trước kia thành những hòn đảo nhân tạo với quy mô lớn hơn gấp hàng trăm lần. Trên những hòn đảo đó Trung Quốc hối hả xây dựng các cơ sở hạ tầng, doanh trại quân đội, sân bay lớn với đường băng đủ dài để mọi loại phi cơ cất và hạ cánh…

Một công trình đồ sộ trên đảo nhân tạo trái phép của
 Trung Quốc
Như các nhà phân tích, bình luận chính trị trên thế giới đã chỉ ra, không còn nghi ngờ gì nữa, mục đích của Trung Quốc trong việc cải tạo đá thành đảo này rất rõ. Một phần để “thực tế hóa” phạm vi chủ quyền của “đường lưỡi bò” mơ hồ, cực kỳ phi lý mà họ vẫn tuyên bố từ trước đến nay, mặt khác, biến những hòn đảo đó thành những căn cứ quân sự để tiến tới thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.

Ngay cả các quốc gia nào từ trước đến nay còn cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình không phương hại gì đến ai, như những lời nói đầu môi chót lưỡi của các thế hệ cầm quyền Trung Nam Hải, có lẽ cũng phải giật mình nghĩ lại. Nhất là khi những hình ảnh, thông tin về quá trình cải tạo và mức độ quy mô của những hòn đảo nhân tạo cũng như các công trình trên đó, do phía Mỹ và các đài truyền hình quốc tế đưa ra trong những đợt tuần tra, khảo sát mới đây.

Từ chỗ không có một mảnh đất cắm dùi trên biển Đông, sau khi chiếm được Hoàng Sa của Nam Việt Nam vào năm 1974 rồi một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã có được bàn đạp để dấn tới. Theo thời gian, khi những nhà lãnh đạo của nước này tự cho rằng Trung Quốc nay đã đủ nội lực về sức mạnh kinh tế, quân sự, cộng với những yêu cầu cấp bách về năng lượng, về việc phải mở một con đường ra biển để đưa đất nước phát triển lên một vị trí mới, tất nhiên Trung Quốc sẽ muốn độc chiếm hay ít nhất là khai thác, kiểm soát những lợi ích to lớn mà biển Đông và con đường giao thông hàng hải to lớn này đem lại, dần dần hất chân Mỹ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương và sắp xếp lại trật tự trong khu vực cũng như trật tự thế giới…

Tất cả những lý do đó đã dẫn đến thái độ nhất quán trước sau như một của các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc cho dù có thay đổi đôi chút trong phương pháp bên ngoài, khi nhẫn nhịn chờ thời, nay công khai tỏ rõ tham vọng…Đến nay thì bàn cờ trên biển Đông đã rõ ràng, Bắc Kinh, với những bước đi được tính toán rất kỹ lưỡng, với tầm nhìn xa tính trước hàng chục hàng trăm năm, đã dần đạt được tham vọng của họ nếu như các nước trong khu vực và thế giới không có hành động gì ngăn chặn.

Trong khi đó thì thái độ của các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN ra sao? Họ cũng rất nhất quán, nhưng là nhất quán trong sự nhịn nhục đến hèn hạ trước Trung Cộng, và tự bộc lộ một tầm nhìn không quá lỗ mũi, nếu không thường xuyên đánh giá sai mối quan hệ giữa hai đảng thì cũng không ý thức hết mưu sâu kế độc của Trung Nam Hải.

Vì đánh giá sai mối quan hệ giữa hai đảng, vì ngu muội tin vào việc cùng ý thức hệ, cùng là “đồng chí anh em”, năm 1958, Thủ tướng nhà nước cộng sản VN lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng đã ký vào bản công hàm tai hại công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).

Cũng với tầm nhìn ấy, Hà Nội đã không hề lên tiếng lúc Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, lại còn cho rằng thà để Hoàng Sa cho Trung Quốc anh em giữ còn hơn nằm trong tay bọn “ngụy”, và rằng Trung Quốc giữ dùm thì sau này họ sẽ trả lại cho ta chứ sao đâu.

Đến khi Trung Cộng đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN năm 1988 thì lúc đó không chỉ là sự hèn hạ trước kẻ xâm lược mà phải gọi thẳng là hành động phản quốc, khi ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh lệnh cho bộ đội VN “bằng bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng”, khiến 64 người trở thành những tấm bia thịt trước mũi súng của bọn lính Trung Quốc!

Sâu xa hơn, hành động phản quốc này vẫn là hệ quả của hai điều xuyên suốt trong mọi đường lối chính sách đối nội lẫn đối ngoại của đảng cộng sản VN: Một, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, thậm chí của một nhóm người trong đảng, lên trên quyền lợi tối thượng của đất nước, dân tộc. Thứ hai, thiếu một tầm nhìn xa trông rộng nói trên, nên không nhận ra hết sự nguy hiểm nếu Trung Cộng chiếm được một số đảo ở Trường Sa, từ đó tạo thành những căn cứ quân sự trong thế cài răng lược đầy nguy hiểm với VN như hiện tại, chưa kể có thể dấn tới chiếm nốt những hòn đảo còn lại.

Suốt những năm qua, Trung Cộng liên tục có những hành động ngày càng hung hăng bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, nhất là VN, cộng với những hoạt động xâm lấn ngày càng công khai trên biển Đông và trong khu vực thuộc chủ quyền của VN. Tàu cá Trung Quốc đi từng đoàn hàng chục, hàng trăm chiếc có các loại tàu quân sự khác nhau hỗ trợ ngang nhiên đánh bắt trong khu vực Hoàng Sa Trường Sa, trong lúc tàu cá nhỏ lẻ của ngư dân VN bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đánh cướp, bắt cóc, đòi tiền chuộc, đánh chìm tàu, thậm chí có lúc gây thương vong cho ngư dân…

Dấn tới một bước là áp đặt lệnh đánh bắt cá hàng năm, những vụ đụng độ trên biển giữa hải quân VN và tàu quân sự các loại của Trung Quốc, mới tháng 5 năm ngoái là kéo dàn khoan dầu “khủng” Hải Dương-981 vào trong khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí. Hành động này đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ dẫn đến những cuộc biểu tình của người dân VN.

Và bây giờ là quá trỉnh cải tạo đá thành đảo, xây dựng các đảo thành những căn cứ quân sự quy mô.
Trước tình hình ngày càng nguy hiểm như vậy, nhưng phản ứng của nhà cầm quyền VN lại rất bạc nhược, lúng túng, không rõ ràng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Những người phát ngôn kế tiếp nhau của Bộ ngoại giao tiếp tục đưa ra những lời phản đối suông và những tuyên bố chủ quyền lặp đi lặp lại, đôi khi cũng có một vị trong “tứ trụ triều đình” của Hà Nội tuyên bố đôi câu mạnh mẽ nhưng chẳng làm ai sợ, càng không làm cho Trung Cộng buồn quan tâm.

Hà Nội cũng có đặt mua tàu ngầm, mua vũ khí, đầu tư cho quốc phòng nhất là hải quân, nhưng so với nguồn tài chính khổng lồ và mức chi tiêu quân sự liên tục tăng hàng năm của Trung Quốc thì chẳng thấm vào đâu; và tiếp tục dùng dằng đu dây trong mối quan hệ với hai nước lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Người dân VN và cả thế giới nhìn vào không thể hiểu được nhà cầm quyền VN muốn gì, khi họ lúc thì muốn nhờ cậy sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để ngăn chặn mối nguy từ Trung Quốc nhưng lại vẫn thể hiện mối quan hệ “nồng ấm” với Bắc Kinh và không có bất cứ một hành động mạnh mẽ nào để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ lãnh hải.

Những năm qua họ chẳng làm được gì bao nhiêu để ngăn chặn những hành động của Trung Cộng, bây giờ khi nhìn thấy quy mô, âm mưu…rõ như ban ngày của Trung Cộng thì họ càng không biết phải đối phó cách nào, càng cố né tránh, cố giữ quan hệ mong Trung Quốc để cho yên. Họ tự ru ngủ mình rằng Trung Quốc sẽ không đánh VN vì mối quan hệ giữa hai bên, vì Trung Quốc cũng cần VN làm phên dậu, không muốn VN ngả hẳn vào Mỹ, ngược lại Mỹ cũng cần VN.

Nhưng thực sự giữa Mỹ và VN ai cần ai hơn, khi không có VN, Mỹ cũng đã có nhiều đồng minh khác mạnh hơn, đáng tin cậy hơn trong vùng? Còn Trung Cộng nếu muốn chiếm thêm đảo hay muốn mở một trận chiến dằn mặt các nước khác, thì có quốc gia nào thuận tiện hơn là VN?

Bên cạnh đó, trong mối quan hệ với Trung Quốc, có một điểm yếu nữa mà người ta nhận thấy rất rõ ở đảng cộng sản VN, là trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.

Trước đây, đảng cộng sản VN thắng được Mỹ vì rất nhiều lý do, trong đó không thể phủ nhận 2 điều mà Bắc Việt làm được lúc đó: Một, liên tục tấn công trên mặt trận tuyên truyền, tranh thủ dư luận trong nước và quốc tế, gây khó khăn cho Mỹ trong việc tiếp tục cuộc chiến. Thứ hai, truyền được lòng căm thù cho người dân lao vào chiến đấu. Bây giờ, ngược lại, VN không chỉ thua Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng, quy mô quân sự, còn thua cả về tuyên truyền. Từ thông tin về những cuộc chiến tranh biên giới, những trận hải chiến với Trung Cộng trước đây cho đến tình hình biển Đông hiện tại.
Các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN cho đến tận giờ phút này vẫn xử sự như những con ngựa tự bịt mắt mình, không muốn nghe, không muốn thấy về âm mưu, những hành động, những bước đi của Trung Quốc, và cũng không muốn cho nhân dân biết. Họ tiếp tục che dấu một phần lớn thông tin với người dân, đồng thời tiếp tục sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích mối quan hệ Việt-Trung và những hành động xâm lược của Trung Quốc.

Ngay các đại biểu quốc hội cũng không bị thiếu thông tin. Dân chờ các đại biểu quốc hội có thái độ rõ ràng, dứt khoát về biền Đông nhưng chính các đại biểu Quốc hội cũng còn đang “đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình trên biển”. (“Đại biểu Quốc hội đang nghĩ gì về tình hình biển Đông?”, VNEconomy), còn đang phải đấu tranh để “QH xếp Biển Đông vào chương trình kỳ họp như một nội dung chính thức”, vì “nội dung này không được chủ động đưa vào nghị trình từ đầu mà chỉ khi ĐBQH đề nghị mới đưa vào một buổi nghe tình hình chung.” (“Đại biểu khát thông tin về Biển Đông”, VietnamNet)…

Đối ngoại, những hoạt động nghiên cứu, hội thảo, giải thích về chủ quyền của VN với thế giới, so với TQ là kém xa.

Nhớ lại cuộc chiến với Khơ Me Đỏ trước đây hay cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi với Trung Quốc, lúc ấy, một trong những thiệt thòi mà VN phải chịu là từ việc không tuyên truyền thông tin đầy đủ, thế giới không hiểu vì sao VN đánh Cambodia và đóng quân ở đó cả chục năm, tại sao TQ và VN đánh nhau…Bây giờ có thể cái may của VN là thế giới đã nhìn ra mưu đồ, tham vọng rất lớn của Trung quốc trên biển Đông và mọi hành động nhằm tiến tới khống chế, kiểm soát biển Đông của Trung Quốc sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nước khác nữa, kể cả Mỹ, chứ không riêng gì VN.
Nhưng nếu Trung Quốc chỉ đụng đến VN thôi, như chiếm thêm vài cái đảo, thì chưa chắc đã có ai giúp VN.

Khi tai họa sắp tới, nếu cứ trì hoãn, không thẳng thắn đối diện với sự thật thì tai họa có vì thế mà tự biến mất không?

Hỏi tức là đã trả lời. Né tránh không làm cho sự thật biến mất. Trì hoãn thời gian chỉ làm cho sự việc càng khó đối phó hơn. Chỉ có con đường đối mặt với sự thật, thay đổi thể chế, thay đổi đường lối chính sách ngoại giao, từ bỏ mối quan hệ bất tương xứng với Trung Quốc đồng thời kết bạn, tìm đồng minh khác mới mong thoát ra khỏi mối nguy từ Trung Quốc mà thôi. Và đối với người dân thì phài tích cực nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, làm sống dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đất nước trước mọi âm mưu xâm lược chứ không phài tìm mọi cách kìm hãm lòng yêu nước, khuyến khích thái độ bàng quan vô cảm với tình hình chính trị, sử dụng bạo lực và sự ngu dân làm yếu hèn, làm bạc nhược đi tinh thần của nhân dân, như cách mà nhà cầm quyền VN đã làm lâu nay.

Không chỉ nhà cầm quyền mà từ chính mỗi người dân. Đất nước này, giang sơn này không phải riêng của đảng cộng sản để họ cứ tiếp tục toàn quyền định đoạt từ con đường đi đến số phận của VN như họ đã làm suốt bảy thập kỷ qua và đã đưa VN đến tình thế khó khăn mọi mặt ngày hôm nay.

Đất nước là của chung mọi con dân Việt. Hơn 90 triệu người dân Việt trong và ngoài nước phải là sức ép buộc nhà cầm quyền thay đổi, và nếu một khi nhà cầm quyền vẫn không chịu sửa đổi, tiếp tục dẫn dắt dân tộc VN trượt sâu vào hố thẳm mất nước, diệt vong, đồng thời là vật cản chính trên con đường “thoát Trung” của dân tộc VN, thì người VN sẽ phải đứng lên giành lại quyền quyết định vận mệnh đất nước trước khi quá muộn.

Song Chi

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét