Tập Cận Bình bên cạnh Vladimir Putin trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, 09/05/2015.REUTERS/Alexander Zemlianichenko/Pool
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từ hôm qua 08/05/2015 đã phô bày tình hữu nghị thắm thiết giữa hai quốc gia cùng chịu tổn thất nhân mạng lớn lao trong Đệ nhị Thế chiến, vào thời điểm Matxcơva tưng bừng kỷ niệm 70 chiến thắng phát-xít Đức. Hai bên cũng ký kết khoảng 40 văn bản hợp tác trong nhiều lãnh vực. Liệu Trung Quốc có thể trở thành người bạn lớn của Nga để làm đối trọng trước phương Tây?
Sau cuộc hội đàm với Tập Cận Bình, Tổng thống Nga tuyên bố : « Trong cuộc chiến tranh này, hai đất nước chúng ta đã chịu thiệt hại nhân mạng vô cùng lớn. Đó là lý do khiến chúng ta chống lại mọi khuynh hướng bóp méo lịch sử, biện minh cho chủ nghĩa phát-xít và quân phiệt ».
Chủ tịch Trung Quốc nói thêm : « Nhân dân chúng tôi luôn ghi nhớ lịch sử và chống lại việc bẻ cong lịch sử ». Tập Cận Bình ca ngợi « tình hữu nghị mặn nồng » giữa hai quốc gia « sinh ra trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai » - Nga chiến đấu chống lại Đức còn Trung Quốc đối mặt với quân phiệt Nhật.
Liên Xô, tiền thân của nước Nga ngày nay, đã mất đi 25 triệu người trong Đệ nhị Thế chiến. Còn Trung Quốc, theo như các nhà nghiên cứu nước này, có 20 triệu người đã thiệt mạng trong thời kỳ đó.
Hôm nay Tập Cận Bình có mặt trên lễ đài ở Quảng trường Đỏ, bên cạnh Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Serbia Tomislav Nicolic... Lần đầu tiên trên 100 lính Trung Quốc tham gia cuộc diễu binh hoành tráng hôm nay. Các chiến hạm Nga và Trung Quốc sẽ tham gia tập trận chung trên Hắc Hải tuần tới.
Nhân dịp này, khoảng 40 hợp đồng kinh tế và hiệp định hợp tác trong các lãnh vực năng lượng, hàng không, tài chính và không gian được Matxcơva và Bắc Kinh ký kết. Ông Putin nói rằng Trung Quốc là « đối tác chiến lược chủ yếu » của Nga, và ông không quên cảm ơn Tập Cận Bình về « sự quan tâm thường trực của cá nhân ông » đối với sự phát triển quan hệ song phương Nga-Trung.
Theo nhận định của Heike Schmidt, thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, thì thực tế không chỉ toàn một màu hồng :
« Hai nước láng giềng cùng có lợi : Bắc Kinh trông cậy vào Nga để biến giấc mơ « Con đường tơ lụa mới » thành hiện thực. Con đường này sẽ nối liền Trung Quốc với Châu Âu. Về phía Nga thì mở rộng vòng tay tiếp đón những người lính Giải phóng quân Trung Quốc, lần đầu tiên sẽ diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Một cuộc diễu binh với hy vọng phá vỡ tình trạng cô lập của Matxcơva trước các biện pháp trừng phạt của Châu Âu.
Nhưng trên phương diện kinh tế thì không hề bình đẳng giữa đôi bên. Trung Quốc ngày nay là đối tác thương mại thứ nhì của Nga, chỉ sau Liên hiệp Châu Âu. Nhìn từ phía Bắc Kinh, thì thực tế hoàn toàn khác. Nga chỉ đứng hàng thứ chín trong trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, rất xa phía sau đối tác hàng đầu là Liên hiệp Châu Âu và thứ nhì là Hoa Kỳ.
Tuy nhiên khối lượng trao đổi đã tăng gần 10%, và vào tháng Năm năm ngoái, hai cường quốc đã ký kết một hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỉ đô la. Đường ống dẫn khí « Sức mạnh Xibêri » đang được xây dựng, với giá thành khoảng 27 tỉ euro. Việc giao khí đốt sẽ bắt đầu từ năm 2018 ».
Theo The Diplomat, phía sau những lời tuyên bố nồng thắm của hai nguyên thủ, cũng có những căng thẳng : hai bên không thỏa thuận được về giá khí đốt. Chuyên gia dầu khí Alexandre Kornilov thuộc Alfa Bank nhận định, tập đoàn Nga Gazprom có vẻ yếu thế trong việc thương lượng với Bắc Kinh về giá bán khí đốt, vì có sự cạnh tranh của Turkmenistan, quốc gia Trung Á cũng giàu tài nguyên dầu khí. Nhà phân tích Alexandre Gabuev của Trung tâm Carnegie ở Matxcơva bình luận : « Rốt cuộc người Nga cũng hiểu ra rằng Trung Quốc chỉ đầu tư khi thấy có lợi cho mình ».
AFP cho biết trong số các văn kiện ký kết có tuyên bố « tăng cường đối tác toàn diện » giữa Nga và Trung Quốc, và tuyên bố về việc hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Âu -Á (gồm Nga, Belarus và Kazachstan – do Matxcơva thành lập) với vành đai kinh tế của « Con đường tơ lụa mới » do Bắc Kinh chủ xướng.
Hai bên cũng ký một thỏa thuận khung về việc lập một công ty liên doanh, có thể đứng ra mua 100 phi cơ Sukhoi Superjet 100 của Nga trong ba năm tới. Đồng thời xây dựng một tuyến đường cao tốc nối Matxcơva với Kazan thuộc vùng Volga, mà theo ông Putin thì Bắc Kinh chấp nhận chi ra 300 tỉ rúp (5,2 tỉ euro).
Báo The Diplomat cho rằng dự án đường cao tốc này cũng như hợp đồng khí đốt là để tránh va chạm quyền lợi giữa « Liên minh Âu –Á » với « Con đường tơ lụa ». Cũng theo tờ báo, hai bên còn ký một bản ghi nhớ, cam kết không tấn công lẫn nhau, lên án các nỗ lực gây bất ổn chính trị trong nước thông qua internet.
The Diplomat cũng nêu ra các lập luận phản biện của chuyên gia Alexandre Korolev ở Singapore, xung quanh bốn nhân tố gây cản ngại cho việc liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva. Trước hết, Nga sợ bị Trung Quốc lấn lướt ; thứ hai, Nga rất lo lắng về lượng người Hoa ồ ạt nhập cư vào vùng Xibêri. Nỗi lo thứ ba là lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và cuối cùng, Nga và Trung Quốc không đủ tin tưởng lẫn nhau để có thể thành lập một liên minh.
Trong bối cảnh bị phương Tây tẩy chay do cuộc xung đột Ukraina, vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít Đức - mà ông Putin muốn tiến hành thật long trọng để đề cao tinh thần dân tộc và vị thế của Nga trên trường quốc tế - Tổng thống Nga không bỏ lỡ cơ hội để đả kích « xu hướng hình thành một thế giới đơn cực » - từ ngữ mà ông từng sử dụng năm 2007 để chỉ trích Mỹ và các đồng minh.
Nhưng sự hiện diện của Tập Cận Bình trên Quảng trường Đỏ, ngay bên tay mặt ông Vladimir Putin, liệu có thật sự làm Tổng thống Nga an tâm. Phía sau những cảnh tay bắt mặt mừng, có phải là « tình hữu nghị nồng thắm » như Chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố ? Điều đó còn phải chờ xem, và không ít người cho rằng, sự liên kết Nga-Trung chỉ là một liên minh cơ hội.
VIỆT NAM CÓ 2 THẰNG BẠN CƯỚP THẰNG PUTIN CƯỚP Ở CHÂU ÂU ,THẰNG TẬP CƯỚP CHÍNH CỦA Đ/C MÌNH .CON ĐƯỜG TƠ LỤA PHẢI NÓI ĐÚNG NGHĨA LÀ CON ĐƯỜNG BÀNH TRƯỚNG THẰG PUTIN CHỌN LẦM BẠN RỒI .
Trả lờiXóa