Pages

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Trần Quí Cao - Dân Tộc Việt Nam Ơi, Xin Đừng Để Vuột Cơ Hội Muộn Màng! (2) f

Trần Quí Cao

PHẦN II: CƠ HỘI TRƯỚC MẮT

Kinh nghiệm lịch sử phát triển thế giới cho thấy, thời nào cũng có mâu thuẫn giữa các khối nước lớn. Đồng minh và đối thủ thay đổi tùy theo thời. Với thời đại hiện nay, mâu thuẫn giữa các nước và các khối nước còn đan xem với hợp tác và hội nhập của từng nước với nhau và với quốc tế, nên tạo một vẻ ngoài phức tạp và rối rắm.
Dù sao, vẫn phải lần ra cái mâu thuẫn chủ đạo. Các nước trung và nhỏ, nếu biết nương theo thời thế, dùng các mâu thuẫn đó một cách hữu hiệu, sẽ phát triển vượt bậc. Nước nào thất bại sẽ rơi vào vòng xoáy tụt hậu, như Miến Điện, Việt Nam, Bangladesh… hiện nay, hay thậm chí, vào vòng chiến tranh tan nát, như Aghanistan, Lybia, Iraq… Chú ý rằng, chưa xa hiện nay, Việt Nam cũng đã có 15 năm tan nát bởi nội chiến tương tàn…

A) MÔI TRƯỜNG VÀ KHUYNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ CỦA KHU VỰC

Hiện nay, mâu thẫn chính trên thế giới đã chuyển sang thành mâu thuẫn giữa Trung Quốc (và Nga, tạm thời cũng liên kết với Trung Quốc) với Mỹ và đồng minh gồm Nhật, Hàn Quốc và Úc. Do vị trí địa chính trị của Việt nam, mâu thuẫn này đang mang tới cho Việt Nam một cơ hội rất lớn.

1) TRUNG QUỐC THI HÀNH CHÍNH SÁCH BÀNH TRƯỚNG ĐÒI QUYỀN KIỂM SOÁT BIỂN ĐÔNG

Các biệp pháp Trung Quốc thi hành như:
a) Đưa ra đường lưỡi bò lãnh hải
b) Dùng tàu hải giám xua đuổi hay húc chìm tàu cá nước khác trong vùng đòi hỏi lãnh hải vô lí của mình
c) Dùng biện pháp quân sự chiếm các đảo đang tranh chấp
d) Bồi đắp và xây dựng đảo nhỏ hay bãi đá ngầm thành căn cứ quân sự uy hiếp các quốc gia chung quanh
Các biện pháp trên đều bị các nước trên thế giới đánh giá là ngang ngược, không tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc ứng xử chung.

2) CHÍNH SÁCH NÀY CỦA TRUNG QUỐC UY HIẾP, XÂM HẠI QUYỀN LỢI CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ CỦA CÁC NƯỚC LỚN

Do vị trí địa chính trị-kinh tế của biển Đông, đòi hỏi này của Trung Quốc uy hiếp, xâm hại quyền lợi chính trị và kinh tế của các nước lớn khác, trong đó có Mỹ, Nhật, châu Âu, Ấn Độ, Úc… Các nước này đang tìm cách liên kết nhau trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị để bảo đảm con đường hàng hải huyết mạch biển Đông không thuộc quyền thống trị của một quốc gia riêng rẽ nào, trong hoàn cảnh hiện nay, quốc gia riêng rẽ đó chính là Trung Quốc. Về mặt trận quân sự là chính sách “chuyển trục” của Mỹ, là các liên minh quân sự Mỹ-Nhật, Mỹ-Úc, Nhật-Úc…, và có thể là Mỹ đưa tàu chiến vào tuần tra biển Đông. Về mặt trận kinh tế, quan trọng nhất là TPP.

3) MONG MUỐN VÀ THÁI ĐỘ CÁC NƯỚC ĐÓ ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Việt Nam có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với mâu thuẫn này. Việt Nam là Bản Lề của các nước Ấn Độ Dương và các nước Thái Bình Dương. Việt Nam là Bản Lề của các nước ASEAN lục địa và các nước ASEAN quần đảo. Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vị trí trung tâm các thành phố lớn của ASEAN. Việt Nam là nước cùng với Phi Luật Tân nằm ở hai biên Đông và Tây của biển Đông. Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc và án ngữ biển Đông…
Việt Nam có khối dân lớn. Khối 90 triệu dân này đã trãi qua một ngàn năm bị Trung Quốc chiếm đóng, rồi giành lại độc lập, và từ đó tới nay đã tồn tại hơn một ngàn năm dưới sức ép xâm chiếm liên tục của Trung Quốc, được trui rèn qua 9 cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lăng.
Hẳn nhiên, Việt Nam là tác nhân rất quan trọng trong chính sách “chuyển trục” lực lượng quân sự của Mỹ sang vùng này của thế giới. Việt Nam cũng là tác nhân không thể thiếu trong chiến lược bảo vệ biển Đông như là con đường hàng hải chung của thế giới.
Với tầm quan trọng như vậy, Việt Nam phải có thực lực quân sự và thực lực kinh tế.
Do đó, các nước Mỹ, Nhật… đã công khai bày tỏ mong muốn cung cấp cho Việt Nam vũ khí đủ sức tuần tra, phát hiện, ngăn chặn các xâm chiếm lãnh thổ. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa rất quan trọng cho ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Từ năm trăm năm nay, các chính quyền tiếp nối nhau của Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo này mà Trung Quốc không có vai trò gì cả. Chỉ cần Việt Nam bảo vệ được chủ quyền của mình trên hai quần đảo này (hay ít nhất, trước mắt, trên quần đảo Trương Sa) là góp phần giải quyết phần quan trọng của vấn đề biển Đông. Các nước trên cũng mong muốn Việt Nam tham gia tập trận chung, và từ đó có thể phát triển thành nền móng cho liên minh quân sự về sau…
Về kinh tế, TPP là một dự án lớn mà Việt Nam sẽ rất có lợi khi tham gia, vì sẽ có điều kiện phát triển kinh tế và dần dần “tự chủ hóa” nền kinh tế của mình khỏi vòng lệ thuộc tệ hại vào Trung Quốc như hiện nay. Các quốc gia chủ chốt trong dự án này, nhất là Mỹ, Nhật rất muốn Việt Nam tham gia.

B) TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Chỉ cần lướt qua một số sự việc đã xảy ra từ năm 1974 tới nay, chúng ta cũng cảm và thấy được các tác động của chính sách bành trướng này.
Năm 1974: Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa từ miền Nam Việt Nam
Năm 1979: Trung Cộng tiến công biên giới, giết hại hàng trăm ngàn chiến sĩ và dân chúng Việt Nam
Năm 1988: Trung Cộng đánh chiếm biển đảo, giết chết 64 chiến sĩ Việt Nam.
Từ đó tới nay là các quấy nhiễu liên tục trên biển, từ giấu mặt đâm chìm tàu cá Việt Nam, cho tới ngang nhiên lập Tam Sa, cắt cáp biển, mang giàn khoan khủng vào cắm trên thềm lục địa Việt Nam. Và gần đây là xây căn cứ quân sự trên các đảo thực và đảo nhân tạo mà họ mới chiếm từ tay Việt Nam.
Chính sách này cùng các hành động đơn phương và bất chấp luật pháp của Trung Quốc gây các tác động trước mắt là cướp đoạt một phần chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, giết hại dân chúng, ngư dân Việt Nam, cướp đoạt tài sản biển đảo của Việt Nam, uy hiếp an toàn toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam.
Về lâu dài, nếu chấp nhận các việc này như “đã rồi”, VN sẽ ngày càng lệ thuộc, càng suy thoái, và nguy cơ “rơi vào vòng Bắc thuộc lần thứ hai” ngày càng hiển hiện. Sau một đời tận tâm phục vụ đảng CSVN, ở vị trí ủy viên Bộ Chính Trị, rồi ông Nguyễn Cơ Thạch cũng thấy được điều mà ông Ngô Đình Nhu đã cảnh báo khẩn thiết 30 năm trước đó!

C) VIỆT NAM NÊN CÓ ĐỐI SÁCH GÌ?

Đây là một đề tài rất quan trọng, nhà cầm quyền cần sự tham gia góp ý của những người dân quan tâm và muốn đóng góp vào quá trình vạch chính sách cho đất nước.
Tác giả, với tư cách một người dân có quan tâm, xin mạnh dạn nêu ý kiến của mình qua trả lời hai câu hỏi:

1) VIỆT NAM NÊN THEO PHE MỸ-NHẬT HAY PHE TRUNG QUỐC?

Kinh nghiệm ngàn năm chống chọi với tham vọng và ý đồ xâm lăng của Trung Quốc, kinh nghiệm 150 năm kể từ khi Pháp đến Việt Nam cho tới nay, các quan sát và chiêm nghiệm những ván cờ tranh chấp chính trị giữa các quốc gia cùng với sự phát triển của các con Rồng cất cánh trong vòng 50 năm trở lại đây, cho chúng ta bài học rằng:
Việt Nam không theo ai cả, mà chỉ theo chính Việt Nam.
Điều này phù hợp với các nhận định sau:
1) Lực lượng lớn nhất, tin cậy nhất mà nước Việt Nam có thể dựa vào là dân tộc Việt Nam. Dân tộc này sẽ quyết định họ muốn sống trong một nước Việt Nam như thế nào, và dân tộc này có đủ khả năng xây dựng nước Việt Nam như ước muốn đó. Để làm được điều này, dân tộc này bên trong phải xây khối đoàn kết dân tộc vững chắc, nghĩa là tổ chức sự hòa giải hòa hợp dân tộc rộng lớn, bên ngoài phải biết cách, trong tư thế tự chủ, dùng các nguồn lực quốc tế thích hợp để xây dựng tổ quốc giàu mạnh và ấm no cho đa số rộng khắp dân chúng.
2) Các cường quốc và siêu cường có liên quan trực tiếp như Úc, Ấn, Nhật, Mỹ… cũng chia sẽ ý tưởng tự nhiên này. Bản chất của các quốc gia dân chủ tự do là tôn trọng con người, từ đó mà nghiêng về quan điểm các bên cùng thắng (WIN-WIN) trong công bằng và minh bạch. Đây là quan điểm văn minh, tiến bộ trong giao thương và giao thiệp quốc tế. Do đó, các quốc gia này mong muốn được góp phần với nhân dân Việt Nam xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do, giàu mạnh đủ sức tự chủ mà không bị bất kì một cường quốc hay một siêu cường nào bức hiếp. Nước Việt Nam mạnh bước trên con đường tiến lên đó chắc chắc có đóng góp tích cực vào cục diện hòa bình và ổn định của khu vực, bảo vệ tuyến đường hàng hải quốc tế biển Đông. Đây chính là lợi ích của thế giới cũng đồng thời là lợi ích rất to lớn cho Việt Nam, là thời cơ mà nước ta không nên bỏ lỡ để thoát chậm tiến, thoát yếu nghèo.
3) Việt Nam không chống Trung Quốc. Không gây hại cho Trung Quốc. Tuy nhiên cần thấy rõ, nước Trung Quốc bành trướng hiện nay không có quan điểm tích cực và tiến bộ trong giao thương và giao thiệp với Việt Nam. Họ chỉ muốn họ THẮNG. Họ chỉ muốn Việt Nam là phiên quốc của họ, là đàn em xung kích theo ý đồ của họ. Họ can thiệp vào việc xếp đặt bộ máy lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Họ can thiệp vào chính sách ngoại giao Việt Nam theo cách để Việt Nam không thể tự chủ, tự lập. Sự gia nhập WTO chậm trễ của Việt Nam là một thí dụ Việt Nam không nên quên. Các cuộc chiến biên giới và biển đảo cùng thực trạng biển đảo hiện nay là những thí dụ khác… Do vậy, Việt Nam cần xây dựng để tiến về hướng tự chủ bảo vệ quyền lợi trước mắt và tương la phát triển lâu dài. Đương nhiên, Việt Nam sẽ hoan nghênh và hợp tác tích cực với một nước Trung Hoa có cung cách giao thiệp văn minh và không xâm phạm quyền lợi của Việt Nam.

2) VIỆT NAM NÊN XÁC ĐỊNH CÁC MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC NÀO?

A) Mục Tiêu Tối Thượng Của Quốc Gia
Trước hết, Việt Nam cần Xác Định Rõ Mục Tiêu Tối Thượng của Quốc Gia cho giai đoạn hiện tại. Mục Tiêu Tối Thượng đó nên chứa các ý chính như sau:
Đất Nước Giàu Mạnh và Văn Minh, Đủ Sức Giữ Vững
Nền Tự Chủ và Toàn Vẹn Lãnh Thổ
B) Các Mục Tiêu Chiến Lược để đạt được Mục Tiêu Tối Thượng Của Quốc Gia
Để đạt được Mục Tiêu Tối Thượng nói trên, Việt Nam cần xác định các Mục Tiêu Chiến Lược trên các mặt sau:
Kinh Tế – Quân Sự
Các Đối Tác Trên Thế Giới Hài Lòng và Ủng Hộ
Dân Chúng Trong Nước Hài Lòng và Ủng Hộ
Trình Độ Dân Trí Được Nâng Cao
Về Kinh Tế - Quân Sự, một số Mục Tiêu Chiến Lược có thể là:
- Gia Nhập TPP
- GDP tăng trung bình 8%-10%/năm (2015-2020)
- Dự Trữ Ngoại Tệ: 150 tỉ đô la Mỹ năm 2020
- Quân Sự (các chỉ tiêu cụ thể về Quân Sự như ngân sách quốc phòng…)
Về Các Đối Tác Trên Thế Giới Hài Lòng và Ủng Hộ, một số Mục Tiêu Chiến Lược có thể là:
- Thực Thi Các Yêu Cầu Phổ Quát của Thế Giới về Nhân Quyền
- Tham Gia Liên Minh với Mỹ, Nhật, Úc...
- Giữ Giao Thiệp Tốt với Trung Quốc
Về Dân Chúng Trong Nước Hài Lòng và Ủng Hộ, một số Mục Tiêu Chiến Lược có thể là:
- Tự Do Lập Hội
- Lập Công Đoàn Độc Lập
- Đa Đảng
- Tự Do Ứng Cử, Bầu Cử chọn đảng thành lập chính quyền
- Tam Quyền Phân Lập
Về Nâng Cao Dân Trí, một số Mục Tiêu Chiến Lược có thể là:
- Đa Nguyên
- Tự Do Ngôn Luận – Báo Chí Tư Nhân
Kính thưa quí độc giả, trên đây là các ý kiến chân thành mong góp phần mình trong cuộc thảo luận sâu sắc và rộng rãi sắp tới của các chuyên gia và nhà chính trị về tương lai Việt Nam.
Tương Lai Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang bế tắc trong chọn lựa chính thể thích hợp để phát triển và giữ vững chủ quyền trước mưu đồ xâm lấn của Trung Quốc, luôn là chủ đề thôi thúc suy tư…
Trần Quí Cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét