Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS)
Tờ Wall Street Journal ngày 12/5 đưa tin, Lầu Năm Góc đang cân nhắc đưa các tàu và máy bay quân sự vào phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa để khẳng định tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc gia tăng xây dựng ở Biển Đông,
Giới chức Mỹ nói với tờ báo rằng chưa quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm nay 13/5 đã phản ứng với những ngôn từ mạnh mẽ bất thường.
“Các bạn có nghĩ chúng tôi ủng hộ một động thái như vậy? Chúng tôi đặc biệt lo ngại về các bình luận liên quan của phía Mỹ. Chúng tôi tin rằng phía Mỹ cần làm rõ về điều đó”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường ngày.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy kể từ tháng 4/2014, Trung Quốc đã tiến hành công tác cải tạo tại 7 địa điểm thuộc Trường Sa và đang xây dựng một đường băng quy mô quân sự trên một đảo nhân đạo và có thể là một đường băng thứ 2.
Philippines muốn Mỹ trợ giúp để ngăn Trung Quốc bồi đắp
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Trong một diễn biến khác liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, ngày 12/5, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết với một tổ chức nghiên cứu chính sách của Washington rằng ông đang tìm kiếm sự trợ giúp nhiều hơn của phía Mỹ trong việc chấm dứt dự án cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc.
Theo ông Del Rosario, Trung Quốc đang cố gắng thực thi cái gọi là “đường 9 đoạn”, miêu tả tuyên bố chủ quyền này của Bắc Kinh là “phi pháp”.
Mỹ, một đồng minh hiệp ước của Philippines, đã bày tỏ mối lo ngại ngày càng gia tăng về việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trong năm qua, đặc biệt tại Trường Sa. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hồi tuần trước cho biết việc cải tạo đất của Bắc Kinh, có thể phục vụ mục đích quân sự hoặc xây dựng các đường băng, giờ đây đã lên tới 810 ha.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta phải làm điều gì đó nhanh chóng vì việc cải tạo đất quy mô lớn sẽ dẫn tới việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế”, ông Del Rosario nhấn mạnh.
Theo Ngoại trưởng Philippines, sự kiểm soát của Trung Quốc có thể dẫn tới việc quân sự hóa, đe dọa luật pháp và tự do hàng hải.
Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có lợi ích về hòa bình và sự ổn định trong các tuyến vận tải biển bận rộn của thế giới. Washington đang cung cấp hàng triệu USD viện trợ nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Philippines và đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Manila kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về đường 9 đoạn.
Nhưng ông Del Rosario cho hay Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa để tăng cường sự gắn kết tại châu Á, trong đó có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn./An Bình (Theo Fox, WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét