Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Việt Nam: Quyền nói và quyền im

                    Ông Nhất nói ông muốn dấn thân để kêu gọi những người khác 'hãy lên tiếng'

Tuần này trong khi các tướng công an Việt Nam lên báo vì muốn tước quyền im lặng của bị can thì nhân vật có thể coi là 'tướng blogger', ông Trương Duy Nhất, mãn hạn tù.

Lý do ông Nhất bị tù hai năm một phần cũng lại vì ông không chịu im lặng như rất nhiều người khác.
Trả lời phỏng vấn Hồng Nga của BBC một ngày sau khi được tự do, blogger Trương Duy Nhất nói:

"Có một điều tra viên trực tiếp lấy cung tôi, họ có làm công tác tư tưởng... Họ bảo 'Nói thật, theo cách anh viết, theo cách anh nói thì ai cũng biết cả.

"Nhưng mà nói làm gì anh, anh thấy có được gì không?'

"Tôi chỉ mặt ngay, tôi bảo: 'Ai cũng biết mà không dám nói, tôi mà là bộ trưởng công an tôi sa thải anh ngay."

Ông Nhất cũng nói các quan chức cao cấp nhất mà ông quen biết cũng đã im lặng vì quyền lợi của họ và bỏ mặc ông chịu cảnh tù đày.

Blogger vừa được tự do cho rằng nếu họ nói có thể bản án của ông sẽ không khác đi nhưng nó sẽ góp phần thúc đẩy "tự do dân chủ" và "văn minh" ở Việt Nam.

Quyền im...

Quyền quyền im lặng và quyền được nói có lẽ là hai quyền quan trọng nhất của con người nói chung.
Nhiều chính quyền muốn giới hạn quyền nói khi người dân đang tự do trong khi lại muốn tước đi quyền im lặng khi họ bị xiềng xích.

Chính tại Anh, quê hương của cả quyền im lặng và quyền tự do ngôn luận, chính phủ của Đảng Bảo thủ đang muốn bỏ Luật Nhân quyền nhưng có vẻ sẽ khó được Nghị viện ủng hộ.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại phiên khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 ở Hà Nội hồi tháng 10/2011

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại phiên khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 ở Hà Nội hồi tháng 10/2011
        Ông Trần Đại Quang nói Bộ Công an xử lý hơn một triệu bị can trong giai đoạn 2004-2015

Trong bài viết hôm 29/5, luật sư Thái Bảo Anh nói quyền im lặng quan trọng vì các bị can ở vào thế một mình phải đối phó với cả một cơ quan điều tra với "nhân lực, phương tiện, các thông tin được thu thập, kiến thức chuyên môn, thậm chí là cả khả năng sử dụng bạo lực".

Luật sư này cũng đưa ra ví dụ về chuyện "trích dẫn một câu nói không đầy đủ, tách rời hoàn toàn khỏi ngữ cảnh nói có thể khiến câu bị trích có nghĩa ngược hoàn toàn với nguyên bản" và nói thêm:

"Cách thức này đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống từ chính trị, ngoại giao, báo chí, đến mạng xã hội chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi điều tra hình sự."

"...Trong tất cả các cách để bảo vệ mình, im lặng tới khi có sự tham gia của luật sư là cách thức bảo vệ đơn giản nhất và có thể áp dụng cho mọi người, mọi tầng lớp dân trí, ở mọi nơi, với mọi cơ sở hạ tầng đang có.

"Do đó, theo quan điểm của tôi, càng ở các nước điều kiện hạ tầng và dân trí còn nhiều bất cập như Việt Nam thì quyền im lặng lại càng cần thiết vì nó là công cụ bảo vệ dễ được áp dụng nhất cho mọi người.

"Và thực tế đã chứng minh là quyền này được các quốc gia khác bắt đầu áp dụng từ thế kỷ 16 với điều kiện kinh tế và dân trí thấp hơn Việt Nam hiện nay rất nhiều."

Chúng ta biết rằng một người phạm tội thì chỉ có một, nhưng những người bị tình nghi và điều tra sẽ rất nhiều. ... [S]ố người vô tội cần được bảo vệ trong một vụ điều tra hình sự lớn hơn nhiều so với kẻ phạm tội phải bị bắt.
Luật sư Thái Bảo Anh

Ông Thái Bảo Anh cũng nói thêm về khả năng quyền im lặng có thể bảo vệ người vô tội:

"Chúng ta biết rằng một người phạm tội thì chỉ có một, nhưng những người bị tình nghi và điều tra sẽ rất nhiều. Sau khi điều tra hết những nghi can đó, chúng ta có 50% khả năng tìm ra một ai đó chịu trách nhiệm.

"Nhưng không có gì là chắc chắn rằng người chịu trách nhiệm đúng là người thực sự đã gây tội ác. Như vậy, số người vô tội cần được bảo vệ trong một vụ điều tra hình sự lớn hơn nhiều so với kẻ phạm tội phải bị bắt."

Trên thực tế Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời nói hôm 27/5 "Từ khi có Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 733.339 vụ án hình sự với trên 1,1 triệu bị can."

Báo Việt Nam cũng đã nêu những trường hợp bị buộc phải khai để đưa bản thân vào án chung thân hay tử hình như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn mà tòa án đã phải xin lỗi và vụ ông Hồ Duy Hải vốn khiến Chủ tịch Trương Tấn Sang phải vào cuộc.

Các tướng công an trong khi đó nói quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho công việc của họ.

Thượng Tướng Đặng Văn Hiếu được dẫn lời nói: "...[N]hưng quy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, làm khó khăn cho hoạt động điều tra.

"Tôi đề nghị quy định lại là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội."

...và quyền nói

Trong những vụ án như của ông Nguyễn Thanh Chấn và Hồ Duy Hải, dù họ không có quyền im lặng, quyền được nói của những người tự do đã khiến họ được xem xét một cách công bằng hơn.

Nhìn rộng ra khỏi khuôn khổ của Việt Nam, nhìn chung người ta khó đánh giá hết được tầm quan trọng của quyền im lặng trước bộ máy công quyền muốn buộc tội và quyền nói để phản đối chính bộ máy đó cho tới khi mình trở thành nạn nhân.

                              Hiến pháp Hoa Kỳ cấm Quốc hội ra luật ngăn cả tự do ngôn luận

Bằng chứng là khi ủy viên bộ chính trị đầy quyền lực một thời của Trung Quốc Bạc Hy Lại bị đưa ra xét xử, hầu như không ai dám lên tiếng đứng về phía nhân vật này cho dù khi đương chức chắc chắn ông có vô số người ủng hộ.

Ở Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác, sửa đổi đầu tiên đối với Hiến pháp của Hoa Kỳ đã quy định:

"Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình."

Trở lại với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên phản đối bản án hai năm mà chính quyền Hà Nội dành cho ông Trương Duy Nhất khi tòa kết án hồi năm 2014.

Một trong những người biểu tình [mới đây ở London] mang theo biểu ngữ có câu trích dẫn của Mahatma Gandhi đại ý nói mỗi người dân có nghĩa vụ đạo đức phải lên tiếng trước những chính sách bất công.

Họ cũng liên tục đề nghị Việt Nam hủy bỏ các điều luật hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân trong đó có điều 258 về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" mà ông Nhất bị kết tội.

Đối với ông Nhất, ông nói ông quyết định thách thức pháp luật của Việt Nam để gửi ra thông điệp "hãy lên tiếng" cho nhiều người Việt Nam khác.

Không chính phủ nào thích bị thách thức nhưng cũng không chính phủ nào chịu thay đổi nếu không bị thách thức.

Giữa tuần này tôi đi ngang qua một cuộc biểu tình của hàng trăm người tại quảng trường chính ở London nhằm phản đối các cắt giảm chi tiêu ngân sách của Đảng Bảo thủ.

Một trong những người biểu tình mang theo biểu ngữ có câu trích dẫn của Mahatma Gandhi đại ý nói mỗi người dân có nghĩa vụ đạo đức phải lên tiếng trước những chính sách bất công.

Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và chuyện bảo vệ quyền của những người biểu tình nói những gì họ muốn nói và tôn trọng quyền im lặng của họ nếu không may họ bị bắt là chuyện mà nhiều nước trông đợi Việt Nam sẽ làm.

Nguyễn Hùng

(BBC Tiếng Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét