Pages

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

VNTB - Vì sao cần ban hành luật biểu tình ngay trong năm 2015?

Thảo Vy - Nguyễn Cao

 

(VNTB) - Muốn “Bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do của người dân” thì ngay trong năm nay, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII, phải trình và thuyết phục được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự luật biểu tình. Từ ngày 01-01-2016, Luật Biểu tình phải được thực thi. 
Điều này còn là thước đo dân chủ cho kỳ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sẽ được tổ chức vào quý I-2016.
Bài viết này muốn nói đến sự kế thừa của các quy định liên quan về “quyền tự do”. Đó là “Luật về quyền tự do hội họp 1957” (còn gọi là Luật 101-SL/L.003). Tuy không điều chỉnh trực tiếp về vấn đề biểu tình, nhưng những quy định về việc xin phép trước khi tổ chức hội họp trong Luật 101-SL/L.003, là những quy định có giá trị trong việc tham khảo nhằm xây dựng luật biểu tình của Việt Nam.
Hiện tại, trong danh sách văn bản pháp quy còn hiệu lực thi hành, có tên của “Luật về quyền tự do hội họp 1957”.

Không thể nhân danh quyền lực để trì hoãn luật biểu tình
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20-5-2015. Quốc hội sẽ làm việc trong 29 ngày, trong đó có 3 ngày thứ bảy. Kỳ họp chính thức khai mạc ngày 20-5 và bế mạc ngày 24-6.
Ghi nhận ý kiến của cử tri tại những buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội khóa XIII trước kỳ họp thứ 9, trước diễn biến của nhiều cuộc tuần hành liên tục xảy ra tại Hà Nội, cần thiết có luật biểu tình, luật về hội để nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Với việc Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 của QH khóa XIII, là không thuyết phục và thiếu tôn trọng đại biểu Quốc hội.
Trước đó, 85% số đại biểu tán thành Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII năm 2014 của Quốc hội. Theo đó, luật biểu tình sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015) và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
Cơ sở cho soạn thảo dự luật biểu tình là “Luật về quyền tự do hội họp 1957” do chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 20-05-1957. Đến nay, trong hệ thống văn bản pháp quy còn hiệu lực thi hành, vẫn có tên “Luật về quyền tự do hội họp 1957”.
Lưu ý, Nghị định 257-TTg, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành ngày 14 tháng 06 năm 1957, hướng dẫn thực hiện “Luật về quyền tự do hội họp 1957”, hiện vẫn còn hiệu lực thi hành.

Tụ họp tự do và quyền tự do biểu tình
Luật 101-SL/L.003, ở điều 2 quy định một cách rất rõ ràng những trường hợp nào hội họp mà không phải xin phép trước. Những trường hợp không phải xin phép trước là “Các cuộc hội họp có tính chất gia đình, giữa thân thuộc, bè bạn; Các buổi sinh hoạt của các hội hợp pháp, tổ chức trong trụ sở của hội, các cuộc hành lễ thường lệ của các tôn giáo tổ chức trong những nơi thờ cúng; Các buổi sinh hoạt của các đoàn thể trong Mặt trận dân tộc thống nhất, và các cuộc hội họp công cộng do các đoàn thể này tổ chức”.
Từ những quy định trên có thể thấy, Luật 101-SL/L.003 đã nêu một cách tổng quát những trường hợp được phép tụ họp tự do mà không phải xin phép trước, đều là những trường hợp khó có thể gây ra sự mất ổn định về an ninh. Nếu chính quyền kiểm soát quá gắt gao mọi cuộc tụ họp, sẽ không khả thi. Bởi vì, mục tiêu của sự quản lý nhà nước nhằm thiết lập sự ổn định của xã hội nói chung.
Đối với biểu tình, không phải trường hợp nào cũng mang tính tiêu cực. Như vậy, cần xây dựng luật biểu tình thật chặt chẽ để người dân biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, chứ không nên bắt buộc phải được phép cụ thể ở mỗi cuộc biểu tình. Qua đó, công dân được tạo điều kiện thực hiện tốt một quyền hiến định, mà nhà nước lại bớt đi những sự quản lý không thực sự cần thiết. Có như vậy, luật biểu tình mới thật sự hữu ích. Luật vừa là cơ sở để nhân dân có thể tự do biểu tình, vừa là phương tiện và công cụ để nhà nước quản lý một phần của quyền tự do hội họp. Thông qua luật, nhà nước có thể xử lý những trường hợp vi phạm.

Quyền tự do biểu tình mới chỉ là “trang sức đẹp”
Luật 101-SL/L.003 vẫn còn hiệu lực thi hành, song trên thực tế, không cơ quan nào dùng luật này trong việc quản lý nhà nước.
Mở đầu các quy định về quyền tự do hội họp của công dân, Luật 101-SL/L.003 đã dành hẳn một điều để nói về trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền này của công dân. Điều 1 của Luật 101-SL/L.003, quy định: “Quyền tự do hội họp của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp”. Qua sự ghi nhận này, nhà nước khẳng định quyền tự do hội họp là một quyền cơ bản của công dân. Mọi người dân có quyền hưởng nó, chứ không phải được nhà nước ban phát.
Nhà nước thể hiện sự “tôn trọng” bằng cách thừa nhận thông qua những quy định cụ thể của pháp luật. Nếu chỉ dừng lại ở sự thừa nhận của pháp luật thì không có ý nghĩa trên thực tế. Bởi vì, cái mà người dân cần, đó chính là sự thực thi quyền này như thế nào? Việc “bảo đảm” cho quyền tự do hội họp được thực hiện cũng là một điều kiện cho quyền biểu tình được thực hiện trên thực tế.
Tuy nhiên khách quan nhìn nhận, Luật 101-SL/L.003 cũng vẫn mới dừng lại của thứ trang sức cho một chính thể. Các điều luật chỉ nêu đơn thuần sự bảo đảm, mà chưa có quy định cụ thể rằng “bảo đảm như thế nào?”. Lẽ ấy, khi công dân thực hiện quyền biểu tình của mình, nếu không có sự bảo đảm từ phía nhà nước, thì người dân cũng khó có cơ sở để phản ánh và đòi hỏi. Như vậy, trách nhiệm của nhà nước chỉ mang tính hình thức, và quyền lợi của người dân không được đảm bảo.

Biểu tình là một quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp đã thừa nhận, nhà nước có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền này. Vì thế, trong điều kiện có thể, mà nhà nước với sự hậu thuẫn của Quốc hội lại tiếp tục không làm tròn trách nhiệm của mình, thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đây cũng chính là thước đo trách nhiệm cho những nhân sự cấp cao ở kỳ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét