Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Với người hàng xóm "to nhưng không lớn", cảnh giác không bao giờ thừa!

 Cách đây tròn 1 năm, khi rất nhiều người ở Việt Nam và trên thế giới đang yên hưởng ngày nghỉ Quốc tế Lao động (1/5), Trung Quốc đã ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và hạ đặt trái phép tại đây suốt 2,5 tháng, dưới sự bảo vệ, hộ tống của một lực lượng tàu dân sự và quân sự hùng hậu, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, kiên quyết của Việt Nam và dư luận quốc tế.

                                               Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc

 Đây là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc trong quá trình hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, đồng thời là bài học đắt giá cho chúng ta về sự cảnh giác: Cảnh giác không thừa với tham vọng lãnh thổ của “người hàng xóm” “to” nhưng không “lớn”!

Hãy đọc xem, các tờ báo lớn và học giả tên tuổi trên thế giới khi đó viết gì, nói gì về sự kiện này:

Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ đã gọi đây là “bước đi khiêu khích nhất từ trước đến nay” của Bắc Kinh và cảnh báo “việc triển khai một giàn khoan khó có thể dẫn tới một cuộc chiến, nhưng nó có thể dần dần giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực”:

“Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra đụng chạm trong việc tìm kiếm năng lượng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, nước cờ mới nhất của Trung Quốc tạo ra một vấn đề lớn bắt nguồn từ nhiều lý do.

Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động khảo sát năng lượng trong khu vực tranh chấp và ngăn cản các nước khác, trong đó có Việt Nam, thực hiện các cuộc điều tra riêng của họ ở các vùng biển, nhưng dường như đây là lần đầu tiên một công ty dầu khí Trung Quốc tiến hành khoan thực sự ở vùng nước mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền. Đây là một điều đáng báo động khi Trung Quốc và Việt Nam đã có một lịch sử xung đột vũ trang, bao gồm cả cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu 1979 và một loạt các cuộc đụng độ quân sự liên quan tranh chấp các đảo tại Biển Đông. Vấn đề khai thác dầu khí có khả năng châm ngòi cho các cuộc đối đầu mới.

Động thái này của Trung Quốc cũng tượng trưng cho một cái tát vào mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama - người vừa trở về sau chuyến thăm châu Á nhằm trấn an các đồng minh đang lo lắng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines rằng Mỹ sẽ ngăn chặn các hành động bắt nạt trên biển của Trung Quốc. Sáu ngày sau đó, Trung Quốc đã thực hiện bước đi khiêu khích nhất từ trước đến nay”.

Ngay cả tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong) cũng đăng bài bình luận nhan đề "Sự ngạo mạn nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông”.

Trong bài viết, tác giả Philip Bowring cho rằng:  “Hành động hiện nay của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông là sự gây hấn, ngạo mạn, đồng thời có vẻ theo chủ nghĩa sôvanh và chủ nghĩa vị chủng.

Chẳng những không phải là một sự thể hiện niềm tự hào dân tộc, mà nó đang đặt cho chủ nghĩa yêu nước của Trung Quốc một cái tên tồi tệ. Những người Hongkong yêu nước nên nhận ra điều đó, bởi vì nó là một thủ đoạn nguy hiểm.

Bắc Kinh không chỉ để lộ ra những chiếc răng nanh bành trướng đối với Việt Nam và Philippines, mà giờ đây, điều đó còn làm thay đổi lập trường của Indonesia, từ một nước cố gắng hành động như trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ở Biển Đông, trở thành đối thủ của Trung Quốc”.

Tàu Trung Quốc bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

Trong khi đó, các học giả nổi tiếng về khu vực và Biển Đông như Giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia, hay Ian Storey - Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore)… khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng một hạm đội tàu chiến và tàu vũ trang vào Biển Đông là hoàn toàn vô lý, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Các học giả cũng cảnh báo Bắc Kinh đang muốn tạo tiền lệ ở Biển Đông và có thể, sau hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam - sẽ kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Philippines.

Có thể cả thế giới đã bất ngờ, bất bình về hành vi ngang ngược của Trung Quốc, nhưng phải thừa nhận rằng Bắc Kinh đã có mưu đồ và chuẩn bị từ trước, thậm chí từ rất lâu cho những bước leo thang, không từ thủ đoạn nào nhằm củng cố yêu sách chủ quyền với Biển Đông, cho dù chúng có bị cả thế giới coi là phi lý, phi pháp đi chăng nữa. Việc Trung Quốc lợi dụng tình hình, dùng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa (năm 1974) và một loạt bãi đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma... ở quần đảo Trường Sa (từ năm 1988) đều là những nỗi đau thấm thía với Việt Nam.

Đối với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Bắc Kinh cũng đã có những toan tính. Năm 2012, khi Trung Quốc ra mắt giàn khoan “khủng” trị giá 1 tỷ USD này, Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm đã tuyên bố “Giàn khoan nước sâu là lãnh thổ quốc gia di động và là vũ khí chiến lược giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi Trung Quốc”. Và bằng việc đưa các giàn khoan dầu khí nước sâu và các tàu khảo sát đại dương ra các khu vực biển không phải của mình, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc xâm lấn không tiếng súng trên biển.

Ngay cả việc lựa chọn thời điểm kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam chắc chắn cũng được Bắc Kinh cân nhắc.

Tháng 4-5/2014 đã có khá nhiều sự kiện trong nước và quốc tế tạo thuận lợi cho Trung Quốc đi đến quyết định trên.

Trước hết đó là Hội nghị an ninh quốc gia thông qua khái niệm an ninh quốc gia mang đặc sắc Trung Quốc. Đồng thời, tháng 5 cũng là thời điểm bắt đầu lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm mà Trung Quốc ban hành phi pháp từ năm 1998 ở Biển Đông.

Tiếp đến, nói như Foreign Policy thì đúng là Bắc Kinh muốn “tát” vào mặt ông Obama và làm cho khu vực “tỉnh ngộ” trước những cam kết “xoay trục” chiến lược, bảo vệ đồng minh của người đứng đầu nước Mỹ trong chuyến công du châu Á vào hạ tuần tháng 4/2014.

Trong khi đó, cả thế giới đang bị “hút” vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine: Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bị phân tán, Nga bị cô lập và cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc cả ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lẫn trên bàn hợp tác kinh tế.

Thời điểm này cũng là lúc ASEAN có quá nhiều bận rộn và dễ thiếu đề phòng: Malaysia vẫn đang đau đầu với vụ máy bay MH370 bị mất tích, Indonesia đang rộn ràng tranh cử, Thái Lan khủng hoảng chính trị, Việt Nam đang có Hội nghị Trung ương IX và tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ…

Ngoài ra, việc Bắc Kinh chọn năm Giáp Ngọ 2014 để thực hiện hành vi ngang ngược này không trừ một lý do xuất phát từ quan niệm truyền thống của người Trung Hoa - những bậc thầy về phong thủy: làm gì có Ngựa cũng nhanh hơn, dễ thành công hơn, hiệu quả hơn, như câu người ta hay chúc nhau là “mã đáo thành công”.

Và điều đáng nói nữa là từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, thế giới lại tiếp tục chứng kiến những hành động leo thang khác, với tính chất nguy hiểm gia tăng, chưa có tiền lệ của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là việc xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa với tốc độ nhanh chóng  và quy mô lớn đến nỗi khiến Mỹ cũng phải “sốc”.

Bắc Kinh còn không cả giấu giếm ý đồ tiến tới xây các đảo di động trên vùng biển này. Chúng sẽ có kích cỡ 400.000 đến 1,5 triệu tấn, và có thể di chuyển với vận tốc 16 km/h. Với chiều dài 300, 600, 900 thậm chí 2000 m và rộng 120 m, các đảo này có khả năng chở nhiều tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một phi đội máy bay tiêm kích, tấn công.

Không nghi ngờ trong tương lai, Trung Quốc sẽ còn tung ra những vũ khí mới bên cạnh những giàn khoan, đảo nhân tạo, đảo di động… trong nỗ lực áp đặt chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” - tham vọng bất biến của Bắc Kinh.

Linh Phương (tổng hợp)

(Petrotimes)

1 nhận xét:

  1. KHÔNG HỢP TÁC VỚI MỸ ,CÁC NƯỚC CHÂU ÂU VÀ NHẤT LÀ ĐỔI MỚI NHANH VỀ CHÍNH TRỊ MẤT NƯỚC DỄ NHƯ CHƠI. NƯỚC MẤT NHÀ TAN ĐCSVN SẼ BỊ THẰNG TÀU TẬP VIỆN LÝ DO CHỐNG THAM NHŨNG NÓ GIẾT SẠCH DÙ CÓ TRỐN RA NGOẠI QUỐC NHÉ .ĂN NĂN CŨNG QÚA MUỘN NHÉ LŨ CSVN NGU NGỐC KIA.

    Trả lờiXóa