Pages

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Biển Đông: Thời Trung Quốc cai trị bắt đầu?

Cái hay của việc nhìn lại là nay đã rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào vùng tranh chấp trên biển Đông vào giữa năm 2014 chỉ là trò đánh lạc hướng. Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao sau đó giữa Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Kinh đã đi nước cờ chính, bồi đắp cát lên ít nhất sáu rạn san hô do nước này kiểm soát ở quần đảo Trường Sa để tạo ra các hòn đảo mới.

econ_china26__01__970-630x420Giàn khoan dầu đã rời đi sau hai tháng, nhưng hàng chục tàu hút bùn, máy ủi, và các tàu phục vụ xây dựng của Trung Quốc đã ở lại để biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo và cho Trung Quốc chắc chân án ngữ tuyến đường biển chiến lược mà các nước như Brunei, Philippines, Việt Nam, và Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền.

Như hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, quá trình lấn biển của Trung Quốc là bất thường về tốc độ, quy mô, và cường độ. Những hòn đảo mới, mỗi đảo rộng trung bình 2 kilômét vuông, đang được phủ kín bởi các sân bay, bến cảng, và căn cứ quân sự, làm dấy lên những lo ngại về sự quân sự hóa trong khu vực.

Vậy thì liệu việc Biển Đông biến thành “cái hồ của Trung Quốc” có phải là không thể tránh khỏi?

Cán cân dường như đang nghiêng về phía Trung Quốc về mọi mặt. Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có thừa thời gian và đang áp dụng chiêu thức kiên nhẫn nhưng cứng rắn để thống trị các vùng biển và đảo.

Trong khi tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên các đảo, kể cả Trung Quốc, đều không thích một cuộc đụng độ quân sự, các hành động của Bắc Kinh lại không hề thân thiện.

Chiến thuật của Trung Quốc là dùng “bạo lực lạnh” – sử dụng vũ lực phi quân sự – để khuất phục đối thủ nhỏ hơn. Các tàu hải giám của Trung Quốc đã được lệnh đâm và bắn vòi rồng áp suất cao để đuổi tàu thuyền nước ngoài.

Những hành vi bạo lực phi quân sự này cho thấy các lý do đằng sau những nỗ lực nhất quán của Trung Quốc trong việc xây dựng một hạm đội đáng gờm gồm các tàu thực thi pháp luật thân trắng và tàu cá, song song với việc hiện đại hóa hải quân của mình.

Dù lực lượng hải quân Trung Quốc hầu như chưa sử dụng vũ lực quanh các rạn san hô, họ luôn ở đằng sau đóng vai trò răn đe và sẵn sàng can thiệp nếu các tàu Trung Quốc bị bắn. Sự kết hợp của “bạo lực lạnh” và “răn đe quân sự” giúp Trung Quốc khẳng định uy thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh của mình ở biển Đông.

Bản Tango khó chịu

Trung Quốc đang cạnh tranh vị thế cường quốc với Hoa Kỳ và đang nỗ lực tạo ra vùng ảnh hưởng của riêng mình. Quyết tâm bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông, bất chấp cái giá phải trả về chính trị và ngoại giao, cho thấy khu vực này là một vũ đài then chốt trong chiến lược của Bắc Kinh. Về tổng thể thì biển Đông không phải là điểm mạnh nhất trong hệ thống an ninh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nó quan trọng về chiến lược vì đây là đường nối chính giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương.

Các động thái của Trung Quốc đã khuấy động phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và gần đây cả hai bên đã có lời qua tiếng lại.

Tuy nhiên, việc Lầu Năm Góc điều các tàu chiến Mỹ và một máy bay do thám mang theo các phóng viên CNN đến khu vực có thể được hiểu là một sự thể hiện yếu đuối của chính sách ngoại giao pháo hạm (gunboat diplomacy) mà không giúp ngăn chặn việc Trung Quốc xây dựng đảo.

Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc để truyền đạt những quan ngại về việc xây đảo và thúc giục họ kiềm chế. Mặc dù tỏ ra lịch sự nhưng phía Trung Quốc vẫn không suy chuyển.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trả lời rằng Mỹ và Trung Quốc có thể chia sẻ quyền lực ở Thái Bình Dương, trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị đã lặp đi lặp lại khi ngồi cạnh ông Kerry trong một cuộc họp báo rằng sự quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình là “vững như bàn thạch.”

Mục tiêu cuối cùng của điệu Tango khó chịu giữa hai siêu cường này là gì? Về lâu dài, Hoa Kỳ đang điều động 60% lực lượng hải quân đến Thái Bình Dương như một phần trong chính sách “xoay trục” của Tổng thống Barack Obama sang khu vực này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào Mỹ có thể giúp các nước nhỏ hơn đối phó với “bạo lực lạnh” của Trung Quốc mà không làm tình hình leo thang. Việc Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đã làm suy yếu nền tảng đạo đức của họ khi lên án Trung Quốc và thực thi sức mạnh của luật pháp quốc tế.

Những phản ứng theo kiểu ứng phó và tập trung vào quân sự này khiến người ta nghĩ rằng Washington không có một cam kết lâu dài và chắc chắn hay một chiến lược đáp trả hiệu quả để đối phó với những cơn “sóng cồn” liên tục của Trung Quốc trong khu vực biển Đông.

Khả năng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Những gì ASEAN đã làm, nếu có, để miễn cưỡng đáp lại Trung Quốc chỉ là giơ cao đánh khẽ. Những tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Kuala Lumpur bày tỏ lo ngại về việc xây đảo thậm chí còn không nói rõ Trung Quốc là bên chịu trách nhiệm. Công bằng mà nói, các nước thành viên ASEAN không có tuyên bố chủ quyền đã miễn cưỡng chỉ trích Bắc Kinh hoặc chia rẽ là vì họ có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Tuy nhiên, rất không may là sự mất đoàn kết trong ASEAN rõ ràng là trở ngại chính trong việc xây dựng một lập trường chung chống lại các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Rõ ràng là Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới ở Biển Đông. Các căn cứ mới xây ở quần đảo Trường Sa, cùng với sân bay, các trạm ra đa, các trạm tiếp nhiên liệu, và các trung tâm hậu cần, sẽ cho Trung Quốc khả năng tiến hành tuần tra đường dài, liên tục và thường xuyên để áp đặt các luật lệ riêng của mình, chẳng hạn như lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, thanh tra các tàu nước ngoài vì lý do an ninh và có thể là cả một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Nếu xu hướng này tiếp tục, Mỹ sẽ có nguy cơ đánh mất uy tín của mình như một người bảo hộ an ninh trong khu vực. Các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền tự mình không thể đọ lại sức mạnh hải quân của Trung Quốc và va chạm hàng ngày với các lực lượng của Trung Quốc trên biển sẽ khiến họ mệt mỏi. Nếu không có gì thay đổi, biển Đông có thể là vết rạn đầu tiên trong ưu thế của Mỹ và là sự khởi đầu của nền hòa bình kiểu Trung Quốc (Pax Sinica) ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Nguồn: Do Thanh Hai, “S China Sea: The beginning of Chinese rule?,” Today (Singapore), 12/06/2015.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Đỗ Thanh Hải là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia. Các quan điểm thể hiện trong bài viết là của riêng của tác giả.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét