Pages

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Bùi Tín - Vài điều tản mạn về báo chí


Ngày 21/6 năm nay, ở trong nước ngành tuyên huấn làm om sòm về kỷ niệm chẵn 90 năm «Ngày báo chí cách mạng». Có một cuộc họp lớn bao gồm nhiều nhà báo kỳ cựu, được gọi là các nhà báo lão thành. Nhìn trên ảnh, thì ra toàn các cụ đồng nghiệp, đồng chí cũ của tôi. Họ nói những gì? Thì ra toàn là chung giọng điệu cổ lỗ, ca ngợi báo đảng CS, tâng bốc nhau, một chiều, mẹ hát con khen hay, đến phát ngấy. Thật đáng thương hại.

Năm 1985, nhân kỷ niệm chẵn 60 năm ngày 21/6, Bộ Chính trị Đảng CS hồi ấy ra quyết định «từ nay gọi Ngày 21/6 là Ngày Báo chí Việt Nam, không gọi là Ngày Báo chí Cách mạng VN nữa, để tỏ rõ ở ta chỉ có một nền báo chí do Đảng CS lãnh đạo». Vậy mà bỗng nhiên năm nay người ta lại làm rùm beng trở lại về «Ngày báo chí cách mạng VN». Đúng là cái lưỡi CS, nói xuôi, nói ngược, «nói lời lại nuốt lấy lời như chơi». Cái lưỡi báo chí CS là thế, hay thật!

Báo chí cách mạng. Nhưng cách mạng là gì? Là thay đổi tận gốc, là đổi đời.

Nhưng «Việt Nam Dân chủ Cộng hòa» mà không có tự do công dân, không có tự do bầu cử, không có báo chí tự do, tất cả chỉ là bánh vẽ, Quốc hội hơn 90% là đảng viên CS, là Đảng hội, vậy cách mạng ở cái chỗ nào?

Thật ra hiện nay, hơn 30 mạng thông tin tự do, hơn 30 bloggers trẻ khỏe, năng động, Tuần báo Việt Nam của Hội nhà báo độc lập Việt Nam…mới thật là báo chí của dân, do dân, vì dân, là báo chí cách mạng thứ thiệt, được quần chúng tín nhiệm, tin cậy, coi là của mình, dám chiếm ngôi trên báo Đảng.

Các bạn cũ của tôi ở trong nước, những người đã thoát đảng hay chưa thoát đảng, đều cho biết sáng dậy mở máy vi tính là đọc các mạng lề trái trước hết vì đó là nguồn thông tin thật nhất, mới mẻ, bổ ích nhất. Tuyệt!

Đã từ lâu báo đảng CS N ế ẩm trên thị trường, nằm mốc meo, vàng khè trên các sạp báo. Báo đảng chủ yếu là phát không cho các chi bộ, các cơ quan hành chính, các trường học, thư viện, tủ sách; công dụng xã hội thực sự là để gói đồ, gói hàng khi ra phố, đi chợ, để trải ra làm chiếu khi chè chén liên hoan. Một công dụng rất phổ biến nữa là để phục vụ vệ sinh cá nhân. Điều này ai cũng biết, không tiện nói ra, nhưng là rất thật.

Mỗi nhà báo VN cũng là một nhà báo quốc tế, một công dân của thế giới. Vậy nên biết Ngày báo chí của mình thật sự là ngày 3/5 hằng năm, được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/12/1993, mang tên «Ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3/5».

Hằng năm cứ vào dịp này, tổ chức Phóng viên không biên giới lại tổ chức hội thảo quốc tế về tự do báo chí. Theo dõi các cuộc hội thảo bổ ích ấy, rất lý thú là hội thảo năm 1998 ở London (Anh) về «Tự do báo chí là hòn đá tảng của quyền con người»; hội thảo năm 2010 tại Brisbane (Úc) về «Tự do Thông tin: Quyền được biết»; và hội thảo năm 2012 tại Tunis (Tunisia) về «Tự do báo chí giúp cho các xã hội chuyển hoá». Rất thiết thực.

Trong đúng 50 năm làm báo của tôi, điều sâu sắc nhất tôi nghiệm ra là: không có gì mang bản sắc cá nhân hơn là một bài báo. Mỗi bài báo nói lên hiểu biết tự nhiên và xã hội, lương tâm, trách nhiệm, ý chí của người viết ra nó, không trốn tránh, che dấu được. Bài báo mang chữ ký, mang tên của người tạo ra nó, không bao giờ thiếu được. Do đó mỗi người làm báo cần tạo cho mình một dấu ấn cá nhân, một phong cách, một ngòi bút riêng tư không trộn lẫn vào đâu được. Một bài báo cũng là một sản phẩm của tư duy khoa học và của sáng tạo nghệ thuật. Không thể có 2 người viết một bài báo giống y hệt nhau. Mỗi nhà báo là một công dân độc lập, tự do, đơn độc.

Không gì sai lầm tệ hại hơn là xâm phạm quyền sáng tạo cá nhân của nhà báo, tự cho mình có quyền sửa chữa, xóa bỏ, thêm bớt tùy tiện sản phẩm báo chí của người khác. Mọi nhà báo là bình đẳng. Cái sai lầm kinh khủng của báo chí CS là phân chia nhà báo tập sự, nhà báo sơ cấp, nhà báo trung cấp, nhà báo cao cấp, mỗi bài báo phải qua xét duyệt 4 đến 5 cấp. Ở báo quân đội CS anh nhà báo thiếu úy phải đưa bài cho anh nhà báo đại úy duyệt qua, rồi đến cấp trung tá duyệt và cấp đại tá duyệt cuối cùng.

Đó là cái căn bệnh sùng bái tập thể. “Tập thể bao giờ cũng sáng suốt hơn cá nhân”, nhiều khi ngăn chận, bóp chết những tài năng cá nhân. Cuối cùng các nhà báo CS phải viết theo công thức chết, bao giờ các “cuộc họp của đảng cũng thành công mỹ mãn hay rực rỡ”, bao giờ ta cũng “thắng lợi vẻ vang, vang dội, hoàn toàn”, kẻ địch cũng “thua to, thất bại nhục nhã”, bao giờ bài về kỷ niệm cũng bắt đầu là “trong không khí hân hoan phấn khởi của toàn dân và toàn quân”, bao giờ “sự lãnh đạo của Đảng cũng anh minh, tài tình và sáng tạo”.

Cái hệ thống quan liêu trong báo chí CS thật khủng khiếp, phải nói là rùng rợn. Nhà báo CS trung ương đứng trên nhà báo địa phương, thành tỉnh, quận huyện. Nhà báo CS Liên Xô, Trung Quốc được coi là cấp trên nhà báo các nước đàn em, chư hầu. Tôi đã làm việc với họ ở Moscow, Bắc Kinh, Paris và Liên Hiệp Quốc ở New York. Họ quan dạng, kiểu cách. Tổng biên tập của họ trong Ban Bí thư TƯ, có khi trong Bộ Chính trị, coi nhà báo bộ hạ, đàn em như tôm tép. Báo Đảng CS Pháp cũng theo đẳng cấp, quan dạng như thế, phân biệt các cấp bậc khách từ ghế ngồi to, nhỏ, trên dưới, phòng nghỉ, phụ cấp, xe đi, giải trí, tiếp đãi, xưng hô, còn quá thời phong kiến.

Không gì khổ, nhục bằng là nhà báo tập thể CS, phải để cho các cấp xét duyệt, cắt xén, bắt bẻ tác phẩm con đẻ mang nặng đẻ đau của mình.Không gì sướng bằng là nhà báo tự do thời thông tin mạng, tha hồ học hỏi, tra cứu, tham khảo mọi nguồn. Bài viết xong, đưa lên mạng, có ngay hàng chục, có khi hàng trăm phản hồi, nhận xét, góp ý, tâm đầu ý hợp, cứ như được trò chuyện một lúc với trăm, ngàn bạn đọc ở khắp nơi. Sướng, khoái thật!

Tôi cảm thấy hạnh phúc được là nhà báo tự do hơn 25 năm nay. Tôi trẻ ra, khỏe ra nhờ cái số, vận may là nhà báo tự do. Các bạn thân nhất của tôi là các bạn nhà báo Việt Nam cũ và mới, rất đông đảo; là các nhà báo Pháp, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Nga…Nếu như được sống lại đời sau tôi cũng sẽ chọn cái nghề làm báo tự do. Và cũng sẽ không bao giờ là nhà báo tập thể của CS, tôi ớn sợ đến tột đỉnh rồi.

Nhân ngày 21/6, xin gửi các nhà báo trẻ tự do của Việt Nam vài cảm nghĩ tản mạn thân thiết.

Bùi Tín

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét