Pages

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

NGUYỄN VĨNH LONG HỒ - PUTIN: “TỌA SƠN QUAN HỔ ĐẤU”

“TỌA SƠN QUAN HỔ ĐẤU” là gì?
Có một câu chuyện xin kể về tuyệt chiêu nầy: “Hai con hổ đang giành nhau ăn thịt một con trâu. Biện Trang, người nước Lỗ (thời Xuân Thu) là tay săn hổ chuyên nghiệp, thấy vậy muốn xuống núi nhào ra giết hổ. Bỗng có một thằng bé bảo rằng:
-Hãy đợi đấy, ông ơi! Hổ là giống tàn bạo, trâu là miếng mồi ngon. Bây giờ, cả hai con hổ đang giành ăn một con trâu, tất tranh nhau. Đấu với nhau thì có một con sẽ bị giết, còn con kia tất bị thương nặng ngất ngư. Ông đợi đến bấy giờ hãy ra tay, thì có phải chỉ đâm một đang bị thương thật dễ dàng mà rồi được cả hai con không? Như thế, thì chẳng phải là dùng công sức ít mà được lợi nhiều hơn sao?

Biện Trang cho lời nói phải, bèn làm y theo lời thằng bé chỉ bảo, quả nhiên bắt được cả hai con hổ cùng một lúc về nấu cao hổ cốt.
                                                                       oOo
Trước đây, TT Putin tuyên bố, khẳng định rằng: “Liên minh với Bắc Kinh để phá vở cục diện với Hoa Kỳ”. Nhưng, lãnh tụ thiểu số đối lập trong Quốc hội Nga đã lên tiếng cảnh báo: “Bắc Kinh liên minh với Nga là để biến nước Nga thành một “thuộc địa tài nguyên dầu mỏ” của Trung Quốc”. TT Putin tin tưởng rằng, nếu một ngày nào đó, Hoa Kỳ và đồng minh phong tỏa kinh đào Panama, chặn dầu mỏ từ Nam Mỹ. Phong tỏa eo biển Malacca, chặn dầu hỏa từ Trung Đông và Bắc Phi thì Bắc Kinh tin tưởng còn có Nga yểm trợ. Putin cho rằng, chỉ có TC là khách hàng quan trọng nhất, tiêu thụ dầu và khí đốt của Nga.
Tham vọng của Putin cho rằng, ngoài tiềm năng dầu mỏ ở biển Caspien, Siberia và vùng Viễn Đông, với tiềm năng vô tận nầy sẽ đưa nước Nga lên hàng quốc gia sản xuất dầu hỏa số 1 thế giới, qua mặt cả Saudi Arabia, Iran, Kuwait, Bahrain…còn về phía lãnh đạo Bắc Kinh cũng yên tâm với dầu hỏa và khí đốt vô tận của Nga cung cấp. Liên minh với Nga, Tập Cận Bình sẽ thực hiện tham vọng “Giấc mơ Trung Hoa”, loại Nga rồi vượt mặt Hoa Kỳ tiến thẳng lên ngôi bá chủ thế giới.
Theo A.A Khramchikin – Phó giám đốc viện Hàn Lâm Khoa Học Nga – một chuyên gia rất có uy tín của Nga, viết trên báo “Bình luận Quân sự Độc lập” với chủ đề: “Cuộc chiến tranh của Trung Quốc chống LB Nga – Chiến thắng sẽ không thuộc về chúng ta”. Xin tóm lược những điểm chính:
  • Tình trạng dân số quá tải, cộng với tăng trưởng kinh tế nhanh của TQ làm cho nước nầy phải đối mặt với các vấn đề cực kỳ phức tạp ở chỗ, TQ sẽ không còn đủ sống trong các đường biên giới hiện nay của nó.
  • TQ sẽ không thể tồn tại như hiện nay, nếu không bành trướng để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và lãnh thổ các quốc gia khác và đây mới là một vấn đề thực tế.
  • Chúng ta không nên nghĩ hướng bành trướng của TQ sẽ là Đông Nam Á. Khu vực nầy tương đối ít lãnh thổ và rất đông dân bản địa. Hướng ngược lại là nơi rất có nhiều lãnh thổ mà hoàn toàn không có đông dân cư, đó chính là Kazakhstan và phần Châu Á của Liên Bang Nga. Đây mới chính là hướng mà TQ sẽ bành trướng để mở rộng biên giới lãnh thổ. Hơn nữa, vùng Ngoại Ural, chính khu vực nầy TQ vẫn coi là lãnh thổ của mình.
  • Tất nhiên, đối với TQ thì phương án bành truớng ưu tiên một cách hòa bình bằng kinh tế & di dân. Nhưng, tuyệt đối không thể loại bỏ “kịch bản chiến tranh”.
  • Có lẽ đến bây giờ, chúng ta không hình dung một cách rõ ràng là đã từ lâu Nga mất ưu thế không những về số lượng mà cả về chất lượng đối với phương tiện kỹ thuật tác chiến. Dưới thời Liên Xô, chúng ta có cả 2 ưu thế mà trên cuộc chiến ở bán đảo Damanski giữa biên giới Trung – Xô năm 1966, TQ đã thảm bại mặc dù quân số đông hơn gấp nhiều lần.
Theo nhận định của GS Karl Gerth – Khoa lịch sử TQ hiện đại Đại học Oxford – cũng đồng ý với quan điểm của A.A Khramchilin: “Trong thập niên tới đây, ở TQ sẽ xuất hiện hơn 150 triệu di dân người tỵ nạn sinh thái Tàu. Đội ngũ di dân đói khát nầy sẽ đi về đâu? Karl Gerth khẳng định: “Vùng đất hứa đó là vùng Siberia của Nga.”
Nhà phân tích A.A Khramchilin còn vạch ra một kịch bản, Bắc Kinh sẽ tấn công chớp nhoáng xâm lược Nga với 7 bước trong thời điểm Nga có thể mất cảnh giác, đăng trên báo “Komsomolskaya Pravda” của Nga, kịch bản đưa ra: “TRUNG QUỐC CÓ THỂ XÂM LƯỢC NGA”, ông cho rằng TQ sẽ giống như Đức xâm lược Liên Xô vào ngày 22/6/1941. Dưới đây là 7  kịch bản giả tưởng PLA tràn ngập vùng Siberia. Xin tóm lược:
BƯỚC 1 – Chiến dịch bắt đầu:
  • Tấn công cắt đứt đường sắt lớn Siberia.
  • Tiêu diệt triệt để tất cả công trình quân sự ở bang Amur, khu biên cương ngoại Baikal, khu Primorsky Krai, khu biên cương Khabarovsk và Vladivostok.
  • Pháo binh và không quân TC tiêu diệt lực lượng tên lửa chiến lược Nga ở Irkutsk, Uzhur, Barnaul, Novosibirsk. Đồng thời tiến hành tấn công đường không và tên lửa đối với Petropavlovsk-Kamchatka và Vilyuchinsk và sau đó lực lượng tác chiến đổ bộ.
BƯỚC 2 – Cối xay thịt:
  • 2 giờ sau tại Moscow trong đêm khuya, sư đoàn dự bị PLA vượt qua sông Amur và sông Ussuri xâm nhập biên giới. Đồng thời, không quân TC bắt đầu tấn công các mục tiêu của lực lượng phòng không ở Kazakhstan. Đại quân khu Lan Châu vượt biên giới và Quân đoàn nhảy dù lần lượt tấn công Yakutsk, Astana và Ulan Bator.
  • Trở ngại chính của PLA là thời tiết và các khẩu đại pháo cũ kỹ tê liệt bị bỏ lại trên đường phố Moscow. Họ chỉ quan tâm tới việc “chiếm đất” và chiếm kho dự trữ vũ khí của Nga ở khu vực biên giới.
BƯỚC 3 – Gửi thông điệp tới Moscow:
  • Đại sứ TC tuyên bố trên đài truyền thanh & truyền hình TC: “Lịch sử dân tộc Trung Hoa vĩ đại bị các cường quốc, đế quốc lăng nhục 200 năm đã kết thúc. Dân tộc Trung Hoa đã khôi phục sự huy hoàng trước đây, đã xoá sổ chủ nghĩa đế quốc”.
  • Từ miền Đông tới Ural, chỉ có lực lượng thiết giáp ở bang Chelyabinsk, Sverdlov, Kemeroyo và Sakhalin và căn cứ không quân MiG-31 ở khu biên cương Krasnoyarsk là còn sức chiến đấu.
  • Nhà nước Nga không có lực lượng phòng thủ khu vực miền Đông và điều động lực lượng tăng viện. Sau mấy ngày, quân PLA có thể xâm nhập phần lãnh thổ Châu Âu của Nga.
BƯỚC 4 – NATO không muốn cứu giúp:
  • Moscow cầu cứu Brussels và Washington. NATO quay lưng.
  • Chỉ có Washington là có thể giúp Nga.
BƯỚC 5 – Nga đáp trả:
  • Một phần lực lượng của cụm chiến đấu Nga ở Buryars đưọc bảo toàn, phản công khi “cối xay thịt” của PLA thẳng tiến vào trung tâm nước Nga. Cuộc tấn công thực sự đầu tiên làm cho quân PLA bỏ chạy tán loạn.
  • Nhưng, Bắc Kinh điều dộng lực lượng chiến đấu hợp thành bởi các quân đoàn 16, 38, 39 và 54 là quân chính quy thiện chiến của PLA nhanh chóng đánh tan quân Nga và tiến thẳng tới Baikal, tấn công Irkutsk, mở con đường khai thông sang hướng Tây.
  • Hầu hết toàn bộ khu vực miền Đông đều đã bị PLA kiểm soát.
BƯỚC 6 – Vũ khí hạt nhân:
  • Vệ tinh trinh sát Nga, phát hiện ở khu vực miền trung Trung Cộng xuất hiện hơn 800 thiết bị phóng tên lửa cơ động, sau vài giờ số lượng tên lửa nầy tăng lên 1.500 quả. Bắc Kinh công khai tuyên bố kho vũ khí tên lửa hạt nhân của họ: 745 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nâng tổng số lên tới 8.500 quả. Trên thực tế, không ai kiểm chứng được số lượng tên lửa nầy.
  • Nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thì cả Trung Cộng có thể bị thương vong hàng trăm triệu người. Nhưng, Bắc Kinh đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, tỷ lệ sống sót tối thiểu của Nga cũng không có. Vì thế, Moscow đồng ý đàm phán với Bắc Kinh.
BƯỚC 7 – Hiệp ước Hoà bình:
  • Căn cứ vào “Hiệp ước Nerchinsk” năm 1689 và “Hiệp ước Kiakhta” năm 1727, tình hình cụ thể như sau: Khu biên giới Khabarovsk, Primorsky Krai, bang Amur, khu biên giới ngoài Baikal, Kurile, nước Cộng hòa Tuva và Mông Cổ trở thành một phần lãnh thổ của Trung Cộng. Các tướng lãnh Bắc Kinh hết sức vui mừng, chúc mừng thắng lợi nầy.
  • Lãnh thổ ở giữa khu vực Ural và sông Yenisei vẫn thuộc quản lý của Nga, tại đó công dân Hoa Lục được hưởng quyền lợi như công dân Nga.
Tiến sĩ Quân sự học Sivkov bình luận rằng, ở một góc độ chiến lược quân sự, biên giới Nga-Trung hiện nay tương đối thông suốt, không thể bí mật tập trung quân dự bị. Một khi bị xâm lược, quân Nga sẽ rút khỏi khu vực phòng thủ. Hơn nữa, đợt tấn công đầu tiên của TC hoàn toàn không thể bắn trúng các mục tiêu. Chiến tranh chớp nhoáng sẽ không xuất hiện. Ở góc độ chính trị quân sự, kịch bản nầy cũng không đứng vững.
Theo Tiến sỹ Sivkov, số lượng không quân TC có rất nhiều, nhưng tương đối cũ kỹ. Không quân Nga & Không quân Hoa Kỳ nếu tấn công liên hợp thì có thể chặn đứng các cuộc tấn công của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nga không thể loại trừ khả năng Bắc Kinh thực hiện kịch bản như vậy, sau khi tiến hành hiện đại hóa. Song điều nầy ít nhất cần 10-15 năm nữa, khi đó TQ và Nga sẽ do ai lãnh đạo? Tình hình cụ thể như thế nào? Hiện còn khó dự đoán chính xác.
Viện trưởng Fursov – Viện Phân tích Chiến lược Nga – cho rằng, cạnh tranh toàn cầu Trung – Mỹ trầm trọng hơn. Mỹ tuyên bố Châu Á-TBD & Đông Á là khu vực ưu tiên của họ. Trong tình hình nầy, Bắc Kinh cần “LIÊN MINH VỚI NGA”, hậu phương ổn định và tài nguyên phong phú. Hiện nay, gây chiến tranh với Hoa kỳ và các đồng minh, đối với Bắc Kinh hoàn toàn là cuộc phiêu lưu mạo hiểm.
Tờ Sputnik News số ra ngày 9/6/2015 dẫn lời của chuyên gia Alexander Larin – Trung tâm Nghiên cứu TQ thuộc viện Viễn Đông – cho rằng, Bắc Kinh chuyển sang “THẾ TẤN CÔNG” đang leo thang ở Biển Đông. Trong khi đó, Washington phản ứng chậm chạp với diễn biến sự kiện và có vẻ như Bắc Kinh không quan tâm đến ý kiến của họ”.
Theo thiển nghĩ của tôi, nếu cho rằng Bắc Kinh đổi sang thế tấn công là chuyện “không tưởng”. TT Putin và nhân dân Nga đã dần dần thấy rõ bản chất nham hiểm của “đồng chí” Tập Cận Bình qua những dòng sự kiện: Trung Cộng đang từng bước thôn tính Nga như thế nào? Xin đơn cử những trường hợp điển hình:
[1] Ngày 22/6/2015, Yuri Soloviev – Phó Tổng Giám đốc Ngân Hàng mậu dịch Đối ngoại Nga (Vneshtorgbank) – tiết lộ: “Các ngân hàng Trung Quốc ngày càng lạnh nhạt với Nga, thậm chí không muốn hợp tác với các đơn vị ngân hàng của Nga, bởi vì họ sợ gặp rắc rối với nhiều mối kinh doanh Mỹ và phương Tây,” ông nói. “Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc có giá trị hơn Nga. Họ sẽ không vì Nga mà thực hiện các vụ làm ăn lỗ vốn.”
[2] Nhà phân tích kinh tế Nga Vladislav Zhukovsky nhận xét: “Kinh tế TQ vẫn ổn nếu không có Nga, nhưng nước Nga hiện nay đang gặp khó khăn hơn nhiều nếu TQ không hổ trợ; vì vậy, Bắc Kinh sẽ lợi dụng cơ hội nầy để giành lấy các thỏa thuận hợp tác về kỹ thuật quân sự hay mua vũ khí của Nga. Bắc Kinh trục lợi nhiều lĩnh vực từ việc thắt chặt quan hệ với Nga là cơ hội kiếm tiền tuyệt vời của Bắc Kinh,” ông nói. “Cảm giác mất cân bằng và bất ổn ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các doanh nghiệp của Nga sẽ ở vào “thế yếu” khi làm ăn với các đối tác TQ, thậm chí dẫn đến việc Nga chỉ được Bắc Kinh xem là đối tác hạng 2.”
[3] Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg, tỷ phú người Nga là Oleg Deripaska đã kêu gọi: “Nga nên tránh xa TQ và nhanh chóng tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây, chỉ có như vậy nền kinh tế Nga mới trở lại thịnh vượng,” ông nói. “Tích cực hợp tác với Mỹ và Châu Âu, chứ không phải TQ.”
[4] Người Nga làm Oshin cho các “xì thẩu” Tàu: Với vỏ bọc “đồng phát triển”, chiêu này của Bắc Kinh là di dân qua nước khác để hình thành một cộng đồng người Hoa, nhằm tận thu nguồn tài nguyên của nước đó và nếu cộng đồng người Hoa này bị đàn áp, họ sẽ đưa quân qua can thiệp. Bắc Kinh cũng áp dụng chiêu nầy với láng giềng Nga. Cụ thể là ở vùng Siberia giàu tài nguyên nhưng thưa dân ở vùng Viễn Đông Nga khiến cho Điện Kremlin phải lo lắng.
[5] Báo New York Times của Mỹ số ra ngày 3/7/2015, có bài bình luận Bắc Kinh đang âm mưu chiếm Siberia, vùng đất bao la chiếm ¾ tổng diện tích nước Nga và bằng tổng diện tích của hai nước Mỹ và Ấn Độ. Hồi đầu thế kỷ XX, có một khẩu hiệu: “Một vùng đất không người cho một dân tộc không đất” để cổ động người Do Thái di cư qua Palestine. Nay, Bắc Kinh áp dụng chiêu nầy: lập quan hệ hữu hảo, đổ tiền đầu tư và đưa công nhân TQ qua Siberia, nơi đó họ kết hôn với phụ nữ địa phương, đẻ ra một thế hệ dòng con lai Trung – Nga (Bắc Kinh đang áp dụng hiệu quả chiêu nầy tại Việt Nam)
[6] Tại Siberia, nhiều xí nghiệp do người TQ làm chủ ngày càng có khả năng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh với số lượng lớn, cho thấy vùng này đã thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế của Bắc Kinh. Tầm ảnh hưởng của TC ở vùng Viễn Đông nhanh chóng tăng lên, Siberia trở thành nguồn cung cấp vật liệu thô cho “phép lạ kinh tế” của TC. Trên dãy biên giới Nga – Trung (dài nhất thế giới với 3.645 km) Nga không còn an ninh và ổn định, không đúng theo cái tên có nghĩa “đất hòa bình” của Mirnaya, không còn bóng dáng lính Nga nào sau khi LX sụp đổ. Nó gần như hoàn toàn bỏ ngõ.
[7] Để sống còn, người dân Nga vùng hẻo lánh nầy phải đem hết tài sản, đồ nội thất ra bán kiếm chút tiền mua lương thực. Rồi gỡ từng miếng sắt vụn, dân “ve chai” gom hàng bán cho các đại lý xuất khẩu kim loại nầy qua Trung Cộng. Người dân Nga cùng khổ, phải là một người kiên nhẫn mới có thể ngồi xe 5 ngày từ Moscow vượt 5.000 km để tới hồ Baikal ở Siberia, rồi đến Mirnaya, rồi còn phải đi tiếp 380 km nữa mới xuống miền đông-nam TQ, nơi mà dân làng nầy tìm đến làm “lao động chui” hoặc làm oshin cho các “bá hộ Tàu”.
[8] Tại chốt biên phòng Zabaikalsk (Nga) – Manzhouli (TQ) chỉ cách làng Mirmaya một giờ xe. Khách du lịch Nga qua TQ mua hàng với giá bèo. Người lao động Nga bị gọi là “lạc đà” vì làm cho những nhà phát hành, mỗi tháng qua TQ vài lần để cõng hàng trở về Nga nào là quần jean, đồ chơi trẻ con, giày thể thao…Nữ cựu nhân viên hải quan Mariya Sergeyeva, khi về hưu đã trở thành “lạc đà”, mỗi giờ qua lại chốt biên phòng Zabaikalsk nối thành phố Manzhouli (TQ) để “cõng hàng”.
[9] Tại 2 thành phố Blagoveshchensk (Nga) và Heihe (TQ) bên kia sông Amur có cùng chung một biểu ngữ “Hai quốc gia, một thành phố”. Nhưng thực tế thì dân Nga ở Blagoveshchensk rất căm ghét tên Tàu “đại gia” He Wenan, người xây 5 trung tâm mua sắm ở đây, làm chủ khách sạn đắt nhất và là người đầu tiên lái chiếc xe siêu sang Bentley. Họ cũng ghét nữ doanh nhân Tàu Li Lihua mua trọn ngành trang trí thành phố và một phụ nữ TQ khác sản xuất loại bia Kvass nổi tiếng làm từ lúa mạch của Nga.
NƯỚC NGA – THỜI OANH LIỆT NAY CÒN ĐÂU?
Cách đây 60 năm, Moscow còn là nguồn viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Trung Quốc. Ngày nay, phụ nữ Nga lấy chồng Tàu Hoa Lục, sinh ra một thế hệ con lai và cuộc thôn tính nước Nga bằng chiêu “HÁN HOÁ” đã và đang bắt đầu từ lâu…
Năm 1891, triết gia Nga Konstantin Leontyev đã cảnh báo về tương lai Đế quốc Nga: “Cái chết của Đế quốc Nga sẽ đến từ hai phiá: Một là từ phía Đông bởi lưỡi kiếm của Trung Hoa. Hai là thông qua sự thôn tính, sáp nhập một khối quốc gia láng giềng lân bang”. Nước Nga có một diện tích lớn nhất thế giới, nhưng quá ít dân. Trước đây, Đế quốc LX còn là trung tâm quyền lực của thế giới. Nhưng, ngày nay nước Nga đã trở nên quá yếu bên cạnh anh láng giềng khổng lồ tham lam đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Vì thế, Sergey Karaganov – Cố vấn chính sách đối ngoại của Nga – ủng hộ một liên minh với EU. Ông nói: “Nếu Nga không hòa mình vào Châu Âu, chắc chắn sẽ trở thành kho nguyên liệu thô cho Trung Quốc”.
Bắc Kinh tỏ ra khôn khéo, triệt để khai thác sự mâu thuẫn giữa Nga với Hoa Kỳ và phương Tây, đầu tư hàng tỷ USD vào vùng biên giới phía Bắc. Khi người Nga đến Manzhouli cảm thấy như về nhà: có nhà thờ chính thống giáo Nga, một búp bê Matryoshka khổng lồ, vô số tượng các nhà thơ Alexander Puskin, văn hào Fyodor Dostoyevsky.
Khi biên giới mở đầu vào những năm 1990, chỉ có chưa tới 10.000 người sống ở vùng cửa khẩu Zabaikalsk – Manzhouli. Nay, Zabaikalsk chỉ vẫn là cái làng nhỏ với nhiều nhà gỗ, dù cơn bùng nổ kinh tế làm tăng số dân lên 11.000 người, toà nhà cao nhất chỉ là 5 tầng. Ngược lại, bên Manzhouli là 300.000 người, toà nhà cao nhất là 30 tầng, ban đêm tỏa ánh đèn màu rực rỡ chẳng khác gì Thượng Hải. Ở đấy, các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xếp chồng chất lên nhau trên khoảng đất dài 7 km, TC nhập cảng 2/3 gỗ từ vùng Siberia của Nga và mỗi năm có 700.000 lượt tàu xe chở gỗ Nga vượt qua biên giới qua Tàu.
Báo Niezawisimaja Gazieta ở Moscow viết: “TQ đầu tư vào vùng Viễn Đông Nga còn hơn chính phủ ta và sự bành trướng theo vết dầu loang của TQ đã gieo nỗi lo ngại ở Điện Kremlin, làm sống lại nỗi sợ hai kẻ thù cũ Nga – Trung sẽ lại đánh nhau, như đã từng đánh nhau hồi những năm 1960”.
Tờ New York Times bình luận: “Trên thực tế, Bắc Kinh có thể dùng chính chiến thuật của Nga ở Ukraina, đó là cấp hộ chiếu cho người dân thân TQ tại các vùng đang có tranh chấp với Nga, rồi sau đó đem quân sang bảo vệ “công dân của mình”. Và nếu Bắc Kinh chọn cách đánh chiếm Siberia bằng vũ lực thì những người lãnh đạo Điện Kremlin chỉ còn có một cách để ngăn chận đứng cuộc xâm lược của QĐNDTQ vào lãnh thổ nước Nga bằng vũ khí hạt nhân”.
Nhà Trung Hoa học người Nga, ông Alegsandr Aladin, gần đây trả lời mạng News (Mông Cổ) đặt câu hỏi: “Người TQ muốn gây chiến tranh chăng?”. Nội dung chính như sau: “Nhiều tuyến đường bộ đang được thi công từ lãnh thổ TQ hướng về biên giới Nga, được đổ bằng bê tông, có khả năng vận chuyển các thiết bị quân sự nặng. Khi các tuyến đường này được đưa vào sử dụng, ngoài việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị, vũ khí đến dọc biên giới Nga. TQ sẽ không có trở ngại nào khi thực hiện tập kích tấn công chiến lược”.
Năm 2004, TT Putin và Hồ Cẩm Đào ký Hiệp Ước bổ sung về biên giới của 2 nước; theo đó, Nga trao trả cho Bắc Kinh 337 km2. Vùng đất này đang đe dọa đến an ninh chiến lược của thành phố Khabarovsk và vùng Viễn Đông của Nga. Khi thành phố nầy bị PLA chiếm thì con đường trên sông Amur cũng bị chiếm, các tuyến đường bộ, đường sắt khác trên con sông nầy cũng bị chiếm giữ. Như vậy, khu vực Viễn Đông sẽ hoàn toàn bị chia cắt. Trên thực tế, Nga không có năng để giúp đở khu vực nầy. Phần lớn trang thiết bị, vũ khí ở khu vực Viễn Đông rất lạc hậu, lực lượng lại mỏng; vì vậy, lá chắn bảo vệ vùng Đông Siberia và khu vực Viễn Đông hầu như bị bỏ rơi.
Quân đội TQ có 2,250 triệu quân dưới cờ, nhưng khi chiến tranh xâm lược xảy ra, con số nầy sẽ là 208 triệu người. Quân đội TQ nếu bắt đầu tấn công theo đường bộ và đổ bộ bằng đường hàng không thì họ sẽ nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn tại khu vực nầy và dùng nó làm bàn đạp tấn công vùng Ural và tiến sâu vào lãnh thổ Nga.
THỦ ĐOẠN MƯỚN ĐẤT CANH TÁC:
Theo báo Kommersant, tại Diễn đàn Kinh tế tại Saint Petersburg mới đây, chính quyền vùng Zabaikalye đã ký biên bản về việc cho công ty TQ đứng ra thuê đất là Hua Xingbang, một công ty không hề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công ty hứa hẹn đầu tư 24 tỷ rúp (440 triệu USD) vào các vùng đất được thuê ở Zabaikalye. Bước đầu dự định thuê 115.000 ha, sau đó sẽ thuê tiếp khoảng 200.000 ha nữa trong vòng 49 năm để trồng trọt và chăn nuôi gia súc.
Đảng Dân chủ Tự Do (LDPR) đã đề nghị viện DUMA (Hạ viện) yêu cầu Thủ tướng Dmitry Medvedev đình chỉ mọi tiến trình pháp lý của thỏa thuận này, do lo ngại đối với an ninh quốc gia Nga cũng như hậu quả về địa chính trị.
Ông Igor Lebedev – phát ngôn viên của LDPR – quan ngại: “Nó có thể dẫn đến tình trạng nhiều người TQ sinh sống tại Zabaikalye hơn người Nga và họ có thể được bầu vào chính quyền địa phương, rồi trong vòng 20 – 30 năm tới họ tuyên bố Zabaikalye là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”. Bắc Kinh luôn nghĩ đến kế hoạch di dân sang Nga và định cư vĩnh viễn tại vùng đất nầy. Người TQ đã bắt đầu chui sâu vào ban lãnh đạo địa phương của Nga. Họ đã bắt đầu cung cấp tài chánh cho các hoạt động bầu cử Thống đốc địa phương và các cuộc vận động tranh cử khác. Họ mua đại diện của chính quyền và các quan chức nhà nước Nga. Tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế địa phương đã bị người TQ mua chuộc.
Chiêu nầy, Bắc Kinh đã áp dụng một cách hiệu quả tại Việt Nam và các quốc gia tại Phi Châu. Vì vậy, những người ở điện Kremlin rất lo ngại là phải, vì phần diện tích lãnh thổ bao la của Nga ở Châu Á chiếm 72%; còn phần Châu Âu chỉ chiếm 28%. Nhưng, 75% người Nga sống ở  Châu Âu; còn phần Châu Á chỉ chiếm 25% dân số.
BẮC KINH ĐÃ LOẠI NGA RA KHỎI SÂN CHƠI TRUNG Á?:
Tuần báo Argoumenty Fakty của Nga, nêu quan điểm tới việc Bắc Kinh “Người láng giềng háu ăn một cách đáng sợ tại khu vực Trung Á”. Từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, các nước thành viên cũ đã lần lượt trao Bắc Kinh một phần đất đai lãnh thổ của họ: (1) Tadjikistan: 1.358 km2. (2) Kyrgystan: 1.160 km2. (3) Kazakhstan: 407 km2. Bài báo đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh sẽ nuốt chững  hết các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ?
Vị trí Trung Á nằm giữa ngã ba Châu Á – Châu Âu – Trung Đông, gồm có 5 quốc gia: Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan là một phần của con đường tơ lụa nổi tiếng thời xưa. Trung Á có liên quan tới vấn đề an ninh của Bắc Kinh. Thật vậy, TC có 3.000 km giáp biên với Kazakhstan, Kyrgystan và Tajikistan là sào huyệt của chủ nghĩa khủng bố. Sự bất ổn tại Trung Á sẽ đe dọa an ninh quốc phòng cũng như nguồn năng lượng của Bắc Kinh vì Trung Á là cái “rốn dầu” của thế giới:
  • Kazakhstan: 39,8 tỷ thùng – khí đốt 2.407 tỷ thước khối.
  • Turkmenistan & Uzbekistan: 6 tỷ thùng.
  • Turkmenistan: 7.504 tỷ thước khối khí đốt (chiếm 1/3 trữ lượng thế giới)
Hàng hoá độc hại giá bèo của TC tràn ngập tại vùng Trung Á. Các ống dẫn dầu đi qua Trung Á vận chuyển dầu hỏa và khí đốt từ Nga và các nước kể trên về Hoa Lục.
Đối với Nga có quan hệ đặc biệt với các quốc gia Trung Á từ thời Liên Bang Xô Viết, cũng đang tìm mọi biện pháp tái xác lập vị thế của Nga. Trung Á luôn được coi là “sân sau” của Nga, điện Kremlin quyết tâm ngăn chận không cho bất cứ một quốc gia nào giành được vị trí chiến lược của Nga tại vùng nầy.
KẾT LUẬN:
Gần đây, Tập Cận Bình hung hăng, ngang ngược, cao ngạo quá mức. Bắc Kinh sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để hợp thức hóa về chủ quyền lãnh thổ, đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo và cải tạo trái phép các đảo đá mà Bắc Kinh cưỡng chiếm phi pháp ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Bắc Kinh công khai thách thức với cả thế giới vì Bắc Kinh nghĩ rằng, “liên minh Trung – Nga” nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương trên 2 lĩnh vực quân sự & năng lượng trong bối cảnh cả hai đều phải bị áp lực của Hoa Kỳ và phương Tây.
Giới phân tích cho rằng, cả Bắc Kinh & Moscow đều nhận ra những lợi thế chiến lược của việc thiết lập liên minh Trung – Nga trong thời điểm Biển Đông dậy sóng nầy. Cả hai nước muốn cùng nhau làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, từ đó mở ra chiến lược bành trướng rộng lớn hơn tại Ukraina và Biển Đông.
Bắc Kinh thì cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh trong khu vực Châu Á-TBD kiềm chế, đặc biệt sau chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ ngày 26/4/2015 trong chuyến thăm một tuần nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ – Nhật Bản.
Ông Meredith Miller – Cơ quan Nghiên cứu vấn đề Châu Á – cho biết: “Tôi nghĩ, một trong những điều Mỹ muốn làm hiện nay, đó là gởi đi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ với Bắc Kinh mà còn các nước khác trong khu vực, cũng như người dân Nhật Bản về giá trị của đồng minh. Đây là bước đi thật sự để biến những lời nói thành hành động rằng, Mỹ và Nhật Bản đều có chung những cam kết về thách thức an ninh”. Theo đó, khẳng định “chiến lược tái cân bằng” Châu Á-TBD, một dấu hiệu cho thấy Ngũ Giác Đài đang nổ lực gia tăng sự quan tâm đến khu vực nầy. Trong năm 2014, các nhà lãnh đạo Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố của TT Obama khi tái khẳng định cam kết của Mỹ theo Hiệp ước an ninh 1951 giữa Hoa Kỳ & Nhật Bản.
Còn Nga lo ngại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng về phía Đông, đặc biệt là xu hướng khuếch trương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), uy hiếp đến vùng ảnh hưởng của Nga. Đây cũng là lý do khiến Nga có phản ứng mạnh mẽ trong vấn đề Ukraina, bởi quốc gia thành viên cũ của LX này là nước diện tích lớn nhất nằm giữa Nga & EU.
Với việc TT Putin và Tập Cận Bình cùng xuất hiện trong lễ khai mạc tập trận chung, Moscow đã gửi đi tín hiệu rõ ràng là sẽ nghiêng hẳn về phiá Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng tại Biển Đông.
Đùng một cái, chiều ngày 19/6/2015, trong bài phát biểu tại “DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ” tại Saint Petersburg 19 (SPIEF 2015), TT Putin bất ngờ tuyên bố: “Nga không theo đuổi địa vị bá chủ hay siêu cường thế giới mà chỉ mong xây dựng quan hệ bình đẳng với Mỹ cùng các quốc gia Âu – Á…” ông Putin khẳng định. “Nga từng nhiều lần đề nghị hợp tác, song vẫn bị dồn ép giới hạn không thể nhượng bộ.” Ngoài ra TT Putin đặc biệt nhấn mạnh: “Trong bối cảnh NATO liên tục bành trướng, Nga và Trung Quốc sẽ không trở thành bất kỳ quan hệ “ĐỒNG MINH QUÂN SỰ” nào.”
Học giả Tăng Kim Nhuận (TC) đánh giá: “…sự tái khẳng định“không liên minh với Trung Quốc” tưởng như đơn giản, nhưng trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông đang leo thang, điều nầy có thể khiến Mỹ và đồng minh càng yên tâm gia tăng quyết tâm cũng như áp lực để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.”
Một câu hỏi được đặt ra: “Trong bối cảnh, hiện nay Nga không liên minh với TQ. Nhưng, tại sao điện Kremlin chấp nhận bán 24 chiếc chiến đấu cơ Su-35 để giúp Bắc Kinh thống trị Biển Đông để làm gì vậy?”
Theo Zachary Keck – biên tập viên The National Interrest – số ra ngày 19/6/2015, Nga đã bộc lộ ý định bán cho TQ chiến đấu cơ tiên tiến nhất của mình vào cuối năm nay, hành động nầy rất có khả năng sẽ giúp cho Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự bành trướng trên Biển Đông. Tại cuộc triển lãm Không quân Paris, ông Yuri Slyusar – Chủ tịch United Aircraft Corp – cho biết, công ty của ông đang hướng tới thỏa thuận bán cho Bắc Kinh 24 chiếc Su-35”.
Theo thiển nghĩ của tôi, những người lãnh đạo ở điện Kremlin dần dần nhận ra dã tâm và tham vọng của Tập Cận Bình muốn thôn tính vùng Viễn Đông và Siberia của Nga. Động thái mới nhất là công ty Hua Xinbang của TC đứng ra thuê 300.000 hecta đất nông nghiệp vùng Zabaikalye (Siberia) trong thời hạn 49 năm làm cho Nga phản ứng quyết liệt trước tham vọng chính trị và ý đồ bành trướng lãnh thổ nguy hiểm của Bắc Kinh. Việc Nga thỏa thuận bán cho Bắc Kinh 24 chiếc Su-35 nhằm mục đích cổ vũ cho Bắc Kinh có đủ khả năng quân sự để gây chiến tranh với Hải quân Mỹ và đồng minh ở Biển Đông. Putin sẽ “toạ sơn quan hổ đấu”,dùng chiêu “tá đao sát nhân” mượn tay Mỹ và đồng minh tiêu diệt Trung Cộng dùm Nga, một mầm mống đại họa cho nước Nga trong tương lai.
Thế nhưng, tại sao Bắc Kinh không mua được máy bay ném bom siêu âm Tu-160 “White Swan” của Nga, để có thể thực hiện chương trình “hiện đại hoá” lực lượng không quân của TC? Tu-160 là một trong những loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới hiện nay. Nó có thể mang theo 40 tấn bom và tên lửa hành trình được trang bị đầu đạn hạt nhân với tầm hoạt động 12.300 km. Nếu Bắc Kinh sở hữu được những chiếc Tu-160, TC có thể thực hiện dễ dàng cuộc tấn công hạt nhân, đánh phủ đầu vào lãnh thổ Hoa Kỳ bất cứ lúc nào.
Một lý do dễ hiểu, là vì Putin sợ Tập Cận Bình lật lọng, tráo trở dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để đối phó với Nga thì sao?…
               NGUYỄN VĨNH LONG HỒ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét