Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

TRÚC GIANG MN - ÂM MƯU CHIA ĐÔI THIÊN HẠ CỦA TẬP CẬN BÌNH


1* Mở bài
Sau một thời gian “ẩn mình chờ thời” để thực hiện bốn hiện đại: nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghiệp, đảng Cộng Sản Trung Hoa đã tuyên bố “Trỗi dậy hòa bình”, và hiện tại Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố: “Trung Quốc phải thiết lập chính sách ngoại giao nước lớn mang tính đặc thù Trung Hoa”.
Tập Cận Bình đã kích động chủ nghĩa dân tộc để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa mà mục đích sau cùng là biến Trung Quốc thành siêu cường số một trên thế giới.

Ý đồ làm bá chủ hoàn cầu được thực hiện hai bước, trước hết làm bá chủ khu vực châu Á, sau đó ngoi lên nhấn chìm Mỹ để giữ địa vị số một thế giới.
Truyền thông cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ viếng Mỹ vào tháng 9 năm nay (2015).
Tập Cận Bình sẽ nói gì với Tổng Thống Obama?
Nói gì thì chưa biết, nhưng căn cứ vào những tuyên bố và những hành động phô trương rầm rộ về sức mạnh quân sự, cho thấy Tập Cận Bình muốn đàm phán với Tổng Thống Obama trên thế mạnh.
Mục đích quan trọng nhất của Trung Quốc hiện nay là muốn Hoa Kỳ công nhận
vai trò lãnh đạo khu vực Châu Á, tức là “chia đôi thiên hạ” với Mỹ.
Các quan chức TQ đã bắn tiếng, sự kiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông là công việc riêng của TQ và yêu cầu Hoa Kỳ đừng xen vào công việc nội bộ của họ.
Ngoại Trưởng Vương Nghị tuyên bố: “Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung hơn là khác biệt. Cần hành động trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung , xếp lại dị biệt”. Dị biệt là tranh chấp ở Biển Đông, nên xếp lại.
Ngày 11-6-2015, Thượng tướng Thường Vạn Toàn đã đến Mỹ làm việc với Bộ Trưởng Ashton Carter mà các nhà quan sát cho rằng hai bên bàn về việc xây dựng một cơ chế để kiểm soát khủng hoảng, mục đích tránh xung đột quân sự do tai nạn hiểu lầm khi bất ngờ chạm trán nhau. Xem như bảo đảm an toàn khi chia đôi thiên hạ.
Trong dịp nầy, Bộ trưởng Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc hãy ngừng xây dựng trên các đảo Trường Sa. Thượng tướng Toàn cho biết, vùng biển hình lưỡi bò trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về chủ quyền của TQ cho nên mọi xây dựng ở đó là hợp pháp, và trái lại yêu cầu Mỹ hãy ngừng nhúng tay vào các công việc riêng của họ ở Biển Đông.
Dư luận cho rằng Thượng tướng Thường Vạn Toàn chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Tập Cận Bình vào tháng 9/2015 mà nội dung là “thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác, tìm những điểm đồng thuận”. Đồng thuận về chia đôi thiên hạ bằng cách không can dự vào chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khu vực Châu Á.
Âm mưu bành trướng của Trung Quốc đã bị quốc tế phản đối và cô lập khiến cho giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình có thể bị vỡ mộng.
2* Trung Quốc âm mưu lãnh đạo Châu Á, chia đôi thiên hạ với Mỹ.
Âm mưu lãnh đạo Châu Á của Trung Quốc đã được thực hiện suốt 20 năm qua. Về mặt quân sự TQ thực hiện chiến lược Chuỗi Ngọc Trai, về mặt kinh tế Tập Cận Bình đề xuất Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank-AIIB) kêu gọi quốc tế đóng góp tài chánh, cho các quốc gia trên vành đai Con Đường Tơ Lụa vay để phát triển hạ tầng cơ sở. Dùng kinh tế mua chuộc chính trị để giữ vai trò lãnh đạo Châu Á.
Về văn hóa các Viện Khổng Tử được xây dựng khắp nơi để gây ảnh hưởng Trung Hoa trên khu vực.
Về quân sự và kinh tế thì Trung Quốc có đủ diều kiện để giữ vai trò lãnh đạo Châu Á để chia đôi thiên hạ với Mỹ.
Trước kia Tổng thống Richard Nixon và Mao Trạch Đông cũng đã có thỏa thuận như thế khiến cho Việt Nam Cộng Hòa bị mất nước.
Hiện nay Nhật Bản cũng lo ngại lịch sử tái diễn, cho nên khuynh hướng sửa đổi hiến pháp hòa bình được nêu ra để tự lực, tự cường, tự bảo vệ quyền lợi quốc gia thì mới an tâm hơn dựa vào Mỹ. Vì chính sách đối ngoại của Mỹ thường thay đổi khi nặng khi nhẹ theo chu kỳ 4 năm hoặc 8 năm, hoặc theo những biến cố chính trị nội bộ giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
2.1. Chuỗi Ngọc Trai
Chuỗi ngọc trai và Con Đường Tơ Lụa
Chuỗi Ngọc Trai (Nhất phiến trân châu – String of Pearls) là một vành đai trên biển bắt đầu từ đảo Hải Nam, xuống đảo Phú Lâm (Woody Island) của Hoàng Sa, tiến xuống nhóm đảo Trường Sa, qua kinh đào Kra, ôm lấy Myanmar (Miến Điện), dừng lại ở Karachi, Pakistan.
Chuỗi Ngọc Trai là một hệ thống căn cứ hải quân thuộc các quốc gia như sau:
Căn cứ hải quân ở cảng Gwadar, Pakistan. Căn cứ Marao, Maldives (Quần đảo, cách Sri Lanka 700 km. Dân số 349,106 người). Căn cứ Hambantota, Sri Lanka (Đảo ngoài khơi phía Nam, cách bờ biển Ấn Độ 31km). Căn cứ ở hải cảng Chittagong, Bangladesh. Căn cứ ở hải cảng Ile Cocos, Myanmar. Căn cứ ở hải cảng Sihanoukville, Campuchia.
2.2. Con Đường Tơ Lụa Thế kỷ 21
Con đường tơ lụa thế kỷ 21 trên biển và trên bộ của Trung Quốc
  1. Con đường trên bộ là hệ thống đường xe cao tốc và đường sắt nối liền các quốc gia từ Trung Quốc đi qua Trung Á tiến vào Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhỉ Kỳ và chấm dứt tại thành phố Venice (Ý) của châu Âu.
  2. Con đường trên biển bắt đầu từ Tuyền Châu (Phúc Kiến) qua Quảng Đông chạy xuống eo biển Malacca qua Ấn Độ Dương sang Kenya, Somalia (châu Phi) qua Biển Đỏ (Hồng Hải) vào Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) và cuối cùng cũng đến thành phố Venice của Ý (châu Âu).
Tham vọng của con đường tơ lụa là nối ba châu lục: Á, Âu và châu Phi.
3* Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2015
Trước khi Tập Cận Bình đi Mỹ Trung Quốc tuyên bố sách trắng quốc phòng năm 2015 để phô trương sức mạnh quân sự, mục đích đàm phán với Mỹ ở thế mạnh.
Sách trắng quốc phòng (The Defense White Paper) Trung Quốc năm 2015 được công bố ngày 26-5-2015 là một văn bản chiến lược quân sự nhấn mạnh 4 lãnh vực an ninh quan trọng gồm: đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và lực lượng hạt nhân.
Bắc Kinh tuyên bố chiến lược quân sự trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông được các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc phô trương lực lượng và là những lời tuyên chiến đối với Mỹ.
Kèm theo bạch thư là những lời tuyên bố sặc mùi diều hâu, hiếu chiến.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng: “Chiến tranh Trung-Mỹ sẽ không tránh khỏi nếu Mỹ tiếp tục phá rối Bắc Kinh. Chúng ta không muốn xung đột quân sự với Mỹ nếu chuyện đó xảy ra chúng ta phải chấp nhận”.
Cuốn bạch thư 9,000 chữ có phần nêu ra những uy hiếp của Mỹ và Nhật đối với Trung Quốc và khẳng định Hải quân Trung Quốc phải đáp trả một cách có hiệu quả để bảo vệ bờ biển và hộ vệ trên đại dương.
Tờ New York Times dẫn lời ông Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc yêu cầu quân đội của họ phải thay đổi lối suy nghĩ cũ là “coi trọng lục quân hơn hải quân” để tiến tới một lực lượng hải quân lớn hơn, không quân mạnh hơn, hỏa tiễn tiên tiến hơn trên biển”.
Sách trắng ám chỉ Mỹ và Nhật là những nguy cơ trên biển đối với họ. “Một số nước láng giềng có hành động khiêu khích và một số quốc gia bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông chống lại Trung Quốc”.
Thiếu tướng hồi hưu Từ Quang Dụ cho rằng: “Mỹ đừng mong đợi Trung Quốc sẽ khuất phục trước áp lực, và Washington nên hiểu rõ hậu quả không lường được nếu dồn Bắc Kinh vào góc chân tường”.
GS Bernard Cole, thuộc Học Viện Quân Sự Quốc Gia Washington nêu nhận xét: “Sách trắng quốc phòng Trung Quốc cho thấy họ không từ bỏ hành động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông”.
Về hải quân, một điều đáng chú ý là chuyển đổi trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp “phòng vệ ngoài khơi” cộng với “bảo vệ đại dương” để đối phó với mối đe dọa chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Mở rộng tầm hoạt động của hải quân.
Lực lượng hải quân Trung Quốc đang chuyển đổi từ mô hình “Phòng thủ ven bờ” sang kết hợp giữa “Phòng thủ ven bờ” với “Hộ vệ tầm xa”
Sách trắng nầy cũng có phần ám chỉ Việt Nam và Philippines: “Một số quốc gia láng giềng cá biệt ngày càng có hành động khiêu khích trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ”. Việt Nam phản ứng. Bài viết trên trang Nguyễn Tấn Dũng có câu: “Người Việt Nam gọi cách ám chỉ đó là cách ăn nói xỏ xiên phù hợp với những người sẵn sàng bán đứng “bạn bè, họ hàng và đồng chí” vì lợi ích riêng. “Bạn bè, họ hàng và đồng chí” bị bán đứng nằm trong nội dung 4 tốt. (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).
4* Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân
4.1. Đóng thêm 415 tàu chiến
Tờ Sputnik của Nga đưa tin Trung Quốc thông báo sẽ đóng 415 tàu chiến từ nay đến 2030 để cho hải quân của họ mở rộng tầm hoạt động trên biển trong 15 năm tới. Theo nguồn tin từ một quan chức Bộ QP/HK thì TQ sẽ trang bị 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay (Hàng không mẫu hạm), 102 khu trục hạm, 26 tàu hộ vệ, 73 tàu tấn công đổ bộ, 111 tàu trang bị tên lửa hướng dẫn (Cruise missile). Khu trục hạm hay tàu khu trục (Destroyer) là tàu chiến, chạy nhanh và hoạt động lâu dài trên biển có mục đích bảo vệ các loại tàu không có chức năng tác chiến, như tàu chở quân đổ bộ, tàu sân bay, tàu vận tải, tàu buôn…Nhiệm vụ hộ vệ là chống lại những hỏa lực tấn công như: từ phi cơ, từ tàu ngầm, tàu nổi, giàn hỏa tiễn trên bờ…
4.2. Trung Quốc hạ thủy tàu tuần duyên lớn nhất thế giới
Trung Quốc đã hạ thủy tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, trọng tải 12,000 tấn, qua mặt con tàu lớn nhất của Nhật (9,300 tấn). Tàu mang tên Tuần duyên Trung Quốc 2901 (China Coast Guard 2901). Báo TQ cho biết tàu nầy được trang bị một khẩu pháo chính 76mm khai hỏa nhanh, hai khẩu pháo phụ và hai khẩu phòng không. Tàu được đưa vào hoạt động ở biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
4.3. Trung Quốc sao chép tàu đổ bộ cơ động của Mỹ
Siêu tàu vận tải đổ bộ Montford có tải trọng tối đa 90.000 tấn
Theo tờ Sputnik thì những hình ảnh rò rỉ trên trang mạng Sina cho thấy TQ đang tự đóng tàu đổ bộ cơ động MLP (Mobile Landing Platform) giống như chiếc USNS Montford Point của Mỹ. (USNS=United States Naval Ship). Đó là loại tàu nửa nổi nửa chìm mục đích chở những vũ khí hạng nặng, chủ yếu là vận tải chớ không chiến đấu.
Chiếc USNS Montford Point của Mỹ dài 240m. Diện tích 2,300m2. Chở nặng 90,000 tấn. Tốc độ 37km/giờ.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang sao chép y chang theo mẫu của chiếc Montford Point của Mỹ.
5* Chiến lược “con roi nhỏ”
5.1. Tổng quát về chiến lược con roi nhỏ
Chiến lược con roi nhỏ (hay cây gậy nhỏ) được áp dụng trong ngành ngoại giao (Small-stick Diplomacy) và quân sự.
Trong vụ tranh chấp ở Biển Đông, cả Mỹ và Trung Quốc đều có xử dụng chiến lược con roi nhỏ.
Trong ngoại giao, trước hết thực hiện những lời tuyên bố ôn tồn, hòa nhã mục đích tạo ra chính nghĩa, bằng việc bảo vệ lẻ phải, công bằng, công lý…không cực đoan, không hiếu chiến.
5.2. Trung Quốc xử dụng chiến lược con roi nhỏ ở Biển Đông
Ban đầu đưa tàu cá tư nhân ra gây xung đột với tàu cá tư nhân Việt Nam, rồi hô hoán lên rằng Việt Nam vi phạm vùng biển và có thái độ khiêu khích, lấy cớ đưa tàu bán quân sự như hải giám, kiểm ngư, cảnh sát biển ra bảo vệ tàu cá của họ. Trên nguyên tắc những tàu bán quân sự không được trang bị vũ khí nặng, nhưng Trung Quốc đã biến cải tàu hải quân sang tàu bán quân sự cho nên có vũ khí nặng.
Đó là con roi nhỏ, còn con roi lớn là lực lượng hải quân hùng hậu ở phía sau, chỉ chờ cho Việt Nam sập bẫy, tức là cho tàu hải quân ra bảo vệ tàu cá của ngư dân VN, thì con roi lớn sẽ ra tay, nhưng Việt Nam lạnh cẳng nên không bị ăn đòn của roi lớn.
Về việc xây đảo nhân tạo, Trung Quốc cũng xử dụng cây gậy nhỏ, tức là âm thầm gậm nhấm leo thang từng bước theo kiểu tầm ăn dâu. Khi bị phát hiện thì nổ lực tiến hành ráo riết để đặt sự việc đã rồi. Gạo đã thành cơm.
Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa tại đảo Phú Lâm (HS)
Đảo ở Hoàng Sa TQ đưa dân đến sinh sống. Thành phố được xây dựng hoành tráng, các cơ sở hành chánh, an ninh, quân sự…tổ chức du lịch để xác định chủ quyền…Trước sự việc đã rồi đó, ngay cả luật pháp quốc tế cũng bó tay, vì không thể trục xuất người dân ra khỏi nhà cửa của họ.
5.3. Chiến lược roi nhỏ của Mỹ ở Biển Đông
Một nhận xét nổi tiếng của Đô đốc Mỹ, Alfred Thayer Mahan, cho rằng sức mạnh trên biển quyết định sự sống còn của một quốc gia trên trường quốc tế. Do đó mà vào cuối nhiệm kỳ, Tổng Thống Obama đã tỏ ra cương quyết với Trung Quốc ở Biển Đông.
Chiến lược gia hàng đầu của Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, GS James Holmes đưa ra những nhận xét trên báo mạng “Real Clear Defense” cho rằng Mỹ đang xử dụng chiến lược ngoại giao “chiếc roi nhỏ” để cản phá Trung Quốc. Năm biện pháp cụ thể của chiến lược nầy nhằm mục đích chọc phá, kềm chế, ngăn cản không cho Trung Quốc trở thành siêu cường số một lấn át sức mạnh Hoa Kỳ ở Biển Đông.
  1. Biện pháp thứ nhất
Là xử dụng tàu chiến không quá mạnh để không bị cho là hiếu chiến. Nhưng những loại tàu nhỏ đó là hiện đại nhất, cơ động nhất để kềm chế có hiệu quả.
  1. Biện pháp thứ hai
Là xử dụng lực lượng mà Mỹ gọi là “Phòng vệ Quốc Gia”, giống như cơ chế cảnh sát biển ở Việt Nam.
  1. Biện pháp thứ ba
Triệt để xử dụng video và mạng lưới báo chí để vạch trần bộ mặt thật của Trung Quốc trước công luận quốc tế.
  1. Biện pháp thứ tư
Đối phó nhanh chóng với kiểu tuyên truyền của Trung Quốc về việc họ cho rằng họ hoàn toàn đúng, và các nước khác là hoàn toàn sai ở Biển Đông. Mỹ đã luôn luôn nhấn mạnh Trung Quốc ỷ mạnh ăn hiếp các nước nhỏ láng giềng. Trung Quốc nổ lực đính chánh nhưng không ai tin.
  1. Biện pháp thứ năm
Là phô diễn con roi to ở phía sau để đối phương e dè, nể mặt khi bị phạt bằng con roi nhỏ.
“Con roi to” của Mỹ là lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới với các thứ vũ khí hiện đại nhất thế giới.
Cách đây 5 năm, GS Holmes đã tiên đoán rằng Trung Quốc không dùng tàu chiến và hỏa tiễn để chiếm Biển Đông mà lấn dần bẳng khối lượng sắt thép khổng lồ, và không có nước nào trong khu vực có đủ sức mạnh kinh tế để chạy đua theo Trung Quốc.
Việt Nam cũng chạy đua theo Trung Quốc trong việc bồi đắp các đảo và dự định tổ chức du lịch Trường Sa mà giới quan sát cho rằng một cuộc chạy đua “phi đối xứng”.
Về việc bồi đắp đảo, Bộ trưởng Ashton Carter cho biết, trong hội đàm hai bên có trao đổi về đề xuất của Mỹ, “các quốc gia” đang có tranh chấp trong khu vực này dừng ngay việc bồi đắp cũng như tôn tạo các đảo. Và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đã giải thích như sau: “Việt Nam hiện đang đóng quân trên 9 đảo nổi và 12 đảo chìm. Các đảo nổi, chúng tôi chỉ kè lại chung quanh để không bị xói lở. Chúng tôi kè kín lại để đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng trên đảo có cuộc sống được an toàn. Các đảo chìm, chúng tôi chỉ xây những nhà rất nhỏ, ở được rất ít người và không mở rộng ra. Tính chất, quy mô của chúng tôi hoàn toàn là vấn đề dân sự”.
6* Trung Quốc bị cô lập trên trường quốc tế
Thái độ hung hăng, côn đồ của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm cho họ bị cô lập trên trường quốc tế, đưa đến những liên minh chống Trung Quốc. Anh, Đức, Úc, Nhật, Philippines, Malaysia, Liên Âu (EU), Ấn Độ đều phản đối Trung Quốc.
Ngày 15-4-2015, các ngoại trưởng G-7 và Liên Âu (EU) đã nhất trí đưa ra một tuyên bố: “Việc xử dụng các đại dương của thế giới một cách tự do và không bị cản trở chính là điều kiện cho hành trình đi vào tương lai của mọi nước”.
Bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới nầy không thể nào chấp nhận hành động côn đồ của Trung Quốc. Từ Âu sang Á, từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, các nước đã lên tiếng phản đối và cảnh giác Bắc Kinh.
Mỹ đã trưng ra những bằng chứng mà các phóng viên của đài CNN đã chứng kiến, mắt thấy tai nghe và hình ảnh thu được tại hiện trường trong khi tháp tùng chuyến bay P-8A Poseidon ngày 20-5-2015, bay qua không phận quốc tế trên các đảo nhân tạo. Những bằng chứng đó khiến cho Trung Quốc không thể chối cãi được. Một giàn pháo phòng không đã được bố trí trên đảo nhân tạo chứng minh họ đã quân sự hóa khu vực.
  1. Quan điểm của Đức
Ngày 31-5-2015, tờ báo “Toàn cảnh Frankfurt” dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von de Leyen, đã bày tỏ quan ngại về việc xây đảo nhân tạo, biến những bãi đá ngầm thành những sân bay, căn cứ quân sự, bởi vì Đức có nhiều lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Đức có hơn 50% số lượng hàng hóa thông qua vùng biển đó.
Đức không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên vùng biển hình lưỡi bò ở Biển Đông.
  1. Phản ứng của Anh
Trên tờ Asia Sentinel, bài báo có tựa đề “Fact, Fiction”, nhà báo kỳ cựu của đài BBC, ông Bill Hayton, đã lập luận phản bác. “Bắc Kinh có chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi được” nhưng thật ra họ không nêu ra được một bằng chứng lịch sử nào cả.
  1. Phản ứng của Úc
Ngày 1-6-2015, hai hãng tin Reuters và The Guardian dẫn lời của ông Phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc, Dennis Richardson, cho rằng hành động của Trung Quốc đã vượt qua khỏi mọi dự đoán, cho thấy tham vọng thực sự của Trung Quốc không dừng lại ở những lời tuyên bố, mà bằng hành động để độc chiếm Biển Đông.
  1. Phản ứng của Nhật
Ngày 17-6-2015, Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga nói Nhật rất lo ngại về hành động của Trung Quốc: “Chúng tôi rất lo ngại về hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng đưa tới tình trạng căng thẳng. Sau khi việc cải tạo hoàn tất chúng tôi cũng không công nhận đó là việc đã tồi”.
Đường băng trên đá Chữ Thập đủ rộng dành cho máy bay Boeing 747 đã làm xong 75%, Philippines cho biết như thế.
  1. Phản ứng của giới chuyên gia
1). Ông Jonathan Pollack, chuyên gia nghiên cứu Mỹ-Trung thuộc Viện Brookings Washington, đặt ra câu hỏi để vạch rõ ý đồ của Trung Quốc như sau: “Trung Quốc sẽ làm gì sau khi chuyển vũ khí đến các đảo nhân tạo ở Biển Đông?”. Đó là dùng sức mạnh quân sự để đánh bật các nước ra khỏi khu vực tranh chấp.
2). Ông Jonathan Eyal, người đứng đầu Viện Nghiên Cứu các quân chủng Hoàng Gia Anh, cùng với GS Michael Pillsbury, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Bộ QP/HK, cả hai ông đều cho rằng hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự.
3). Ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Châu Á của Đại Học Temple, phát biểu: “Sự đánh giá sai lầm của Trung Quốc về tình hình hiện nay là nguy cơ khiến cho căng thẳng leo thang nhanh chóng và trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện”.
  1. Đồng minh của Trung Quốc lên tiếng đe dọa Mỹ.
Ngày 4-6-2015, tờ Cambodia Daily tiếng Anh đưa tin, Quốc vụ khanh Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan đã lên tiếng binh vực Trung Quốc, cho rằng những lời lẻ trong tuyên bố của Bộ Trưởng QP/HK, ông Ashton Carter, “mang tính khiêu khích và đe dọa nền hòa bình ở Biển Đông”. Ông Phay Siphan gởi lời cảnh cáo đến Mỹ “Yêu cầu Washington không nên thực hiện những lời đe dọa nếu muốn tránh việc gánh lấy hậu họa nghiêm trọng”.
Ông Miên nầy nói nghe ngon lành lắm. Thứ tép riu mà không biết thân phận. Nổ sảng.
7* Đá Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi
Bắc Kinh bành trướng thế lực ở Biển Đông khiến cho khu vực nầy trở thành điểm nóng của thế giới.
Ngày 10-6-2015, tờ Wall Street Journal đăng bài bình luận của hai chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Doanh Nghiệp Mỹ là ông Daniel Blumenthal và ông Michael Mazza, đề nghị một sách lược cứng rắn hơn của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
7.1. Thành lập một thỏa thuận chung
Bằng con đường ngoại giao, Mỹ nên khởi xướng các quốc gia trong khu vực hướng tới một thỏa thuận chung mà mục đích là bảo về chủ quyền lãnh thổ và lợi ích về tài nguyên biển theo luật pháp quốc tế của các quốc gia đó.
1). Mỹ đóng vai trò thúc đẩy
Mỹ đóng vai trò thúc đẩy để thực hiện bộ Qui tắc Ứng xử COC (Code of Conduct on the South China Sea-COC), bất chấp Trung Quốc có tham dự hay không.
2). Loại Trung Quốc ra khỏi đàm phán.
Trường hợp TQ gây bất ổn trong đối thoại thì Mỹ sẽ đơn phương ủng hộ các nước đạt được một thỏa thuận chung theo luật pháp quốc tế. Trường hợp nầy thỏa thuận được xem như một “Liên minh chống Trung Quốc” được thành lập.
Mỹ sẽ viện trợ cho các quốc gia trong liên minh, nâng cao sức mạnh quân sự để cùng với liên minh Mỹ-Nhật-Úc chống lại TQ, kềm chế tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.
Theo tờ Wall Street Journal, nếu như chiến lược của hai học giả nầy được thực hiện thành công thì TQ không còn khả năng biện hộ hành vi xây đảo trái phép để quân sự hóa Biển Đông. Và cộng đồng quốc tế cũng do đó mà không thừa nhận tuyên bố chủ quyền trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nếu Mỹ xây dựng được một liên minh như thế thì Trung Quốc bắt buộc phải đối diện trước hai lựa chọn:
  • Một là gia nhập đàm phán để giải quyết mâu thuẩn theo luật pháp quốc tế.
  • Hai là bị liên minh dùng biện pháp ngang ngược để chống lại ngang ngược của TQ.
Trung Quốc đã lấy sức mạnh quân sự, dùng hành động ngang ngược để xác lập chủ quyền ở Biển Đông do họ tự vẽ ra, chống lại luật pháp quốc tế. Nếu cứ ngoan cố thì Mỹ và đồng minh cũng sẽ dùng sức mạnh quân sự chống lại TQ theo luật giang hồ, mạnh được yếu thua. Đối với kẻ ngang ngược thì dùng biện pháp ngang ngược mới có hiệu quả.
Phía Mỹ có chính nghĩa, được quốc tế hỗ trợ.
7.2. Phần thắng của Trung Quốc rất nhỏ
Kế hoạch của hai chuyên gia nầy cũng dự liệu một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra mà phần thắng của Trung Quốc rất nhỏ.
Nói lý lẻ mà TQ không nghe thì bắt buộc phải chơi theo luật giang hồ, mạnh được yếu thua. Nếu không thể tránh được một cuộc đối đầu quân sự thì phải chấp nhận chiến tranh. Tiên hạ thủ vi cường.
Mỹ phải làm mạnh hơn là đánh võ mồm. Chiến lược xoay trục về châu Á có mục đích duy nhất là bao vây quân sự và kinh tế để làm suy yếu TQ, ngăn chặn bành trướng bá quyền của Bắc Kinh. Nếu không đạt được mục đích đó thì xem như chiến lược của Tổng Thống Obama bị phá sản. Và lúc đó, mặt mũi của nước Mỹ, của người dân Mỹ không còn xứng đáng để lãnh đạo quần hùng chống lại ma giáo. Đồng minh thất vọng, bỏ Mỹ.
Tập Cận Bình thực hiện giấc mộng Trung Hoa bằng hai bước. Bước một là làm chủ khu vực châu Á. Bước hai là nhấn chìm Mỹ để ngoi lên làm cường quốc số một thế giới. Nếu Mỹ thua ở bước một thì nắm chắc phần thua ở bước hai. Các nhà làm chiến lược cũng thừa hiểu như thế, cho nên hy vọng là Mỹ không nhường châu Á cho TQ lãnh đạo. Kế hoạch chia đôi thiên hạ của Tập Cận Bình khó thành công.
8* Mỹ bày thiên la địa võng bao vây Trung Quốc
Thiên la địa võng là vòng vây bủa kín tất cả các phía, không có đường ra, không có lối thoát.
Vành đai căn cứ quân sự của Mỹ từ Alaska, Hạm Đội 3, Okinawa, Hàn Quốc, Hạm Đội 7, đảo Guam và đặc biệt nhất là căn cứ quân sự Mỹ ở Úc đã vây kín Trung Quốc khi chiến tranh xảy ra.
Ngày 10-4-2015, hãng tin AFP dẫn lời của Bộ Trưởng QP/HK, ông Ashton Carter cho biết: “Mỹ sẽ triển khai vũ khí mới nhất, hiện đại nhất tại Châu Á”.
8.1. Căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật
F-35 Lightning II               EA-18G Growler tác chiến điện tử
Theo trang Want China Times thì Mỹ có khoảng 50,000 binh sĩ đóng ở 109 căn cứ ở Nhật.
Căn cứ Yokosuka, gần thủ đô Tokyo, là nơi neo đậu và sửa chữa lớn nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Là nơi đủ rộng để chứa 4 tàu ngầm hạt nhân, 150 tàu chiến khác.
Căn cứ không quân Mỹ ở Nhật cũng là căn cứ lớn nhất có thể chứa 100 máy bay ném bom hạng nặng và 150 phi cơ chiến đấu.
8.2. Căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc
28,000 binh sĩ Mỹ đã đóng quân tại 85 căn cứ. Mỹ sẽ tiếp tục đưa 40 xe tăng M1-A2 tới đó.
8.3. Tại đảo Guam
P-8A Poseidon                                    Ném bom chiến lược B-52
Căn cứ Andersen đã triển khai hàng chục giàn phóng tên lửa hành trình (Cruise missile) AGM-86 và những phi cơ ném bom chiến lược tầm xa B-1 và B-52. Căn cứ nầy bị đe dọa bởi hỏa tiễn của Trung Quốc, nên Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây những boongke và các nhà chứa máy bay kiên cố để chống hỏa tiễn của Trung Quốc và Bắc Hàn.
Hồi năm 2013 Trung Quốc đã đơn phương thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ=Air Defense Identification Zone) trên biển Hoa Đông. Mỹ đã phản ứng cứng rắn bằng cách đưa 2 máy bay ném bom B-52 từ đảo Guam bay vào không phận ADIZ mà không thông báo cho Trung Quốc theo quy định của vùng ADIZ. Thế nhưng TQ không có phản ứng nào cả.
8.4. Căn cứ quân sự Mỹ ở Australia có giá trị hơn căn cứ ở Nhật
Ngày 13-5-2015, Phụ tá Bộ Trưởng QP/HK, David Shear đưa ra lời tuyên bố chấn động tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, cho rằng lầu năm góc sẽ đưa máy bay ném bom chiến lược B-1 tới căn cứ Darwin ở Úc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, bà Hoa Xuân Oánh lên tiếng yêu cầu quan chức Mỹ giải thích về ý định nầy.
Giới chức Úc và Mỹ vội đính chánh về sự “lỡ lời” của ông Shear. Ông Shear cho biết ông đã “nhầm lẫn” về chiếc B-1 và B-52.
Cuối năm 2014 đã có hơn 1,000 TQLC Mỹ và các chuyên viên quân sự Mỹ ở Úc. Theo thỏa thuận ban đầu được thông báo là căn cứ Darwin chỉ có 250 binh sĩ Mỹ mà thôi.
Theo tờ Wall Street Journal thì các chuyên gia quốc phòng Mỹ đánh giá cao căn cứ quân sự của Mỹ ở Úc, do vị trí an toàn của nó là nằm ngoài phạm vi tấn công của hỏa tiễn so với những căn cứ ở Nhật và ở đảo Guam.
8.5. Tại Singapore
USS Fort Worth (LCS-3)
Singapore đã thỏa thuận cho Mỹ triển khai 4 tàu chiến tấn công ven biển LCS (LCS=Littoral Combat Ship) đồn trú nằm ngay cửa ra vào của eo biển Malacca. Chiến hạm tấn công bờ biển, với kỹ thuật siêu tàng hình, tốc độ cao (87km/giờ), tầm hoạt động xa (6,400km) cho phép xâm nhập ven biển để phá vở chiến thuật chống tiếp cận (Anti-Access/Area Denial-A2/AD) của TQ.
Đó là USS Freedom (LCS-1) và USS Independent (LCS-2).
Chiếc LCS-3 USS Fort Worth được triển khai đến Singapore hồi tháng giêng năm 2015. Tốc độ 83km/giờ hoạt động trên biển 21 ngày.
9* Chỉ cần 300 tên lửa thì đủ đập nát 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc
Ngày 14-6-2015, tờ Washington Times đăng bài phân tích của hai học giả Mỹ, Đô đốc James A. Lyons, Jr., cựu Tư Lịnh Hạm Đội Thái Bình Dương (United States Pacific Fleet-USPACFLT), cùng ông Richard Fisher, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Mỹ, bài phân tích đánh giá tình hình ở Biển Đông, nêu kết luận: “Chỉ cần 300 hỏa tiễn có thể phá hủy ngay lập tức 7 đảo nhân tạo, nếu Trung Quốc có ý định xử dụng vũ lực ở đó”.
Hai học giả nầy cho rằng Trung Quốc cố tình bỏ qua những yêu cầu ngưng ngay lập tức việc xây đảo để quân sự hóa Biển Đông.
Đã đến lúc Mỹ phải đối diện với thực tế mới: một là kiến tạo hòa bình bằng sức mạnh quân sự, hai là để cho Trung Quốc tự do thực hiện tham vọng thống trị khu vực.
9.1. Vì sao Trung Quốc làm ngơ trước phản đối của Mỹ và thế giới?
Trong suốt 20 năm qua Trung Quốc cố tránh xung đột trên biển bằng chiến lược “cây gậy nhỏ” hay “tằm ăn dâu”.
Lý do đơn giản là Trung Quốc coi việc kiểm soát Biển Đông là rất cần thiết để bảo vệ căn cứ quân sự là đảo Hải Nam. Dùng Hải Nam làm bàn đạp vươn ra không gian quyền lực toàn cầu. Đó là bảo vệ sự sống còn của họ để thực hiện tham vọng giấc mộng Trung Hoa là trở thành siêu cường số một trên thế giới.
9.2. Hải Nam là căn cứ rất quan trọng cần phải bảo vệ
Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Du Lâm ở Hải Nam
Hải Nam là căn cứ tàu ngầm chạy bằng động cơ hạt nhân trang bị vũ khí vô cùng hiện đại. Bảo vệ đảo Hải Nam là bảo vệ hạm đội tàu ngầm.
Bắt đầu từ năm tới (2016), một trung tâm không gian vũ trụ sẽ đặt trên đảo Hải Nam để triển khai những trang thiết bị hạng nặng về không gian vũ trụ, nhằm mục đích bảo vệ hệ thống vệ tinh quỹ đạo thắp bay chung quanh trái đất, hoặc mặt trăng.
Hầu hết những hỏa tiễn Trung Quốc đều đi qua vùng trời trên Biển Đông cho nên quân đội nước nầy đã và đang gia tăng sự kiểm soát chặt chẽ vùng biển, vùng trời nầy, nếu không thì hỏa tiễn của họ sẽ bị tổn thương khi bay qua vùng trời trên biển nầy.
9.3. Những biện pháp bảo vệ Biển Đông của Trung Quốc
Trồng rau bên trong nhà kính và chuồng heo ở bãi đá Chữ Thập
Theo dự đoán của hai chuyên gia trên thì có lẻ sớm hơn, là vào đầu năm tới (2016) TQ sẽ bố trí 30 chiến đấu cơ và một đội tàu chiến tại căn cứ mới ở đá Chữ Thập (Vĩnh Thữ). Đồng thời TQ cũng sẽ đưa lực lượng quân sự và vũ khí đến hai căn cứ quân sự là đá Vành Khăn và đá Su Bi.
Những hành động trong tương lai gần nầy không thể bác bỏ được.
Trong suốt 20 năm qua Mỹ không ngăn chặn tham vọng bành trướng nầy vì từng bước gậm nhấm từ từ được xem là bành trướng ở cường độ thấp. Sau khi hoàn tất việc lập các cơ quan, cơ sở và đưa dân đến sinh sống ở các đảo Hoàng Sa, TQ bắt đầu ở Trường Sa như hiện nay.
10* Trung Quốc không dám mạo hiểm quân sự
10.1. Trung Quốc chưa đủ tuổi để đối đầu với Mỹ
Tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo) khoe khoang về khả năng quân sự của TQ, nhưng các nhà quan sát cho rằng TQ chưa đủ tuổi để đối đầu với Mỹ. Một chuyên gia quân sự Nga cho biết, muốn diệt một hạm đội tàu sân bay của Mỹ thì TQ phải mất 40% lực lượng. Với cái giá quá đắt như thế TQ không dám mạo hiểm vì Mỹ có tới 11 tàu sân bay.
Trên Biển Đông, Mỹ không phải chỉ có đơn độc một mình, mà có cả một vành đai bao vây từ Alaska với Hạm đội 3, Hawaii, Okinawa, Hạm đội 7, Nhật, Philippines, Úc, Singapore…
Các đảo nhân tạo đang dở dang, cho dù có hoàn thành đi nữa thì tuổi thọ của chúng cũng không kéo dài bao lâu, vì đó là những mục tiêu cố định đưa lưng ra hứng hỏa tiễn của Mỹ từ những vị trí trên vành đai bao vây TQ và Biển Đông.
10.2. Làm sao dám gây chiến với Mỹ
Ông Kyle Mizokami, chuyên gia phòng thủ Đông Nam Á cho biết: “Trong trường hợp có giao tranh trên Biển Đông thì hệ thống phòng ngự của TQ sẽ không trụ nổi vài tiếng đồng hồ”.
Ngày 20-5-2015, Mỹ đã dùng phi cơ trinh sát P-8A Poseidon tuần tra trên vùng trời các đảo nhân tạo của TQ ở vùng biển hình lưỡi bò, thế mà TQ không dám có phản ứng nào mạnh mẽ cả.
  1. Những biện pháp cụ thể mà Mỹ có thể dùng để chống Trung Quốc
GS Carl A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc phát biểu tại Trường Hải Quân ở Newport
TQLC Mỹ và Philippines tập trận “vai kề vai”, giữa lúc Trung Quốc “ỷ mạnh, hiếp yếu” ở Biển Đông
Ngày 16-6-2015, tại cuộc hội thảo chủ đề Strategy and Maritime Power in a Contested Environment của Trường Hải Quân Mỹ (U.S. Naval War College) GS Carlyle Alan Thayer nêu ra những biện pháp cụ thể mà Mỹ có thể dùng để chống Trung Quốc về việc xây đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.
  1. Phương tiện ưu tiên phi quân sự là “Nói”
Mỹ nên tránh đụng độ với các tàu chiến hoặc tàu bán quân sự của TQ. Vì nếu có đụng độ thì TQ sẽ hô hoán lên, tuyên truyền ầm ĩ, đe dọa…khiến cho các nước nhát gan hoặc nước làm tay sai cho TQ không dám hỗ trợ cho các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
  • Nói lên quan điểm của Mỹ là bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
  • Nói rõ. Những thách thức của TQ sẽ đưa đến một cuộc đụng độ quân sự trên biển, khiến cho chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải hàng hóa trên Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể, và nó sẽ tác hại nặng nề tới quyền lợi của TQ.
  1. Cần phải tuần tra thường xuyên hơn
Hoa Kỳ và các đồng minh cần phải tuần tra thường xuyên hơn trên biển và trên không để khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại không gây hại trên vùng trời của các đảo nhân tạo.
Tuần tra tại vùng biển hình lưỡi bò, tại 12 hải lý cách các đảo nhân tạo và vùng 200 hải lý mà TQ cho rằng vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
GS Thayer nhấn mạnh: “Nhưng cho đến bây giờ Hoa Kỳ không làm thường xuyên như thế”.
  1. Cần phải tăng cường sự hiện diện và tập trận
Trung Quốc thường phô trương lực lượng hải quân hàng năm của họ từ tháng 5 đến tháng 8. Đó là cơ hội để liên minh Mỹ-Nhật-Úc cùng các đồng minh, tổ chức tập trận hàng năm trước khi TQ thao diễn.
Các cuộc tập trận để xác định sự có mặt thường xuyên và sức mạnh của Mỹ ở Biển Đông.
Các quan sát viên quân sự trong khu vực và quốc tế cần được mời lên tàu và phi cơ Mỹ để theo dõi, quan sát.
Hoa Kỳ cần phải áp dụng nhiều biện pháp mới để TQ thấy rằng cái giá của sự đối đầu cao hơn cái giá của sự hợp tác.
12* Kết luận
Tập Cận Bình đã dùng bạo lực để mưu bá đồ vương, đe dọa khu vực khiến cho quốc tế phản đối, chống lại.
Tổng thống Putin sợ bị họa lây nên tuyên bố không liên minh quân sự với TQ. Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh NATO liên tục bành trướng, Nga và Trung Quốc sẽ không trở thành bất cứ một quan hệ đồng minh quân sự nào cả. Nga không theo đuổi địa vị bá chủ hay siêu cường thế giới, mà chỉ mong xây dựng quan hệ bình đẳng với Mỹ cùng các quốc gia Châu Á”. Nói như thế tức là Nga chưa được ngang hàng với Mỹ.
Đảo Hải Nam và Biển Đông là tương lai sống còn của Trung Quốc, không dễ gì Tập Cận Bình bỏ cuộc ở đó. Và Mỹ cũng không chịu thua.
Mặc dù mới đây TQ tỏ vẻ hòa hoãng, dịu giọng khi tuyên bố sẽ chấm dứt việc xây đảo nhân tạo vì kế hoạch sắp kết thúc. Nhưng Mỹ vẫn chưa bằng lòng vì sự có mặt của TQ ở Biển Đông.
Cho dù Trung Quốc có sức mạnh vô địch đi nữa thì cũng không thể đối đầu với liên minh Mỹ-Nhật-Úc-Ấn Độ, cũng không thoát khỏi thiên la địa võng của Hoa Kỳ. Tác giả Nguyễn Vĩnh Long Hồ trên trang Báo Tổ Quốc đưa kết luận “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Nhất là TQ chưa phải là cọp và Mỹ và đồng minh không phải là những con chồn.
Âm mưu chia đôi thiên hạ của Tập Cận Bình rất khó thành công.
Trúc Giang
Minnesota ngày 24-6-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét