Pages

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Trung Quốc: 500 triệu người thất nghiệp và sự thịnh nộ của dân chúng

Một người ăn xin ở ga tàu Bắc Kinh ngày 2/3/2014, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các nền kinh tế phát triển được đặt trên cơ sở một tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây là điều mà Trung Quốc vẫn chưa đạt được (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)
Một người ăn xin ở ga tàu Bắc Kinh ngày 2/3/2014, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các nền kinh tế phát triển được đặt trên cơ sở một tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây là điều mà Trung Quốc vẫn chưa đạt được (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Bài viết của nhà kinh tế nổi tiếng người Trung Quốc, bà Hà Thanh Liên.

Bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc vẫn là một đế chế. Một lượng nhỏ tầng lớp thượng lưu nắm quyền kiểm soát hầu hết tài sản và quyền lực trong khi một lượng lớn nông dân đang trong tình trạng nguy khốn.

Gần đây, học giả Tư Trung Quân nhận xét: “Đã 100 năm trôi qua và không có một cải thiện nào – trên cùng vẫn là Từ Hi, và dưới đáy là Nghĩa Hòa Đoàn”. Ông nhắc đến Từ Hi Thái hậu, người thống trị triều đại nhà Thanh, ám chỉ về những người đứng đầu hiện nay và Nghĩa Hòa Đoàn là muốn nói đến hàng triệu người Trung Quốc bị tước quyền công dân, những người có lúc đã toan làm cách mạng.

Lời nhận xét là thích đáng: bất chấp các lời hứa cơ bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sự chuyển đổi thực sự của cấu trúc xã hội ở Trung Quốc vẫn không diễn ra. Tầng lớp thượng lưu vẫn nắm trong tay hầu hết tài sản, trong khi tầng lớp trung lưu chỉ chiếm phầm rất nhỏ.

Chuyển đổi cấu trúc xã hội bao gồm sự chuyển đổi về chính trị, kinh tế, và cấu trúc các giai cấp xã hội, đồng hành với sự thay đổi về mô hình tiêu thụ, mô hình sản xuất, các hành vi văn hóa, giá trị và những điều khác. Các nền kinh tế phát triển được đặt trên cơ sở một tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây là điều mà Trung Quốc vẫn chưa đạt được.

Khi cải cách và mở cửa bắt đầu, Đặng Tiểu Bình đã hứa với người dân một xã hội ôn hòa thịnh vượng. Cho đến 10 năm trước thế kỷ này, mục tiêu của chính quyền là xây dựng một xã hội hình ô liu với giai cấp trung lưu là trung tâm. Rất nhiều dự án quốc gia được cấp tiền theo viễn cảnh này. Nhưng tất cả đề xuất đều từ từ biến mất khỏi các tuyên truyền chính thức trong vòng dưới một thập kỷ.

Xem thêm:

Theo một báo cáo năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng 300 triệu người Trung Quốc chi tiêu ở mức 1 đô-la Mỹ hoặc ít hơn mỗi ngày. Khi cộng thêm 303 triệu người của tầng lớp dưới trung lưu theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), số người nghèo của Trung Quốc chiếm gần một nửa dân số (bao gồm 200 triệu người thất nghiệp, theo cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo).

Tình hình này đang trở nên tồi tệ hơn. Cùng với sự rút vốn của nước ngoài và một cuộc suy thoái sâu của nền kinh tế thực, 124 triệu người nữa có khả năng sẽ mất việc, đưa tầng lớp nghèo và tầng lớp “dưới trung lưu” của Trung Quốc chiếm hơn 60% dân số.

Khi mọi người đề cập đến việc Trung Quốc có bao nhiêu tỉ phú, đây là con số đáng ghi nhớ vì nó phản ánh rõ rệt sự thất bại của các dự án tái cơ cấu xã hội.

Lý do đằng sau điều này rất đơn giản: đó là một thất bại hoàn toàn trong việc phân chia một cách công bằng các lợi ích của sự tăng trường kinh tế vượt bậc của Trung Quốc. Điều này liên quan đến những câu hỏi sâu sắc về hệ thống luật pháp, cơ chế quản lý, và làm thế nào các chi phí và lợi nhuận của xã hội được phân chia. Trong các nền kinh tế thị trường hiện đại, sự phân chia thu nhập diễn ra giữa người lao động, người sử dụng lao động, và nhà nước – Đảng.

Các vấn đề chính của Trung Quốc bao gồm hai khía cạnh.

Thứ nhất, sự phân chia tài sản cho tầng lớp người lao động đã và đang giảm. Việc này đã được biết đến nhiều năm nay. Ông Trương Kiến Quốc, một quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc (ACFTU), đã phát biểu rằng mức bồi thường lao động của Trung Quốc đã giảm kể từ đỉnh cao chiếm tới 56,5% GDP năm 1983. Con số này là 36,7%GDP năm 2005, giảm gần 20% trong vòng hai thập kỷ.

Bộ Tài chính không đồng tình với dữ liệu này. Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), tính đến năm 2013, con số này là gần 50% năm 2004 và 45% năm 2011 (tỉ lệ này ở Hoa Kỳ là 58-60% trong thập kỷ vừa qua). Tỷ lệ này là yếu tố quyết định trực tiếp đến tài sản tương đối của người lao động.

Thứ hai, tỉ lệ thu hồi vốn là siêu cao. Trong cùng cuộc phỏng vấn, ông Zhang Jianguo cho biết tỷ lệ thu hồi vốn từ năm 1978 đến năm 2005 là khoảng 20%. (Mặc dù không có những bộ dữ liệu hoàn chỉnh để tính những con số này, ví dụ như một phần của GDP). Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của đại học Bắc Kinh (CCER) ước tính từ năm 1998 đến năm 2005, tỉ lệ thu hồi vốn tăng từ 6,8% đến 17,8%.

Các nhà nghiên cứu nhìn chung tin rằng việc này là do chi tiêu của chính phủ được triển khai nhằm nâng cao mức thu hồi vốn, sự phân bổ vốn ban đầu được quyết định chủ yếu dựa trên chính sách của chính phủ và chủ nghĩa tư bản bè phái, điều làm cho những khoản lợi nhuận to lớn đổ về những người thân cận với quyền lực, trong khi tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì bị vắt kiệt.

Tất cả mọi người ở Trung Quốc đều biết việc này xảy ra như thế nào: số lượng quan chức tham nhũng tăng hàng năm, các khoản hối lộ trở nên khổng lồ, và các dự án, chương trình khuyến mại và chứng khoán trong các công ty được dùng để mua các quan chức. Những quan chức này sau đó lợi dụng quyền lực chính trị của họ để bảo vệ các lợi nhuận quá mức của các ngành công nghiệp mà họ nhận tiền.

Vì những việc này, các doanh nghiệp bình thường và tuân thủ luật pháp rất khó khăn để hoạt động, làm giảm toàn bộ hiệu suất của xã hội. Vì thế, chúng tiếp tục làm lệch sự phân chia tài sản.

Dữ liệu từ “Báo cáo Sinh kế của Người dân Trung Quốc năm 2014” do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh công bố rất đáng lưu ý. Năm 2012, hệ số Gini – một thước đo về sự phân bố tài sản- của tài sản ròng của các hộ gia đình ở Trung Quốc là 0,73.

Điều này có nghĩa là 1% các gia đình giàu nhất nắm giữ một phần ba toàn bộ tài sản của cả nước, trong khi tài sản của 25% các gia đình nghèo nhất chỉ chiếm 1%.

Rõ ràng là, tầng lớp trung lưu đang bị đàn áp. Có hai điều kiện cần thiết để thay đổi điều này: cần tạo thêm được các công việc cao cấp (sự dao động của những lao động nhập cư có thu nhập thấp có ảnh hưởng ít đến dân số thuộc lớp trung lưu), và cần phải tăng lương.

Cả hai điều này đều không diễn ra. Thay vào đó, các con đường sự nghiệp triển vọng ngày càng khan hiếm và khó mà đạt được, trong khi tầng lớp tinh hoa lại được lựa chọn theo xu hướng dòng dõi. Điều này gây ra lỗ hổng chất xám trong xã hội. Thiếu động lực phấn đấu, chất lượng của tầng lớp tri thức chắc chắn sẽ bị hư hỏng, gây ra bất công xã hội hơn nữa.

Gần đây, những căng thẳng đã bùng nổ trong quan điểm của công chúng với “sự kiện Xu Chune”. Một quan chức cảnh sát đã bắn đến chết một người đàn ông có tên là Xu Chune tại một ga tàu hỏa ở huyện Khánh An phía đông bắc. Trước khi sự thật được làm rõ, phần lớn dân chúng đều theo bản năng đứng về phía ông Xu. Điều này chỉ ra ngay sự thịnh nộ của công chúng đối với việc thường xuyên bị tước bỏ quyền công dân ở Trung Quốc. Thậm chí còn hơn thế, mâu thuẫn giai cấp sâu sắc đã chạm đến trái tim của cả xã hội.

Hà Thanh Liên

Bà Hà Thanh Liên là một tác giả và một nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc, hiện đang sống ở Mỹ. Trong cuốn sách “China’s Pitfalls” (Tạm dịch: “ Những cạm bẫy của Trung Quốc”), bà tỏ ra lo ngại về nạn tham nhũng trong cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc những năm 1990. Trong cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China” (Tạm dịch: “Bóng đen kiểm duyệt: Kiểm soát thông tin ở Trung Quốc”), bà đề cập đến sự thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề xã hội và kinh tế hiện thời của Trung Quốc.

Tựa bài do Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt chỉnh sửa.

Mai Anh biên dịch

(Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét