Pages

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Ai bảo người Việt không quan tâm chính trị

  • 28 tháng 7 2015
Bức hình của phóng viên Tuổi Trẻ chụp khi Tướng Thanh xuống sân bay gây nhiều bàn luận.
Trước nay người Việt vốn bị coi là ít quan tâm đến những vấn đề hệ trọng của đất nước, thực tế có phải vậy?
Khi biết tin Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ về nước vào ngày 25/7, nhiều người nghĩ rằng đó là thời điểm thích hợp để tránh sự quan tâm quá mức của dư luận do đó cũng là ngày mà đội bóng Manchester City đến Việt Nam. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, có thể chính việc Bộ trưởng Quốc phòng về nước lại che mờ cả dàn sao của câu lạc bộ hàng đầu giải Ngoại hạng.

Đó là một ngày thứ 7, nhưng rất nhiều người đã dậy từ sớm để theo dõi thông tin về tướng Thanh. Trên báo, ngay cả những trang thiên về giải trí, bài về Bộ trưởng Quốc phòng - một nhân vật chính trị cũng nổi bật và có nhiều lượt người đọc nhất.
Tối 27/7, kênh truyền hình trực tiếp trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội bóng Anh cũng phải chia sẻ rất nhiều khán giả do bận xem Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” để kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ.
Một chương trình như “Khát vọng đoàn tụ”, nếu bình thường kể cả có mời những ngôi sao đình đám nhất như Hồ Ngọc Hà hay Tăng Thanh Hà gì đấy cũng khó mà gây chú ý đặc biệt được. Rõ là sức hút của Phùng Đại tướng hiện tại lớn hơn bất cứ ngôi sao giải trí nào và dám chắc rằng nếu Bộ trưởng Quốc phòng tham dự một sự kiện nào tới đây, chương trình đó sẽ đạt tỷ lệ rating kỷ lục.
Nói về Manchester City, họ không phải lâu lạc bộ được ưa thích nhất ở Việt Nam nhưng vẫn là một trong vài đội bóng có nhiều ngôi sao nhất thế giới. Chính vì thế mà ở một đất nước nổi tiếng cuồng nhiệt bóng đá, lại chỉ biết đọc những tin giải trí nhảm nhí mà bây giờ lại chú ý đến một nhân vật chính trị như thế, chứng tỏ lời chê trách “không quan tâm đến chính trị” là chưa đúng.

Tại sao bị coi là “không quan tâm”

Một số người trong giới trẻ dùng mạng xã hội để thể hiện chính kiến.
Nếu chú ý sẽ thấy rằng, trong cuộc nói chuyện chỉ có 2 người, chính trị sẽ được đưa ra bàn luận thoải mái. Nhưng khi có từ 3 người trở lên, ít ai dám động đến vấn đề này và nếu có thì lập tức bị nhắc nhở: “Không bàn chuyện chính trị!”.
Trong một buổi họp mặt đông người, bạn sẽ bị coi là “không khôn ngoan” nếu động đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước. “Khôn ngoan” là người im lặng, mỉm cười và không nói gì cả.
Nếu nhìn vào những người im lặng và “không bàn chuyện chính trị” kia mà tưởng rằng họ không quan tâm đến chính trị thì lầm to. Vẫn chính những người đó đã cười sung sướng thế nào khi xem hài “Gặp nhau cuối năm” – chương trình chửi xéo các lãnh đạo một cách kín đáo.
Ấy thế mà khi động đến người thật việc thật, họ lại giãy nảy như đỉa phải vôi. Đó có thể coi là hình ảnh đại diện cho người Việt Nam hiện tại: Có quan tâm nhưng không dám nói, biết xấu xa nhưng không dám lên tiếng và vẫn tự hào khi có họ hàng làm trong bộ máy chính quyền dù cứ động đến chính quyền là bĩu môi dè bỉu.

Nguyên nhân sâu xa

Trong “Đèn cù”, Trần Đĩnh nhận xét người Việt là “hèn”, không sợ bom đạn nhưng “sợ quyền lực”, “ùa theo quyền lực, dù quyền lực ấy dối trá, nhổ rồi lại liếm”. Nhận định ấy vẫn đúng cho đến ngày hôm nay.
Người Việt từ khi sinh ra đã không được quyền bày tỏ chính kiến, điều đó đã ăn sâu trong tiềm thức và không dễ dàng thay đổi trong ngày một ngày hai. Họ không hiểu rằng, đúng ra, lãnh đạo là người do mình bầu ra nên họ phải sợ mình mới phải. Ai cũng là người cả, tại sao lãnh đạo thì không được quyền châm biếm, đả kích?
Hiện chưa rõ về nhân sự thuộc hàng "tứ trụ" được bầu chọn tại Đại hội Đảng 12 vào năm sau.
Một thời gian dài trước đây, người Việt chê cười nền dân chủ phương Tây và tự hào về nền chính trị nghiêm khắc của nước nhà.
Chúng ta chế giễu Mỹ khi thấy người dân nước họ bày tỏ sự không ủng hộ bằng cách không mặc quần và quay lưng lại để “chào đón” Tổng thống Bush trong lễ nhậm chức; trong khi ta tự hào nói với nhau rằng: “Ở Việt Nam ra đường chửi Chủ tịch nước là đi tù”.
Chúng ta coi thường Liên Xô và Đông Âu vì họ chịu chấp nhận đa đảng còn Việt Nam kiên định con đường Xã hội chủ nghĩa. Bây giờ người Việt lại thèm đa đảng vì chỉ có thế mới được nói lên ý kiến, thèm cái bình dân của lãnh đạo nước ngoài vì độc quyền là nguyên nhân chính cho việc xa cách quần chúng.
Như vậy, hiểu biết chính trị của nhiều người Việt đã khá lên, nhưng họ vẫn sợ. Người Việt Nam đã bị tuyên truyền và khủng bố tinh thần quá lâu. Phần lớn không còn yêu Đảng nhưng vẫn sợ bị coi là phản động.
Tất nhiên có trách người Việt “hèn” thì cũng phải giải thích giùm cho họ: động đến Đảng và Nhà nước là có thể bị bắt, nên tốt nhất là không nói gì cả, vì “có nói cũng được gì đâu”. Cộng thêm việc thực ra lãnh đạo trên thực tế cũng không phải do mình bầu lên, họ cứ ở đâu nhảy ra đầy quyền lực nên sợ cũng phải.
Vì thế, ngay cả khi biết “phản động” thật ra không có gì xấu nhưng vẫn sợ, sợ đến mức mà trong buổi nói chuyện chỉ gồm toàn người nhà (vốn không ai rảnh mà đi báo công an), vẫn sợ như thường.

Dứt khoát phải thay đổi ý thức chính trị

Lá phiếu tín nhiệm của đại biểu quốc hội tại Việt Nam chưa được xem là phản ánh được lòng dân.
Sự im lặng “khôn ngoan” đó có lý do. Nhưng thật ra chỉ là khôn ngoan nhất thời. Về lâu dài, ý thức an phận ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội.
Cùng là một việc nhưng nếu mình lên tiếng, người khác lên tiếng, ít gộp lại thành nhiều sẽ tạo nên sự thay đổi. Ngược lại, ai cũng nghĩ rằng “chẳng thay đổi được gì” thì nó sẽ mãi mãi như vậy.
Chúng ta liệu có muốn con cái mình được sinh ra trong một xã hội dân chủ hơn, giàu có hơn và văn minh hơn? Điều đó khó xảy xa nếu không thay đổi ý thức ngay từ ngày hôm nay.
Chính trị không phải điều gì ghê gớm cả, cả bộ máy chính trị là để phục vụ người dân chứ đâu có nhiệm vụ gì khác. Cũng không làm gì phải e sợ lãnh đạo cả, họ cũng là người, mà đúng ra là chúng ta đóng thuế để trả lương cho họ nữa. Và cũng đừng e dè nếu bị ai nạt: “Biết gì về chính trị!” khi bàn về chuyện đất nước.
Nhất thiết phải coi bàn luận về thời sự trong nước và quốc tế cũng như bàn về bất kỳ vấn đề gì trong đời sống. Không ai có thể biết hết tất cả, nên sự trao đổi để tìm ra cái đúng cái sai là vô cùng cần thiết.
Dứt khoát không thân mật với lãnh đạo nếu biết đó là vị quan tham nhũng. Đừng tự hào khi được chụp ảnh cùng họ, vì làm vậy là cổ vũ cho tham nhũng, xấu xa.
Thể hiện thái độ chính trị là quyền con người, là chứng tỏ sự trưởng thành về mặt xã hội của bản thân. Vì thế, hãy tự hào khi nói về nó.
Sự độc tài có thể đàn áp vài người chứ không thể đàn áp được cả dân tộc. Đất nước chỉ có thể thay đổi nếu cả dân tộc thay đổi chứ không phải chỉ vài nhóm nhỏ đóng góp ý kiến một cách thầm thì.
Chỉ khi làm được những việc trên, “Chính trị” đối với nhân dân Việt Nam mới có thể coi là chuyện bình thường, và chỉ khi đó đất nước mới thật sự có dân chủ mà thôi.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét