Pages

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Đảo Reunion và nỗi buồn Việt Nam

Bức hình 'Con nhớ cha' gây xúc động trong vụ MH370
Nhân chuyện máy bay MH370 và đảo Reunion, báo chí đăng lại những tấm hình tràn đầy nước mắt: 'Cha ơi, con nhớ cha', hay 'Con hãy về với ba mẹ', của thân nhân những người bị mất tích trên chuyến bay định mệnh tháng 3/2014.
Nhưng hòn đảo Reunion nằm hẳn về phía châu Phi chứ không còn gần Úc hay Malaysia cũng gắn liền đến hai vị cha ông người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đau buồn của thời mất nước.

Hai vị cựu hoàng, vua Thành Thái (cha) và Duy Tân (con) đều bị thực dân Pháp đày ra đây từ 1916 sau các nỗ lực hoạt động vô vọng nhằm thay đổi thực trạng là Đại Nam đã bị người Pháp kiểm soát và ngày càng trực trị, và các điều khoản Bảo hộ chỉ còn trên giấy.
Cũng vẫn đảo Reunion và một chuyến bay khác: ngày 25/12/1945, trên đường từ Paris về Reunion, máy bay chở cựu hoàng Duy Tân đâm vào núi và ông tử nạn trên bầu trời Trung Phi.
Pháp cho mở hai cuộc điều tra và kết luận không có dấu hiệu đây là một cuộc mưu sát, nhưng đến nay vụ tai nạn vẫn còn là nghi án lịch sử chưa có lời giải đáp.

Nghi vấn và nhân vật

Có giả thuyết nói kế hoạch Duy Tân được Tướng Charles de Gaulle chuẩn bị để thành con bài của Pháp ở Đông Dương đã bị ngăn cản.
Cảm giác nuối tiếc còn đến từ mất mát khi một nhân vật có tiếng ra đi trong hoàn cảnh bất thường.
Không chỉ cựu hoàng Duy Tân mà còn có nhiều nhân vật đấu tranh cho mục tiêu dân tộc của họ khi Thế Chiến đến hồi kết thúc không hiểu vì sao đều gặp các tai nạn phi cơ.
Gandhi (trái) và Chandra Bose (phải) là hai nhân vật nổi tiếng của Ấn Độ
Tướng Ba Lan, Wladyslaw Sikorski, tư lệnh phe Cộng hòa Ba Lan chống phát-xít cùng quân Đồng Minh Anh và Mỹ ở Mặt trận phía Tây bị tử nạn khi chiếc B-24 Liberator lao xuống biển.
Cho đến nay vẫn có người Ba Lan tin rằng ông bị giết để cuộc đàm phán 'trao Ba Lan hậu chiến' về cho Stalin được thuận lợi hơn.
Trước khi xảy ra tai nạn, vào tháng 7/1943, ở cương vị Thủ tướng chính phủ Ba Lan lưu vong đóng ở London, ông đã yêu cầu Hồng Thập Tự Quốc tế điều tra vụ thảm sát Katyn, khiến Stalin bẽ mặt và phẫn nộ.
Vào lúc đó, Liên Xô vẫn đổ cho Đức gây ra vụ bắn chết hơn 20 nghìn sỹ quan Ba Lan rơi vào tay họ tháng 3/1940.
Ngày 18/08/1945, lãnh đạo quân đội quốc gia Ấn Độ thân Nhật, ông Subhas Chandra Bose cũng tử nạn khi chuyến bay khởi hành từ Sài Gòn sang Nhật đáp xuống Đài Loan rồi rơi lúc cất cánh trở lại.
Có thuyết nói khi thấy Nhật đã thất bại, ông Bose muốn tìm về theo Liên Xô để đấu tranh chống Anh Quốc giành độc lập nhưng bị phe phái nào đó giết chết đi để loại trừ một đối thủ sau Thế chiến.
Nhưng một bạn Ban Tiếng Hindi ở BBC nói với tôi rằng cho đến thập niên 1970 vẫn có những người khác tin rằng ông Subhas Chandra Bose không hề chết mà vẫn sống ở Liên Xô, hay ở nước khác.
Điều này đem ta lại với các thuyết âm mưu mà câu chuyện về MH370 là một ví dụ điển hình.
Như một trang báo Anh vừa nêu, có ít nhất sáu giả thuyết, từ phi lý nhất đến loại nghe có vẻ hợp lý về vụ MH370.
Trong bài ' MH370: Six 'theories' why plane vanished', người ta nhắc đến cả thuyết 'bị không tặc bắt cóc', 'máy bay bị tráo', 'hạ cánh xuống đảo Diego Garcia'...
Và cho đến hôm nay, không ít thân nhân vẫn tin hoặc cố tin rằng những người mất tích trên chuyến bay vẫn sống ở̉ đâu đó.
Vì không còn tin nữa thì coi như là hết, nên người ta sẽ tiếp tục tin.
Phố mang tên cựu hoàng Vĩnh San ở Reunion
Khi không kiểm soát được sự kiện, hoặc không thay đổi được quá khứ thì người ta muốn tin vào điều gì tốt đẹp hơn, dù chỉ trong tâm trí.
Có người Việt Nam vẫn tin rằng nếu vua Duy Tân trở lại về nước cầm quyền năm 1945 thì lịch sử hẳn đã khác.
Vì một vị cựu hoàng, anh hùng dân tộc chống Pháp, lại là thiếu tá Vĩnh San trong quân đội Pháp Tự do thuộc phe Đồng Minh, hẳn có đủ uy tín tập hợp lực lượng cho độc lập dân tộc ở tầm vóc khác hẳn những người cùng thời mà công và tội nay chúng ta thấy rõ.
Thực tế 'kế hoạch Vĩnh San' của Pháp ra sao sẽ không ai biết được vì nó chưa bao giờ thành hiện thực.
Nhưng khó mà không nuối tiếc khi từng có một vị vua trẻ con lúc hơn 10 tuổi đã biết nói "Nước bẩn thì chỉ có thể rửa bằng máu".
Ngày nay, hài cốt vua Duy Tân đã yên nghỉ ở Huế, và trên đảo Reunion có một đại lộ mang tên ông là Boulevar du Prince Vĩnh San.
Con đường ông đi không bao giờ đến đích nhưng niềm tin và hy vọng liên quan đến ông hay những người khác hóa ra không hẳn là hão huyền.
Nó thể hiện niềm tin vào các nhân vật biết sống đẹp, dám đấu tranh, bất kể thời gian, hoàn cảnh.
Vì như lời viết ra sau vụ MH370, không phải cái chết là vĩnh cửu mà hy vọng mới là vĩnh hằng.
'Hy vọng là vĩnh hằng': hình vẽ sau vụ MH370

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét