Pages

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Bùi Tín - Trùng tu hay hủy hoại?

Nhà hát Lớn Hà Nội (hình chụp năm 2011).
Nhà hát Lớn Hà Nội (hình chụp năm 2011).
Nhìn thấy những bức ảnh mới nhất chụp Nhà Hát Lớn Hà Nội đã được trùng tu, sơn mới để chào mừng 70 năm cuộc Cách mạng tháng 8 - 1945 mà tôi xót xa, buồn thảm tận đáy lòng.

Tôi tự hỏi sao lại có người nhẫn tâm hay vô tình hủy hoại đến vậy một công trình văn hóa có giá trị lịch sử - kiến trúc - văn hóa - tinh thần hàng đầu của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội của dân tộc ta.

Một sự tối tăm, u mê mù quáng kéo dài nhân danh tu bổ, nâng cấp, hiện đại, cải tiến… bộ mặt thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng CS, tự nhận có vai trò tiền phong dẫn dân tộc ta trên con đường văn minh, hiện đại. Sao mà trái ngược đến vậy. Nền văn hóa vô sản là tệ hại đến mức này ư ?

Nhà Hát lớn Hà Nội là một trong số 1.600 công trình kiến trúc lớn nhỏ do thời thực dân Pháp để lại, trong đó phần lớn là những công trình của nhà nước, của công, của chung xã hội, chỉ có 600 nhà của tư nhân, của các nhà tư sản, kinh doanh, viên chức cấp cao. Các công trình ấy tạo nên bộ mặt riêng của Hà Nội rất đặc sắc, độc đáo, có giá trị lâu bền, không giống ở đâu, là tài sản vô giá của xã hội ta, nhân dân ta, dân tộc ta, phải giữ gìn, bảo tồn, để lại cho các thế hệ mai sau.

Có thể kể ra những công trình tiêu biểu nhất ở thủ đô là: Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền xưa), trụ sở Bộ Ngoại giao (Sở Tài chính cũ), Nhà Thờ lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà Bưu điện Bờ Hồ, Nhà Khách Chính phủ (Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cũ), Khách sạn Sofitel – Métropole, Thư viện Quốc gia, Cầu Thăng Long (Paul Doumer cũ), Ngân hàng Trung ương, Tòa Án Thượng thẩm, các Trường Đại học và Trung học, các Bệnh viện, các khu Chợ, Nhà Hàng lớn …

Nhà Hát lớn Hà Nội (NHL) là một trong những công trình quý giá, đặc sắc nhất về mọi mặt, viên ngọc quý, được xếp hạng vào loại Di tích Quốc gia Đặc biệt. NHL xây dựng từ ngày 7/6/1901, hoàn thành năm 1911, đánh dấu đầu thế kỷ XX.

Nét riêng của NHL là xây dựng theo kiểu mẫu của Nhà Hát lớn Paris – Opéra National de Paris, xây dựng xong năm 1861, do 2 kiến trúc sư tài năng Ernest Guichard và Eugène Ferrier vẽ kiểu, được coi như một công trình kiến trúc - nghệ thuật độc đáo theo kiểu «Gô-tích Chói Sáng» - Gothique Flamboyant –vừa cổ xưa vừa lộng lẫy, đặc trưng của nền nghệ thuất đặc sắc của Đệ Tam Cộng hòa Pháp.

Nước Pháp luôn bảo tồn nguyên vẹn Opéra National của mình, không suy suyển từ hình dáng, màu sắc, vật liệu, chỉ thay thế như nguyên mẫu. Đến khi cần một nhà hát mới hiện đại của thế kỷ XXI, nước Pháp quyết định xây dựng hẳn một nhà hát mới ở một khu vực ở phía Đông thủ đô (trong khi Nhà Hát Opéra cũ ở phía Tây), trên mảnh đất La Bastille - trại giam cũ của thời phong kiến.

Nhà hát mới là kiến trúc hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn hiện đại, phủ toàn bằng kính là vật liệu mới, với hình dáng, góc cạnh, tường mái ngay thẳng, ngang chéo theo nghệ thuật tạo hình mới mẻ. Hai công trình cổ và kim khác hẳn nhau, ở vào 2 thời đại xa nhau, nhưng đều có giá trị thẩm mỹ bền lâu, không thể trộn lẫn vào nhau được, ngắm nhìn mỗi công trình khác hẳn nhau, với vẻ đẹp riêng, không chán mắt.

Ở Hà Nội, chính phủ ra quyết định trùng tu Nhà Hát lớn vào tháng 11 năm 1997, với sự giúp đỡ, viện trợ của chính phủ Pháp, lên đến hàng chục triệu Euros. Hồi ấy trên một số mạng tự do đã có những ý kiến bàn tán không hài lòng về công cuộc trùng tu lớn này, do Bộ Văn hóa tự đứng ra đảm nhận. Nào là sao không nhờ một số nhà kiến trúc Pháp sang góp ý cho cuộc trùng tu được hoàn hảo. Sao không trưng cầu ý kiến của các chuyên gia kiến trúc - bảo tồn nước ta. Sao lại tùy tiện thay đổi vật liệu trên mái của Nhà Hát lớn, thay vật liệu lát nền, thay hình một số cột trụ, cửa lớn. Đã có ý kiến yêu cầu mở cuộc điều tra về tổng chi phí số tiền công quỹ và viện trợ của nước Pháp, do có nghi vấn mờ ám khi Bộ Văn hóa tự lập ra 3 công ty để tự nhận thầu các hạng mục như xây dựng, lát nền, thay mái, trang trí nội thất, thay 900 ghế ngồi mới trong cả 3 tầng. Nhiều cán bộ Bộ Văn hóa hồi ấy đã tố cáo đích danh Bộ trưởng Văn hóa Phạm Quang Nghị đã lợi dụng kiếm lợi riêng trong những việc sai lầm trên đây và yêu cầu giải quyết trước khi ông Nghị về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Nhưng mọi chuyện đã rơi vào im lặng.

Cho đến mới đây, chuẩn bị kỷ niệm chẵn 70 năm Cách mạng tháng Tám, khi Nhà Hát lớn được sơn phết màu vàng chóe rất phản nghệ thuật thì nhiều mạng tự do như Dân Làm Báo, Tễu, Đối Thoại…đăng nhiều bài la lớn, «giật mình» khi Nhà Hát lớn của thủ đô đã biến dạng sau cuộc trùng tu. Giáo sư Hoàng Đạo Kính phải la toáng lên trên mạng Dân Làm Báo rằng sao lại khoác áo lòe loẹt khó coi cho một công trình kiến trúc lịch sử như vậy. Ông còn nói thẳng ra rằng màu vàng chóe phản nghệ thuật ấy xưa chỉ để dành cho việc cảnh báo về bệnh dịch tả.

Thế rồi nhiều mạng đi tìm lại những bức ảnh Nhà Hát lớn hồi xưa đặt bên cạnh Nhà Hát lớn hiện nay. Ngắm nhìn 2 bức ảnh mà đau xót, phẫn uất. Sai lầm này không thể sửa!

Trùng tu, nâng cấp hay là hạ cấp, hủy hoại từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài, một công trình kiến trúc - nghệ thuật, có giá trị lịch sử - tâm linh gắn bó với mọi người dân thủ đô?

Một kiểu kỷ niệm phản tác dụng, láo xược, thách thức lòng yêu quý thủ đô, lòng yêu quý Nhà Hát lớn của mỗi công dân Hà Nội hiện sống tản mác ở khắp 4 phương trời.

Bùi Tín

(Blog VOA)

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét