Pages

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Cao Huy Huân: Hội nhập - Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn


Mấy hôm trước đi cùng đám bạn Việt Nam về miền Tây chơi một chuyến, vào tận vườn lúa, đồng tôm và mấy vườn trái cây xum xuê. Bà con ai nấy áo ướt mồ hôi, miệng lúc nào cũng cười toe tét, xởi lởi mời khách phương xa ăn uống đủ thứ. Cái chất miền Tây không lẫn vào đâu được của người Việt quê mình. Nhưng thấy bà con cần lao sớm nắng chiều mưa, thức khuya dậy sớm để rồi bán ra nông sản rẻ bèo, rẻ mạt mà bụng dạ xót xa.

Bộn bề chuyện dân làm mãi chẳng giàu

Ông chú lái đò đưa chúng tôi đi dạo một vòng, luồn qua từng con rạch, cái cầu khỉ rợp mát bóng cây bần hai bên bờ. “Nhà trồng lúa, làm hoài chẳng giàu nổi chú ơi. Năm nào trúng lúa thì thương lái vào mua giá rẻ như cho. Năm nào giá lúa tăng cao thì tụi tui chẳng tìm đâu ra hàng để bán vì bị mất mùa. Vậy nên, phận đời cứ nổi trôi như con nước ở đây. Riết rồi quen. Chỉ trông chờ con cháu, trẻ như mấy chú, lên Sài Gòn học rồi về giúp gia đình, chứ chật vật mãi cũng không xây được cái nhà”, ông đưa đò tâm sự. Rồi ông hát vài câu, nghe cứ như trong các bộ phim miền non nước. Buồn đến nao lòng. Lũ bạn tôi cũng cảm thông, và có phần ái ngại cho số phận của những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng chẳng thu lại được mấy đồng.

Có thằng bạn cũng đọc nhiều, viết nhiều kể lại. Dân mình làm cực khổ, nhưng việc buôn gánh bán bưng vốn đã quá lỗi thời. Dân nghèo, nhiều nông dân thất học, nên đâm ra chịu lỗ lả. Thương lái về đây, nói thế nào thì bà con nghe thế nấy. Năm bà con trúng mùa, thì họ bảo chợ ối hàng, bán đi, chứ không để hư hại (nông sản) mà chẳng ai thèm mua. Dân hoảng quá, bán lấy bán để, chỉ mong lại vốn, chấp nhận để thiệt tiền công. Tức nhất là có khi gạo thế giới tăng giá, dân quê mình vẫn phải bán rẻ như bèo. Thương lái vào vườn, bảo gạo chất lượng kém, thu hoạch không đúng quy trình, hạt gạo không ngon... Đủ thứ lý do, dân cũng không biết thật hư, vì tâm lý đám đông nên đua nhau bán. Tôi hỏi thế chính phủ đâu, nhà nước đâu, đứa bạn thở dài, mặc cho tôi đoán già đoán non ra hàng ngàn lý do, để rồi lòng cứ nặng trĩu như thể đang phải vác phải thứ gì đó vô hình.  

Về Sài Gòn, tôi đi cà phê với mấy thằng bạn cũ. Tụi nó lướt lượt mạng xã hội, rồi nhắc tôi: “Nè, mày xem để hiểu tại sao, nông sản quê mình cứ rẻ hoài, rẻ mãi”. Gạo Việt phụ thuộc thị trường Trung Quốc quá lớn, đến mức Bắc Kinh như cái máy “hút gạo”, bao nhiêu gạo dồn về đó. Dân Trung Quốc “cáo” ghê gớm. Chính phủ giàu gạo bạo tiền, tung mức giá cao mua gạo từ thương lái người Trung. Các tay mua bán người Trung bằng nhiều cách, qua Việt Nam mượn tay thương lái Việt để đi “gom gạo”. Nông dân Việt ít học, ít thông tin, bị bọn người Trung dở trò “bất đối xứng thông tin” để dọa đủ kiểu về giá cả, thị trường. Thế là đua nhau bán gạo, vỗ béo cho các tay đầu nậu người Việt và các thương lái người Trung – những kẻ ngồi rung đùi ở khách sạn 5 sao, và cười ngắc nghoẻo vì lợi cao bên kia biên giới. Nếu nhà nước có cơ chế kiểm soát thông tin, nghiên cứu và thông báo giá cả, nhu cầu về sản lượng, quy trình, chất lượng... để nông dân biết mà hướng theo sản xuất, thì nông dân chẳng cần phải lo đủ thứ chuyện, sợ đủ thứ điều, để rồi chỉ biết thở dài làm giàu cho những tay đầu nậu.

Việc thiếu thông tin, mà một phần trách nhiệm lớn nằm ở chính sách hỗ trợ thông tin của chính phủ (thông qua các hiệp hội nông nghiệp, hiệp hội nhà nghề...), còn dẫn đến hệ lụy dân mình bị người Trung Quốc lừa suốt mấy năm qua, nhất là chuyện thương lái người Trung mua những món độc và lạ như lá điều, lá khoai, dứa xanh, dừa non, móng trâu, rễ sim, rễ hồ tiêu,... Kể cũng khổ cho dân nhà mình, chỉ cần vài ba tên thương lái Trung Quốc sang và chia nhau dở trò “thổi giá” – một chiêu trò quen thuộc của giới kinh doanh bất động sản, hay chứng khoán – thì dân mình mất bạc tỷ. Biết dân mình thiếu thông tin, cửa trước chúng rêu rao thu mua những món “hàng độc”, chưa từng có tiền lệ mua bán, rồi thổi giá lên cao ngất, kêu gọi thương lái thu gom. Cửa sau chúng tuồng hàng đã gom được (giá thấp) để bán lại, kiếm lời từ chênh lệch giá. Thế là đầu nậu quê mình sập bẫy, tốn kém tiền bạc tỷ đổi lại một kho hàng toàn những thứ cho không ai lấy, bỏ không ai thèm. Chiêu cũ này bọn thương lái Trung Quốc dùng đi dùng lại, vậy mà chính quyền nhà mình vẫn để dân mắc lừa hoài.

Lo toan phá sản ngày hội nhập

Hết chuyện dân thiếu thông tin lại đến chuyện doanh nghiệp nội rầu rĩ, cầu cứu khi Việt Nam tăng cường hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Xưa nay quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy công ty “ông lớn” nhà mình. Từ xây dựng, dệt may, mía đường, chăn nuôi, năng lượng, lương thực... ở đâu cũng có doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo. Các “ông lớn” sống trong cảnh được nhà nước bao bọc, chở che, riết đâm ra chây ì và phản ứng kém.

Hôm rồi báo chí đưa tin, khảo sát doanh nghiệp nội xong chẳng mấy ông biết chuyện Việt Nam sắp bãi miễn hàng tá thứ thuế quan nhập khẩu từ các nước. Càng chẳng ai để ý đến chuyện Việt Nam – EU đang đàm phán hiệp định thương mại tự do, ASEAN đang chuẩn bị ra mắt cộng đồng kinh tế AEC... Để rồi khi các doanh nghiệp ngoại nhập hàng “xịn” giá rẻ (vì không bị đánh thuế), thì doanh nghiệp đua nhau than trời than đất. Năm ngoái, ông bầu Đức qua Lào sản xuất đường công nghệ cao, nhập về Việt Nam giá rẻ bèo, doanh nghiệp bắt đầu la ó, bám víu vào những chính sách trợ cấp và thuế quan của nhà nước. Rồi năm nay Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương đang sắp sửa hoàn thành, thì con bò, con heo, con gà của cô bác nhà mình sắp gặp nạn “ế nhệ”, vì bò, heo, gà của các nước vừa ngon, vừa chất lượng, vừa rẻ...sắp ồ ạt đổ về.

Nông dân khóc vì hội nhập đã đành, vì họ không nắm thông tin, và cũng không có mấy cơ hội, phương tiện, điều kiện để thích ứng khi chính sách hỗ trợ nông dân nói hoài mà chẳng thấy đâu. Ấy vậy mà các ông lớn ngành dệt may, nông nghiệp, mía đường – toàn những đại diện của kinh tế nhà nước – cũng than khóc, đòi “ngăn sông cấm chợ”, yêu cầu gia hạn, miễn giảm, hỗ trợ đủ thứ điều để còn đủ sức gồng gánh trước sức ép mạnh như vũ bão của các doanh nghiệp ngoại. Cơ chế xin-cho ăn sâu vào tâm lý và tác phong làm việc, nên khi báo chí, truyền hình phấn khởi vì dân sắp được mua hàng chất lượng cao giá rẻ, thì các doanh nghiệp – vốn sống dưới sự bảo bọc của nhà nước – cứ kêu than, khóc ròng.

Tôi xin lấy chuyện con bò để nói chuyện nhà mình. Lẽ ra việc nuôi bò phải được nhà nước, kết hợp với mấy ông nhà khoa học – vốn “nghiền” hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của dân – để xây dựng một quy trình nuôi bò chuẩn với quốc tế. Nói nôm na, bò Việt cũng ngon như bò ngoại. Thế chưa đủ, các ông doanh nghiệp phải được nhà nước kêu gọi, xúm nhau lại để xây dựng chuồng trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phụ nông dân sản xuất để giảm tối đa giá thành sản phẩm. Các hiệp hội nhà nghề (của các ông doanh nghiệp), thay vì tối ngày tụ lại đòi quyền lợi và dùng đủ thứ trò để đòi quyền lợi từ chính sách nhà nước, thì phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin về nhu cầu và yêu cầu sản phẩm từ thị trường trong nước lẫn quốc tế. Từ đó, nông dân vừa có thông tin, vừa đủ sức để sản xuất ra sản phẩm đủ về lượng, đầy về chất để bán ra thị trường, mang lại lợi ích về cho tất cả các bên.

Thế nhưng cho đến nay, nhà nước chẳng hề quyết liệt để mặc cho nông dân tự bơi là chính. Doanh nghiệp núp bóng nhà nước, đòi hỏi quyền lợi, làm biếng lao động, tạo kẻ hở cho mấy tay đầu nậu (Trung Quốc) len lỏi xuống đồng ruộng để ép dân. Còn nói xa hơn, khi các tay đầu nậu này “cao cấp” hơn, chính là các doanh nghiệp khổng lồ ngoại quốc ùa vào Việt Nam, thì xin thưa con bò, con gà mà người Việt nuôi chẳng biết còn ai mua nữa không. Vì giá cao, chất lượng kém, và trên hết là chẳng ai còn đủ kiên trì để nuôi bò, nuôi gà mà thay vào đó đi làm thuê, làm mướn cho nước người ta.

Cao Huy Huân

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét