Pages

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông

Tàu chiến USS Fort Worth (LCS 3) của Mỹ hiện diện trên biển Đông.
Tàu chiến USS Fort Worth (LCS 3) của Mỹ hiện diện trên biển Đông.
Hoa Kỳ nhấn mạnh nước này sẽ không trung lập khi buộc các quốc gia khác phải tuân thủ luật lệ quốc tế trong vụ tranh chấp biển Đông, và sẽ cương quyết bảo đảm rằng các bên phải làm theo luật, một nhà ngoại giao hàng đầu của nước này tuyên bố.
Hoa Kỳ từng nhiều lần nhấn mạnh không đứng về phía nào và không ủng hộ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ ai, đồng thời tuyên bố muốn chứng kiến các bên giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.
Chính điều đó đã khiến nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ “trung lập” trong vấn đề biển Đông, và sau những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của Washington thời gian qua, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đi ngược lại quan điểm bấy lâu nay.
Tại một cuộc hội thảo mới đây ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, trả lời câu hỏi về tính trung lập của Hoa Kỳ ở biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, nói:
“Chúng tôi không trung lập khi nói tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ có thái độ cương quyết liên quan tới việc tuân thủ pháp luật. Chúng tôi không đứng về phía nào trong việc tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo. Điều đó có nghĩa là quan ngại của chúng tôi là về thái độ, cách xử sự cũng như cách thức các bên tuyên bố chủ quyền”.
Chính vì lẽ đó, ông Russel nói rằng Hoa Kỳ hiện thúc giục các bên liên quan ở biển Đông duy trì các điều kiện cần thiết và môi trường hợp tác nhằm xử lý các tranh chấp một cách hòa bình, thông qua biện pháp ngoại giao và đúng luật.
Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi các nước, không chỉ riêng Trung Quốc, tránh gây ra các hành động đi ngược lại “tinh thần hợp tác”, như lấn biển, xây dựng các cơ sở và quân sự hóa các đảo.
Tuyên bố của ông Russel đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc rầm rộ tiến hành các hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông, gây quan ngại cho các quốc gia tranh chấp chủ quyền khác cũng như Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Việt Nam, Singapore và Malaysia vào đầu tháng tới, và dự kiến sẽ nhắc lại vấn đề này trong cuộc họp với những người đồng cấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN.
Phát biểu trước các cử tọa gồm các nhà nghiên cứu hàng đầu về biển Đông, ông Russel thừa nhận rằng sẽ là một thách thức lớn để giải quyết tranh chấp khi các nước đều tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với vấn đề biển Đông.
'Phải tuân theo quyết định'
Về vấn đề giải quyết tranh chấp qua tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, ông Russel đề cập tới vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Nhà ngoại giao này nói rằng cho dù kết quả ra sao thì cả Bắc Kinh và Manila cần phải tuân theo quyết định của tòa vì hai nước đều từng ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.
Ông nói thêm: “Khi tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, cả Philippines và Trung Quốc đồng ý với cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của công ước. Theo đó, quyết định của tòa trọng tài có tính cưỡng hành đối với các bên tranh chấp. Để duy trì pháp quyền, cả Philippines và Trung Quốc cần phải tuân thủ bất kỳ quyết định nào đưa ra trong vụ này, dù họ có thích hay không”.
Ông Russel nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các quyền lợi riêng của mình theo nhiều cách, trong đó có việc củng cố liên minh cũng như thúc đẩy các cam kết an ninh và hỗ trợ việc phát triển các tổ chức khu vực một cách hiệu quả.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Washington “không hậu thuẫn Philippines để chống lại Trung Quốc trong vụ kiện mà Mỹ chỉ bảo vệ quyền của Philippines”.
Bắc Kinh mới đây kêu gọi Manila đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh, thay vì tiếp tục nỗ lực giải quyết tranh chấp biển Đông trước tòa án quốc tế.
Philippines đã yêu cầu tòa án ở La Haye bác bỏ các yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc và cho rằng hành động của Bắc Kinh là chà đạp lên quyền lợi của các nước khác.
Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng tòa này không có thẩm quyền và từ chối tham gia giải quyết vụ việc mà Philippines đệ đơn kiện.
Tòa hoạt động theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đã tổ chức một phiên toà kéo dài một tuần, và kết thúc hôm qua nhằm xem xét vụ việc Manila nêu ra. Cơ quan này đặt thời hạn chót là ngày 17/8 để Bắc Kinh trình bày lý lẽ của mình.  
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét