Pages

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Người Buôn Gió - Bổ nhiệm và không tái bổ nhiệm.

Bổ nhiệm nhân sự .

Vừa qua thủ tướng chính phủ đã ký một loạt quyết định tái bổ nhiệm và không tái bổ nhiệm cho một số quan chức. Trong đó đáng lưu ý là một bí thư huyện uỷ vừa mới bị kỷ luật vì xà xẻo tiền cứu trợ được cất nhắc lên làm phó tổng thanh tra chính phủ.


 Tờ báo mới gần đây có thái độ thân với thành uỷ Hà Nội như Vietnamnet Lao Động chú trọng nhấn mạnh trường hợp bổ nhiệm này. Trong khi đó thì tờ anninhthudo thuộc thành uỷ Hà Nội lại đề cập đến vụ ông Nguyễn Xuân Sơn ở dầu khí vừa bị bắt. Tờ anninthudo đòi phải khiển trách, kỷ luật lãnh đạo bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn. Tuy tờ báo không nói, nhưng ai cũng biết người bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn là thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.


Cả hai trường hợp bổ nhiệm này đều được các tờ báo thân thành uỷ Hà Nội đưa tin gây hoài nghi về quy trình bổ nhiệm nhân sự của ông Nguyễn Tấn Dũng.

 Tất nhiên thì đằng sau vụ phanh phui bổ nhiệm này là đòn tấn công của thành uỷ Hà Nội để phản pháo lại vụ thủ tướng chính phủ đòi báo cáo lại việc xử lý vi phạm chặt cây ở Hà Nội. Vụ mà Hà Nội đã xử lý  hời hợt, thiếu nghiêm túc.

Nhưng không thể vì động cơ đó của thành uỷ Hà Nội mà nói rằng việc bổ nhiệm nhân sự của ông Nguyễn Tấn Dũng không có vấn đề.

Việc bổ nhiệm của ông Dũng có nhiều lỗ hổng. Và đương nhiên  các đối thủ chính trị của ông Dũng  như Phạm Quang Nghị, một tay chơi lão làng về tuyên giáo không thể bỏ qua.

Có lẽ việc này sẽ tạm dừng không nhắc đến, nếu như ông Nguyễn Tấn Dũng không tiếp tục đòi các thanh tra không thuộc khối thành uỷ Hà Nội báo cáo vụ việc này.

Không tái bổ nhiệm.

Tờ Vietnamnet dẫn tin lại từ tờ Người Lao Động tin thủ tướng ký quyết định không tái bổ nhiệm thứ trưởng bộ y tế , ông Cao Minh Quang.


Theo bản tin thì ông Cao Minh Quang dùng bằng giả, phát ngôn thiếu chính xác, không thận trọng về một số vụ việc ở Bộ Y Tế, vay tiền của doanh nghiệp. Quyết định không tái bổ nhiệm này được ông Dũng dựa trên cơ sở kết luận của Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng.

'' Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Cao Minh Quang đã có những khuyết điểm, vi phạm như thiếu gương mẫu, vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách; phát ngôn, phản ánh không chính xác, thiếu thận trọng về một số vụ việc tại Bộ Y tế. ''

Bộ Y Tế là một trong những bộ yếu kém nhất, gây bức xúc cho dư luận nhiều nhất. Trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo mới đây bọ trưởng Nguyễn Kim Tiến được tín nhiệp thấp nhất.

Việc không tái bổ nhiệm ông  Quang dễ dàng được dư luận đồng tình, trong cơn bức xúc như vậy thì bất kể lãnh đạo nào của bộ y tế bị cắt chức đều được dư luận hoan nghênh. Nhất là thêm yếu tố dùng bằng cấp giả cũng là một điểm mà dư luận bức xúc.

Nhưng nếu hoài nghi, hãy đặt câu hỏi là ông Cao Minh Quang  phản ánh gì không chính các và  thiếu thận trọng để đến nỗi thành yếu tố bị kỷ luật Đảng và thôi chức.

Đi tìm câu trả lời, có lẽ chúng ta sẽ thấy một thứ trưởng Cao Minh Quang khác.


Thứ trưởng Cao Quang Minh đã phát hiện ra một vụ việc động trời, nguy hại cho xã hội. Đó là việc các công ty dược phẩm của Bộ Y Tế nhập về số lượng PSE khổng lồ. PSE là tiền chất để chế tạo ma tuý tổng hợp. Đặc biệt là có xí nghiệp dược phẩm quân đội tham gia. Đơn vị quân đội này có hoá đơn nhập hàng, nhưng kiểm tra thực tế thì không có số tiền chất PSE này trong xí nghiệp. Vậy số tiền chất nguy hiểm này chạy đi đâu.? Tại sao xí nghiệp dược quân đội này lại cho phép các công ty tư nhân đứng ra kinh doanh mặt hàng này thay họ.?

'' Qua thanh tra thực tế, Bộ Quốc phòng xác minh: Xí nghiệp 30 thuộc Công ty TNHH.MTV Đông Hải đã hợp thức hóa 31 hóa đơn của Công ty cổ phần BV.Pharma xuất khống thành phẩm thuốc cảm, hoàn toàn không nhận hàng hóa và được hưởng hoa hồng là 2,07% trên trị giá hóa đơn.

Trong quá trình kinh doanh, Xí nghiệp 30 để các đối tượng ngoài quân đội lợi dụng danh nghĩa của Xí nghiệp 30 kinh doanh trái pháp luật: chỉ có hóa đơn, không có thuốc, nhưng vẫn nộp tiền vào tài khoản của các công ty qua ngân hàng chuyển đến tài khoản của Công ty Đông Hải để Công ty Đông Hải chuyển trả cho Công ty cổ phần BV.Pharma.''

Sau khi phát hiện ra sự nguy hiểm này trong hệ thống kinh doanh của bộ y tế trong việc nhập khẩu và phân phối chất PSE. Ông Cao Minh Quang đã đề nghị tạm dừng nhập khẩu chất này, đề nghị làm rõ xem số lượng lớn chất PSE tuồn ra ngoài đang ở đâu. Đồng thời ông Cao Minh Quang  cũng đề nghị dùng loại chất khác mà quốc tế đang khuyến nghị để thay thế cho chất PSE. Hạn chế được tác động đến người dùng thuốc cũng như tránh tình trạng lợi dụng nhập về để dùng vào mục đích khác.

Ngay lập tức sau báo cáo của ông Minh đến văn phòng chính phủ, Bộ Y Tế trả đũa bằng cách đưa ra đề nghị xem xét tư cách của ông Cao Quang Minh.


'' Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, trước những thông tin báo chí nêu về đồng chí Thứ trưởng Cao Minh Quang như vay nợ, bằng cấp, tuổi và trù dập cán bộ, Ban Cán sự Đảng (Bộ Y tế) đã họp và yêu cầu ông Quang phải giải trình bằng văn bản cụ thể từng vấn đề mà báo chí nêu.''

Bộ Y Tế đã tổ chức họp cán sự Đảng, tại đây các thành viên của Ban thường vụ Đảng Bộ Y Tế đã thống nhất đòi kỷ luật ông Cao Quang Minh.

Kết luận của ban cán sự Đảng Bộ Y Tế được đưa cho Uỷ Ban Kiểm Tra trung ương. Cơ quan tối cao này đã ra quyết định kỷ luật ông Cao  MinhQuang. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hợp thức hoá quyết định của Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương bằng cách không tái bổ nhiệm ông Cao Minh Quang  vào chức thứ trưởng.

Hoài nghi nhân sự.

 Nhìn các trường hợp bổ nhiệm và không tái bổ nhiệm mà thủ tướng chính phủ ký. Có thể không những hoài nghi về những trường hợp nhân sự được bổ nhiệm mà ngay cả những người không được tái bổ nhiệm cũng có vấn đề.

  Đến đây thì chúng ta thấy quyết định để sắp xếp nhân sự của chế độ cộng sản Việt Nam  rất chồng chéo. Ví dụ việc ông Dũng bổ nhiệm đồng hương của mình từ bí thư huyện bị kỷ luật thành phó thanh tra chính phủ dễ dàng. Nhưng ông Dũng lạị phải buộc nghe theo  Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng để kỷ luật ông Cao Minh Quang.

Nếu như ông Cao Minh Quang dùng văn bằng giả, tại sao không phát hiện sớm từ ban đầu, quy trình xét duyệt, thẩm tra lý lịch cán bộ ở đâu. Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng làm gì lúc đó. Tại sao đến khi ông Quang phanh phui việc buôn bán tiền chất ma tuý tổng hợp thì vài tháng sau Ban Kiểm Tra Trung Ưởng Đảng lại vào cuộc kiểm tra và kết luận ông Quang dùng bằng giả, phát ngôn thiếu chính xác...?

Hoá ra vấn đề nhân sự cán bộ của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào ảnh hưởng của các phe phái. Tuỳ thuộc vào quyền lợi từng lúc, thoả hiệp từng lúc giữa hai bên. Hay mỗi bên dựa theo tình thế ra quyết đinh.  Lúc thì dùng quyền bổ nhiệm của thủ tướng, lúc thì dùng quyền bổ nhiệm của ban tổ chức trung ương. Lúc cần kỷ luật thì dùng quyền chính phủ, lúc khác thì dùng quyền của ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng.

 Rối như canh hẹ, người dân sẽ không biết vì sao một người kỷ luật được lên chức.  Hay một ngừoi dám đấu tranh vạch ra sự thật bị giáng chức. Không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong những việc như thế.

 Ngay cả bộ chính trị cũng có quyền bổ nhiệm thứ trưởng, trường hợp của bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình được bộ chính trị bổ nhiệm về làm thứ trưởng công an như ông Bùi Văn Nam.

Người dân Việt Nam như những khán giả dễ tính ngồi xem vở kịch. Một vở kịch đặc biệt có một không hai trên thế giới, đó là việc thay diễn viên  bất thình lình có thể do đạo diễn hoặc ông viết kịch bản hay ông chủ nhiêm sản xuất, nhà đầu tư. Thậm chí là ông giám đốc nhà hát luôn.

Một vở kịch như thế  chỉ mang đến thông điệp rối ren, hỗn loạn, bất ổn, chả đi đến đâu, không có hồi kết.

Đó cũng chính là tình trạng của đất nước Việt Nam này.

Người Buôn Gió

(Blog Người Buôn Gió)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét