Pages

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Trung Quốc đứt neo


Khi con tàu của Tàu bị nứt

Rốt cuộc thì niềm hy vọng chỉ tồn tại được hai tuần.

Hôm Thứ Hai 27, chỉ số Phức Hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index, ký hiệu SHCOMP) lại mất gần 8.5%, một mức sụt giá trong ngày chưa từng thấy từ lần tuột giá trước vào ngày 27 Tháng Hai năm 2007. Các chỉ số của thị trường Thẩm Quyến và ChiNext cũng lao dốc tương tự. Biến động này chạy theo ánh mặt trời, làm các thị trường Âu Châu rồi Hoa Kỳ đều tơi tả.

Nhìn trong ngắn hạn, động cơ chính của vụ tuột giá gồm có hai yếu tố.

Thứ Sáu tuần trước, thống kê về đơn đặt hàng chế biến PMI (purchasing management index) của Trung Quốc, một chỉ số có tính cách tiên báo về sinh hoạt sản xuất trong thời gian tới, sụt nặng hơn mọi dự đoán và báo hiệu tình trạng trì trệ kinh tế sắp tới. Khi sản xuất đình đọng thì lợi nhuận không thể tăng và giá cổ phiếu vì thế sẽ giảm. Lý do thứ hai là sau khi tung mọi biện pháp bất thường để nâng giá cổ phiếu kể từ ngày “Song Thất Kinh Hoàng,” hay “Thứ Ba Đen” vào mùng bảy Tháng Bảy, lãnh đạo Bắc Kinh có thể mệt mỏi buông tay xem sự thể trồi sụt ra sao. Ít ra là giới đầu tư suy đoán như vậy và rùng rùng tháo chạy.

Nhìn trong dài hạn, cổ phiếu tại Trung Quốc được định giá quá cao so với khả năng sinh lời nên đã sụt từ đầu Tháng Bảy và sẽ còn sụt nếu không được nhà nước nâng đỡ. Nhà nước nâng giá được bao lâu? Giá sụt đến cỡ nào thì mới là vừa, là “đúng giá?” Thế nào là “thực giá?”

Chúng ta cần vài chi tiết chuyên môn cho loại câu hỏi đó.

Bài nhập môn là giá trị cổ phiều lần lượt tùy thuộc vào các yếu tố căn bản là lợi nhuận, khả năng kinh doanh, tình hình thị trường và đà tăng trưởng kinh tế. Cổ phiếu là món hàng trao đổi trên thị trường chứng khoán là nơi các doanh nghiệp tìm đến để huy động vốn kinh doanh. Một là cho vay bằng cách đưa tiền và đem về tờ giấy nợ gọi là “trái phiếu” và được hưởng phân lời trong kỳ hạn. Hai là hùn vốn bằng cách mua cổ phiếu với kỳ vọng là được chia tiền lời gọi là cổ tức và hy vọng rằng tài sản mình trao cho doanh nghiệp sẽ lên giá sau này, nếu có bán lại thì vẫn có lời.

Khi mua qua bán lại các tờ giấy gọi là trái phiếu hay cổ phiếu trên thị trường, người ta còn phải nghĩ đến tâm lý của người trong cuộc, họ mua bán bằng thông tin hay nghe ngóng và có phản ứng bầy đàn. Nếu ai cũng mua thì ta nên mua và nhiều người mua thì giá sẽ tăng, hoặc ngược lại.

Giới đầu tư có nghiên cứu - khác với giới đầu cơ chơi stock như đánh bạc - còn dùng nhiều phương pháp kỹ thuật để trắc nghiệm tâm lý của thị trường. Một phương pháp là đếm mức “trung bình di động” (moving average) của giá cổ phiếu trong 50 ngày hay 200 ngày trước, mỗi ngày mới thì lại thêm đầu và bỏ đuôi - thêm kết quả của ngày mới nhất và bỏ kết quả của ngày cũ nhất. Và đường tuyến MA đó là “mức nâng” của thị trường. Khi giá cổ phiếu sụt dưới mức đó là có vấn đề.

Tính đến hôm 12 Tháng Sáu vừa rồi, khi thị trường lên tới đỉnh và tăng 150% so với 12 tháng trước, thì giá cổ phiếu vẫn cao hơn đường tuyến MA-200 (trung bình di động của 200 ngày trước). Mà cao hơn đến 55%. Tức là định giá gần gấp đôi “thực giá.” Giới chuyên môn bèn kết luận, thường thì không sai, rằng cổ phiếu Trung Quốc có thể sẽ mất phân nửa giá và thời gian điều chỉnh ấy cũng sẽ kéo dài khá lâu, ít ra cũng 200 ngày. Tức là vẫn chưa thấy quan tài.

Nên còn đổ lệ dài dài.

Vì sao chẳng ai thấy trước điều đó rồi bây giờ mới choáng váng? Không, hỏi vậy là sai rồi!

Vì sao Bắc Kinh không thấy điều mà nhiều người đã báo trước từ lâu?

Từ nhiều năm nay, giới chuyên gia khách quan - không có quyền lợi gắn bó với sòng bài Bắc Kinh - đã nói mãi rằng công cuộc phát triển kinh tế Trung Quốc từ năm 1949 chẳng có gì là kỳ diệu. Phép lạ kinh tế Trung Quốc chỉ là một huyền thoại, điều không có mà cứ được loan truyền.

Các nước Đông Á từng áp dụng quy luật thị trường để tìm đà phát triển đều có nhiều thập niên tăng trưởng cao như vậy, rồi trước sau mỗi bước lại có khi hụt hẫng, bị biến động và khủng hoảng, nên phải cải sửa. Sau Nhật Bản, các nền kinh tế khác tại Đông Á đã từng có giai đoạn tăng trưởng mà chỉ có Nam Hàn và Đài Loan là thật sự vươn lên và vượt qua “cái bẫy của lợi tức trung bình” để trở thành công nghiệp hóa ngang hàng Tây phương và Nhật Bản. Một trong những lý do ít ai chấp nhận là hai xứ này đã duy trì được mức công bằng xã hội trong thời tăng trưởng cao và tự chuyển hóa thành quốc gia dân chủ. Còn lại là các quốc gia vẫn còn xoay trở trong cái bẫy đó.

Việt Nam là ngoại lệ tệ hại nhất trong nhóm tân tòng Đông Á vì chưa lọt được vào trong!

Dù có dân số cao nhất và được 30 năm tăng trưởng ngoạn mục từ 1949 đến 2009, Trung Quốc chưa ra khỏi tình trạng này và như nhiều xứ khác đã gặp, đang tới thời phải cải sửa, chuyển hướng, để tránh khủng hoảng. Tai họa kia là tinh thần duy ý chí của lãnh đạo.

Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh thời Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo đã công nhận rằng kinh tế Trung Quốc không cân đối, thiếu phối hợp, chẳng công bằng nên không bền vững. Nhưng họ sửa không được mà còn lao vào khủng hoảng với núi nợ khổng lồ tựa trái bóng. Và họ trao lại nhiệm vụ chuyển hướng cho thế hệ Tập-Lý, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, lên lãnh đạo từ sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012.

Sau bốn Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung ương - mỗi năm hai kỳ - chi tiết về đường hướng cải cách đã được đề ra mà không chấp hành. Sau khi thấy thị trường địa ốc bị xì thì họ lại bơm tiền vào thị trường cổ phiếu với kết quả là bóng lại bể làm thị trường mất gần bốn ngàn tỷ đô la. Nhà nước Bắc Kinh lại bít lỗ hà thì ra lỗ hổng. Là chuyện Thứ Hai 27 vừa qua khi bàn tay thô bạo của nhà nước bị bàn tay vô hình của thị trường bẻ thêm một ngón. Còn chủ trương cải cách để áp dụng quy luật thị trường như thế hệ Tập-Lý đã hứa hẹn trở thành một khẩu hiệu lạc lõng.

Đâm ra thị trường lại trở thành đấu trường và trong những tháng sắp tới, chúng ta sẽ còn theo dõi trận đấu ngoạn mục này. Nếu người Hà Nội có ngủ quên mà vẫn coi mô hình Trung Quốc là mẫu mực thì sẽ còn bẽ bàng dài dài...

Viễn ảnh?

Một con tàu như Titanic thì không chìm lỉm trong chớp mắt như cái xuồng lá và khi chìm thì cũng gây ra một vòng xoáy nguy hiểm ở chung quanh.

Các thị trường quốc tế đang nhìn vào vòng xoáy đó để tìm ra mối liên hệ gần xa khi một đại gia như Trung Quốc bị đắm. Lạc quan thì bị suy trầm - có đà tăng trưởng thấp hơn - nặng thì bị suy thoái là tăng trưởng âm, tức là bị khủng hoảng và vỡ nợ dây chuyền. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm.

Ngay trước mắt, khi kinh tế suy trầm thì yếu tố cung cầu khiến các nước bán nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế Trung Quốc đều lâm nạn. Yếu tố ấy giải thích vì sao các thương phẩm đều sụt giá mạnh, kể cả dầu thô. Hoa Kỳ chẳng lệ thuộc nặng vào xuất cảng, như Đức hay Trung Quốc, mà còn chóng mặt vì dầu thô sụt giá - mất toi 150 ngàn công việc kể từ đỉnh cao năm ngoái. Nếu kinh tế Đức và Trung Quốc cùng suy trầm, chưa kể hiệu ứng Hy Lạp vẫn còn đe dọa, Mỹ kim là nơi ẩn trốn an toàn hơn cả, đô la lại lên giá và Hoa Kỳ sẽ lại là bãi đáp an toàn hơn cả...

Và đấy cũng là mối nguy khác cho Bắc Kinh vì lỡ neo đồng bạc vào tiền Mỹ. Thoi thóp còn dài.

Nguyễn-Xuân Nghĩa

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét