Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng David Cameron đã xuất hiện trên nhiều báo lớn tại Anh trong hai ngày qua.
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một thủ tướng Anh đương nhiệm được miêu tả là nỗ lực của Số 10 Phố Downing nhằm mở rộng quan hệ thương mại ra ngoài phạm vi khu vực EU, vốn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế.
Các báo này cũng cho rằng chuyến đi của ông David Cameron cho thấy sự chuyển hóa đang diễn ra đối với nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh, giúp mở ra nhiều cơ hội cho đất nước cũng như các doanh nghiệp Anh quốc.
BBC điểm lại một số tường thuật và nhận định đáng chú ý:
Thắng lợi của chủ nghĩa tư bản
Trong bài đăng ngày 29/7, báo The Guardian nhận định dù Việt Nam là "một trong năm nước cộng sản cuối cùng trên thế giới", với "chế độ độc tài chà đạp lên nhân quyền", ông Cameron "rõ ràng đang nghĩ rằng đây là một chế độ mà ông có thể hợp tác".
"Nếu nhìn vào cuộc diễu hành dưới cơn mưa ngay trước mặt ngài thủ tướng, có thể thấy quân đội [Việt Nam] có tính kỷ luật rất cao và đông đảo. Không lạ gì khi nhiều người trong số họ là con cháu của các cựu binh từng đánh bại quân đội Hoa Kỳ 40 năm trước", bài báo viết.
"Ông Cameron chỉ mới 8 tuổi khi cuộc chiến kết thúc, vì vậy những cuộc biểu tình của phe cánh tả phản đối chiến tranh Việt Nam, bên ngoài tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Quảng trường Grosvenor, không có ý nghĩa gì đối với ông".
"Quyết định gây tranh cãi của [Cựu Thủ tướng] Harold Wilson về việc không tham gia cuộc chiến với Hoa Kỳ ... hầu như không để lại gì nhiều trong ông."
Theo The Guardian, đây là lý do chính phủ Anh "không muốn phán xét cuộc chiến" trong chuyến công du lần này của ông Cameron.
Dù chính trị tại Việt Nam 40 năm qua không có nhiều thay đổi ... nhưng Việt Nam đã và đang áp dụng một nền tư bản sòng bạc (ám chỉ hệ thống tài chính với những quyết sách liều lĩnh), báo này viết.
"Tòa nhà nơi các binh sỹ và mật vụ CIA của Hoa Kỳ lên trực thăng để rời khỏi Việt Nam vào cuối cuộc chiến giờ đây là một khu mua sắm xa xỉ, bán những mặt hàng của Burberry".
"Dù Hoa Kỳ đã thua trận đánh bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi chủ nghĩa cộng sản, nhưng chủ nghĩa tư bản của nước này có lẽ sẽ giành thắng lợi trong cả cuộc chiến."
Mục tiêu chính trong chuyến thăm Việt Nam của ông Cameron, theo The Guardian, là "giúp Anh Quốc tiếp cận với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á".
Thủ tướng Anh đã gọi tốc độ chuyển hóa của nền kinh tế là '"phi thường", báo này nói.
The Guardian dẫn số liệu cho biết mức tăng trưởng bình quân trên đầu người tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2010 là 350%.
"Kinh tế nước này hiện đang tăng trưởng 6% một năm và được dự đoán là một trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới", theo bài viết.
Khuyến khích cải cách chính trị
Báo The Telegraph trong bài ngày 29/7 nói chuyến thăm của ông Cameron diễn ra giữa lúc "quốc gia độc đảng này đang ngày càng trở nên thịnh vượng và bước từng bước ra khỏi sự cô lập".
"40 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ông Cameron đã đến Việt Nam cùng với một đoàn đại biểu bao gồm các đại diện doanh nghiệp Anh để chốt lại một thỏa thuận bán động cơ máy bay, đồng thời để chúc mừng nước này đã không còn phải phụ thuộc vào viện trợ của Anh", báo này tường thuật.
Ông Cameron cũng đã "nhẹ nhàng khuyến khích đảng cầm quyền thúc đẩy cải cách chính trị", Telegraph cho biết.
"Đây là một đất nước đang trỗi dậy, với dân cư trẻ trung, năng động và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng. Điều đó mở ra nhiều cơ hội cho đất nước cũng như các doanh nghiệp Anh quốc," báo này dẫn lời ông Cameron nói.
"Khi cuộc chiến kết thúc, ông Cameron là một học sinh 8 tuổi tại trường tiểu học Heatherdown ở Berkshire, trong khi người đồng cấp Nguyễn Tấn Dũng đã bị thương trên chiến trường bốn lần," bài viết có đoạn.
"Ông Dũng đã chào đón ông Cameron đến Việt Nam với tư cách "một trong những đối tác kinh tế hàng đầu [của Việt Nam] tại châu Âu và trên thế giới".
Telegraph nhận định ông Cameron đang quyết tâm giảm sự lệ thuộc về thương mại của Anh quốc đối với châu Âu, và muốn nước này tăng cường đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng và cung cấp các sản phẩm tài chính tại Việt Nam.
Cũng theo báo này, ông Camera đã đặt câu hỏi về kế hoạch của Việt Nam nhằm đáp ứng sự trỗi dậy của mạng xã hội, và đề nghị nước này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
'Cộng sản thích kinh doanh'
Hãng thông tấn Reuters trong bài ngày 29/7 cho rằng chuyến thăm Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác cho thấy Thủ tướng Anh "đang muốn mở rộng quan hệ thương mại của Anh quốc ra ngoài phạm vi châu Âu, vốn đang mắc kẹt trong khủng hoảng kinh tế."
"Giá trị thương mại với Việt Nam chỉ bằng 0,5% tổng giá trị thương mại toàn cầu của Anh quốc và tôi nghĩ điều đó cho thấy cơ hội to lớn trước mắt chúng ta," ông được Reuters dẫn lời nói tại một buổi họp báo.
"Tôi muốn đi xa hơn rất nhiều và tôi tin rằng vẫn còn nhiều điều chờ đón phía trước."
Bài viết của Reuters gọi Việt Nam là "quốc gia cộng sản nhưng lại ủng hộ kinh doanh", đồng thời dẫn số liệu cho biết Anh quốc hiện là nhà đầu tư từ EU lớn thứ ba tại Việt Nam, với tổng trị giá đầu vào khoảng 2,7 tỷ đôla.
Việt Nam đang thúc đẩy hàng loạt các biện pháp cải cách kinh tế, thu hút các công ty nước ngoài như Intel, Samsung và LG đến với khu vực sản xuất của nước này, kết hợp với việc theo đuổi nhiều thỏa thuận tự do thương mại giúp giảm thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn, Reuters cho biết.
Trong số này bao gồm hiệp định tự do thương mại với EU, vốn sẽ "mở ra nhiều cơ hội tốt" cho các doanh nghiệp của Anh quốc và Việt Nam, Reuters dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói trong cuộc gặp với ông Cameron.
'Dấu mốc quan trọng'
Chuyến thăm của ông Cameron cũng được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Việt Nam trong những ngày qua.
Đài Tiếng nói Việt Nam gọi chuyến thăm là sự kiện "rất đáng chú ý".
"Chuyến đi này cho thấy nước Anh coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực và chắc chắn sẽ đánh dấu bước phát triển mới, cao hơn và sâu hơn, trong quan hệ giữa Anh và Việt Nam," đài này nhận đinh.
"Hai nước đã hợp tác hiệu quả trong những lĩnh vực như đầu tư và đặc biệt là giáo dục và sắp tới có thể sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác như y tế, bán lẻ, an ninh quốc phòng … cho tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược. Đây là điều mà cả hai bên đều đang chờ đợi."
Trong khi đó, Thông tấn xã Việt Nam gọi đây là "dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt-Anh".
Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Cameron trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói "một trong những thành công của Việt Nam là tạo được môi trường ổn định để các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam".
"Ông hy vọng hai bên sẽ tăng cường hợp tác và đạt được nhiều thỏa thuận hơn nữa để thu hút đầu tư", TTXVN cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét