Pages

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Phong trào dân chủ đứng giữa Đảng cộng sản và nước Mỹ

Kính Hòa, phóng viên RFA

nhatrang1-622.jpg
Những người tranh đấu ôn hòa tham gia cuộc tuyệt thực đòi thả tù nhân lương tâm tại Nha Trang hôm 25/7.
Courtesy DLB



Không bao lâu sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 25/7 nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng những biện pháp cứng rắn đối với những người tranh đấu ôn hòa tham gia cuộc tuyệt thực đòi thả tù nhân lương tâm tại Nha Trang. Liệu sự nồng ấm lên giữa Đảng cộng sản Việt Nam và nước Mỹ có ảnh hưởng gì đến phong trào dân chủ hóa bên trong Việt Nam hay không?

Những cái nhìn trái chiều

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, một trong những người tham gia phong trào tuyệt thực bị đán áp tại Nha Trang cho biết quan điểm của bà về sự liên quan giữa quan hệ Việt Mỹ và cách cư xử của đảng cộng sản Việt Nam:
Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam có thể thả một vài tù nhân lương tâm, để đổi lấy quyền lợi chính trị cho mình. Nhưng bên cạnh đó, nếu các tổ chức xã hội dân sự, những người đấu tranh cho dân quyền độc lập sống tại Việt Nam mà có bất kỳ hành động nào kêu gọi ý thức về quyền con người dưới bất cứ hình thức nào đều sẽ bị đàn áp.
-Blogger Mẹ Nấm
“Quan niệm về sự xích lại với nhau trong quan hệ Việt Mỹ, từ trước tới giờ tôi vẫn không thay đổi quan điểm là sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào sau những tuyên bố. Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam có thể thả một vài tù nhân lương tâm, để đổi lấy quyền lợi chính trị cho mình. Nhưng bên cạnh đó, nếu các tổ chức xã hội dân sự, những người đấu tranh cho dân quyền độc lập sống tại Việt Nam mà có bất kỳ hành động nào kêu gọi ý thức về quyền con người dưới bất cứ hình thức nào đều sẽ bị đàn áp.”
Tuy nhiên một nhà hoạt động xã hội khác là Luật sư Nguyễn Văn Đài, thành viên của tổ chức Hội anh em dân chủ tại Hà Nội lại có cái nhìn khác. Ông lấy ví dụ về sự thay đổi trong cách cư xử của cơ quan anh ninh Việt Nam với tổ chức của ông:
“Cụ thể là đối với Hội anh em dân chủ chúng tôi. Đầu tháng tư năm 2013 chúng tôi thành lập. Trong suốt 2013, 2014 thì mỗi khi làm việc với họ thì họ cứ gây áp lực buộc Hội anh em dân chủ phải giải tán. Họ không chấp nhận bất kỳ sự hoạt động nào của mình ở Việt Nam. Trong năm nay gặp họ thì họ không có thái độ thù địch như là trước đây.”
Một nhà bất đồng chính kiến khác là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện sống ở Đà Lạt lại nêu ra những trở ngại mà phong trào dân chủ tại Việt Nam có thể sẽ gặp phải khi quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam trở nên hữu hảo hơn. Ông nói với chúng tôi:
“Khi đảng đã chủ động bắt tay với Hoa Kỳ thì dân chủ hãy liệu hồn, chứ không tốt cho dân chủ tí nào, mũi nhọn sẽ chĩa vào dân chủ. Bây giờ họ sẽ đàn áp khéo léo hơn, nhưng họ sẽ làm mạnh hơn trước. Phía Việt Nam cũng như phía Hoa Kỳ mở rộng liên kết với nhau một chút là bước cờ quốc tế mà họ phải đi chứ không liên quan gì đến dân chủ.Trước đây hai bên chưa thân nhau thì Hoa Kỳ có thể ép cộng sản Việt Nam về dân chủ và nhân quyền, nhưng bây giờ đã có quan hệ hữu hảo với đảng cộng sản Việt Nam, thì cái sức ép về dân chủ nhân quyền trước mắt là giảm đi.”
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng chia sẻ quan điểm của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu:
“Sự thân thiện giữa chính phủ Mỹ và đảng cộng sản Việt Nam sẽ gây ra một số trở ngại. Nó buộc những người tranh đấu cho quyền tự do của con người tại Việt Nam phải lùi một bước, bởi vì sự thừa nhận của chính phủ Mỹ đối với đảng cộng sản Việt Nam sẽ nâng cái tầm của đảng cộng sản lên một chút. Cộng đồng sẽ nhìn cái quan điểm và khái niệm của họ về quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, theo qui định của pháp luật bởi các điều luật vi hiến như điều 258, điều 245, nghị định 38, nghị định 72, nó sẽ được thừa nhận một cách bán công khai.”
150726165225_me_nam_624x351_menam_nocredit-400.jpg
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, một trong những người tham gia phong trào tuyệt thực bị hành hung chảy máu miệng. Courtesy photo.
Ông Hà Sĩ Phu cũng nêu lý do theo đó mà sự cải cách dân chủ không đi liền theo cuộc gặp gỡ Nguyễn Phú Trọng Obama:
“Ông ấy đi là cốt để giữ cho cái đảng của ông ấy, chứ không có liên quan gì đến dân chủ, không có giác ngộ dân chủ tí nào. Nhiều người đấu tranh cho dân chủ bảo rằng họ cũng là người chứ, họ cũng có xu thế dần dần dân chủ chứ, điều đó hoàn toàn nhầm. Trong đầu những người đảng viên như ông Nguyễn Phú Trọng, không bao giờ là người như vậy cả. Không bao giờ ông ấy thấy xu thế là phải dân chủ, và ngày càng phải dân chủ hơn đâu.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài thì lạc quan hơn, ông nói rằng điều quan trọng hiện nay nằm ở khả năng của phong trào dân chủ trong nước:
“Mặc dù những cái cơ bản nhất chưa thay đổi, nhưng mà cái không gian chính trị tức là cái điều kiện để mình hoạt động một cách an toàn hơn, phát triển hơn thì nó mở ra rồi. Vấn đề bây giờ nó phụ thuộc chính cái nội tại của phong trào dân chủ, với các tổ chức xã hội dân sự, chứ không phải chính quyền nữa. Chính quyền ở thế bị động còn mình ở thế chủ động rồi.”
Một học giả về quan hệ quốc tế là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm tại Hawaii cũng nêu ý kiến rằng hiện nay Hoa Kỳ cần Việt Nam trong bước đi chiến lược của họ cho nên họ có thể làm ngơ trước những vi phạm tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng ông lại hy vọng ở tầm mức cải cách chính sách, quan hệ Việt Mỹ ấm hơn sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington là khả quan:
“Nó tạo nên một môi trường mới. Trong môi trường mới này sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây, đối với xu hướng cải cách, xu hướng hiện đại hóa. Có thể nói là cái xu hướng bảo thủ, xu hướng chống phương Tây sẽ yếu đi và dần dần sẽ yếu hẳn ở Việt Nam.”

Tự do ở con đường xa

Tự do nó không đến từ những mối quan hệ và sự xích lại như vậy. Bởi vì khi anh bằng lòng với cái thứ tự do mà người ta nhả cho anh để người ta đổi lấy quyền lợi chính trị thì đó không phải là thứ tự do thật sự.
-TS Vũ Hồng Lâm
Ông Lâm cũng nói thêm là còn một yếu tố quan trọng cần phải kể đến nữa là sự thay đổi theo khuynh hướng dân chủ trong xã hội Việt Nam, nhất là ở thế hệ trẻ. Trong khi đó bà Như Quỳnh cho rằng hiện tại ý thức về dân chủ hãy còn thấp trong dân chúng Việt Nam và tự do phải giành lấy một cách khó nhọc chứ không đến chỉ sau một sự xích lại gần nhau về ngoại giao:
“Tự do nó không đến từ những mối quan hệ và sự xích lại như vậy. Bởi vì khi anh bằng lòng với cái thứ tự do mà người ta nhả cho anh để người ta đổi lấy quyền lợi chính trị thì đó không phải là thứ tự do thật sự. Cái thứ tự do đó phải được đổi lấy bằng sự tranh đấu của mỗi người. Bởi vì mỗi người muốn tự do thì nó mới có tự do. Không có một thứ tự do nào như thế, nhất là trong tình cảnh Việt Nam hiện nay khi mà ý thức về quyền tự do công dân của mỗi người không được phổ biến.”
Tuy nhiên bà cũng nói là bà ủng hộ một quan hệ rộng mở với nước Mỹ vì quốc gia này đại diện cho những giá trị dân chủ phổ quát mà nhân loại đang có. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói rằng:
“Đối với Hoa Kỳ hiện nay thì số một là phải cân bằng để chống Trung quốc. Thế còn dân chủ nhân quyền cũng là yêu cầu nhưng xếp xuống thứ hai, chứ không phải là không quan tâm, nhưng mà quan tâm ở mức độ thứ hai. Tức là về lâu dài quan hệ với Hoa Kỳ chắc chắn là cũng tốt hơn cho nhân quyền.”
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về mối quan tâm của người Mỹ trong tương lai về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm nói rằng bản ngã của nước Mỹ là người đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền và điều đó không bao giờ mất đi được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét