Pages

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Quốc hội kết thúc kỳ họp nhưng không ra nghị quyết về Biển Đông

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí mới.

Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí mới
 MSA/kienthuc.net




Quốc hội Việt Nam khóa 13 kết thúc kỳ họp thứ chín vào ngày 26 tháng 6 vừa qua sau hơn một tháng họp nhưng không ra nghị quyết về Biển Đông. Sau đó các đại biểu về địa phương gặp cử tri, cũng có người cho rằng Việt Nam hiện đang yếu nên không thể đương đầu với Trung Quốc.

Nhiều người dân quan tâm đến vấn đề Biển Đông không đồng ý với quan điểm của quốc hội như thế.
Lập luận của những người phản đối lập trường của quốc hội và đại biểu quốc hội trong chuyện Biển Đông như vừa qua là gì?
Sẽ ra nghị quyết Biển Đông khi cần thiết
Trong cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp quốc hội, chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo giới là tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hiện nay. Quốc hội tiếp tục theo dõi và sẽ có tuyên bố chính thức khi thấy cần thiết.
Theo nhiều người quan tâm tình hình tại khu vực Biển Đông hiện nay sau khi Trung Quốc chính thức tuyên bố hoàn thành việc cải tạo một số bãi đá thành đảo nhân tạo, thì thực tế như thế là quá nguy cấp đối với Việt Nam chứ không thể nói là chưa đến lúc cần thiết.
Facebooker Trần Bang từ Sài Gòn trình bày về vấn đề này:
“ Theo tôi Quốc hội Việt Nam không độc lập, phụ thuộc vào đảng nên chẳng qua chỉ là nơi để thực hiện các nghị quyết của đảng. Cho nên nói quốc hội Việt Nam đại diện cho dân Việt Nam thì không đúng lắm.
Còn việc ra nghị quyết về Biển Đông theo tôi không phải chậm trễ mà là quá chậm trễ. Ngay từ năm ngoái khi giàn khoan HD981 đưa vào Biển Đông vào ngày 1 tháng 5 năm ngoái, đến nay họ vẫn tiếp tục không ra nghị quyết. Trong khi đó nguyện vọng của nhân dân là quốc hội phải có tiếng nói để chứng minh rằng việc Trung Quốc cứ lấn tới ở Biển Đông là việc nghiêm trọng và nhân dân Việt Nam phải lên tiếng cho nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc biết việc Trung Quốc làm như thế là không chính đáng, tham lam, là sử dụng sức mạnh của một cường quốc mới nổi để ăn hiếp Việt Nam.”
Việc ra nghị quyết về Biển Đông theo tôi không phải chậm trễ mà là quá chậm trễ. Ngay từ năm ngoái khi giàn khoan HD981 đưa vào Biển Đông vào ngày 1 tháng 5 năm ngoái, đến nay họ vẫn tiếp tục không ra nghị quyết
Facebooker Trần Bang
Nhà nghiên cứu về Biển Đông, ông Trương Nhân Tuấn, từ Pháp cũng đưa ra những ý kiến về việc quốc hội Việt Nam qua mấy kỳ họp vẫn không có một nghị quyết nào về Biển Đông, mà trái lại còn cho chưa cần thiết:
Chương năm bản Hiến pháp nói về vai trò Quốc hội. Điều 13 nói về thẩm quyền của quốc hội, nguyên văn như sau :
Quốc hội có quyền: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;”
Sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của VN bị đe dọa. Những công trình mà TQ vừa xây xong, trong những ngày tới sẽ trở thành những căn cứ quân sự, không quân và hải quân, một số có thể trở thành những pháo đài trên biển. Tất cả các đảo hiện do VN kiểm soát đều bị các căn cứ này đe dọa. Trong khi tham vọng của TQ, họ không dấu diếm, là làm chủ 90% Biển Đông. Thời gian tới họ sẽ ra tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Vùng biển của VN cũng bị đe dọa sẽ mất cho TQ.

Quốc hội Việt Nam khóa 13 kỳ họp thứ chín ở Hà Nội
Quốc hội Việt Nam khóa 13 kỳ họp thứ chín ở Hà Nội

Trước một tình huống như vậy, nếu ta so sánh với Phi, thì ta thấy thái độ của đại biểu VN khi cho rằng chưa cần thiết để ra một nghị quyết về Biển Đông là vô trách nhiệm.
Theo tôi, hợp lý thì quốc hội phải cấp thời ra nghị quyết về Biển Đông, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Biển Đông, hoặc tuyên bố một biện pháp đặc biệt nào đó. Thí dụ kiện TQ ra Tòa. Hoặc là Quốc hội ra văn bản chính thức yêu cầu LHQ can thiệp, yêu cầu TQ “tôn trọng luật quốc tế”. Điều này dễ dàng thực hiện vì thời gian qua các viên chức Mỹ đã nhiều lần yêu cầu TQ phải tôn trọng luật lệ quốc tế.”
Không thể đánh lại Trung Quốc ?
Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, trong cuộc gặp cử tri thành phố Đà Nẵng sau kỳ họp quốc hội vào ngày 29 tháng 6 được báo chí trong nước trích dẫn nói rằng “ Chúng ta cũng đã nghĩ đến việc lấy lại, nhưng hiện nay thì chưa thể thực hiện được thì đời con cháu chúng ta sẽ làm việc đó. Bà con cử tri cũng hiểu cho các đồng chí lãnh đạo, không phải chúng ta lúc nào cũng hô hào đánh nhau. Hiện đã có phương án, giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Khi cần chúng ta sẽ ra nghị quyết và đã ra nghị quyết thì phải có hiệu lực’.
Trước một tình huống như vậy, nếu ta so sánh với Phi, thì ta thấy thái độ của đại biểu VN khi cho rằng chưa cần thiết để ra một nghị quyết về Biển Đông là vô trách nhiệm
ông Trương Nhân Tuấn
Cư dân mạng bàn tán xôm xao về bài phát biểu của phó chủ tịch quốc hội, thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn và có những phản ứng như trình bày của facebooker Trần Bang:
“ Điều này tôi có đọc lại một số báo thì thấy không hoàn toàn chính xác như Internet đưa. Còn nếu đúng như Internety đưa thì ông ấy không xứng đáng làm tướng, làm người dân Việt Nam cũng chưa được chứ đừng nói là làm tướng. Bởi vì như Internet đưa thì ông ta nói Trung Quốc mạnh lắm, mình không xâm phạm được nó. Nói như thế tức mình xâm phạm Trung Quốc, mà thực tế là Trung Quốc xâm phạm mình. Mình phải bảo vệ, bây giờ chúng ta chưa được mạnh thì chúng ta kêu gọi đồng bào, kêu gọi thế giới, tìm mọi biện pháp. Giống như chúng ta phải có Hội nghị Diên Hồng, kêu gọi người dân có kế gì hiến cho Nhà nước để đòi lại biển đảo. Trước mắt phải không để cho Trung Quốc xâm phạm nữa; sau đó chúng ta đòi lại từng phần đã mất. Phải kêu gọi như thế, ông ta là tướng khi kêu gọi phải ra được những ý như thế: chúng tôi cũng đã tìm cách đòi lại, lấy lại và trước mắt không cho Trung Quốc lấn tới nữa. Trung Quốc cứ nói hữu hảo mà cứ lấn tới hằng ngày, hằng giờ. Dân Việt Nam vẫn bị Trung Quốc xâm phạm. Ví dụ họ cấm không cho tàu thuyền của Việt Nam ra vùng Hoàng Sa từ tháng 6 đến tháng 8…
Về mặt pháp lý chúng ta hoàn toàn đủ sức chứ không yếu được. Mặt khác nếu thấy chưa đủ mạnh thì phải kêu gọi nhân dân, đồng bào, các nước ủng hộ chứ không thể nói yếu không dám chống giặc.”
Các biện pháp khả thỉ
Nhà nghiên cứu Biển Đông, Trương Nhân Tuấn, trình bày quan điểm về việc nhắc đến biện pháp chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tình hình hiện nay:
“ Mình đâu có yêu cầu Việt Nam đánh, Phi cũng đâu chủ trương đánh; không ai chủ trương đánh cả.
Mình phải sử dụng những biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép. Vấn đề là Việt Nam có dư thừa những phương tiện để sử dụng, để chống lại Trung Quốc một cách hợp lý thì họ không sử dụng ví dụ như Trọng tài Quốc tế, hay sử dụng diễn đàn của Liên hiệp quốc để yêu cầu Liên hiệp quốc đưa ra những nghị quyết để buộc Trung Quốc tôn trọng luật lệ. Hoặc là Việt Nam có thể thắt chặt đồng minh với Mỹ như Phi họ đang làm. Mục đích để tạo ra một thế đối trọng. Mình biết yếu không thể nào thắng được; nhưng từ bao lâu nay một nước yếu luôn liên minh với một nước mạnh khác để bảo vệ mình. Hành vi của Việt Nam hiện nay là thái độ tự cô lập mình. Thái độ này gọi là ‘tự sát’.”
Theo nhiều người dân ở Việt Nam thì họ cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải để cho dân chúng cùng tham gia lên tiếng về tình hình Biển Đông hiện nay. Đa số những người từng tham gia các lần biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trước đây đểu nêu chất vấn tại sao chính quyền Hà Nội lại mạnh tay đàn áp với người dân yêu nước; cũng như mạnh mẽ chỉ trích, tuyên truyền về các thế lực thù địch mà không nói đủ cho người dân trong nước và cả thế giới về tình hình nóng bỏng tại Biển Đông
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét