Pages

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Thị trường chứng khoán với màu sắc Trung Quốc

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Một ngưới Trung Quốc lo ngại nhìn vào giá của cổ phiếu (màu đỏ cho giá cả tăng cao và màu xanh lá cây cho giá xuống) tại một trung tâm môi giới chứng khoán ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía đông của Trung Quốc, 19 Tháng sáu 2015.

Một ngưới Trung Quốc lo ngại nhìn vào giá của cổ phiếu (màu đỏ cho giá cả tăng cao và màu xanh lá cây cho giá xuống) tại một trung tâm môi giới chứng khoán ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía đông của Trung Quốc, 19 Tháng sáu 2015.
 AFP



Thị trường chứng khoán của Trung Quốc đang bị dao động nặng sau khi sụt giá mất một phần năm trong hai tuần khiến Chính quyền phải hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng để kích thích. Giữa những bất trắc đang chờ đợi giới đầu tư, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu đặc tính của thị trường chứng khoán Trung Quốc qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin qúy thính giả theo dõi cuộc trao đổi do Nguyên Lam thực hiện sau đây.


Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Hôm Thứ Sáu 26, chỉ nội một ngày mà Chỉ số Phức hợp của thị trường Thượng Hải, là Shanghai Composite Index sụt 7,4%, tức là mất 19% từ đỉnh cao ngày 12 Tháng Sáu. Hai sàn giao dịch  cũng giảm tương tự là Thẩm Quyến mất 20% và ChiNext mất 27% so với đỉnh điểm vào đầu Tháng Sáu. Qua ngày Thứ Bảy 27, Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh đột ngột cắt lãi suất tài trợ 25 điểm cơ bản, tức là 0,25%, và hạ mức dự trữ pháp định xuống chỉ còn 2%. Vậy mà đến ngày Thứ Hai 29, các thị trường chứng khoán xứ này vẫn mất giá, tổng cộng là hơn một phần năm so với đỉnh cao của họ. Giới giao dịch cổ phiếu cho là thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu trào lưu sụt giá mà họ gọi là “bear market”, thị trường ủ rũ tựa con gấu. Qua ngày Thứ Ba30 thì các chỉ số đã tăng chút đỉnh, nhưng có thể là sẽ còn bị nhiều dao động trong thời gian tới. Vì vậy, xin ông phân tích cho thính giả của chúng ta những đặc điểm đáng chú ý của thị trường này và nếu có thể thì đưa ra vài tiến báo về chiều hướng tương lai.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói ngay là chúng ta đang bước vào một thị trường chẳng giống ai, xin gọi đó là “thị trường chứng khoán với màu sắc Trung Quốc”. Đặc tính đó là Bắc Kinh đánh cá về kinh tế với đồng tiền của người dân.
Nguyên Lam: Chúng tôi hiểu rằng ông vừa nêu một kết luận tổng hợp động thái Trung Quốc từ nhiều năm. Nếu vậy thì xin ông bắt đầu bằng sự kiện là trong vòng một năm 12 tháng vừa qua các thị trường chứng khoán xứ này đã tăng vọt gần gấp đôi trước khi bị sụt kể từ ngày 12 và nay đang ở giữa giai đoạn dao động. Thế đặc tính hay màu sắc Trung Quốc là gì ở trong trào lưu này?
Khi thị trường giảm giá mạnh thì nhà nước lại nhảy vào can thiệp để khích lệ tinh thần dân chúng. Đây là một đặc điểm của TQ vì các xứ khác ít khi để Bộ Tài Chính, Ngân hàng Trung ương hay Ủy ban Giao dịch Chứng khoán nhảy vào thị trường để làm sai lệch quy luật cung cầu và chiều hướng giá cả
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta phải lùi xa hơn thời khoảng một năm và nhìn sâu hơn vào quá khứ thì mới dám nói đến các đặc tính của thị trường này. Giữa năm 2007, tức là đúng tám năm về trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã có một vụ sụt giá mất 16% vào ngày 30 Tháng Năm, khi ấy dân Tầu chơi stock gọi là “sự biến 530”. Khi ấy, lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã có biện pháp can thiệp để khôi phục niềm tin của giới đầu tư qua quyết định thay đổi thuế suất đánh trên các nghiệp vụ giao dịch.
- Nhìn xa hơn vào toàn cảnh thì cứ giáp Tết Nguyên Đán là các thị trường chứng khoán của Tầu giảm giá vì dân đầu tư bán ra để lấy tiền về ăn Tết và mỗi khi thị trường giảm giá mạnh thì nhà nước lại nhảy vào can thiệp để khích lệ tinh thần dân chúng. Đây là một đặc điểm của Trung Quốc vì các xứ khác ít khi để Bộ Tài Chính, Ngân hàng Trung ương hay Ủy ban Giao dịch Chứng khoán nhảy vào thị trường để làm sai lệch quy luật cung cầu và chiều hướng giá cả. Người ta chỉ đảm bảo luật lệ minh bạch và áp dụng nhất quán để giới đầu tư và doanh nghiệp tính toán lợi hại trên một thị trường có mục tiêu cơ bản là huy động vốn cho doanh nghiệp. Vụ thị trường cổ phiếu  Tầu tăng giá trong năm qua và thật ra là lên gấp ba từ hơn ba năm qua cũng nằm trong đặc tính ấy.
Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra một nhận xét đáng chú ý là trào lưu tăng giá này đã khởi sự từ ba năm trước, chứ không phải từ một năm qua. Thưa ông, nguyên do nào hay biện pháp gì của Bắc Kinh đã thổi lên vụ tăng giá đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên nhìn vào biện pháp này thì thấy ra rủi ro ngày nay của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Giới quan sát gọi đây là “ảo thuật của Bắc Kinh”, tôi gọi đây là “xảo thuật moi tiền của nhà nước”.
- Từ năm 2010, Bắc Kinh đã cho nhà đầu tư vay tiền của các doanh nghiệp môi giới chứng khoán để mua cổ phiếu. Biện pháp giải tỏa này được mở rộng hơn từ năm 2012 và là động lực của vụ cổ phiếu lên giá. Chuyện nay nó hơi chuyên môn một chút nên ta cần giải thích thêm
- Một cách thông thường thì nhà đầu tư là người có tiền tiết kiệm không cần tiêu ngay nên mới đem khoản tiền gọi là dư dôi đó đi đầu tư. Thí dụ như vào thị trường cổ phiếu hay trái phiếu hoặc thị trường bất động sản, hoặc đơn giản nhất là ký thác vào một trương mục tiết kiệm ngân hàng để kiếm lời. Nguyên tắc an toàn ở đây là chỉ đầu tư và lấy rủi ro nếu mà dù mình có thua lỗ mất tiền thì sinh hoạt thường nhật của gia đình cũng không bị thiệt hại gì. Nhưng vì ham lời và tinh rằng thị trường sẽ còn lên giá, người ta mới đi vay tiền để đưa vào nghiệp vụ đầu tư đó.
Nguyên Lam: Thưa ông, Nguyên Lam xin hỏi ngay rằng người ta đi vay ở đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta có thể vay mượn trong gia đình bè bạn nhưng rất hiếm vì chẳng ai muốn cho người khác vay để đưa tiền vào một nghiệp vụ khó hiểu. Cũng chẳng ngân hàng nào cho thân chủ vay tiền để chơi stock vì không thẩm định được rủi ro của việc sử dụng và sinh lời. Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư cũng không thể gõ cửa một doanh nghiệp để bảo rằng tôi xin đưa tiền này ra mua cổ phiếu của quý vị. Họ cần các công ty chuyên môn làm nghiệp vụ trung gian là đưa tiền của nhà đầu tư mua cổ phiếu được giao dịch trên sàn chứng khoán mà các công ty này biết rất rõ tình hình giá cả. Vì biết rõ, các công ty làm nghiệp vụ môi giới chuyên môn này có thể cho nhà đầu tư vay tiền để mua thêm cổ phiếu. Người ta gọi đó là “margin lending” và nghiệp vụ giao địch bằng tiền đi vay thay vì bằng vốn riêng của nhà đầu tư được gọi là “margin trading”.
Nguyên Lam: Thế thì các công ty môi giới này không chỉ giúp thân chủ về mặt chuyên môn khi mua bán cổ phiếu và nhận tiền hoa hồng mà còn có thể là nhà tài trợ nghiệp vụ đầu tư nữa phải không? Thưa ông, như vậy thì họ lấy tiền ở đâu ra cho các thân chủ vay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi rất hay vì cho thấy cả chu trình vay trả rất nhiêu khê phức tạp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
- Các doanh nghiệp trung gian này có thể dùng vốn riêng để cho nhà đầu tư vay tiền đánh bạc mà tin rằng mình nắm vững tình hình lời lãi rủi ro vì là đánh bạc trên các sàn chứng khoán mà họ biết là lên giá hay xuống giá. Nếu thấy nhà đầu tư dùng tiền đi vay này chơi stock mà giá lại sụt tới gần giá mua lúc ban đầu thì họ có quyền đòi nhà đầu tư châm thêm vốn, đấy là trường hợp ta gọi là “margin call”. Khi nhà đầu tư lại hết tiền châm vốn vì giá sụt quá mạnh và cần đắp quá nhiều tiền thì doanh nghiệp trung gian có quyền bán ngay các cổ phiếu mất giá ấy để lấy lại tiền của họ.
Từ năm 2010, Bắc Kinh đã cho nhà đầu tư vay tiền của các doanh nghiệp môi giới chứng khoán để mua cổ phiếu. Biện pháp giải tỏa này được mở rộng hơn từ năm 2012 và là động lực của vụ cổ phiếu lên giá
Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nói cho dễ hiểu thì các doanh nghiệp trung gian biết rõ tình hình rủi ro nên có thể tài trợ cho nhà đầu tư. Nhưng, và đây mới là chuyện lý thú, khi quá nhiều nhà đầu tư muốn vay thì doanh nghiệp trung gian có thể đi vay ngân hàng để đem về cho thân chủ đầu tư đánh bạc và họ kiếm lời ở giữa.
Nguyên Lam: Ông nói như vậy có nghĩa là khi Bắc Kinh cho nhà đầu tư được phép vay tiền của doanh nghiệp làm dịch vụ môi giới thì cũng có nghĩa là cho dòng tiền của ngân hàng chảy vào thị trường chứng khoán qua các doanh nghiệp môi giới này? Nhưng vì sao Bắc Kinh lại làm như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy mới là câu hỏi then chốt và khiến ta liên hệ đến quyết định hạ lãi suất và giảm mức dự trữ pháp định mà Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh vừa công bố hôm 26.
- Lãnh đạo Trung Quốc tính như thế này: Khi thị trường địa ốc đã sa sút, họ muốn mở vòi tiền của các công ty môi giới và của các ngân hàng cho giới đầu tư đưa qua thị trường chứng khoán. Trên thị trường này, các doanh nghiệp cần huy động vốn và phát hành cổ phiếu cho giới đầu tư mua về để kiếm lời. Khi nhà đầu tư dễ vay tiền đưa vào thị trường, các doanh nghiệp dễ có thêm vốn để thanh toán các khoản nợ quá lớn của họ. Chúng ta không quên rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang có mức nợ rất cao, có thể lên tới 17 ngàn tỷ đô la, nên có nhu cầu trả nợ rất lớn.
- Khi giải tỏa điều kiện tài trợ cho giới đầu tư như vậy, Bắc Kinh đã thổi lên một trái bóng cổ phiếu nhờ phản ứng ham lời của người dân, là nhà đầu tư, và trái bóng đó mới giải thích việc cổ phiếu tăng vọt. Nếu mọi sự tốt đẹp, nhà đầu tư mà có lời thì có thêm tiền nâng mức tiêu thụ và kích thích kinh tế, đấy là điều mà giới kinh tế gọi là “hiệu ứng thịnh vượng” – wealth effect. Nó phù hợp với chủ trương chuyển hướng kinh tế về tiêu thụ và tạo ra một thành phần trung lưu khá giả sẽ ủng hộ chế độ. Còn các doanh nghiệp mắc nợ thì có thêm tiền trả nợ lại cho ngân hàng và các ngân hàng đỡ mất nợ và mọi việc đều tốt đẹp!
Khác với các nước văn minh chỉ đặt ra luật chơi bình đẳng có luật lệ nghiêm minh để thị trường tự do vận hành trong một khuôn khổ pháp định công khai, lãnh đạo Trung Quốc lại nhảy vào thị trường để điều tiết tài nguyên và lợi tức quốc dân theo chủ trương chính trị của họ
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thế nhưng nếu trái bóng đó bể thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy mới là câu hỏi ngàn vàng đang làm lãnh đạo Bắc Kinh mất ngủ!
- Chúng ta cần tạm nhắc lại cái gọi là bản sắc Trung Quốc trong thị trường chứng khoán đã, trước khi mình trở lại câu hỏi nhức nhối trên. Khác với các nước văn minh chỉ đặt ra luật chơi bình đẳng có luật lệ nghiêm minh để thị trường tự do vận hành trong một khuôn khổ pháp định công khai, lãnh đạo Trung Quốc lại nhảy vào thị trường để điều tiết tài nguyên và lợi tức quốc dân theo chủ trương chính trị của họ.
- Nhưng bản sắc Trung Quốc cũng bao gồm cả phản ứng ham lời và ưa đánh bạc của người dân. Khi được nhà nước mở cửa cho mình chơi stock, lại còn khuyến khích qua biện pháp tài trợ thì quả nhiên là thị trường lên giá vù vù. Người ta đánh giá thị trường này ở khái niệm gọi là “kết giá tư bản của thị trường” hay “market capitalization”, là nhân tổng số cổ phiếu với cái giá đương thời trên thị trường. Tính đến cuối năm ngoái thì kết giá này lên tới bốn ngàn năm trăm tỷ đô la, là vượt qua Nhật và chỉ thua Mỹ. Song song, vì phản ứng bày đàn, khi thấy cổ phiếu lên giá, dân Tầu ào ào nhảy vào đánh bạc kiếm lời, lại còn đi vay để đánh bạc mà có khi chẳng hiểu ra sự vận hành của thị trường chứng khoán là gì. Trung Quốc có 90 triệu nhà đầu tư như vậy, đa số là cò con, ra vào thị trường như vào sòng bạc. Họ có tiền mà không ký thác ngân hàng vì phân lời quá rẻ và đem vào sòng bài chứng khoán. Trong đó chừng 30% là tiền đi vay, là margin lending.
Nguyên Lam: Nếu vậy, khi truyền thông chuyên đề nói đến hiện tượng margin call mà ông gọi là châm vốn thì đấy có phải là chỉ dấu cho thấy thị trường đang dao động và trái bóng sẽ bể không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng và câu trả lời rõ rệt và dễ hiểu nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc đang có mức lời sa sút thì giá cổ phiếu của họ không thể tăng mãi như vậy. Và khi cổ phiếu sụt thì phản ứng bày đàn tất nhiên dẫn tới nạn bán tháo, làm nhà đầu tư mất vốn và các ngân hàng theo nhau mất nợ. Ta đang chứng kiến chuyện đó và vụ này sẽ kéo dài nhiều năm.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét