Pages

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

VNTB- Ba chuyến đi Mỹ của Phạm Quang Nghị, Phạm Bình Minh và Nguyễn Phú Trọng

TS Nguyễn Ngọc Sẵng (VNTB) Chuyến đi của Tổng Bí Thư Trọng có thể sẽ thiết lập cơ sở để đảng CSVN đóng vai trò quyết định trong các quan hệ quốc tế trong 5 năm tới sau cuộc bầu cử của đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.




Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ hai năm trở lại đây, những chuyến đi ngoại giao dồn dập của các giới chức Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung Cộng gây nhiều suy đoán về mối bang giao tay ba nầy, nhất là sự liên quan của Mỹ trong chiến thuật Xoay Trục sang Châu Á. Sau đây là vài ghi nhận của một số quan sát viên lưu tâm đến vấn đề Mỹ, Trung Cộng và Việt Nam.

Chuyến đi Mỹ của Phạm Quang Nghị

Trong năm 2014, báo chí đã ồn ào bàn tán về chuyến đi Mỹ của Phạm Quang Nghị với tư cách Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, trong khi Phạm Bình Minh đang chuẩn bị sang Mỹ để hội đàm với ngoại trưởng Kerry theo lời mời. Nhưng bất ngờ Bộ Chính Trị “chặn” Phạm Bình Minh lại và đưa Phạm Quang Nghị đi Mỹ. Ông Phạm Quang Nghị đã gặp một số giới chức cao cấp và chính khách Mỹ như Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman, ông Thomas Shannon, cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng Thống Obama Tony Blinken, kể cả quyền Chủ Tịch Thượng Viện Patrick Leahy, và Thượng nghị sĩ John McCain. Nhưng ngoại trưởng Kerry từ chối tiếp đón ông Nghị. 

Chuyến đi có thể mang theo thông điệp của người lãnh đạo đảng cộng sảnViệt Nam về vị trí của ông Nghị. Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cho chính quyền Mỹ thấy ông Phạm Quang Nghị là một ứng cử viên mà ông Trọng sẽ đề cử vào ghế Tổng Bí thư và chuyến đi cũng giúp ông Nghị học kinh nghiệm đối ngoại và cũng để chứng tỏ năng lực của ông khi tranh chức vụ Tổng Bí Thư đảng.

Phạm Quang Nghị, một người thuộc phe Nguyễn Phú Trọng, thân Trung Cộng, được cử đi Mỹ thay Phạm Bình Minh cũng có tác dụng như một liều thuốc an thần cho Trung Cộng. Tín hiệu này cho thấy phe bảo thủ trong đảng có vẻ muốn chủ động và trực tiếp hơn trong quan hệ với Mỹ.

Giáo sư Thayer cho rằng Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tỏ thái độ nhân nhượng Trung Cộng quá mức khi không đáp ứng lời mời của Ngoại trưởng Mỹ dành cho ông Phạm Bình Minh.

Báo chí Việt Nam tường thuật rằng tại các cuộc gặp gỡ với các giới chức cao cấp của Mỹ, ông Nghị yêu cầu Hoa Kỳ mở rộng thị trường cho các hàng hóa do Việt Nam sản xuất, hạ các rào cản thương mại, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam và thừa nhận nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Món quà lạ lùng mà ông Nghị “tặng” cho Thượng Nghị Sĩ John McCain, được coi là một sự lố bịch ngoại giao. Hai tấm ảnh chụp bia kỷ niệm chỗ bắn rơi máy bay của ông McCain, bia khắc ông McCain đang quỳ gối giơ tay đầu hàng và có dòng chữ “NGÀY 26 10 1967 TẠI HỒ TRÚC BẠCH QUÂN VÀ DÂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI BẮT SỐNG TÊN JOHN SNEY MA CAN THIẾU TÁ KHÔNG QUÂN MỸ LÁI CHIẾC MÁY A4 BỊ BẮN RƠI TẠI NHÀ MÁY ĐIỆN YÊN PHÚ. ĐÂY LÀ MỘT TRONG 12 CHIẾC MÁY BAY BỊ BẮN RƠI CÙNG NGÀY”.

Một món quà quái gở mà chưa có quốc gia văn minh nào tặng cho chủ nhà khi đến viếng, ngoại trừ người cộng sản Việt Nam. Món quà của người tiền văn minh! Cộng thêm sự kém cỏi về ngoại giao khi viết sai tên người nhận và vô lễ khi dùng từ “tên john sney”.

Chuyến đi Tàu của Phạm Bình Minh

Ông Phạm Bình Minh, con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, trước đây đã phản đối Hội nghị Thành Đô bán nước cho TC và đã cay đắng thốt lên: “thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự…”.

Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng, ông Dương Khiết Trì, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng CSVN, ông Phạm Bình Minh đã tới Bắc Kinh, tham dự phiên họp lần thứ 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam Trung Cộng ngày 17-19/6. Theo truyền thông trong nước, hai bên đã trao đổi về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Cộng, đàm phán và tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, cùng kiểm soát bất đồng trên biển. Hai bên cũng đồng ý thực hiện đầy đủ bản Tuyên Bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp thêm, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Buổi chiều ngày 18/6/2015, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, ông Phạm Bình Minh đã tiếp xúc với Thủ tướng Trung Cộng, ông Lý Khắc Cường. Vẫn theo truyền thông trong nước, hai bên tiếp tục đồng ý kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cùng ngày, ông Phạm Bình Minh đã gặp mặt Ngoại trưởng Trung Cộng, ông Vương Nghị.

Tức khắc ngay sau khi ký kết, nhiều tàu cá của Việt Nam ra khơi đánh bắt tại ngư trường truyền thống trên quần đảo Hoàng Sa, liên tiếp bị tàu của Trung Cộng đâm, cướp tài sản, ngư cụ, toàn bộ số hải sản đánh bắt được và hành xử thô bạo với ngư dân Việt Nam.

Ông Phạm Bình Minh ký các bản cam kết có hại cho VN theo lệnh của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương mà thực chất là VN thực hiện gần như vô điều kiện mọi yêu cầu của Trung Cộng.

Trong việc xây dựng, bồi cơi những bãi san hô, bãi đá ngầm, Trung Cộng tuyên bố việc xây dựng nhằm mục đích tuân thủ trách nghiệm và nghĩa vụ quốc tế bằng cách cung cấp các cơ sở mới để hỗ trợ, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nghiên cứu khoa học hải dương, quan sát khí tượng học, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải, dịch vụ sản xuất ngư nghiệp và các lĩnh vực khác. Đó là hành động thật, với giọng điệu giả mà Trung Cộng luôn lập lại trong bang giao quốc tế.

Trung Cộng lo rằng vì chuyện Biển Đông, Việt Nam rất có thể hoàn toàn ngả theo Mỹ. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đang có những ủng hộ nhất định đối với Việt Nam ở Biển Đông. Về lâu dài mong muốn Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á. (Đa Chiều).

Trung Cộng cũng muốn Việt Nam không lên tiếng trước những vi phạm luật quốc tế của họ ở Biển Đông để cô lập Philippines. Do đó Bắc Kinh thường truyền đạt thông điệp, chủ trương của họ về Biển Đông thông qua các kỳ họp của Ủy Ban Chỉ Đạo Quan Hệ Hợp Tác Việt Nam và Trung Cộng.

Ông Phạm Bình Minh đã ký bản Cam Kết không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông, thỏa thuận những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển giữa VN TC, đàm phán và tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, cùng kiểm soát bất đồng trên biển. Ông gián tiếp hợp thức hoá những hành động ngang ngược mà Trung Cộng đã làm.

Chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng

Tin tức từ trang mạng điện tử cho biết Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ với lời hứa hẹn là sẽ được Tổng thống Barack Obama đón tiếp theo nghi thức cao nhất dành cho các nguyên thủ.

Ông Trọng phải diện kiến Tập Cận Bình từ 7 đến 10/4 năm 2015 trước khi đi Mỹ hội kiến với Tổng Thống Obama Hoa Kỳ từ 7-9/7/2015. Chuyến viếng thăm TC của ông Trọng hứa hẹn gìn giữ mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục tốt đẹp trên căn bản 4 tốt và 16 chữ vàng. Trung Cộng có lẽ sẽ gây áp lực để Việt Nam không tiến hành các hành động pháp lý về tranh chấp trên biển Đông, không tiến quá gần Hoa Kỳ và có thể chỉ thị cho Việt Nam giới hạn việc tiếp nhận vũ khí từ Hoa Kỳ.

Phe lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng có lúc đưa ra những tuyên bố gây ấn tượng về dân chủ và pháp quyền, về luật phạt tù những kẻ ngăn cản tự do ngôn luận, về thí điểm diễn đàn trí thức phản biện. Nhưng kể từ sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng, gió đã đổi chiều. Có lẽ ông Trọng đã được ông Tập hứa hẹn điều gì đó, “chỉ bảo” hướng đi trong đại hội đảng lần thứ 12 sắp đến.

Có thể ông Tập đã “hà hơi” cho ông Trọng là phải nâng cao uy tín, giữ vững “nhóm thân Bắc Kinh” để tiếp tục khống chế Việt Nam, nắm vững VN trong chiến lược Biển Đông của Mỹ.

Nhiều người nghĩ rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng chỉ dám nhận lời thăm Mỹ sau khi thăm Trung Cộng. Ông cũng có thể đã nhận lệnh của Bắc Kinh, sau khi họ Tập đã tính toán kỹ kịch bản, đường đi nước bước để biến ông Trọng thành một con bài có lợi trong cuộc bang giao với Mỹ và cũng để dễ bề biến Việt Nam thành chư hầu của Trung Cộng.

Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Obama bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ được thiết lập năm 2013 đã tạo ra khuôn khổ cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, năng lực hàng hải, biến đổi khí hậu và môi trường, giáo dục và quyền con người.

Việt - Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy khai triển hiệu quả hơn nữa chín lĩnh vực ưu tiên của quan hệ đối tác toàn diện, từ chính trị đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, giáo dục, giao lưu nhân dân và các vấn đề khác. Về hợp tác đa phương, hai bên chia sẻ những lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời tiếp tục hợp tác trong các diễn đàn khu vực cấp cao Đông Á (EAS), Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF).

Những người lạc quan cho rằng đây là một cơ hội lớn để ông Trọng giữ quyền lực.

Chuyến đi của Tổng Bí Thư Trọng có thể sẽ thiết lập cơ sở để đảng CSVN đóng vai trò quyết định trong các quan hệ quốc tế trong 5 năm tới sau cuộc bầu cử của đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.


Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo thì hành trang Mỹ du của ông Trọng là "một chiếc va li trong đó cuộn tròn một con rắn Trung Cộng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét