Pages

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Đặng Kiên Trung - Con đường đổi mới, cải cách đi vào ngõ cụt?!

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/8 có bài viết ngắn “Không đổi mới, VN sẽ tụt hậu” của Mai Công Thành, ghi ý kiến Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu trong cuộc hội thảo khoa học ngày 28/8 về cải cách thể chế kinh tế VN để hội nhập và phát triển: “Đã đến lúc VN phải đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế… để đất nước phát triển tốt hơn, nhanh hơn…”. Trước đó, ngày 12/8 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong cuộc gặp 40 nhà doanh nghiệp tiêu biểu: “Cần đặt câu hỏi tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo. Bây giờ phải làm gì?” và nhấn mạnh: “Nhất định phải đổi mới mạnh mẽ hơn…” (Vietnamnet ngày 29/8).
          
 Những từ ngữ “đổi mới”, “cải cách”… các vị lãnh đạo lớn nhỏ ở trung ương phát biểu trên các diễn đàn người dân nghe đến phát chán nhưng chẳng thấy đâu! Con đường đổi mới, cải cách hầu như đi vào ngõ cụt, nền kinh tế đất nước vẫn  lụn bại, hàng triệu người dân vẫn nghèo đói, văn hóa - xã hội vẫn suy đồi, tội ác vẫn lộng hành, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” Đảng vẽ ra vẫn chỉ là giấc mơ; niềm tin người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng không chỉ giãm sút, mà tích tụ thành mâu thuẫn ngày càng gay gắt, tiếng kêu than, nguyền rũa và những hành động chống đối bằng bạo lực của người dân đối với chính quyền diển ra đó đây chưa từng thấy!
         
 Với thể chế chính trị và đường lối kinh tế của Đảng hiện nay như đi trong đường hầm không lối thoát, trong nước nhìn đâu cũng thấy rối ren, trong khi Trung Quốc vẫn hung hăng xâm lấn biển đảo … ! Người dân theo dõi nhất cử nhất động của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng trông đợi một sự thay đổi, bàn ra tán vào với tâm trạng vui buồn, hoài nghi, hy vọng! Như chuyến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, người dân đón nhận những gì diển ra như làn gió mát thổi vào lòng đang bức bối trước vận nước, mong chờ ở ông một sự thay đổi, nhưng khi về nước nghe các ý kiến phát biểu của ông thì vẫn là Nguyễn Phú Trọng thuở nào! Hay với Thủ tướng Nguyễn Tán Dũng, khi nghe thông điệp đầu năm 2014 và ý kiến phát biểu đối với Quân đội, Công an trung thành với Tổ quốc trước trung thành với Đảng… người dân lóe lên niềm hy vọng một sự chuyển biến mới nào đó, nhưng khi thấy quan điểm và cách hành xử những vấn đề chính trị hệ trọng trong nước, hay thái độ đối với Mỹ và Trung  Quốc ông thay đổi như màu da tắc kè không biết đâu mà lần, người dân lại thất vọng!
         
 Hiện tình Đất nước thúc bách “Đã đến lúc VN phải đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế…” như ý kiến Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Nhưng về đổi mới chính trị thì sao? Tôi cảm thấy các vị lãnh đạo cấp cao trung ương dường như né tránh vấn đề “nhạy cảm” nầy và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gần như không nghe thấy đề cập có đầu có đũa! Thực tiễn chứng minh cho dù đổi mới thể chế kinh tế với việc tái cấu trúc nền kinh tế và đề ra một số chính sách mới về kinh tế, có thể có tác động thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng chừng mực nào đó, nhưng rồi gặp đủ thứ rào cản, vướng mắc trong thể chế chính trị không vượt qua được, nền kinh tế cũng không phát triển suôn sẻ, bền vững! Bài học đổi mới kinh tế từ Đại hội VI năm 1986 của Đảng còn đó, khi ấy có ý kiến đề xuất với Đảng cần đổi mới chính trị song song với đổi mới kinh tế, nếu không như người què đi một chân làm sao đi nhanh và bền vững?
          
Những tháng ngày nầy trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh và Đại hội XII của Đảng đến gần, tôi đọc một số bài viết của các vị nhân sĩ, trí thức và các bậc lảo thành đầy tâm huyết đăng trên các trang mạng, cảnh báo thực trạng và tương lai u ám của đất nước, chỉ ra con đường đổi thay…! Tôi chú ý bài viết có tên Có lẽ vì chúng ta chưa đủ đau, đủ nhục của bà Song Chi. Những gì trong bài viết mô tả nhìn từ góc cạnh nào đó chẳng sai, tôi đọc có cảm giác như kim chích vào lòng, muốn thưa với  tác giả đôi điều: Là người trọn đời gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Đất nước, không phải bây giờ, mà nỗi “đau”, nỗi “nhục” của tôi từ khi “non sông liền một dãy” sau năm 1975, khi chứng kiến cảnh đất nước tan thương, lòng dân ly tán, cả triệu người ùn ùn bỏ nước ra đi… do những người nắm quyền sinh sát trong chế độ mới gây ra. Đến nay, nỗi “đau”, nỗi “nhục” của tôi đã lên đỉnh điểm, vì những lý do tôi chưa có thể nói, mà phải cam nén chặt vào lòng, nhưng tôi không vô cảm đối với Đất nước, mà hành xử mối quan hệ đối với Đất nước theo lương tâm của mình mách bảo… Những bạn bè, đồng chí cũ nhiều người cũng như tôi; với cán bộ, đảng viên đương chức cấp thấp hay đông đảo người dân bình thường, họ không phải không biết những gì diễn ra trên Đất nước nầy, nhưng vì chén cơm manh áo họ chịu thúc thủ! Còn với những người cầm quyền cấp cao trung ương, bà nói họ “chưa thấy đủ đau, đủ nhục” ư? Theo tôi, họ quá thấy đi chứ, nhưng vì quyền và lợi họ đang thụ hưởng sợ mất đi nên chấp nhận, không muốn bất kỳ đổi thay nào làm xáo trộn cuộc sống của họ; Tất nhiên không phải không có những người “mũ ni che tai”, chẳng biết “đau”, biết “nhục”, mà còn hãnh tiến trên nỗi “đau”, nỗi “nhục” của đồng loại!
          
Kết thúc bài viết, tác giả Song Chi mong “… bao giờ thì nỗi đau, nỗi nhục, nỗi giận dữ của chúng ta đủ mạnh để biến thành hành động?” như “Những người dân ở các nước XHCN Đông Âu cũ cho tới các nước Bắc Phi đã phải xuống đường thay đổi chế độ…”. Tôi thấy khả năng đó xa vời lắm bà Song Chi ơi, họa hoằng Việt Nam có một Góc-ba-chốp thì có lẽ…, nhưng hy vọng đó cũng mong manh không kém! Cầu trời điều tôi nói sai lầm!                                    

Tháng Tám – Mùa Thu 2015

Đặng Kiên Trung
                                                                                                                                                                     Tác giả gởi cho viet-studies ngày 31-8-15

(Viet-studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét